Những nữ doanh nhân thành đạt nhất trên thương trường Việt

Nhân vật

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, VietnamFinance giới thiệu tới độc giả chân dung 10 nữ doanh nhân thành đạt nhất trên thương trường Việt và được Forbes vinh danh trong top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, từng học tập tại Nga. Ít ai biết rằng nữ tỷ phú quyền lực này không chỉ tốt nghiệp 2 trường đại học với chuyên ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng; kinh tế mà còn từng học về nghệ thuật hiện đại. Bà Thảo cũng lấy bằng tiến sĩ kinh tế vào năm 27 tuổi.

Trở về Việt Nam từ Nga, bà Thảo góp vốn thành lập Techcombank và sau đó là VIB – 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tới năm 2008, bà đầu tư vào HDBank và trở thành Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng này cho tới nay.

Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng từ những ngày sơ khai, ngoài ra còn kinh doanh bất động sản, thế nhưng nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại được biết đến nhiều với tư cách CEO Vietjet Air.

Năm 2018 là năm vị nữ tỷ phú USD của Việt Nam nhận được nhiều sự công nhận từ quốc tế. Bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 (xếp ở vị trí thứ 44) của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.

“Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 tàu bay nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay, chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay. Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách”, CEO của Vietjet nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 tổ chức hồi giữa tháng 1.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Năm 2018 cũng là một năm thành công của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi cả Vietjet và HDBank đều ghi nhận kết quả kinh doanh rất ấn tượng.

Với Vietjet, hãng hàng không này đạt tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng trong năm qua, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

HDBank thậm chí còn gây ấn tượng hơn với mức tăng lợi nhuận trước thuế lên đến 66%, đạt 4.005 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG

Bà Nguyễn Thị Nga sinh ngày 17/8/1955 tại Hà Nội, từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á.

Trên thị trường tài chính – ngân hàng, bà Nga thường được gọi với cái tên thân mật là Madam Nga.

Người phụ nữ quyền lực nhất châu Á Nguyễn Thị Nga.

Trong danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2015, Forbes cũng đã xếp bà Nguyễn Thị Nga ở vị trí thứ 5. Miêu tả về bà Nga, Forbes viết: “Bà Nguyễn Thị Nga được biết đến như một trong những chủ doanh nghiệp tư nhân kỳ cựu có vị thế hàng đầu tại Hà Nội, với bề dày kinh doanh trên thương trường bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1980. Gia sản của bà Nga và gia đình tập trung vào bất động sản, du lịch, ngân hàng và kinh doanh thương mại”.

Bà Nga đã tạo dựng được một cơ nghiệp đồ sộ khi sở hữu tập đoàn đa ngành BRG, nắm giữ nhiều tại sản lớn như SeABank, 2 khách sạn do Hilton quản lý tại Hà Nội, 3 sân golf đi kèm với những khu nghỉ dưỡng, đồng thời là cổ đông chủ chốt tại Intimex Hà Nội, doanh nghiệp Nhà nước có khối bất động sản giá trị cao.

Ngoài vị trí quan trọng tại SeABank, bà Nga còn là Chủ tịch của Intimex Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn BRG, Chủ tịch HĐQT Hapro, Chủ tịch Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát và Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Du lịch dịch vụ Hà Nội.

Vào hồi tháng 5/2018, bà Nguyễn Thị Nga chính thức rời “ghế” chủ tịch HĐQT của SeABank mà bà đã giữ suốt 11 năm qua để giữ vị trí Phó chủ tịch thường trực.. Việc rời khỏi vị trí chủ tịch ngân hàng là tuân theo Luật tổ chức tín dụng mới, có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk

“Nữ tướng” ngành dược Phạm Thị Việt Nga nói về bà Mai Kiều Liên “quá bình dân dù bà đứng ở tầm cao”. “Bình dân từ cách nói chuyện, có sao nói vậy, nói những gì suy nghĩ từ tận đáy lòng, không dùng những từ hoa mĩ, bóng bẩy. Bình dân cả trong cách đối nhân xử thế với người đối diện”, bà Nga nói.

“Chị Liên là người phụ nữ thông minh, đôn hậu, chân thực nhưng quyết liệt, sáng tạo. Tôi nhớ các lần họp Trung ương khóa VIII, chị đều có những phát biểu sâu sắc, giúp Trung ương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII nhận xét.

“Nữ hoàng” ngành sữa Mai Kiều Liên.

Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Quê nội của bà ở Vị Thanh, trước thuộc Cần Thơ, nay thuộc Hậu Giang. Năm 1957, gia đình bà quyết định trở về Việt Nam cống hiến, không lâu sau khi Hiệp định Genève được ký kết.

Bà Mai Kiều Liên học tại trường Trưng Vương – Hà Nội, vào những năm chiến tranh khốc liệt phải sơ tán về nông thôn, học giữa bãi sông Hồng. Sau khi tốt nghiệp cấp III, bà sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và thịt tại Mat-xcơ-va.

Trở về nước, bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Bà cũng là người tiên phong trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sớm đưa Vinamilk trở thành DNNN đầu tiên cổ phần hóa với chiến lược phát triển đầy trí tuệ, kết hợp hài hòa giữa đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại song song với đào tạo nguồn nhân lực cùng mô hình điều hành, quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

Năm 2018, Vinamilk đạt lợi nhuận trước thuế 12.039 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.198 tỷ đồng.

“Nữ hoàng” ngành sữa này vẫn đang liên tục bổ sung thêm các sản phẩm sữa và ngoài sữa vào danh mục sản phẩm hiện đã rất đa dạng, trong đó đáng chú ý là sản phẩm sữa Organic và sản phẩm sữa A2.

“Ở đỉnh cao của sự phát triển, con người lại quay về với thiên nhiên”, bà Mai Kiều Liên nói về lý do Vinamilk đầu tư làm sữa Organic. Sau trang trại organic Đà Lạt, Vinamilk đang liên tục mở rộng vùng nuôi bò organic với các trang trại ở Thanh Hóa và Cần Thơ.

Bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm

Nữ chủ tịch sở hữu tài sản nghìn tỷ tại Tập đoàn Hoa Lâm.

Bà Trần Thị Lâm sinh năm 1959 tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Năm 1993, bà cùng chồng mình là ông Dương Ngọc Hòa bắt đầu sự nghiệp với việc kinh doanh xe gắn máy từ hai bàn tay trắng.

Bằng những tìm tòi sáng tạo, năm 1998 bà độc quyền bán xe máy của hãng Daelim (Hàn Quốc), và một năm sau đó thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Nhất Nguyên, sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm).

Trong năm 1999, bà đã bán được khoảng gần 100.000 xe trong một năm với trên 300 công nhân và gần 200 cửa hàng, đại lý bán xe trên toàn quốc đạt doanh thu và đóng thuế hàng nghìn tỷ.

Không dừng lại ở việc kinh doanh xe máy, bà Lâm là người đầu tiên khôi phục và sáng lập Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), sau đó vươn sang lĩnh vực bất động sản.

Hiện nay, Tập đoàn Hoa Lâm đang sở hữu và đầu tư một số dự án bất động sản ở trung tâm TP. HCM, trong đó có cao ốc Lim Tower 1 và 2, tòa nhà VietBank, khu dân cư 2-3-4 phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), dự án văn phòng kết hợp khu thương mại căn hộ 1,6ha nằm liền kề khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi và khu du lịch làng Chài ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…

Năm 2008, Hoa Lâm được Thủ tướng Chính phủ giao 37,5ha đất tại khu Tên Lửa quận Bình Tân (TP. HCM) để xây dựng “Thành phố y tế” với 6 bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế và nhiều trung tâm dịch vụ đi kèm phục vụ khu này.

Khu Y tế kỹ thuật cao ra đời với liên doanh Hoa Lâm – Shangri La được thành lập có tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Liên tiếp những năm sau đó, Hoa Lâm thành công khi mời được các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản…tham gia các dự án trung tâm thương mại, thực phẩm, đào tạo nhân sự tại Khu y tế kỹ thuật cao.

Tháng 7/2015, Hoa Lâm khởi công xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm – theo mô hình PPP công tư kết hợp giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115. Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm là bệnh viện thứ 2 trong tổng số 6 bệnh viện quy hoạch trong Khu Y tế kỹ thuật cao.

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacABank

Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, từng là cán bộ Ban vật giá tài chính Hải Phòng từ năm 1982 đến 1985. Sau đó bà làm cán bộ kế toán tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An. Đến năm 1989, bà làm Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hương Hà.

Cuối năm 2017, sau gần 10 năm gắn bó với TH True Milk, bà Thái Hương  đã rời ghế chủ tịch HĐQT tập đoàn này để đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), theo quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ bà Hương, bà vẫn tiếp tục làm cố vấn cho TH True Milk trong thời gian tiếp theo.

Nữ doanh nhân Thái Hương.

Dưới sự điều hành của nữ doanh nhân Thái Hương, năm 2018, BacABank gây ấn tượng với lợi nhuận trước thuế 842 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức thấp, chỉ 0,76%. Tổng tài sản 97.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ở mức gần 64.000 tỷ đồng.

Một trong những sự kiện quan trọng gắn liền với bà Thái Hương trong năm 2018 là việc Tập đoàn TH chính thức khởi công nhà máy chế biến sữa công suất 1.500 tấn/ngày tại Kaluga, Liên bang Nga.

Năm vừa qua cũng là năm bà Thái Hương tiếp tục đón tin vui về kết quả kinh doanh. Theo số liệu đo lường bán lẻ toàn thị trường thành thị do Nielsen cung cấp thì trong 11 tháng đầu năm 2018, sữa TH True Milk tăng trưởng gần 22% về sản lượng (trong khi cả ngành hàng sữa nước hầu như không tăng), tăng trưởng 30% về doanh thu. Tới nay thị phần của TH True Milk trong phân khúc sữa tươi tại các kênh bán lẻ thành thị đạt gần 40%.

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung

Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi, trong một gia đình khá giả. Bà và ông Trần Phương Bình có 3 người con gái, đều du học tại Mỹ.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, người phụ nữ quyền lực bậc nhất ngành kim hoàn Việt Nam.

Bà hiện đang nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). “Chiếc ghế nóng” này đã được bà nắm giữ tròn 10 năm (từ năm 2004 đến nay).

Ngoài ra, bà còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý ở những doanh nghiệp khác mà PNJ là cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á – chức vụ này, bà nắm giữ với “thâm niên” còn lâu hơn cả tại PNJ.

Trước đấy bà còn đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt… và nhiều vị trí ở những công ty khác nhau.

Ít người biết rằng, “đế chế trang sức” PNJ từng cán mốc doanh thu 10.000 tỷ vào năm 2009, tiếp tục tăng lên gần 14.000 tỷ vào năm 2010 và cán mốc 18.000 tỷ vào năm 2011.

Năm 2017, PNJ mới trở lại mốc “doanh thu vạn tỷ” với 11.049 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận đã gấp 3,3 lần năm 2009, gấp 3,4 lần năm 2010 và gấp 2,9 lần năm 2011. Hay theo cách tính toán khác, lợi nhuận năm 2017 của PNJ cao hơn lợi nhuận của cả năm 2009, năm 2010 và năm 2011 cộng lại.

Thành quả ấy gắn liền với sóng gió cuộc đời và nỗ lực thay đổi PNJ của một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á – bà Cao Thị Ngọc Dung.

Hiện, thị phần PNJ đang bỏ xa các thương hiệu cùng ngành với hệ thống phân phối gần 300 cửa hàng ở khắp 48 tỉnh, thành trong cả nước. Trang sức PNJ cũng được xuất khẩu sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tham vọng lớn nhất của “nữ tướng”  Cao Thị Ngọc Dung là đưa PNJ trở thành một tập đoàn bán lẻ trang sức hàng đầu trong khu vực.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn (VHC)

Sinh ra và lớn lên tại An Giang, sau khi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế, bà Trương Thị Lệ Khanh vào làm việc ở Sở Tài chính An Giang.

Chỉ 3 năm sau đó, bà được cử làm Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Đến năm 1997, sau khi giữ nhiều chức vụ quan trọng tại những đơn vị khác nhau, bà ra riêng thành lập Vĩnh Hoàn.

“Nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh.

Thành lập xí nghiệp được 2 năm, bà Khanh đã nhanh chóng xây dựng thêm nhà máy sản xuất chế biến cá tra tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đến năm 2005, công ty bắt đầu cải tiến và nâng cấp nhà máy với hệ thống băng chuyền tự động hoàn toàn mới để tiết giảm chi phí sản xuất.

Năm 2006, Vĩnh Hoàn bắt đầu đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu với 2 vùng nuôi rộng lớn ở Tân Thuận Tây và Tân Hòa (Đồng Tháp). Ngoài ra, Vĩnh Hoàn còn đầu tư đất cho doanh nghiệp khác thuê ao nuôi cá, sau đó công ty thu mua lại với giá thị trường.

Vào năm 2007, Vĩnh Hoàn chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thời điểm đó, số vốn của công ty đã là 300 tỷ đồng, gấp 1.000 lần so với con số 300 triệu đồng ngày mới thành lập.

Dưới sự lãnh đạo của bà Khanh, Vĩnh Hoàn từ một xưởng sản xuất nhỏ vào năm 1997 đã trở thành công ty phát triển vượt bậc trong ngành thủy sản bằng mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng và sản xuất xuất khẩu.

Không dừng ở xuất khẩu cá tra, bà Khanh quyết định đưa công ty nhảy sang kinh doanh nhiều sản phẩm khác, đã xây dựng thêm nhiều dự án gồm 2 nhà máy gạo, 1 nhà máy chiết xuất collagen và 1 nhà máy chế biến thủy sản mới.

Vĩnh Hoàn cũng đã đã đầu tư hơn 420 tỷ đồng để thành lập Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen 5 sản xuất chế biến collagen cung cấp cho ngành mỹ phẩm và thực phẩm vào đầu năm 2014.

Năm 2018, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn vô cùng khả quan. Kết thúc quý IV/2018, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 416 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận này gấp hàng chục lần “vua cá tra” Hùng Vương một thời.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail 

Bà Nguyễn Bạch Điệp, sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mở TP. HCM ngành Quản trị kinh doanh.

Nổi tiếng với biệt danh “người đàn bà thép”, bà Nguyễn Bạch Điệp đã có hơn 18 năm gắn bó với tập đoàn FPT. Trước khi dấn thân vào ngành bán lẻ, bà Điệp đã trải qua các vị trí lãnh đạo ở nhiều đơn vị của FPT như Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), Công ty công nghệ di động FPT, Công ty viễn thông FPT…

CEO Nguyễn Bạch Điệp nổi tiếng với biệt danh “Người đàn bà thép”

Đến năm 2011, sau khi dự án đang theo đuổi bị đóng cửa vào phút cuối do tập đoàn thay đổi định hướng, bà Điệp đã chọn đến với FPT Retail – một bộ phận rất nhỏ của FPT vào thời điểm đó.

Nhiệm vụ lớn đầu tiên của Nguyễn Bạch Điệp tại đơn vị mới là thuyết phục Hội đồng quản trị tập đoàn chấp thuận kế hoạch phát triển FPT Shop.

Dưới sự lãnh đạo của “nữ tướng” Bạch Điệp, từ 2 cửa hàng ban đầu, đến nay FPT Shop đã có 400 cửa hàng trên cả nước. Năm 2014, FPT Retail không chỉ đạt đến điểm hòa vốn như kế hoạch mà còn lãi 40 tỷ đồng.

Năm 2018, doanh thu của FPT Retail đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017 (phần lớn doanh thu của FPT Retail hiện đến từ FPT Shop).

Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood

Bà Trần Thị Lệ tốt nghiệp Đại học Y (Tây Nguyên) rồi vào TP. HCM làm trợ lý Giám đốc Điều hành của cơ sở thực phẩm Đồng Tâm. Đến năm 2000, cơ sở này phát triển thành Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) và bà được cất nhắc lên làm Giám đốc.

Năm 2007, khi đang là một ngôi sao trên thị trường sữa Việt Nam, NutiFood nuôi một tham vọng lớn hơn. Hãng này nổi lên nhờ hiệu quả từ sản phẩm sữa đặc trị và việc quảng cáo truyền miệng của các mẹ “bỉm sữa”.

Thế nhưng, việc mở rộng đầu tư rơi vào đúng thời điểm giá nguyên liệu đầu vào của ngành sữa tăng vọt. Cộng với đó là sự thất bại của việc giới thiệu các sản phẩm mới vào đúng lúc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng đã đẩy NutiFood rơi vào cảnh thua lỗ.

Chỉ sau 1 năm, theo yêu cầu của HĐQT, bà Trần Thị Lệ quay trở lại với vai trò Tổng giám đốc điều hành và NutiFood bắt đầu có lãi năm 2009, nhưng vẫn chưa bù đắp được khoản lỗ luỹ kế trong nhiều năm sau.

Tổng giám đốc NutiFood Trần Thị Lệ.

Đến năm 2011, các cổ đông lớn dần dần thoái vốn, ông Trần Thanh Hải (chồng bà Lệ – lúc đó vẫn là Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Đất Thắng) mua lại phần vốn góp, trở thành Chủ tịch HĐQT NutiFood.

Vào tháng 10/2013, NutiFood bắt tay với Bầu Đức trong lĩnh vực bóng đá, với trị giá hợp tác trên 20 tỷ đồng, nhằm quảng bá thương hiệu NutiFood giai đoạn 2013-2017, đưa hình ảnh thương hiệu xuất hiện trong các hoạt động của HAGL và sử dụng hình ảnh của câu lạc bộ HAGL Arsenal JMG phục vụ quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Cuối tháng 12/2015, NutiFood đã đặt bút ký vào bản hợp đồng có giá trị 15 tỷ đồng/năm và kéo dài cho đến 3 năm với HAGL, tuy nhiên NutiFood đã ngừng tài trợ cho HAGL trong 2 năm còn lại.

Năm 2014, ông Hải cùng Bầu Đức làm dự án nuôi bò, xây dựng nhà máy sữa tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku, Gia Lai) tổng kinh phí cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó HAGL đầu tư 6.300 tỷ với số lượng 120 nghìn con còn NutiFood đầu tư xây dựng nhà máy sữa tươi tại Gia Lai với kinh phí 5.000 tỷ, công suất 500 triệu lít sữa/năm, bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ trang trại HAGL.

Ngày 18/1/2018, sau 18 năm thành lập, NutiFood trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu được sản phẩm sữa bột pha sẵn Pedia Plus sang thị trường Mỹ (nơi kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt nhất thế giới) với đơn vị phân phối là Delori. Theo kế hoạch, doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của NutiFood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD.

Từ thị trường đầu tiên là bang California, NutiFood và Delori có kế hoạch đưa sữa bột đặc trị này vào hệ thống siêu thị Walmart và 99 Cent trên toàn nước Mỹ và Nam Mỹ. 

Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP

Lần đầu tiên bà Lê Hồng Thủy Tiên – vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn có tên trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes công bố.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình có 5 anh chị em. Bà là một trong những nhân tố tạo nên hình ảnh của “thế hệ vàng” trong nền điện ảnh Việt Nam những năm 80-90 với dàn diễn viên như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh…

Năm 1993, bà quyết định dự thi tuyển làm tiếp viên hàng không cho Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Cũng trong thời gian này, qua những chuyến bay, bà gặp và kết duyên với doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn IPP.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên – vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Hiện bà Lê Hồng Thủy Tiên đang điều hành 18/32 công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương với trên 96 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Năm 2013, bà Thủy Tiên được tờ Guardian nhận định là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực các mặt hàng xa xỉ của thế giới, cùng các khu siêu thị và thương mại lớn.

Bà cũng lọt vào danh sách 500 người có ảnh hưởng nhất làng thời trang thế giới do Tạp chí Business of Fashion (BOF) công bố và được tôn vinh “doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu” lần thứ II vào năm 2016.

Xem thêm >> 10 nữ tỷ phú tự thân có tài sản ‘khủng’ nhất thế giới