Những kết quả đạt được trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2021 | Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lạng Sơn

Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD- XMC) là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững trật tự, an ninh, quốc phòng ở địa phương, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở tất cả các cấp học, nhờ đó đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

2

Học sinh Trường Tiểu học – THCS xã Điềm He, huyện Văn Quan trong giờ học tại trường

Năm 2021, thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, Ban Chỉ đạo đổi mới Giáo dục và Đào tạo (BCĐĐMGDĐT) cấp tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục kiện toàn BCĐĐMGDĐT cấp huyện, cấp xã. Chỉ đạo ngành GD&ĐT tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác PCGD, XMC; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh ở những vùng khó khăn. Phát huy vai trò của cơ quan thường trực về PCGD, XMC Sở GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, theo dõi tiến độ thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; tăng cường công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và các cơ quan liên quan để tham mưu cho tỉnh về quy hoạch giáo dục, từng bước chuẩn hoá cơ sở vật chất, đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện công tác PCGD, XMC ở các xã biên giới; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát công tác PCGD, XMC.

Nhờ triển khai các giải pháp tích cực, công tác PCGD,XMC trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả đáng kể: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ trẻ độ tuổi 11-14 tuổi hoàn thành Chương trình tiểu học đạt 99.69% (tăng 0,11% so với năm 2020); tỷ lệ huy động trẻ hoàn thành Chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,9% (tăng 0,03% so với năm 2020), làm nền tảng công tác PCGD THCS và tạo tiền đề cho PCGD Trung học. Mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn được quy hoạch theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ưu tiên vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; bảo đảm quy mô và khoảng cách phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học và từng địa bàn; hằng năm số phòng học được nâng cấp và xây mới. Các phòng thiết bị, thí nghiệm, thực hành của các trường từng bước được đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc cung ứng thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, sách giáo viên được cung cấp tương đối đầy đủ cho giáo viên và học sinh, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đảm bảo về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 232 trường mầm non (225 trường mầm non công lập; 07 trường mầm non tư thục) và 13 trường phổ thông có lớp mầm non (12 trường công lập, 01 trường tư thục), 100% xã, 11/11 huyện, thành phố duy trì, đạt kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tổng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh: 80/232, tỷ lệ 34,5%; Cấp tiểu học có 180 trường chính chỉ có cấp tiểu học (144 trường tiểu học, 36 trường PTDTBT tiểu học), 100% xã, 11/11 huyện, thành phố duy trì, đạt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; Cấp THCS có 217 trường chính, trong đó: 145 trường THCS, 72 trường TH&THCS, không có điểm trường, số trường THCS đạt chuẩn quốc gia 84/217, tỷ lệ 38,7%; 100% xã, 11/11 huyện, thành phố duy trì, đạt kết quả phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; Cấp THPT có 34 trường trong đó: 27 trường THPT; 07 trường THCS&THPT, không có điểm trường. Về công tác xây dựng, phát triển đội ngũ ngành GD&ĐT đã thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đảm bảo cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học, nhất là với các đơn vị có cấp học thực hiện chương trình GDPT và sách giáo khoa mới năm học 2021-2022; phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố trong việc tuyển dụng, bố trí, điều động, luân chuyển giáo viên cơ bản bảo đảm về số lượng và hợp lý về cơ cấu đảm bảo tối ưu nhất cho các đơn vị, đặc biệt chú trọng quan tâm các trường học đạt chuẩn quốc gia, các trường trọng điểm và các trường vùng sâu, vùng xa, trường bán trú còn có nhiều khó khăn; hiện nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 21.067 người, trong đó: cán bộ quản lý 1834, giáo viên 14.972 và nhân viên 4.261.

Toàn tỉnh có 200/200 cán bộ tham gia làm công tác XMC tại Trung tâm Học tập cộng đồng cấp xã. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cũng quan tâm rà soát, lập kế hoạch tổ chức các lớp học XMC cho người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho việc thực hiện XMC. Qua thống kê, số người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1: trong độ tuổi 15 – 25: đạt 99,87%, (tăng 0,03% so với năm 2020); trong độ tuổi 15 – 35: đạt 99,60% dân số, (tăng 0,07% so với năm 2020); trong độ tuổi 15 – 60: đạt 98,85% dân số, (tăng 0,11% so với năm 2020); Số người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2: trong độ tuổi 15 – 25: đạt 99,81%, (tăng 0,09% so với năm 2020); trong độ tuổi 15 – 35: đạt 99,10%, (tăng 0,27% so với năm 2020); trong độ tuổi 15 – 60: đạt 95,30%, (tăng 0,48% so với năm 2020). Số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 4/200, tỷ lệ: 2,00%. Số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 196/200, 98,00%. Số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 0/11, tỷ lệ: 0%. Số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 11/11, tỷ lệ: 100%. kết quả năm 2021, toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Phát huy kết quả đạt được năm 2021, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn tiếp tục củng cố, duy trì kết quả đạt được trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Phấn đấu đến năm 2022 duy trì 200/200 (100%) xã, phường, thị trấn duy trì và đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; huy động và duy trì từ 99,9% trở lên trẻ em 5 tuổi đến lớp; 100% trẻ 5 tuổi đến lớp hoàn thành chương trình GDMN. 200/200 xã, thị trấn rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn để chuẩn bị Phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 4 tuổi. Giữ vững và nâng cao chất lượng PCGD tiểu học mức độ 3. Toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2. Huy động và duy trì 100% trẻ hoàn thành Chương trình Giáo dục tiểu học vào học lớp 6. Tỷ lệ trẻ độ tuổi 11-14 tuổi hoàn thành Chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt trên 99,9%. Chống tái mù chữ và mở các lớp học theo hình thức giáo dục thường xuyên, các lớp tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ hoặc XMC. Tăng cường mở các lớp bổ túc XMC và bổ túc sau XMC để bảo đảm tiêu chuẩn và điều kiện để tăng số đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC mức độ 2. Toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Giữ vững kết quả XMC mức độ 2 và nâng cao chất lượng kết quả XMC, phấn đấu trong thời gian tới nâng dần số xã đạt chuẩn XMC mức độ 2.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 23/4/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Thông tư số 07/2016/TTBGDĐT ngày 22/3/2016 quy định về điều kiện đảm bảo và nội dung, quy trình và thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn PCGD, XMC. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội đối với giáo dục.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về PCGD, XMC. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn.

Ba là, bảo đảm công tác dạy – học, thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, bảo đảm 100% học sinh được học tập bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến, học online, học qua truyền hình, đảm bảo giữ vững chất lượng giáo dục.

Bốn là, sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm là, tiếp tục tham mưu đầu tư kinh phí để xây dựng phòng học, phòng chức năng, đầu tư trang bị đồ dùng, thiết bị thí nghiệm, thực hành và mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bảy là, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số; làm tốt công tác tuyên truyền Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt chính sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 612/QĐ-UBDT về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025./.

 

Phùng Thị Thùy Ninh