Những khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Doanh nghiệp 2014
Minh NgọcThứ năm, 1/10/2020
|
06:00 GMT+7
Luật Doanh nghiệp năm 2020 điều chỉnh những vấn đề gì?
Điều 1 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty”.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 giữ nguyên phạm vi điều chỉnh giống Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Luật Doanh nghiệp 2020 áp dụng cho các đối tượng nào?
Điều 2 quy định đối tượng áp dụng Luật Doanh nghiệp 2020 gồm:
1. Doanh nghiệp.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Như vậy, đối tượng áp dụng Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm cả doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể; hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. So với Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn giữ nguyên đối tượng áp dụng.
Một số tổ chức như tổ chức hành nghề luật sư, văn phòng công chứng, công ty đấu giá đều hoạt động nhằm mục đích kinh doanh thì các tổ chức này có phải tuân theo quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể có quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 không?
Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”.
Tổ chức hành nghề luật sư, văn phòng công chứng, công ty đấu giá là các tổ chức hành nghề có điều kiện theo Luật Đầu tư và đã có các luật chuyên ngành điều chỉnh, như Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật đấu giá. Luật Doanh nghiệp quy định rõ trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó do đó các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng hay đấu giá khi thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể thì không áp dụng Luật Doanh nghiệp 2020 mà áp dụng quy định đặc thù tại các luật chuyên ngành.
Doanh nghiệp nhà nước là gì?
Khoản 11, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của luật này”.
Điều 88. Luật Doanh nghiệp quy định: “1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 điều này.
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 điều này, bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”.
Theo đó, khái niệm doanh nghiệp nhà nước nêu trên đã có sự thay đổi so với khái niệm doanh nghiệp nhà nước tại Luật Doanh nghiệp 2014. Theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp nhà nước là khi Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Còn theo Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp nhà nước được phân chia theo nhiều mức độ sở hữu bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).
Như vậy, quy định về doanh nghiệp nhà nước đã được nới lỏng hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức khác được quyền hợp tác kinh doanh, sản xuất đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.