Những lưu ý về xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả – Nghiên cứu, trao đổi XLVPHC&BTNN – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là một trong những công việc quan trọng mà người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc vi phạm hành chính phải thực hiện trước khi tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Việc xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính (viết tắt là XLVPHC), ngoài ra nếu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền sẽ phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Từ những ý nghĩa trên tôi xin nêu một số lưu ý khi xác định thẩm quyền xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là những người được quy định từ Điều 38 đến Điều 51 của Luật XLVPHC. Theo đó, có khoảng gần 200 chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Căn cứ vào quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một chức danh là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định đối với chức danh đó. Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định áp dụng trong nội thành. Thẩm quyền phạt tiền đối với mỗi chức danh được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn lại quy định trong Luật XLVPHC có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện. Trường hợp nghị định xử phạt vi phạm hành chính có quy định nhiều chức danh tham gia xử phạt thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào từng điều khoản cụ thể để xác định thẩm quyền xử phạt của mình.

Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây: Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;  Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt; Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về tên gọi thì chức danh đó có thẩm quyền xử phạt. Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt như cấp trưởng.

Trong một số trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác. Văn bản giao quyền phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền; văn bản giao quyền phải đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của văn bản giao quyền.

 2. Những lưu ý khi xác định thẩm quyền xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Để xác định chính xác người có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc vi phạm hành chính cần lưu ý các vấn đề sau đây;

Thứ nhất, xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phuc hậu quả: Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể phải căn cứ quy định của Luật XLVPHC và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực, trong đó mỗi chức danh xử phạt được xác định cụ thể mức phạt tiền và loại biện pháp khắc phục hậu. Khi xác định một người có thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả hay không phải bảo đảm hai điều kiện: Luật XLVPHC có quy định chức danh đó có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt và áp dụng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định thẩm quyền của chức danh đó trong việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khăc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể. Trong số các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong Luật XLVPHC, thì Trưởng đoàn thành tra chuyên ngành là chức danh duy nhất chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định – trong thời hạn thanh tra. Hết thời hạn thanh tra theo quy định pháp luật thì chức danh này cũng không còn tồn tại.

Thứ hai, xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp có sự thay đổi về tên gọi của chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật XLVPHC “Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về tên gọi thì các chức danh đó có thẩm quyền xử phạt”. Ví dụ: Thẩm quyền xử phạt của chức danh Chi Cục trưởng chi Cục quản lý thị trường cấp tỉnh đổi thành Cục trưởng cục quản lý thị trường theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018.

Thứ ba, xác định thẩm quyền xử phạt tiền: việc xác định thẩm quyền phạt tiền đối với từng chức danh căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Khi áp dụng phạt tiền cần phải lưu ý cùng một hành vi vi phạm thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân. Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó. Trường hợp không thể xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá.

Thứ tư, xác định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính: thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính được xác định như thẩm quyền phạt tiền và gấp 02 lần giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu của cá nhân vi phạm hành chính.

Thứ năm, xác định thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề: thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không phụ thuộc vào cơ quan, người đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề mà chỉ thực hiện theo quy định tại Luật XLVPHC. Người có thẩm quyền tịch thu giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi phát hiện: giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, thì người có thẩm quyền xử phạt tịch thu và thông báo cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động bị tịch thu biết; được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay theo thẩm quyền, đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết; trường hợp không thuộc thẩm quyền thu hồi thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Thứ sáu, xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm: trường hợp các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định trị giá hoặc số lượng của hàng cấm và khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm có tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định trong Luật XLVPHC và quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm không thuộc trường hợp nêu trên thì không tiến hành xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính mà phải chuyển hồ sơ vụ việc đến người có thẩm quyền xử phạt. Khi xác định thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm phải thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc là người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó; nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc không phải là người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc không phải là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hoặc người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước đó để ra quyết định xử phạt.

 Thứ bảy, xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp giao quyền: người giao quyền và người được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi pháp luật cho phép. Việc giao quyền phải được ban hành bằng hình thức quyết định. Người được giao quyền không được ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi quyết định giao quyền hết thời hạn; công việc được giao quyền đã hoàn thành; việc giao quyền đã bị chấm dứt; người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật; người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật; người giao quyền hoặc người được giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của văn bản giao quyền.

Thứ tám, phân định thẩm quyền xử phạt: nếu một hành vi vi phạm hành chính mà có  một trong các quy định về (hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả) vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt; nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

Thứ chín, xác định thẩm quyền công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng: cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. Việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính áp dụng đối với vi phạm hành chính về: an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

Kết luận: xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa quan trọng để xác định quyết định xử phạt vi phạm hành chính được coi là hợp pháp hay không. Mọi quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị sai về thẩm quyền đều bị hủy theo quy định của pháp luật. Vì vậy khi xác định thẩm quyền xử phạt VPHC người tham mưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử phạt cần phải lưu ý đến các yếu tố: hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực nào; tìm văn bản pháp luật và quy định pháp luật tương ứng để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm cụ thể; đối chiếu quy định về hành vi để xác định hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng hành vi đó; đối chiếu quy định về thẩm quyền của các chức danh được áp dụng các hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đó để xác định chính xác thẩm quyền xử phạt. Ngoài ra, cũng cần phải căn cứ vào loại việc, hình thức xử phạt, lãnh thổ, địa bàn  và giá trị tang vật mới đảm bảo chính xác thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Bích Thủy