Những khoảnh khắc giúp bạn nhận ra: Đây không phải là tình yêu, mình phải dừng lại thôi!
Có nhiều cách để chúng ta nhận ra một dấu hiệu tình yêu. Lý thuyết là như vậy, nhưng chúng ta thường bỏ lỡ hoặc phải chờ khi ai đó nói câu “Anh yêu em” mới biết rằng tình yêu đang nảy nở. Bạn có thể quên đi những dấu hiệu đó, chờ đợi một điều gì chắc chắn hơn tới với cuộc đời mình nhưng hãy đừng bỏ quên những dấu hiệu của một tình yêu kết thúc hay những thứ từa tựa tình yêu.
Một là bạn sẽ tìm cách để khắc phục nó, hai là chấp nhận dừng lại mối quan hệ và ba là lựa chọn tiếp tục vì những thứ khác bạn cho rằng quan trọng hơn – tiền tài hay cảm giác có ai đó bên cạnh. Dù là gì đi nữa, hãy nắm bắt những khoảnh khắc “không phải tình yêu” đó và đưa ra cho mình lựa chọn phù hợp.
Những cảm xúc thăng hoa
Bất cứ ai cũng đều trải qua những xúc cảm mãnh liệt với “crush” hay đối phương của mình, và chúng ta đều muốn kết luận đó là “tình yêu”. Đặc biệt trong giai đoạn đầu, hoặc thậm chí là khi hai bạn đã trải qua một thời gian dài yêu đương. Chúng ta sẽ nghĩ rằng “lần này thì khác thật, đó là tình yêu thật” nhưng có thể không phải vậy. Rõ ràng, tình yêu không chỉ toàn những xúc cảm mãnh liệt.
Nó nằm ở những sóng gió và khó khăn.
Một tình yêu thực sự sẽ trải qua khó khăn, chạm đáy tức giận, vài lần “anh không hiểu ý em gì hết” hay khoảnh khắc muốn từ bỏ. Nếu những điều đấy đã khiến bạn muốn dừng lại, đó chắc chắn không phải tình yêu.
Những cảm xúc
Đừng nói về tình yêu trên khía cạnh cảm xúc – vì như vậy bạn sẽ phải nhắc đến cả những điều như sự mê đắm, ám ảnh hay “em không thể sống thiếu anh”.
Cảm xúc là một phần quan trọng với mỗi người – tình yêu sẽ bao hàm rất nhiều cảm xúc, nhưng cảm xúc riêng rẽ chưa chắc đã là tình yêu. Hãy nhớ rằng, tình yêu là một sự lựa chọn, một quyết định tường minh, sự đầu tư thời gian và công sức. Nếu bạn coi tình yêu là “những cảm xúc”, nó sẽ dẫn đến hai vấn đề: (1) mối quan hệ trở nên nông cạn và trẻ con, (2) nó khiến chúng ta hoài nghi về một ngày hai người không còn “cảm xúc”.
Sự cô đơn
Không phải cô đơn một lúc (vì điều đó xảy ra với phần lớn chúng ta) và cũng không phải cô đơn vì trầm cảm, sự cô đơn giúp bạn nhận ra hai người không có tình yêu chính là sự cô đơn của việc mất kết nối giữa 2 con người.
Điều này khác với cảm xúc “phai nhạt” trong tình cảm; bạn có thể vẫn quan tâm đến ai sâu sắc nhưng luôn cảm thấy cô đơn dù hai người ở bên nhau. Nếu hai người không thực sự kết nối, mối quan hệ sẽ không bao giờ hoàn thiện.
Sự hấp dẫn đối phương
Đôi khi tôi không hiểu từ “chemistry” thực chất nghĩa là gì nên gọi tạm đó là “sự hấp dẫn đối phương” – bạn có thể hiểu hơn nếu nhìn những ví dụ – một người bạn trí cốt thông tuệ, một tình bạn khăng khít hay chỉ là người để nói chuyện.
Có lẽ nó cũng là một yếu tố cần đề cập vì nhiều người vẫn nhầm tưởng nó với tình yêu. Nếu bạn cứ dồn hết tâm huyết cho những điểm hấp dẫn có vẻ sẽ gieo mầm tình yêu để biện hộ cho mối quan hệ mình đang có, mọi thứ rồi sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực.
Trò chuyện
Tôi từng hẹn hò với vô số những chàng trai thông minh, hài hước và thành công nhưng rồi nhận ra rằng, cuộc sống của chúng tôi vận hành theo những cách khác nhau. Nhiều năm trôi qua, tôi luôn tự nhủ “Chắc ổn thôi mà – chúng ta phải hy sinh cho tình yêu và không có người bạn đời nào là hoàn hảo cả”.
Tuy nhiên, có những cuộc trò chuyện giúp bạn nhận ra sức chịu đựng của con người có hạn. Khi tôi tâm sự những suy nghĩ tích cực hay vài câu hỏi trừu tượng – như thể “Nhìn cách mọi người xây dựng cuộc sống thực sự thú vị anh nhỉ?”. Những mong cả hai sẽ có cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn, anh ấy chỉ nói một cách tỉnh bơ: “Đó là cách mọi thứ vốn phải vậy – chẳng có nghĩa lý gì cả”. Chấm hết.
Ngày kỷ niệm
Khi nhắc tới “người bạn đời”, hãy chắc chắn họ luôn ở bên bạn trong những dịp quan trọng. Như khi bạn chia sẻ một tin gì đó rất quan trọng (thăng chức, thắng xổ số, nghỉ việc bạn ghét….) người ấy sẽ không chỉ kêu lên “ồ thế à” như thể bạn nói tối nay về ăn cơm.
Cái chết
Họ nên ôm bạn khi bạn đang khóc vì sự ra đi của người thân, tình nguyện đi tới tang lễ, không làm những trò lố hay đùa cợt. Nhiều người sẽ trang nghiêm hơn trước cái chết của ai đó, nhưng lại bàng quan trước một vài điều khác.
Sau khi anh trai tôi qua đời đột ngột, lần đầu tiên trong đời tôi rơi vào tình cảnh cúm tồi tệ đến vậy – mũi tôi không ngừng chảy, cơ thể tôi quá mệt mỏi và không thể lết ra ngoài đi mua thuốc. Dù tôi sống cùng với bạn trai nhưng có vẻ anh ta là người quá vô tâm. Sau hơn 1 ngày, tôi phải tự lết xác ra tới hiệu thuốc để cứu chính mình, trông không khác gì một xác sống. Khi về được tới nhà, tôi ngã quỵ trên ghế sofa và nằm bẹp vài tiếng đồng hồ.
Nếu ai đó hỏi tôi rằng: “Sao cô không nói với anh ấy”, tôi thực sự nghĩ rằng bạn nên thử cân nhắc lại những cái gọi là sự tinh tế và nhạy bén cơ bản trong một mối quan hệ. Đúng là hỏi thì chắc anh ta sẽ làm, nhưng kể cả lúc đó cũng phải hỏi sao? Lạy chúa…
Sự hứng khởi cho bản thân
Nếu bạn nghĩ rằng bạn yêu ai đó chỉ vì họ “đẹp” hay “luôn biết cho đi” hay “khiến tôi cảm thấy tốt hơn” hay những niềm hứng khởi ích kỷ, đó không phải là tình yêu.
Điều đó không có nghĩa là bạn không (hoặc không thể) thực sự yêu họ, nhưng đừng lấy những lợi ích cá nhân hay sự hứng khởi có được từ mối quan hệ từ cả hai phía dành cho nhau làm nền tảng cho tình yêu lâu dài.
Sự ràng buộc
Tình yêu trưởng thành dựa trên việc không bó buộc nhau một cách lành mạnh.
Những lời khẳng định
Tôi không hiểu sao nhiều người có thể nghĩ việc ai đó nói “anh sẽ cưới em” hay “Chúng ta sẽ có con với nhau” nghe thật lãng mạn, dù hai người mới gặp nhau được một thời gian ngắn.
Đôi khi, chúng ta nhầm lẫn giữa tình yêu và sự chiếm hữu – dù nhiều người coi đó là cái đích của chuyện tình cảm. Có những người quên việc họ sẽ yêu ra sao, bắt đầu mối tình như nào mà chỉ chăm chăm vào một thứ gắn kết mang tính ràng buộc pháp lý hơn là cảm xúc bền chặt.
Nếu nhận được những lời như vậy từ một người nào đó, hãy coi chừng.
Sự sợ hãi
Sự sợ hãi và tình yêu không thể cùng tồn tại. Nếu lo lắng cơ bản của bạn xoay quanh chuyện chia tay là “nỗi sợ cô đơn”, đó không phải là tình yêu.
Vậy tình yêu là gì?
Là việc chấp nhận nhau như những con người độc lập với một cuộc sống cá nhân – hai người tình cờ đi ngang đời nhau, đầu tư thời gian cho mối quan hệ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, nâng đỡ tinh thần nhau đặc biệt trong lúc khó khăn. Hai người không bao giờ là một nửa của nhau mà luôn tồn tại hài hòa, với sự quan tâm và lòng trắc ẩn.
Nhiều người sẽ thấy choáng ngợp bởi những điều trên vì trên thực tế, tình yêu không phải lúc nào cũng hoàn hảo, không tì vết. Bạn có thể nhận biết các dấu hiệu của một mối quan hệ “độc hại”, việc quyết định dừng lại hay tiếp tục là lựa chọn của mỗi người. Một “tình yêu thực sự” không phải khuôn mẫu để “đúc” cho vừa câu chuyện tình cảm của mình nhưng hãy chắc chắn bạn có ít nhất những dấu hiệu của một câu chuyện tích cực và hạn chế những điều độc hại càng nhiều càng tốt.