Những lễ hội độc đáo ở Nhật Bản – Air Booking
[kkstarratings]
Nhật Bản là một đất nước có nền văn hóa lâu đời với nhiều nét đặc sắc và rất độc đáo của văn hóa phương Đông. Những lễ hội Nhật Bản là các sự kiện lễ hội rất truyền thống ở đất nước này. Cùng Airbooking tìm hiểu những lễ hội độc đáo ở đất nước để giúp các du khách có thêm kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết về lễ hội này hơn, để chuyến đi tour du lịch Nhật Bản của du khách được hoàn hảo nhất.
1. Lễ hội năm mới O-shogatsu.
Đây là lễ hội lớn nhất ở Nhật Bản. Trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 3 tháng giêng toàn bộ công việc kinh doanh và công sở ngừng hoạt động. Lễ tết bắt đầu từ đêm giao thừa.
Vào nửa đêm của ngày 31 tháng 12 toàn thể gia đình ngồi ăn mì vì đó là biểu hiện của sự sống lâu sau đó mọi người đi đến điện thờ hoặc đền của địa phương để cầu những điều may mắn cho năm tới. Năm mới ở Nhật bắt đầu bằng 108 tiếng chuông được đánh báo hiệu phút giao thừa. Người Nhật còn có phong tục ngắm mặt trời mọc vào ngày đầu tiên của năm mới, ai nhìn thấy ánh sáng đầu tiên của mặt trời sẽ gặp may mắn trong năm, họ cũng ước mong những điều mà họ muốn trong năm mới. Vào ngày mùng 1 tháng giêng, một bữa ăn sáng đặc biệt cho mọi người, trẻ em được mừng tuổi, và mọi người chờ đợi thiếp chúc mừng năm mới được phân phát vào buổi sáng của năm mới.
2. Lễ hội Hanami – Hoa Anh Đào
Hanami là một Lễ hội độc đáo ở Nhật Bản xứ sở của loài hoa Anh Đào tuyệt đẹp, lễ hội này diễn ra từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Đây là dịp để mọi người vui chơi, tổ chức những bữa tiệc, cùng uống rượu, ca hát và chụp ảnh dưới những tán hoa anh đào đẹp tuyệt vời.
Hanami là từ được ghép bởi hai từ “Hana” có nghĩa là hoa và “Mi” có nghĩa là ngắm nhìn. Hanami có nghĩa là thưởng lãm hoa và đây cũng là tên gọi của lễ hội nổi tiếng bậc nhất nước Nhật – Lễ hội độc đáo ở Nhật Bản ngắm hoa anh đào tuyệt đẹp. Lễ hội độc đáo ở Nhật Bản này đã có một lịch sử lâu đời từ hàng ngàn năm nay, và được coi là quốc lễ của Nhật Bản và là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản.
Vào dịp lễ hội người dân và du khách đi du lịch Nhật Bản thường tập trung dưới những tán cây hoa anh đào nở rộ, tổ chức những bữa tiệc ngoài trời, ăn uống, trò chuyện và cùng nhau ca hát cả ngày lẫn đêm. Những người dân Nhật Bản thường chuẩn bị những món ăn truyền thống của đất nước mình như sushi, cơm hộp bento và một loại rượu thường uống trong lúc ngắm hoa được gọi là Hanamizake.
3. Lễ hội Tanabata
Lễ hội Tanabata ở Sendai, tỉnh Miyagi là lễ hội Tanabata nổi tiếng nhất của Nhật Bản, với 400 năm lịch sử, không chỉ là một trong ba là lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản, mà còn là một trong ba lễ hội lớn ở vùng Đông Bắc. Lễ hội Tanabata ở Sendai tổ chức vào ngày 6 đến ngày 8 tháng 8 hàng năm, là lễ hội có quy mô lớn nhất thu hút nhiều du khách đến thăm.
Đây là lễ hội kỷ niệm, một ngày cầu chúc phước lành cho người dân Nhật Bản. Mỗi khi vào ngày này, đi đến bất cứ đường phố nào đều có thể thấy những cây tre với những chiếc bùa cầu chúc treo trên cây tre và người người trong trang phục truyền thống. Còn có nhiều hoạt động âm nhạc truyền thống, biểu diễn pháo hoa… Những hoạt động lễ hội Tanabata trên khắp Nhật Bản đều không giống nhau, đều có những nét riêng.
Lễ hội Tanabata này được chia thành hai phần: Lễ hội pháo hoa Sendai và lễ hội Tanabata Sendai. Lễ hội pháo hoa Sendai là một lễ hội pháo hoa với màn trình diễn khoảng 16 ngàn viên pháo hoa khiến cho bầu trời đêm hề Sendai rực sáng.
4. Lễ hội Vu lan (Obon)
Trước đây ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, nhưng hiện nay nó được tổ chức vào ngày 17/7 hoặc tháng 8 dương lịch, tuỳ theo từng địa phương.
Ngày lễ này gần giống với ngày xá tội vong nhân ở Việt Nam, là ngày mà theo người Nhật là rước linh hồn tổ tiên về cúng giỗ. Nhiều nơi tổ chức vũ hội, múa các điệu múa cổ truyền (Bonodori). Vào thời gian lễ hội người ta treo cao những chiếc đèn lồng với mục đích là để hướng dẫn linh hồn người đã khuất trở về. Tại nhiều vùng, các đèn lồng được thả trôi trên sông. Vào dịp này, nhiều người Nhật làm việc ở xa quê hương về thăm quê hương, đi thăm mộ người thân.
5. Lễ hội nông nghiệp
Từ ngày xưa, các lễ hội nông nghiệp ở Nhật thường được tổ chức ở các vùng, với mục đích là cầu khấn cho một vụ mùa bội thu, hoặc để cảm ơn thần linh đã cho một mùa màng thắng lợi và đồng thời cầu khấn một vụ bội thu trong năm tới. Vào mùa thu, lễ hội mùa gặt được tổ chức và người ta dâng lên cúng thần thành quả đầu tiên của đồng ruộng. Khi có lễ hội, cả làng tham gia và ở nhiều nơi người ta tổ chức các xe diễu hành mang hình tượng của các vị thần đi qua các phố xá. Tại cung điện của Thiên Hoàng, đích thân nhà vua đóng vai người dâng những nông sản mới thu hoạch cho thần linh.
6. Lễ Hội mùa hạ (Domatsuri)
Lễ hội mùa hạ được tổ chức với mục đích ngăn ngừa bệnh tật. Các Lễ hội độc đáo ở Nhật Bản này hiện nay vẫn được tổ chức đều đặn, và trong lễ hội, người ta tổ chức các thuyền diễu hành trang hoàng rực rỡ đi dọc theo các con sông, tiếp sau là những đoàn thuyền hộ tống. Một trong những lễ hội mùa hạ lớn nhất ở Nhật và hấp dẫn khách du lịch hàng năm là lễ hội Nebuta được tổ chức vào tháng 8 ở Aomori.
7. Lễ hội bắn pháo hoa ven sông Sumida
Cứ vào dịp hè, khắp nơi trên đất nước hoa anh đào đều tổ chức các lễ hội bắn pháo hoa. Lễ hội bắn pháo hoa ở ven sông Sumida, dòng sông chảy về phía đông qua khu vực dân cư đông đúc của Tokyo thường được tổ chức vào cuối tháng 7 hàng năm, và mỗi lần có khoảng 2 vạn quả pháo hoa được bắn trong lễ hội này, thu hút hơn 900 ngàn người đến xem.
Lễ hội bắn pháo hoa dọc sông Sumida tổ chức lần đầu tiên vào năm 1733. Vào năm trước đó, toàn nước Nhật đã bị chịu một nạn đói khủng khiếp làm đến 900,000 người chết đói. Vào thời gian đó ở Edo (Tokyo ngày nay), có rất nhiều người bị chết vì bệnh tả và xác chết bị cấm đặt ở trên phố. Chính phủ đã quyết đinh tổ chức lễ hội bắn pháo hoa với mong ước những linh hồn xấu số được khuây khỏa, cũng như để xua đi bệnh dịch hạch cũng đang xuất hiện.
Các cuộc thi bắn pháo hoa của các công ty sản xuất pháo, cả gồm những loại pháo hoa mua từ nước ngoài, hoặc những loại pháo dùng trong các cuộc thi ảnh, đều được trình diễn trong lễ hội này.
Trong khi ngắm những bông pháo nở tung rực rỡ trên bầu trời đêm mùa hạ lấp lánh ánh sao, mọi người tổ chức ăn uống cùng gia đình và bạn bè. Nhiều người đến sớm để có được vị trí thuận lợi ngắm pháo hoa. Người thì trải các tấm chiếu lên chỗ của mình dọc theo bờ sông, người thì lái thuyền dọc theo con sông. Những ngày như vậy đều chật ních người đến ngắm pháo hoa. Nhiều người còn đặt chỗ sẵn trong nhà hàng hoặc khách sạn, nơi có thể ngắm được khung cảnh một cách dễ dàng.
8. Tết thiếu nhi (Kodomo no hi)
Xuất xứ của ngày hội này là lễ hội của các bé trai, nhưng ngày nay người ta gọi là ngày trẻ em. Lễ hội này được tổ chức vào ngày mùng 5/5 và từ các năm 1948 trở thành ngày nghỉ của cả nước. Vào ngày này, các gia đình có con trai thường treo trước nhà những dải cờ hình cá chép nhiều màu sắc sặc sỡ, gọi là konobori. Theo người Nhật, cá chép tượng trưng cho sức mạnh. Trong ngày hội này người ta ăn một thứ bánh đặc biệt làm từ gạo.
9. Ngày của biển – Umi no Hi
Ngày của Biển – (Umi no Hi), đã được chọn làm ngày quốc lễ của Nhật kể từ năm 1996. Trong ngày này tất cả các công sở đều nghỉ làm việc, ở các công viên nước quốc gia sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc biệt, tất cả các hoạt động kinh tế và văn hóa liên quan đến biển đều được tập trung chú ý và nhiều cuộc trình diễn thể thao dưới nước sẽ được diễn ra.
Mục đích của ngày lễ này là nhằm nâng cao nhận thức của người dân Nhật về tầm quan trọng của biển đối với sự tồn tại và phát triển của đảo quốc này. Nhật Bản có chiều dài bờ biển khoảng hơn 29 nghìn km, diện tích thềm lục địa khoảng 304 nghìn km2, diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển khoảng 3,7 triệu km2 và trong khoảng cách 100km dọc theo bờ biển tập trung đến 93,6% dân số.
10. Lễ hội đóng khố – Hakata Gion Yamakasa
Hakata Gion Yamakasa là một lễ hội mùa hè, hàng năm được tổ chức từ 1-15 tháng 7 tại ngôi đền Kushida tại thành phố Fukuoka, Kyushu. Lễ hội này có lịch sử dài hơn 750 năm, và từ năm 1979 trở đi lễ hội Hakata Gion Yamakasa được công nhận là một tài sản văn hóa dân gian quan trọng của Nhật bản.
Vào năm 1241, một nhà sư có vị trí cao đã được người dân trong vùng khiêng đi để rẩy nước thần dọc theo đường, nhằm trừ một cơn dịch hoành hành tại Hakata. Lễ hội Hakaga Gion Yamakasa ngày nay đã có nguồn gốc từ sự kiện này.
Yamakasa là một ngôi chùa tượng trưng là nơi ở của thần, có thể khiêng đi được dùng trong lễ hội. Có tất cả hai loại, Kazariyamakasa (loại xe rước có trang trí) và Kakiyamakasa (loại xe rước để khiêng). Kazariyamakasa rất đẹp, có chiều cao khoảng 16 m và được trang trí với nhiều loại búp bê lộng lẫy, diễn tả các câu chuyện lịch sử và thần thoại. Ngược lại, Kakiyamakasa thì có chiều cao khoảng 5-6 m, nhưng nặng khoảng 1 tấn. Có khoảng 7 chiếc xe rước được làm trong lễ hội, và ngày cuối cùng sẽ có cuộc đua xe rước được gọi là Oiyama.
Vào ngày cuối của lễ hội, những đội của các địa phương khác nhau sẽ khiêng Kakiyamakasa và chạy đua trên một quãng được khoảng 5km. Từ lúc 4.59 sáng, cùng với tiếng trống đánh, đội đua đầu tiên sẽ khiêng Kakiyamakasa bắt đầu xuất phát từ đền Kushida, và các đội khác sẽ tiếp nối lần lượt sau mỗi 5 phút. Đội nào vượt qua quãng đường trên trong thời gian nhanh nhất sẽ là đội chiễn thắng. Mặc dù thời gian của cuộc đua vào buổi sáng sớm như vậy, nhưng hàng năm đã có đến khoảng 850,000 khách du lịch từ khắp nơi ở Nhật bản đã đến xem cuộc đua từ sáng sớm. Các đội vừa đua vừa kêu lên phấn khích “Oissa, Oissa”. Có hàng trăm người thay nhau khiêng xe rước, và theo qui định trên mỗi xe chỉ được có 32 người khiêng cùng một lúc. Lễ hội Hakata Gion Yamakasa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Fukuoka và Kyushu.
11. Lễ hội tuyết ở Xứ hoa anh đào – Yuki Matsuri
Những ngày đầu tháng 2 hàng năm, là thời kỳ lạnh nhất của Nhật bản. Thậm chí những vùng phía Nam, nơi ấm áp nhất của Nhật bản như Kagoshima và Miyazaki, tuyết cũng bắt đầu rơi. Tại Hokkaido, tuyết đã rơi từ cuối mùa thu năm trước, nhưng những ngày đầu tháng 2 này, tại Saporo – thành phố lớn nhất tại đảo Hokkaido – lễ hội tuyết được tổ chức tại đây, thu hút khoảng hai triệu khách du lịch đến với Saporo.
Khoảng một tuần giữa tháng 2 hàng năm, hàng trăm bức tượng được làm từ tuyết và băng giá được trưng bày tại thành phố Saporo, Hokkaido. Hàng trăm bức tượng mô phỏng theo các tác phẩm của các nhà điêu khắc nổi tiếng trong và ngoài Nhật bản, đã tạo nên một không khí hết sức tuyệt vời trong mùa đông băng giá. Lễ hội này được bắt đầu từ năm 1950, khi các học sinh cấp III tại Saporo tạo ra sáu bức tượng bằng tuyết và trưng bày tại công viên Odori của thành phố. Ngoài dự tính, đã có quá nhiều người tìm đến chiêm ngưỡng các tác phẩm bằng tuyết. Ngày nay, lễ hội mùa đông đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân tại Saporo và là lễ hội mùa đông lớn nhất tại đây.
12. Lễ hội mùa xuân ở Kyoto
Tại cố đô Kyoto của Nhật, có hai lễ hội mùa xuân rất đáng chú ý. Trong đó, lễ hội Aoi (hay còn gọi là lễ hội cây thục quì), diễn ra vào ngày 15-5 hàng năm. Lễ hội Aoi được cho là một trong những lễ hội xưa nhất thế giới, có từ khoảng giai đoạn Heian, thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Tên của lễ hội được gọi theo những chiếc lá sẫm màu láng bóng của Aoi (cây thục quì), loại cây dùng trang trí trong thời gian lễ hội. Lá cây thục quì được cho là để bảo vệ chống lại thiên tai.
Lễ hội Aoi gồm hai phần: quá trình cử hành và nghi lễ linh thiêng. Phần lớn lễ hội là cuộc diễu hành chậm rãi và trịnh trọng của 2 xe bò, 4 con bò cái, 36 con ngựa và 600 người trong trang phục truyền thống nhiều màu sắc của hoàng gia. Nhiều nhân vật sử thi như Saio-Dai, công chúa thời Heian, được thể hiện trong suốt buổi lễ. Cũng có những sứ giả của triều đình và những người đi theo họ, cùng với binh lính, cận vệ, chiến sĩ, cận thần và furyu-gasa (là những chiếc dù to lớn được trang trí bằng hoa giả).
Phần đầu của lễ hội gọi là roto-no-gi, là một cuộc diễu hành hướng về hai địa điểm linh thiêng: điện thờ Shimmogamo và Kamigamo. Ở mỗi điện thờ, người ta đều cử hành nghi lễ shato-no-gi (sa-tô nô-gi). Đoàn diễu hành bắt đầu khoảng 10 giờ 30 sáng, từ cung điện hoàng gia và hướng về điện thờ Shimogamo, nơi những nghi thức lễ khai mạc được cử hành. Sau đó, họ tiếp tục chuyến hành trình vào giữa trưa để thực hiện phần nghi lễ cuối cùng. Đoàn diễu hành thu hút hàng ngàn người xem khi họ đi qua thành phố.
13. Lễ hội Nagoya
Nhật Bản là một đất nước rất tự hào về những giá trị truyền thống lịch sử.Một trong những lễ hội đầy màu sắc mà dân Nhật trông ngóng hằng năm là lễ hội Nagoya được tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 10. Lễ hội bắt đầu bằng cuộc diễu hành của những toán thanh thiếu niên mặc trang phục của các chiến binh Nhật thời cổ; những chiếc thuyền hoa trang trí các hình chạm khắc và thêu tay đặc sắc.
Rồi đến những chiếc xe kết hoa tươi, những tốp vũ công và các thanh niên cáng Mikoshi-ngai vàng di động của thần Shinto.Ngự trên một trong những Mikoshi là con voi vàng Shachihoko-tượng trưng cho thành trì Nagoya. 700 nam nữ hóa thân thành những nhân vật lịch sử,với sự góp sức từ các câu lạc bộ địa phương, trường học, ủy ban và các tổ chức Xã hội. Cuộc trình diễn vĩ đại nhất trong lễ hội là sự tái hiện hình ảnh những vị anh hùng dân tộc lịch sử. Hideyoshi,Nobunaga và Ieyasu là những danh nhân có công đưa những vị lãnh chúa phong kiến hiếu chiến vào tổ chức hợp nhất dưới tinh thần võ sĩ đạo Tokugawa Shogunate vào cuối thế kỷ XVI. Hơn 2 triệu du khách,chủ yếu đến từ các vùng phụ cận Nagoya tham dự lễ hội này,tạo thành một cuộc biểu dương văn hóa dài 6 km.
Ngoài những lễ hội đặc sắc trên, ở Nhật Bản còn có nhiều lễ hội lớn nhỏ khác như: Tiết phân (setsubun); Lễ tảo mộ (Higan); lễ hội shichi-go-san; lễ hội 3 thuyền – Mifune; Lễ hội “rước cây”; lễ hội Gion Matsuri;… Với tấm vé máy giá rẻ của Airbooking, du khách sẽ có cơ hội khám phá cũng như hòa mình vào những lễ hội vô cùng đặc sắc tại đất nước Nhật Bản.