Những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020. Luật
có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (sau đây gọi là Luật số
67/2020/QH14). 

Tải về

NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ
VI PHẠM HÀNH CHÍNH

 

                                                                           
Trần Thị Thúy

Trưởng phòng Quản lý XLVPHC &TDTHPL

                                           

Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020. Luật
có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (sau đây gọi là Luật số
67/2020/QH14).

Ngày 26/01/2021 Thủ tướng
Chính phủ ký Quyết định số 126/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật.
Ngày 08/4/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND
triển khai thi hành Luật số 67/2020/QH14, nhằm triển khai thi hành luật kịp thời,
toàn diện, thống nhất, hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.

I. BỐ CỤC CỦA LUẬT

Luật số 67/2020/QH14 bố
cục gồm 03 điều, cụ thể:

– Điều 1: Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có 75 khoản).

– Điều 2: Sửa đổi, bổ
sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa
đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14).

– Điều 3: Hiệu lực thi
hành.

II. NHỮNG NỘI DUNG SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG CỦA LUẬT

Luật số 67/2020/QH14 đã
sửa đổi, bổ sung 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa
kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm
hành chính hiện hành (Luật XLVPHC), với những nội dung mới cơ bản sau đây:

1. Những quy định chung

Luật số 67/2020/QH14 sửa
đổi, bổ sung một số quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật XLVPHC bao gồm: Sửa
đổi, bổ sung quy định về khái niệm tái phạm (khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC);
nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần (điểm
d khoản 1 Điều 3 của Luật XLVPHC); thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Điều 6
Luật XLVPHC); thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng
các biện pháp xử lý hành chính (Điều 4 Luật XLVPHC); hành vi bị nghiêm cấm (Điều
12 Luật XLVPHC), cụ thể:

1.1.Về thuật ngữ tái phạm:
Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC về giải
thích từ ngữ “tái phạm”, theo đó, tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa
bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị
xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng
chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại
thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.

1.2. Về xử lý hành vi
vi phạm hành chính nhiều lần: sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật
XLVPHC quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường
hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”. Theo đó, một người thực hiện vi phạm hành
chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi
vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.

Quy định này sẽ góp phần
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 3
và điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC hiện hành do chưa có sự thống nhất trong
áp dụng pháp luật trên thực tiễn đối với các trường hợp vi phạm hành chính nhiều
lần, cụ thể: Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC quy định một người “vi phạm hành
chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm” trong khi đó điểm b khoản
1 Điều 10 Luật XLVPHC lại quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết
tăng nặng- là tình tiết được người có thẩm quyền xem xét khi quyết định XPVPHC
(tức là chỉ xử phạt đối với 01 hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng VPHC để
tăng mức phạt trong khung quy định).

1.3.Về thẩm quyền quy định
về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính:

Luật số 67/2020/QH14 sửa
đổi, bổ sung quy định liên quan đến thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành
chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Điều 4 Luật XLVPHC,
cụ thể: Bổ sung quy định Chính phủ được giao quy định hành vi vi phạm hành
chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; đối tượng bị xử
phạt; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc
phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước bên cạnh thẩm quyền được giao
quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp
khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt,
mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi
phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Quy định này nhằm đảm bảo
tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các Nghị định XPVPHC trong các lĩnh vực
quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật
về XLVPHC.

Bên cạnh đó Luật số
67/2020/QH14 làm rõ hơn quy định về việc sử dụng biểu mẫu trong trong xử lý vi
phạm hành chính. Theo đó biểu mẫu được sử dụng trong XLVPHC được thực hiện theo
quy định của Chính phủ.

Bổ sung quy định tại Điều
4 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối
với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo hướng giao Ủy ban thường vụ Quốc hội,
căn cứ quy định của Luật này để quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt
động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

1.4. Về thời hiệu xử lý
vi phạm hành chính:

Sửa đổi, bổ sung một số
điểm của khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC theo đó:

 (1) Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực hóa đơn lên 02 năm, đồng thời quy định rõ vi phạm hành chính về
thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản
lý thuế;

(2) Sửa đổi quy định về
thời hiệu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại điểm a và điểm b khoản 2
Điều 6 Luật XLVPHC nhằm đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với những nội dung được
sửa đổi, bổ sung về các biện pháp xử lý hành chính;

(3) Bổ sung quy định về
việc tính thời hiệu trong trường hợp cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc
áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo đó thời hiệu được tính lại kể từ thời
điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành
chính.

1.5.Về những hành vi bị
nghiêm cấm

Luật số 67/2020/QH14 bổ
sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính tại Điều 12 Luật
XLVPHC như: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử
phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với
hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế
thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Về xử phạt vi phạm
hành chính

2.1.Về mức phạt tiền tối
đa trong các lĩnh vực

Để đảm bảo sự phù hợp,
Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng (1) tăng mức phạt tối đa
trong một số lĩnh vực; (2) bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được
quy định tại Điều 24 Luật XLVPHC; (3) chỉnh sửa tên gọi một số lĩnh vực cho phù
hợp với các Luật hiện hành ban hành sau Luật XLVPHC, cụ thể:

 (1) Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực
như:

– Giao thông đường bộ:
từ 40 triệu lên 75 triệu đồng

– Phòng, chống tệ nạn
xã hội: từ 40 triệu lên 75 triệu đồng

– Cơ yếu: từ 50 triệu
lên 75 triệu đồng

– Quản lý và bảo vệ
biên giới quốc gia: từ 50 triệu lên 75 triệu đồng

– Giáo dục: từ 50 triệu
lên 75 triệu đồng

– Điện lực: từ 50 triệu
lên 100 triệu đồng

– Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu đồng

– Thủy lợi: từ 100 triệu
lên 250 triệu đồng

– Báo chí: từ 100 triệu
lên 250 triệu đồng

– Kinh doanh bất động sản:
từ 150 triệu lên 500 triệu đồng

 (2) Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của
08 lĩnh vực, như: Đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng;
kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng; bảo hiểm thất nghiệp; in.

 (3) Sửa đổi tên của một số lĩnh vực như: Lĩnh
vực sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng thành trồng trọt; sản xuất,
kinh doanh thức ăn chăn nuôi thành chăn nuôi; dạy nghề thành giáo dục nghề nghiệp;
quản lý rừng, lâm sản thành lâm nghiệp; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại
khoáng sản khác thành hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; hạn chế cạnh
tranh thành cạnh tranh; quản lý công trình thủy lợi; bảo vệ nguồn lợi thủy sản
thành thủy sản.

2.2. Về thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính

Các chức danh có thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với từng lĩnh vực đã được quy định tương đối
đầy đủ tại Chương II Luật XLVPHC và được cụ thể hóa tại các nghị định xử phạt
trong từng lĩnh vực; việc quy định những chức danh này là phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng lực lượng cụ thể. Tuy nhiên, sau quá
trình triển khai thi hành, một số quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính đã nảy sinh những vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực
tiễn. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền
xử phạt của các chức danh là một trong những yêu cầu cần thiết được đặt ra khi
xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Theo đó, Luật số
67/2000/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính như sau:

 Một là, Luật đã bãi bỏ một số chức danh có thẩm
quyền xử phạt như: Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước; Cục trưởng Cục dự
trữ khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Trưởng ban thi đua khen thưởng
Trung ương (Điều 46), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều
39) do thay đổi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ…; đồng thời bổ sung một số
chức danh có thẩm quyền xử phạt như Kiểm ngư viên, Trạm trưởng trạm Kiểm ngư
thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng, Cục trưởng Cục
Kiểm ngư (Điều 43a), Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a), Trưởng
đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng (Điều 48a), một số chức danh trong lực lượng
Công an nhân dân (Điều 39), Bộ đội biên phòng (Điều 40) và Quản lý thị trường
(Điều 45).                                                                                                                      

Ngoài ra, Luật cũng đã
bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thi hành án dân sự. Khoản 5
Điều 49 của Luật XLVPHC quy định thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục
Thi hành án dân sự, tuy nhiên Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung
năm 2014 và năm 2018) không quy định thẩm quyền xử phạt của chức danh này nên
chưa bảo đảm tính thống nhất. Thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm
hành chính thời gian qua cho thấy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự
vẫn thực hiện thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật XLVPHC. Do vậy, để bảo
đảm thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn thi hành, Luật số
67/2000/QH14 đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục thi
hành án dân sự vào khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự (Điều 2 Luật số
67/2000/QH14).

Hai là, Luật số
67/2000/QH14, sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo
hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

(1) Tăng thẩm quyền phạt
tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (điểm b khoản 2 Điều 38) và Giám đốc
Công an cấp tỉnh (điểm b khoản 5 Điều 39) từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng.

 (2) Bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc
phục hậu quả cho một số chức danh thuộc Bộ đội Biên phòng (Điều 40) để bảo đảm
phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đó,
ngoài thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều
40 Luật XLVPHC thì Luật số 67/2000/QH14 bổ sung Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải
đội trưởng, Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu
cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên
phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội
biên phòng có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc đưa ra khỏi
lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm,
phương tiện” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC.

(3) Sửa đổi thẩm quyền
tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh từ Điều 38
đến Điều 49 Luật XLVPHC theo hướng: Bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực
lượng đã được Luật XLVPHC quy định, Luật số 67/2000/QH14 sửa đổi quy định các
chức danh (tại điểm d khoản 2 Điều 38, điểm d khoản 5 Điều 39, điểm c khoản 4
Điều 44, điểm c khoản 3 Điều 45, điểm d khoản 2 Điều 47, điểm c khoản 4 Điều
49) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ
thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm
quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền
phạt theo thẩm quyền (các chức danh tại điểm c khoản 1 Điều 38, điểm c khoản 3
và điểm d khoản 4 Điều 39, điểm c khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều 41, điểm c khoản
2,  điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều
43, điểm c khoản 3 Điều 44, điểm c khoản 2 Điều 45, điểm c khoản 1, điểm d khoản
2 và điểm d khoản 3 Điều 46, điểm c khoản 1 Điều 47, điểm c khoản 1, điểm c khoản
2 và điểm c khoản 3 Điều 48, điểm c khoản 2 Điều 49).

Quy định này nhằm khắc
phục vướng mắc liên quan đến quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện
bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền của Luật XLVPHC hiện hành. Theo đó Luật
XLVPHC quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của
các chức danh chỉ giới hạn đối với tang vật, phương tiện có giá trị không vượt
quá mức tiền phạt, quy định này bộc lộ nhiều bất cập, làm phát sinh quá nhiều vụ
việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới và bị dồn lên cơ
quan cấp trên do trong hầu hết các vụ vi phạm, giá trị của các tang vật, phương
tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đều vượt quá mức phạt tiền thuộc thẩm
quyền xử phạt quy định đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở.

Ba là, Luật số
67/2000/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 53 quy định cụ thể về những trường hợp chức
danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự
thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:

– Trường hợp chức danh
có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật này có sự thay đổi về
tên gọi nhưng không có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt
của chức danh đó được giữ nguyên.

– Trường hợp chức danh
có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn
thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng
ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.”.

Bốn là, liên quan đến vấn
đề giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, Luật XLVPHC đã quy định vấn đề giao
quyền xử phạt cho cấp phó tại Điều 54 (giao quyền xử phạt); khoản 2 Điều 87
(giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính); khoản 2
Điều 123 (giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính). Tuy nhiên, Luật
chưa có quy định cụ thể về việc giao cho cấp phó có thẩm quyền áp dụng các biện
pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính cũng như các quyết định
khác trong xử lý vi phạm hành chính. Luật số 67/2020/QH14 quy định chặt chẽ hơn
theo hướng chỉ cho phép cấp trưởng giao quyền cho cấp phó “khi cấp trưởng vắng
mặt”, Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 54 theo hướng quy định về việc cấp trưởng
giao quyền cho cấp phó áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm
hành chính tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật năm 2012; đồng thời
Luật số 67/2020/QH14 cũng quy định rõ văn bản giao quyền phải thể hiện bằng quyết
định.

2.3.Về thủ tục xử phạt
vi phạm hành chính

Có thể thấy trình tự,
thủ tục xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật XLVPHC đã có những điểm mới
tiến bộ, dân chủ (như việc quy định quyền, thủ tục giải trình của đối tượng vi
phạm tại Điều 61; nguyên tắc người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng
minh vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc
thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính tại
điểm đ, khoản 1, Điều 3…). Điều này đã đáp ứng được yêu cầu phát hiện, ngăn chặn
kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với mọi hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên
trong quá trình triển khai Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn
thi hành Luật, những khó khăn,vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục xử phạt
vi phạm hành chính cũng đã nảy sinh, điển hình là những khó khăn, vướng mắc lớn
sau đây, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC.

Một là, Luật XLVPHC quy
định thời gian tiến hành một số công việc quá ngắn, chưa phù hợp thực tế, không
bảo đảm tính khả thi; thủ tục thực hiện một số công việc cũng chưa cụ thể dẫn đến
sự lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật (thủ tục lập biên bản vi phạm
hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giải trình…)… Do vậy, Luật
số 67/2020/QH10 đã sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ những
vướng mắc, bất cập nêu trên, cụ thể là:

– Sửa đổi, bổ sung các
quy định về lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 58) theo hướng quy định
nguyên tắc “phải kịp thời lập biên bản” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội
dung này. Quy định cụ thể hơn về địa điểm lập biên bản, nội dung biên bản và bổ
sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử;
đồng thời Luật cũng bổ sung quy định liên quan đến trường hợp lập biên bản vi
phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung
quy định thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để
làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Quy định mới về việc gửi biên bản vi phạm
hành chính, theo đó biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng
phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt,
cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông
tin nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

– Sửa đổi, bổ sung quy
định về các trường hợp và thủ tục giải trình tại Điều 61 Luật XLVPHC nhằm đảm bảo
tính khả thi trên thực tế, đồng thời đảm bảo nâng cao hơn nữa quyền giải trình
của cá nhân, tổ chức vi phạm. Theo đó, đối với hành vi vi phạm hành chính mà
pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ
hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối
đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá
nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm
có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt
vi phạm hành chính.

Về thời hạn giải trình,
Luật số 67/2020/QH14 quy định mới từ “05 ngày” thành “ 05 ngày làm việc”,cụ thể:

– Đối với trường hợp giải
trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải
trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 ngày
làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc có nhiều
tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không
quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Việc gia hạn của
người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản.

Cá nhân, tổ chức vi phạm
hành chính tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện
việc giải trình bằng văn bản.

– Đối với trường hợp giải
trình trực tiếp, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu
được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời
gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày làm
việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.

Bên cạnh đó, để đáp ứng
yêu cầu thực tiễn Luật đã bổ sung 01 khoản quy định về trường hợp cá nhân, tổ
chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn lại
có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có
trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm.

– Về định giá tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính, khoản 3, Điều 60 Luật XLVPHC quy định đối với
những tang vật phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị thì thời
gian quy định là 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ tang vật, nếu thật
cần thiết thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 24 giờ (tổng cộng tối đa là
48 giờ). Có thể thấy thời gian này là không phù hợp vì việc thành lập Hội đồng
định giá, việc tổ chức định giá đối với những vụ vi phạm mà tang vật là hàng
hóa nhập lậu có giá trị, đặc biệt ở khu vực biên giới, biển, đảo rất khó khăn.
Hơn nữa có nhiều vụ vi phạm tang vật là nhiều chủng loại hàng hóa, hàng hóa phức
tạp, khó xác minh trị giá…,việc định giá trị trong khoảng thời gian 24 giờ sẽ không
đảm bảo tính chính xác. Do vậy để tháo gỡ vướng mắc này, điểm đ, khoản 73 Điều
1, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi
phạm hành chính tại khoản 3, Điều 60 Luật XLVPHC từ 24 giờ lên 48 giờ.

– Về thời hạn ra Quyết định
xử phạt vi phạm hành chính, Điều 66 Luật XLVPHC quy định: Người có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời
hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều
tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc
thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật
này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.Trường
hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường
hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này
mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền
đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản
để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá
30 ngày. Quá trình thực hiện quy định nêu trên thấy rằng thời hạn ra quyết định
xử phạt vi phạm hành chính là tương đối ngắn, đặc biệt là khi vụ việc thuộc trường
hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt. Chính vì vậy, Luật số
67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 66 Luật XLVPHC theo hướng: Đối
với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c khoản này, thời hạn
ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành
chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt
thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản
vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này.

 Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu
giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của
Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản
vi phạm hành chính;

Đối với vụ việc thuộc
trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều
tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời
hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành
chính.

Hai là, sửa đổi, bổ
sung Điều 64 Luật XLVPHC theo hướng mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện,
thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Theo đó, Luật đã bổ
sung các lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy,
phòng, chống tác hại của rượu, bia bên cạnh lĩnh vực trật tự, an toàn giao
thông, bảo vệ môi trường. Đối với các lĩnh vực khác sẽ do Chính phủ quy định
sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, Luật quy định
rõ ràng hơn về điều kiện, yêu cầu trong quản lý, sử dụng, quy định danh mục các
phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; điều kiện, yêu cầu trong sử dụng, bảo
quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; đồng
thời, giao Chính phủ quy định quy trình chuyển hóa kết quả thu được từ các
phương tiện, thiết bị do các cá nhân, tổ chức cung cấp thành chứng cứ để xác định
hành vi vi phạm hành chính.

Ba là, về xử lý tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa
đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến vấn đề này nhằm khắc phục những bất
cập phát sinh trong thực tiễn như việc xác minh chủ sở hữu phương tiện, việc xử
lý đối với các phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị rất khó khăn,
mất nhiều thời gian; việc xử lý đối với tang vật, phương tiện đã quá thời hạn tạm
giữ mà không xác định được chủ sở hữu/ người vi phạm hoặc chủ sở hữu/ người vi
phạm không đến nhận; việc xử lý đối với tang vật, phương tiện do bị chiếm đoạt,
sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu, cụ thể
như sau:

– Đối với tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khoản 4 Điều 126 đã sửa đổi, bổ sung
quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc thông báo, niêm yết công khai về tang vật,
phương tiện bị tạm giữ (số lần thông báo, thời hạn thông báo, xử lý tài sản sau
khi hết thời hạn thông báo, niêm yết công khai…).

Đồng thời, Luật số
67/2020/QH14 cũng quy định về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế
chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Theo đó, đối với trường hợp
này thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá
tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản
tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách
nhà nước.

– Đối với tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, để bảo đảm thống nhất với quy định
của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi
hành, Luật số 67/2020/QH14 quy định theo hướng viện dẫn: “Tang vật, phương tiện
vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp
luật về quản lý, sử dụng tài sản công” (bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 81
Luật XLVPHC), đồng thời, bãi bỏ Điều 82 Luật XLVPHC.

2.4.Về việc thi hành và
cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

Trong thời gian qua,việc
cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn,vướng
mắc xuất phát từ những quy định của pháp luật và cả những khó khăn, vướng mắc
trong quá trình tổ chức thực thi các quy định của pháp luật như chưa có quy định
cụ thể về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định
xử phạt vi phạm hành chính; chưa quy định hoãn thi hành; giảm, miễn tiền phạt đối
với tổ chức nên không kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi gặp khó
khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ….

Để cơ bản giải quyết những
vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử
phạt vi phạm hành chính, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung về vấn đề này
như sau:

Một là, Luật số
67/2020/QH14 quy định rõ hơn trường hợp không ra quyết xử phạt vi phạm hành
chính nhưng vẫn áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng
biện pháp khắc phục hậu quả quy định thì không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm
hành chính để bảo đảm tính rõ ràng hơn khi áp dụng pháp luật tại Điều 65 Luật
XLVPHC, cụ thể:

(1)  Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt
vi phạm hành chính đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản
1 Điều 65 Luật XLVPHC, nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại
cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định
hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định
đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

(2) Đối với trường hợp
hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (quy định tại khoản
1, Điều 74 Luật XLVPHC) thì không thi hành quyết định đó nữa, nhưng vẫn phải tịch
thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nếu quyết định xử
phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính, biện pháp khắc phục hậu quả.

(3) Đối với trường hợp
hết thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế (quy định tại khoản 2a Điều 88 Luật
XLVPHC) thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, nhưng vẫn phải cưỡng chế tịch
thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp
quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện,
áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Hai là, Luật số
67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tại Điều
76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng:

(1) Việc hoãn thi hành
quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

          –
Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ
100.000.000 đồng trở lên;

– Cá nhân đang gặp khó
khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm
nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do
thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể cá nhân, tổ
chức phải có xác nhận của cơ quan,tổ chức sau: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người
đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh tuyến huyện trở lên; Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực
tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

(2) Việc giảm một phần
tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đã được hoãn
thi hành quyết định phạt tiền áp dung khi:

– Cá nhân tiếp tục gặp
khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm
nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc
cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.

– Tổ chức tiếp tục gặp
khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch
bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc
cơ quan cấp trên trực tiếp.

Ngoài ra một trong những
điểm liên quan đến quy định về hoãn, miễn giảm tiền phạt đó là việc Luật đã bổ
sung quy định tổ chức cũng được miễn phần tiền phạt còn lại và miễn toàn bộ tiền
phạt ghi trong quyết định xử phạt bên cạnh quy định miễn tiền phạt cho cá nhân
như quy định của Luật XLVPHC hiện hành. Theo đó để được miễn tiền phạt còn lại
ghi trong quyết định xử phạt, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện:

– Đã được giảm một phần
tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất
hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại
Điều 79 của Luật này.

– Đã thi hành xong hình
thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử
phạt;

– Tiếp tục gặp khó khăn
đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh
và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế
xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ
quan cấp trên trực tiếp.

Bên cạnh đó, tổ chức
cũng được miễn toàn bộ  tiền phạt ghi
trong quyết định xử phạt khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Đã được hoãn thi hành
quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này;

– Đã thi hành xong hình
thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử
phạt;

– Tiếp tục gặp khó khăn
đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh
và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế
xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ
quan cấp trên trực tiếp.

Ba là, Luật XLVPHC chưa
có quy định về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết
định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, tại Điều 88 Luật số 67/2020/QH14 đã bổ
sung quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi
hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thời hiệu thi hành quyết
định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm
chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại
khoản 1 Điều 74 của Luật này; quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng
chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu
tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc
phục hậu quả đó.”

3. Về áp dụng các biện
pháp xử lý hành chính

3.1.Về đối tượng, điều
kiện, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Luật số 67/2020/QH14 đã
sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các
biện pháp xử lý hành chính tại các Điều 90, 92, 94 và 96 Luật XLVPHC để bảo đảm
sự thống nhất, đồng bộ với BLHS; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt
vi phạm hành chính… bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, cụ
thể:

– Quy định cụ thể các
hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị
trấn;

– Làm rõ hơn quy định
“02 lần trở lên trong 06 tháng”, thống nhất trong cách áp dụng biện pháp giáo dục
tại xã, phường, thị trấn.

– Bỏ quy định về việc đối
tượng phải vi phạm “02 lần trong 06 tháng” là điều kiện áp dụng biện pháp đưa
vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc để tránh kéo dài thời
gian áp dụng các biện pháp này.

– Bổ sung quy định về
việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng
trái phép chất ma túy (Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm
hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong
thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy).

– Sửa đổi quy định về đối
tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo
hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng
bộ của pháp luật; bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường,
thị trấn đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định;

– Bổ sung quy định áp dụng
biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 02 trường
hợp: (1) người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã hai lần bị xử phạt vi phạm
hành chính và bị lập biên bản tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về
một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác,
gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái
phép mà không phải là tội phạm; (2) người từ đủ 18 tuổi trở lên đã hai lần bị xử
phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn
06 tháng về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của
người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua
xe trái phép, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công
nuôi dưỡng mình mà không phải là tội phạm.

          3.2.
Về thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Luật số 67/2020/QH14 đã
sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý
hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện
các công việc; sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 98, khoản 3 Điều 99, khoản
3 Điều 101 và khoản 3 Điều 103 của Luật hiện hành liên quan đến thủ tục kiểm
tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo
hướng:

(1) Không quy định việc
kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập.

(2) Không quy định thẩm
quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã đối với hồ
sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn,
Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử
lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai
nghiện bắt buộc. Thay vào đó, Luật 67/2020/QH10 quy định rõ, cơ quan nào lập hồ
sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ. Bởi vì, thực tế
cho thấy quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc
lập không thật sự cần thiết, làm kéo dài thời gian xem xét, áp dụng.

3.3.Về việc quản lý đối
tượng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Luật số 67/2020/QH14 sửa
đổi, bổ sung quy định tại Điều 131 Luật XLVPHC 
theo hướng: Đối với người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú
ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì cơ quan, người có thẩm quyền lập
hồ sơ quyết định: (1) Giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc
cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đối
với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc
(2) giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm cư trú hoặc có hành vi vi
phạm tổ chức quản lý trong trường hợp bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường
giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Quy định nêu trên nhằm
tháo gỡ vướng mắc của Điều 131 Luật XLVPHC hiện hành do quy định này hầu như
không thể triển khai trong một thời gian dài.

4. Về các biện pháp
ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

4.1. Về biện pháp tạm
giữ người theo thủ tục hành chính

Điều 122 Luật XLVPHC
quy định chỉ được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong
trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng,
gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, việc quy định những trường hợp được
áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như Luật hiện hành là
tương đối hẹp, gây khó khăn cho việc thi hành Luật XLVPHC. Do vậy, để bảo đảm
tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận
lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, Luật số
67/2020/QH14 đã bổ sung vào khoản 1 Điều 122 Luật XLVPHC một số trường hợp phải
tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: Để thi hành quyết định đưa vào trường
giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành
vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật
về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với
người sử dụng trái phép chất ma túy bên cạnh các trường hợp cần ngăn chặn, đình
chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác và cần
ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua
biên giới.

4.2.Về biện pháp tạm giữ
tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề

Một là, Luật số
67/2020/QH14 đã bổ sung vào khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC quy định cụ thể: thẩm
quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính.

Hai là, Luật số
67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật,
phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại các khoản 4 và 9 Điều 125 Luật
XLVPHC theo hướng: (1) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang
giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng
chỉ hành nghề; sau đó, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập
biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ; (2) Bỏ quy định
về việc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ký vào biên bản tạm giữ.

5. Về biện pháp thay thế
xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Luật số 67/2020/QH14 đã
bổ sung vào khoản 1 Điều 140 Luật XLVPHC đối tượng để quản lý tại gia đình đối
với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy bên cạnh
các đối tượng tại khoản 3, khoản 4 Điều 90 Luật XLVPHC. Bên cạnh đó, một trong
những điểm mới của Luật số 67/2020/QH14 so với Luật XLVPHC hiện hành là việc bổ
sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là một trong các biện pháp thay thế xử
lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (Điều 140a) nhằm bảo đảm
các quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Theo đó, giáo dục dựa
vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với
người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội
phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật hình sự có nơi cư trú ổn định,
đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản
về việc quản lý, giáo dục. Căn cứ vào quy định này, Tòa án nhân dân quyết định
áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng. Người chưa thành niên bị áp dụng
biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng được đi học hoặc tham gia các chương trình
học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ
năng sống tại cộng đồng.

6. Về quản lý công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Luật số 67/2020/QH14 đã
bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC nhằm giảm bớt thủ tục và
yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc
thống kê, tổng hợp báo cáo.

III. TRIỂN KHAI THI
HÀNH LUẬT

Ngày 08/4/2021 Ủy ban
nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND triển khai thi hành Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trên phạm vi
toàn tỉnh.

Trong phạm vi quản lý
ngành, lĩnh vực các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã
có trách nhiệm tổ chức triển khai các nội dung tại Kế hoạch 200/KH-UBND của
UBND tỉnh đảm bảo kịp thời, có chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi
hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh./.