Những nữ tu góp phần thay đổi xã hội

 

Lịch sử đã ghi nhận nhiều vị nữ tu đã có những đóng góp to lớn, mang lại tác động tích cực cho sự phát triển của xã hội.

 

Thánh Amma Syncletica (316-400)

Thánh Syncletica là một trong các “mẹ của sa mạc”, hay còn gọi là Amma, chỉ nhóm các nữ tu sống khổ hạnh ở sa mạc thuộc Ai Cập, Israel và Syria vào thế kỷ 4-5. Tương truyền thánh nhân vốn là người đẹp nổi tiếng của thành Alexandria thời đó, nhưng từ nhỏ luôn một lòng hướng về Thiên Chúa. Sau khi cha mẹ mất, bà trao tặng mọi của cải cho người nghèo và bắt đầu đời sống khổ hạnh của một ẩn sĩ, theo gương thánh Antôn Sa mạc (Antôn Cả).

Vào thời điểm đó, các dòng tu vẫn chưa tồn tại, vì thế những phụ nữ muốn theo đuổi đời sống thánh hiến bắt đầu tìm đến với mẹ Syncletica, hy vọng có thể nhận được lời khuyên về khía cạnh tâm linh. Với những khả năng thiên bẩm và đức tin sâu sắc, thánh Syncletica đã dẫn dắt một thế hệ phụ nữ theo Chúa và nhiều người trong số họ bắt đầu sống cuộc đời ẩn tu. Thánh nhân hiểu rằng không phải người nào cũng sẵn sàng sống đời nghèo khó, nên bà vẫn giúp đỡ và trao cho họ những lời khuyên quý giá để tiếp tục linh hướng khi họ quay về với gia đình.

Người thời đó đã vinh danh mẹ Syncletica vì sự thông thái. Một số bài giảng của nữ tu được đưa vào quyển sách nổi tiếng Sayings of the Desert Fathers (tạm dịch: Lời của các giáo phụ sa mạc), được truyền từ thế hệ tín hữu này sang thế hệ tín hữu khác. Ðời sống tu trì của mẹ cũng giúp các dòng tu sau này xây dựng lối sống trong các tu viện như ngày nay.

 

Thánh Geneviève (422-500)

Thánh Geneviève đã quyết định dành trọn cuộc đời để phục vụ Chúa và tha nhân khi mới 7 tuổi, sau dịp được nghe thánh Germanus d’Auxerre đến Nanterre thuyết giảng và được ngài chọn ra trong đám đông để dự đoán về đời sống thánh thiện trong tương lai. Khi cha mẹ qua đời vào năm 15 tuổi, cô Geneviève rời Nanterre và chuyển đến Paris để trở thành nữ tu. Thánh Geneviève thật sự là một phụ nữ phi thường. Thánh nhân có thể nhìn thấu tâm hồn người đối diện, thường xuyên nhìn thấy các linh ảnh và trải nghiệm những điều bí ẩn. Ðiều này khiến nhiều người sợ hãi và có kẻ tìm cách ám sát bà. Thánh Germanus đã kiên trì bảo vệ nữ tu Geneviève cho đến khi những vụ công kích ngừng lại.

Những lời cầu nguyện và dự đoán của nữ thánh đã không ít lần cứu lấy thành Paris, đó cũng là lý do tại sao thánh Geneviève trở thành thánh quan thầy của thủ đô Pháp. Khi Paris bị chiếm đóng, vị nữ tu đã tìm cách vượt qua các vòng vây lính tráng để đưa về những con tàu chứa đầy lương thực, và thậm chí còn thương thuyết thành công để đối phương thả những người bị bắt. Vào năm 451, thánh Geneviève đã cảnh báo về Attila Rợ Hung và đội quân hùng hậu của đế quốc Hung Nô. Nữ thánh tổ chức các buổi cầu nguyện liên tục. Kết quả là hoàng đế Hung Nô bỏ qua Paris và rẽ xuống hướng nam đến Orleans. Nhiều thế kỷ sau này, nhờ lời chuyển cầu của thánh Geneviève, Paris qua được cơn đại dịch vào năm 1129.

 

Thánh Hildegard von Bingen (1098-1179)

Thánh Hildegard chào đời trong một gia đình giàu có của Ðức nhưng không may ốm yếu từ lúc lọt lòng. Bà bắt đầu nhìn thấy các linh ảnh khi mới lên 3, và cha mẹ buộc phải đưa con gái đến đan viện dòng Biển Ðức của thánh Jutta để nuôi lớn. Sau khi Hildegard trưởng thành, thánh Jutta trao gởi lại tu viện Disibodenberg cho học trò khi thánh nhân qua đời vào năm 1136. Những năng lực đặc biệt của viện mẫu Hildegard được lan truyền khỏi phạm vi đan viện. Sau đó, Ðức Giáo Hoàng Eugene II và thánh Bernard xứ Clairvaux đều công nhận các năng lực này.

Suốt cuộc đời mình, thánh Hildegard đã tư vấn cho các vua chúa, hoàng tử và nhiều tu sĩ của các dòng tu khác. Các tín hữu từ khắp châu Âu lặn lội đến nơi để thưa chuyện với vị viện mẫu. Thánh Hildegard còn được xem là nhà soạn nhạc kịch đầu tiên của thế giới, một học giả đóng góp to lớn vào nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, khoa học, tôn giáo và ngôn ngữ học. Bên cạnh vở nhạc kịch Ordo virtutum nổi tiếng, thánh nhân còn soạn ít nhất 69 tác phẩm âm nhạc, phát minh ngôn ngữ riêng và viết sách về y học cũng như thực vật học.

Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tuyên thánh cho viện mẫu Hildegard vào năm 2012. Ðây cũng là một trong 4 nữ Tiến sĩ Hội thánh.

 

Thánh Birgitta của Thụy Ðiển (1303-1373)

Birgitta sinh ra trong một gia đình quý tộc của Thụy Ðiển. Giống như thánh Hildegard, bà nhìn thấy các linh ảnh từ thuở. Tuy nhiên, bà không đi tu sớm, mà có cuộc hôn nhân mỹ mãn với một hoàng tử Thụy Ðiển. Họ trải qua 28 năm vợ chồng và có tổng cộng 8 người con, một trong số này là thánh Catherine của Thụy Ðiển. Birgitta là nữ quan của nữ hoàng cho đến khi con út của bà qua đời. Trước sự mất mát đầy đau khổ này, hai vợ chồng bà hành hương đến nhà thờ Thánh Olaf ở Trondhjem, Na Uy. Sau chuyến đi, bà và chồng rời cung đình, sống đời khiết tịnh. Người chồng qua đời tại một tu viện của dòng Xitô vào năm 1344. Sau đó bà trở thành nữ tu của đan viện Xitô Alvastra.

Trong suốt những năm tại tu viện, nữ tu Birgitta đã nhìn thấy các linh ảnh và mặc khải, và tiếp tục phát triển đời sống nội tâm của mình. Sau đó thánh nhân thành lập dòng Ba Ngôi (Brigettines); đả phá những hành vi bê bối của tầng lớp quý tộc, bao gồm nhà vua và hoàng hậu; đồng thời nổi tiếng vì những thị kiến và tiên tri. Thánh Birgitta cũng là một trong các thánh quan thầy của châu Âu vì đã có nhiều hoạt động vì tình hiệp nhất của các Kitô hữu.

 

Thánh Têrêsa thành Avila (1515-1582)

Thánh Têrêsa thành Avila (Tây Ban Nha) gia nhập dòng Cát Minh vào năm 20 tuổi. Sự kiện gây ảnh hưởng lớn đến thánh nhân xảy ra vào năm 1555, khi vị nữ tu đang cầu nguyện trước bức tượng Chúa Giêsu bị khổ hình và bắt đầu thấy những linh ảnh. Trước những chuyển biến bí ẩn này, thánh Têrêsa trải qua thời gian đau khổ trong lúc nỗ lực thích nghi với những điều huyền diệu bất ngờ xảy đến, nhưng may mắn thay, thánh Peter Alcántara và thánh Francis Borgia đã kịp thời dẫn dắt vị nữ tu trong giai đoạn khó khăn đó.

Thánh Têrêsa bắt đầu thực hiện việc cải cách dòng Cát Minh vào năm 1558. Lập tức, sơ vấp phải nhiều sự chống đối, nhưng Ðức Giáo Hoàng Piô IV đã cho phép nữ tu cải tổ dòng tu theo hướng tích cực hơn, trong cầu nguyện, sám hối và làm việc. Một tu viện mới của dòng Cát Minh được thành lập ở Avila vào năm 1562, áp dụng những cải cách của vị nữ tu. Thành công bước đầu đã tiếp thêm động lực để thánh Têrêsa mở thêm 16 cộng đoàn khác. Thánh Têrêsa nổi tiếng với tâm hồn tuyệt mỹ, là sự kết hợp giữa những điều huyền nhiệm, tính dí dỏm và vô cùng thực tế. Các tác phẩm của nữ thánh bao gồm một tự truyện; Con đường đến sự hoàn hảo; Lâu đài Nội tâm… Têrêsa được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nâng lên hàng Tiến sĩ Hội thánh năm 1970.

 

Thánh Têrêsa thành Lisieux (1873-1897)

Thánh Têrêsa thành Lisieux xuất thân từ một gia đình bần hàn trong một thị trấn nhỏ bé của Pháp. Cô gia nhập dòng Cát Minh vào năm 15 tuổi và qua đời vì bệnh lao phổi khi mới 24 tuổi. Về với Chúa khi còn rất trẻ nhưng vào thời điểm nữ tu qua đời, nhiều người trên khắp thế giới đã gọi sơ Têrêsa thành Lisieux là mẹ tinh thần. Quyển hồi ký “Câu chuyện của tâm hồn” hiện vẫn là một trong những hồi ký tâm linh được tìm đọc nhiều nhất mọi thời đại. Thánh Têrêsa thành Lisieux được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Tiến sĩ Hội thánh vào năm 1997.

Vị nữ thánh đặc biệt nổi tiếng với thông điệp: Ơn gọi của chúng ta là lòng yêu thương. Bất kỳ ai cũng có thể sống đời thánh thiện.

 

Thánh Mary Mackillop (1842-1909)

Thánh Mary Mackillop là con cả của hai vợ chồng người gốc Scotland ở Fitzroy (Úc). Cha mẹ cô luôn nỗ lực nuôi dạy 8 người con lớn lên cùng với đức tin. Tuy nhiên, vì hai ông bà không kiếm đủ thu nhập, Mary Mackillop bắt đầu làm việc từ năm 14 tuổi, và chỉ học xong tiểu học. Cô gặp được cha Julian Woods trong lúc ngài giảng dạy cho các trẻ em nghèo ở miền Nam Úc. 

Năm 1867, sơ Mary Mackillop và cha Woods sáng lập dòng Thánh Giuse Thánh Tâm, cũng là dòng tu đầu tiên do một người Úc lập ra. Linh đạo là sống đời tận hiến và phục vụ cho người nghèo, các trại mồ côi và trường học dành cho trẻ em thuộc gia đình kém điều kiện.

Ðối với châu Úc, nữ tu Mary Mackillop đã có những đóng góp rất lớn. Vào thời điểm thánh nhân được Chúa gọi về, đã có hơn 600 nữ tu của dòng Thánh Giuse Thánh Tâm tại Úc và New Zealand. Dòng điều hành 12 tổ chức từ thiện và 117 trường học. Ngày 19.1.1995, sơ Mary Mackillop trở thành người Úc đầu tiên được tuyên thánh.

 

Thánh Frances Xavier Cabrini (1850-1917)

Thánh Frances Xavier Cabrini là một nhà truyền giáo nhiệt thành trong lịch sử của Giáo hội. Vị nữ tu cũng là công dân Mỹ đầu tiên được tuyên thánh. Thánh Cabrini là con út trong số 13 người con của một gia đình ở Lombardy (Ý). Năm lên 13, Frances Cabrini tình cờ nghe được câu chuyện về một thừa sai ở Trung Quốc, và mơ ước lớn lên cũng sẽ trở thành một người như thế. Cô lần lượt xin học tại học viện của hai dòng, nhưng bị từ chối vì sức khỏe kém, hay bị bệnh. Cuối cùng, năm 24 tuổi, cô cũng gia nhập một dòng tu đang chăm lo cho trẻ mồ côi. Khi vị giám mục buộc phải đóng cửa cô nhi viện 6 năm sau đó, ngài đề nghị sơ thành lập dòng nữ chuyên về truyền giáo.

Dòng Truyền giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu đã ra đời sau đó trong một tu viện bỏ hoang của dòng Phan Sinh, và bề trên Frances Cabrini nhanh chóng được các nữ tu khác yêu mến vì lòng kính Chúa nhiệt thành và tràn trề nhiệt huyết cho sứ mệnh truyền giáo ở nước ngoài. Ðức Giáo Hoàng Lêô XII yêu cầu nữ tu chăm lo đời sống tinh thần cho những người Ý di dân ở New York (Mỹ). Bất chấp những trở ngại và khó khăn, sơ Frances Cabrini lần lượt mở nhiều trường học, cô nhi viện và bệnh viện trên khắp châu Mỹ.

“Chúng ta phải cầu nguyện không ngừng, vì sự cứu độ nhân loại chỉ do Chúa Giêsu, chứ không phụ thuộc sự thành công về vật chất của con người”, thánh Frances Cabrini từng nói.

 

Thánh Edith Stein (1891-1942)

Thánh Edith chào đời tại Breslau (Ðức) trong một gia đình Do Thái, nhưng đến năm 13 tuổi, cô vẫn là người vô thần. Edith vô cùng thông minh, từ nhỏ đã bị trường mầm non từ chối dạy học vì quá xuất sắc so với bạn đồng trang lứa. Tại Ðại học Göttingen, cô nghiên cứu triết học, cụ thể là hiện tượng học, và nhanh chóng nổi tiếng là một trong những triết gia trẻ tài năng nhất châu Âu. Trong quá trình nghiên cứu, Edith cảm thấy hứng thú với đức tin Công giáo. Khi tìm được quyển hồi ký của thánh Têrêsa thành Avila, cô chỉ mất một đêm để đọc xong quyển sách. Ngày hôm sau cô bắt đầu tìm hiểu về giáo lý. Sau một thời gian học đạo, cô được Rửa tội vào ngày 1.1.1922.

Ngay sau khi cải đạo sang Công giáo, cô muốn gia nhập tu viện của dòng Cát Minh, nhưng hoãn lại vì việc gia đình. Trong vòng 12 năm kế, Edith viết lách và giảng dạy, cho đến khi Hitler lên nắm quyền và chấm dứt sự nghiệp của cô, một người gốc Do Thái. Edith đi tu vào năm 1934 và lấy tên Têrêsa Benedicta Thánh Giá.

Cùng với sự trỗi dậy của Ðức Quốc xã, đời sống của người Do Thái càng tệ dần. Một bác sĩ đã tìm cách đưa sơ Edith đến tu viện Cát Minh ở Hà Lan vì ở Ðức trở nên quá nguy hiểm. Năm 1942, trước các cuộc biểu tình của người Công giáo chống Ðức Quốc xã, tất cả thành viên Do Thái của các dòng tu ở Hà Lan đều bị đưa đến các trại tập trung. Sơ Edith và chị của mình bị đưa đến trại tập trung Auschwitz, và họ đã thiệt mạng trong phòng hơi ngạt vào ngày 9.8 cùng năm.

Các tác phẩm của sơ Edith trong thời gian ở dòng Cát Minh được xuất bản và thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng sau khi thánh nhân qua đời. Vị nữ tu được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên thánh vào năm 1988.

 

Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)

Chào đời với tên gọi Agnes Gonxha Bojaxhiu tại Albania (hiện thuộc Macedonia), mẹ Têrêsa được nuôi dạy theo đức tin Công giáo và đến những năm cuối cấp 3 thì bắt đầu nhận ra ơn gọi. Năm 18 tuổi, cô Bojaxhiu quyết định gia nhập dòng Loretto và rời xa gia đình. Bề trên gởi sơ đến Ấn Ðộ phục vụ, và trong suốt 20 năm, nữ tu Bojaxhiu làm việc tại trường dành cho nữ sinh ở phía đông Calcutta (nay là Kolkata). Năm 1946, trong lúc trên xe lửa đến Darjeeling, vị nữ tu một lần nữa nhận được ơn gọi vô cùng đặc biệt: Thiên Chúa muốn sơ phụng sự cho những người nghèo nhất của giai cấp khốn cùng ở Kolkata, và dẫn dắt những người khác trên con đường bác ái của Chúa.

Vì thế, mẹ Têrêsa đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái; mở các mái ấm che chở trẻ mồ côi, mang đến nơi nương náu cuối cùng cho những con người đang hấp hối và người bị bệnh phong; và hơn hết là lan truyền cảm hứng về cái thiện cho thế giới. Mẹ Têrêsa cũng khuyến khích các nữ tu của mình duy trì đời sống tâm linh sâu sắc và thường xuyên cầu nguyện trong ngày.

Những đóng góp của mẹ Têrêsa và dòng Thừa sai Bác ái đã làm cả thế giới cảm động. Mẹ được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1979, trở thành biểu tượng của lòng khiêm cung, đức tin và sự liêm khiết trong một thế giới đầy rẫy hoài nghi và phức tạp. Án tuyên thánh của mẹ Têrêsa là một trong những quy trình ngắn nhất trong lịch sử Giáo hội. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho mẹ Têrêsa vào năm 2016, 19 năm sau khi mẹ về với Chúa. 

 

BẠCH LINH

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.