Những ‘nữ chiến binh K’ không đơn độc trong hành trình vượt ‘án tử’ ung thư

Nhiều người nghĩ đã mắc ung thư là ‘án tử’ của cuộc đời, nhưng với các chị em của Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ kiên cường lại không như thế. Họ không may mang trong mình bệnh ung thư vú, thậm chí còn có nhiều người di căn các bộ phận khác, nhung bằng “tinh thần thép”, niềm tin mãnh liệt vào y học, sự đồng hành của gia đình, những “nữ chiến binh K” này đã vượt lên chính mình, chiến thắng căn bệnh quái ác và cùng nhau làm những dự án, chương trình ý nghĩa cho đồng bệnh.

 Và cuối tuần qua, chương trình ra mắt phiên bản Audio cuốn sách “Không chiến đấu một mình” do CLB Phụ nữ kiên cường tổ chức đã ghi dấu thêm những nỗ lực của các “nữ chiến binh K”.

Những 'nữ chiến binh K' không đơn độc trong hành trình vượt 'án tử' ung thư - Ảnh 1.

Các chị em của CLB Phụ nữ kiên cường và đại diện nhà đồng hành tại buổi lễ ra mắt phiên bản Audio cuốn sách “Không chiến đấu một mình”. Họ là đại diện cho gần 2000 thành viên được trải dài khắp 63 tỉnh thành và đã thành lập được 26 CLB CLB Phụ nữ kiên cường tại 26 tỉnh thành. Đây là ngôi nhà thứ 2 của rất nhiều bệnh nhân ung thư vú

“Phiên bản Audio của cuốn sách “Không chiến đấu một mình” tổng hợp file âm thanh chuyển thể từ các bài viết của những phụ nữ không may mắc bệnh ung thư vú chia sẻ lại trải nghiệm trên chặng đường điều trị bệnh với mục đích truyền cảm hứng và động lực sống cho những người mới phát hiện bệnh và gia đình của họ”- bà Nguyễn Diệu Thúy – Phó chủ nhiệm CLB Phụ nữ kiên cường chia sẻ

Kiên cường chiến đấu với ung thư vú và di căn

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt Phiên bản Audio của cuốn sách “Không chiến đấu một mình”, chị Vũ Thị Kim Oanh (Hà Nội) – một trong những thành viên của CLB Phụ nữ kiên cường cho biết, chị đã kiên trì, bền bỉ chiến đấu chống tên “K” 11 năm qua. 

Chị Oanh phát hiện bệnh ung thư vú năm 2011, sau 6 năm, chị bị di căn vào xương. Lúc đó, chị vẫn vô tư sinh hoạt, đi chơi và nghĩ rằng, bệnh của mình “hỏng đâu sửa đấy”. Thế nhưng, năm 2019, căn bệnh liên tục hành hạ người phụ nữ nhỏ bé cả về thể xác lẫn tinh thần khiến chị đau đớn, bị liệt nửa người.

Khi ấy, chị Oanh rất hoang mang, không biết tại sao mình bị liệt. Cuối cùng, vào bệnh viện, bác sĩ giải thích do đốt di căn xương cột sống chèn dây thần kinh. Thời điểm đó, nhìn thấy đứa trẻ mới chập chững biết đi, nhìn cụ già chống gậy, chị thèm được đi biết bao. Như người mất phương hướng, chị tìm đến mạng lưới CLB Phụ nữ kiên cường để lấy lại tinh thần, động lực sống. 

Những 'nữ chiến binh K' không đơn độc trong hành trình chiến đấu với ung thư - Ảnh 2.

Những người phụ nữ ‘không chiến đấu một mình’, họ cũng có những phút giây vui vẻ bên đồng bệnh, bạn bè.

“Thực sự, tôi rất cảm động, khi được những người bạn cùng chung hoàn cảnh động viên, chia sẻ, giúp chị dần lấy lại được niềm tin, quyết vươn lên chính mình. Thật may mắn do hợp thuốc cùng với sự kiên trì, bền bỉ điều, được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, sau 11 tháng, tôi đã đi lại được bình thường. CLB Phụ nữ kiên cường đã nâng đỡ chúng tôi rất lớn về tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho tôi trong quá trình chiến đấu chống tên K” – Chị Vũ Thị Kim Oanh  nói.

Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú rất quan trọng

Với chị Vũ Thị Thu Huyền (38 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) – Thành viên phụ trách truyền thông và sự kiện của Ban Chủ nhiệm Mạng lưới CLB Phụ nữ kiên cường, trong hành trình 10 năm kiên cường chiến đấu lại bệnh ung thư, đã có không ít lần đứng trước gương không cầm được nước mắt nhưng Huyền cố gắng lạc quan, giữ vững tinh thần vì chị hiểu rằng “mình đã nỗ lực, đã vượt qua được nỗi đau thể chất và tinh thần để mạnh mẽ chiến đấu với tế bào ung thư” và phác đồ điều trị đang áp dụng phù hợp với cá thể của chị giúp chị lấy lại sức khoẻ…

“Thế nên, tôi nghĩ rằng, nghị lực và cách nhìn, cách tiếp cận bệnh của mỗi người rất quan trọng. Nếu mỗi người bệnh tiếp cận đúng, điều trị chuẩn, đủ kiến thức thì chất lượng sống cũng như đời sống của mình sẽ được kéo dài. Quan trọng nhất vẫn là việc  phát hiện sớm, chẩn đoán bệnh chuẩn, kịp thời mới có thể lên phác đồ điều trị chuẩn” – chị Huyền chia sẻ.

Những 'nữ chiến binh K' không đơn độc trong hành trình vượt 'án tử' ung thư - Ảnh 3.

Chị Vũ Thị Thu Huyền (đứng giữa) – Thành viên của Ban Chủ nhiệm Mạng lưới CLB Phụ nữ kiên cường.

Theo các chuyên gia ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. 

Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là việc điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ độ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng.

Tháng 10 hàng năm được chọn là tháng nâng cao nhận thức ung thư vú để mỗi người có kiến thức chăm sóc, phát hiện sớm và phòng chống ung thư vú, cùng nhau chung tay hành động để hỗ trợ cho những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này.

Cuốn sách “Không chiến đấu một mình” được ra mắt vào ngày 7/5/2021. Ngoài bản sách cứng đã được đông đảo người bệnh và gia đình đón nhận thì sự ra đời cuốn sách nói sẽ giúp người bệnh đang điều trị tại bệnh viện cũng có thể nghe được nội dung cuốn sách một cách tiện ích. Phiên bản này sẽ giúp người bệnh thư giãn và tiếp thêm động lực để họ chiến đấu và chiến thắng bệnh tật. Việc phát hành phiên bản sách nói “Không chiến đấu một mình” cũng sẽ lan tỏa nhanh và rộng hơn tới nhiều người hơn nữa.

Sự kiện ra mắt bản Audio của cuốn sách “Không chiến đấu một mình” cuối tuần qua như là một món quà gửi tới chị em phụ nữ nhân dịp tháng nâng cao nhận thức ung thư vú và chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10.

Điều trị miễn dịch giúp người mẹ ung thư vú khỏe mạnh dần và sinh con an toànĐiều trị miễn dịch giúp người mẹ ung thư vú khỏe mạnh dần và sinh con an toàn

SKĐS – Người phụ nữ trẻ phát hiện ung thư vú trong quá trình mang thai, chị đã được điều trị các phương pháp khác nhau, trong đó có điều trị miễn dịch, điều trị đích. Sau đó, người phụ nữ đã sinh con an toàn, bé phát triển tốt. Đây là thành tựu rõ ràng nhất của điều trị bằng phương pháp miễn dịch.