Những lưu ý trồng cam sành trên đất lúa
Thứ Sáu 16/09/2022 , 06:45 (GMT+7)
Trồng cam sành trên nền đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, rất có tiềm năng phát triển và mở rộng canh tác ở ĐBSCL. Song cần lưu ý về kỹ thuật.
Trồng cam sành trên đất lúa thường làm ở nền đất lúa kém hiệu quả. Đất được lên liếp như trồng rau màu, nhưng rộng và sâu hơn. Liếp rộng 2,8 – 3m và cao 0,3 – 0,4m, mương rộng 1 – 1,2 m và sâu 0,6 – 0,8m. Cam được trồng mật độ dày, trung bình khoảng 5.000 cây/ha (2m2/cây) nên kiểu canh tác này còn được người dân gọi là “cam rẫy” hay “cam rau”. Cam bắt đầu ra trái khi cây được 18 – 22 tháng tuổi và thu hoạch vụ đầu tiên rất sớm, khoảng 2 năm rưỡi sau khi trồng.
Trồng cam sành trên đất lúa được lên liếp như trồng rau màu.
Ưu điểm trồng cam sành trên đất lúa
– Giúp đất rửa được độc chất khá nhanh chóng: Nhờ lên liếp hẹp và có hệ thống nhiều mương giúp cho việc rửa độc chất rất hiệu quả và đất mau thuần thục.
– Trồng cây được ngay sau khi lên liếp: Nhờ đào mương cạn, không chạm đến tầng phèn ở dưới sâu nên đất liếp không cần chờ thời gian rửa phèn mà có thể trồng cây ngay sau khi lên liếp.
– Tiết kiệm chi phí chống cành khi cây mang trái: Nhờ trồng dày, các cành chống đỡ lẫn nhau khi mang trái nên giảm được chi phí cho khâu này.
– Thu hồi vốn nhanh: Nhờ trồng dày và để trái sớm nên ngay vụ đầu tiên cam có năng suất rất cao, mau thu hồi vốn và có thể có lời trong vụ đầu.
– Lợi nhuận cao: Nhờ cam sành dễ ra hoa, đậu trái, nuôi trái giỏi và chịu rợp nên có năng suất và lợi nhuận rất cao trong điều kiện canh tác mật độ cao.
– Hạn chế được bệnh thối rễ: Đất lúa mới lên liếp không chứa mầm bệnh nên cam ít bệnh thối rễ trong những năm đầu. Tuy nhiên, bệnh tăng dần theo thời gian canh tác. Khi vườn cam bắt đầu bị bệnh nhiều, có thể ban liếp trồng lúa để diệt mầm bệnh trong đất rồi mới trồng cam trở lại (kiểu “luân canh cam – lúa”).
Hạn chế của kiểu canh tác cam sành trên nền đất lúa
Chính vì lợi nhuận rất cao (gấp 10 lần so với những vườn cây ăn trái đặc sản khác như xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, thanh long trong khu vực) nên rất nhiều nhà vườn, doanh nghiệp tư nhân nhiều nơi đã đổ xô về ĐBSCL thuê đất ruộng trồng cam sành, một số nhà vườn tại địa phương cũng từ đó làm theo. Nhưng không phải nhà vườn nào cũng thành công do kiểu canh tác này có những hạn chế sau:
– Trồng cây giống không sạch bệnh: Do lượng giống trồng quá lớn khi mới lập vườn nên người trồng thường mua giống rẻ, có chất lượng thấp, giống mua trôi nổi chưa kiểm soát được bệnh Greening, Tristeza, bệnh thối rễ là những bệnh gây thiệt hại nặng cho vườn cam sành trước đây ở ĐBSCL.
– Độ phì của đất bị suy thoái nhanh chóng: Do liếp nhỏ, thấp và trồng thâm canh nên độ phì của đất giảm đi nhanh chóng, dẫn đến gia tăng chi phí phân bón.
– Bộ rễ cam bị tổn thương do ngập úng: Nước do mưa, triều cường và nước nổi về từ thượng nguồn làm ngập úng líp vườn, gây tổn thương rễ, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công cây cam.
– Chất lượng trái cam thấp: Phẩm chất ăn của cam không được ngọt, chua nhiều, ít nước, màu sắc không đẹp là do cây mang trái quá sớm lúc còn tơ, chưa thuần thục. Đây là nguy cơ mất thương hiệu do người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm cam sành truyền thống nổi tiếng ngon, bổ dưỡng.
– Thời gian bảo quản của trái ngắn: Do sử dụng nhiều chất kích thích sinh trưởng, thuốc BVTV và bón dư thừa N làm trái không để được lâu, mau hư khi bảo quản. Điều này đã hạn chế khả năng tiêu thụ cam ở những thị trường xa, đòi hỏi cam phải giữ được lâu để vận chuyển.
Canh tác cam sành trên nền đất lúa bền vững
Mặc dù kiểu canh tác cam sành trên nền đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, mau thu hồi vốn, nhưng để canh tác được bền vững cần chú ý những vấn đề sau:
Phân bón Đầu Trâu Oganic đa dụng của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền rất tốt cho các loại cây trồng, nhất là cam sành.
– Trồng cây giống sạch bệnh: Phải trồng cây giống sạch bệnh Greening, Tristeza và thối rễ. Cần chọn mua cây giống ở những cơ sở làm giống được chứng nhận. Ngăn chận tiến trình suy thoái độ phì của đất bằng cách bón nhiều phân hữu cơ (như phân Đầu Trâu Organic Đa dụng), phân vôi và áp dụng tưới nhỏ giọt để hạn chế rửa trôi dưỡng chất.
– Điều tiết nước trong mương vườn: Vườn cần có đê bao, cống bọng và máy bơm nước để khống chế mực nước trong mương vườn ổn định, lúc nào cũng cách mặt líp khoảng 40 – 60cm để bộ rễ cam không bị úng ngập.
– Cải thiện chất lượng trái: Cây tơ sử dụng dưỡng chất N rất hiệu quả, vì vậy không nên bón nhiều N, tăng cường bón đủ phân K, P và vi lượng; tỉa trái và không lạm dụng chất kích thích sinh trưởng.
– Giảm thuốc BVTV: Cần tỉa cành nhánh thường xuyên cho vườn cam thông thoáng để giảm sâu bệnh; phun thuốc bằng drone để thuốc được phân bố tốt trong điều kiện trồng dày. Có thể bao trái. Bổ sung chất Ca, Si và K để tăng khả năng phòng chống bệnh cho cây.
– Luân canh cam với lúa: Khi vườn cam bắt đầu bị bệnh thối rễ tấn công nghiêm trọng, phải nghiên cứu ban líp chuyển sang trồng lúa, tiêu diệt mầm bệnh rồi mới trồng cam trở lại.
Tóm lại, kiểu canh tác cam sành trên nền đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng phát triển và mở rộng cho vùng ĐBSCL. Khả năng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây lâu năm này khả thi, giúp nâng cao hiệu quả canh tác. Tuy nhiên, kiểu canh tác “luân canh cam – lúa” còn khá mới mẻ, cần được nghiên cứu một cách đồng bộ từ quy hoạch vùng trồng, giống, thiết kế vườn, kỹ thuật canh tác, sơ chế, chế biến và tiêu thụ… để canh tác được bền vững.