Những quy định cần biết khi thừa kế quyền tác giả

Quyền để lại thừa kế và quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ. Tài sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản. Trong bài viết này, NPLaw sẽ tập trung đề cập nội dung về thừa kế quyền tác giả đang được quan tâm hiện nay.

Những khái niệm cần biết trong thừa kế quyền tác giả

Sau đây, NPLaw xin chia sẻ một số khái niệm, quy định liên quan đến thừa kế quyền tác giả – một trong những quyền tài sản có giá trị trên thị trường hiện nay.

Tác giả là ai? - thừa kế quyền tác giả - nplaw.vn

Tác giả là ai?

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 22/2018/NĐ–CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ thì tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả.

Chủ sở hữu quyền tác giả là ai?

Theo quy định tại Điều 20 và Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản bao gồm: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Tổ chức, cá nhân có thể trở thành chủ sở hữu quyền tác giả trong các trường hợp sau:

  • Là tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.

  • Là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người của tổ chức mình hoặc giao kết hợp đồng sáng tạo tác phẩm với tác giả.

  • Được thừa kế quyền tác giả.

  • Được nhận chuyển nhượng quyền tác giả.

Sự khác nhau giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả?

Tiêu chí so sánh

Tác giả

(không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả)

Chủ sở hữu quyền tác giả

(không đồng thời là tác giả)

Chủ thể

Cá nhân

Tổ chức hoặc cá nhân

Vai trò

Là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.

Không phải là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm

Quyền

Có các quyền nhân thân đối với tác phẩm (trừ quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm)

Có các quyền tài sản đối với tác phẩm và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

Các loại tài sản được thừa kế quyền tác giả

Các tác phẩm là đối tượng của quyền tác giả được thừa kế phải thuộc một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học: 

  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

  • Tác phẩm báo chí;

  • Tác phẩm âm nhạc;

  • Tác phẩm sân khấu;

  • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự;

  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

  • Tác phẩm nhiếp ảnh;

  • Tác phẩm kiến trúc;

  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

b) Tác phẩm phái sinh từ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học: Tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Người thừa kế quyền tác giả có quyền nào?

Theo quy định tại Điều 40 Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền sau:

  • Các quyền tài sản bao gồm: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

  • Quyền nhân thân: Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

Lưu ý:

  • Các quyền nhân thân còn lại không được thừa kế.

  • Người thừa kế chỉ được thực hiện các quyền tác giả được thừa kế trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả còn lại tương ứng.

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Dân sự  năm 2015;

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019)

Quy định chung về thừa kế quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền lập di chúc để định đoạt quyền tác giả của mình. Nếu chủ sở hữu quyền tác giả không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng di chúc không đề cập đến việc định đoạt quyền tác giả hoặc di chúc không hợp pháp thì quyền tác giả sẽ được phân chia theo pháp luật.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm chủ sở hữu quyền tác giả chết - thừa kế quyền tác giả - nplaw.vn

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm chủ sở hữu quyền tác giả chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố chủ sở hữu quyền tác giả là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày chết được xác định trong quyết định của Tòa án. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền tài sản đối với tác phẩm và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm do người chết để lại.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là quyền tác giả là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Hồ sơ thừa kế quyền tác giả

Việc thừa kế quyền tác giả được thực hiện thông qua việc lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế giữa những người thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế như trường hợp các di sản thông thường khác.

Xem thêm tại: [dẫn link của bài viết về phân chia di sản thừa kế]

Các vấn đề thắc mắc thừa kế quyền tác giả

Câu hỏi 1: Có được đổi tên tác phẩm sau khi nhận thừa kế không?

Trả lời: Quyền đặt tên cho tác phẩm là quyền nhân thân của tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Theo quy định tại Điều 40 của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền này không được để thừa kế lại cho người khác. Vì vậy, sau khi nhận thừa kế quyền tác giả, người thừa kế không có quyền đổi tên tác phẩm.

Có được đổi tên tác phẩm sau khi nhận thừa kế không? - thừa kế quyền tác giả - nplaw.vnCâu hỏi 2: Có được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm không?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c, điểm d, khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sao chép tác phẩm, phân phối bản sao tác phẩm là các quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả. Các tổ chức, cá nhân khác khi thực hiện phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm nhưng có hành vi sao chép hoặc phân phối bản sao tác phẩm mà không được chủ sở hữu quyền tác giả đồng ý thì đây được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả và tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Các trường hợp ngoại lệ mà tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu quyền tác giả nhưng được sao chép tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân và sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, quy định ngoại lệ này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính.

Câu hỏi 3: Quyền tác giả sau khi thừa kế có được chuyển nhượng không?

Trả lời: Sau khi thừa kế quyền tác giả, người thừa kế sẽ trở thành chủ sở hữu quyền tác giả mới và có quyền chuyển nhượng quyền tác giả theo quy định tại Điều 45 của Luật Sở hữu trí tuệ. Các quyền được chuyển nhượng bao gồm các quyền về tài sản và quyền công bố/cho phép người khác công bố tác phẩm.

Trên đây là những chia sẻ của NPLaw về các nội dung liên quan đến thừa kế quyền tác giả. Để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất các thủ tục liên quan đến quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quý khách vui lòng liên hệ NPLaw để được giải đáp nhanh chóng.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP.Nha Trang, Khánh Hòa.

Hotline: 0913449968

Email: [email protected]