Những hình ảnh ‘khác thường’ của một hiệu trưởng
Người đưa những bức ảnh này lên nhóm là cô Thanh Mai, giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Xuân B (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Và người trong những bức ảnh là thầy Phan Văn Sáng, hiệu trưởng của trường.
“Khi nói về Hiệu trưởng trường mình thì mọi người sẽ dùng từ ngữ nào để miêu tả, nhận xét? Với tập thể giáo viên trường tôi, đó là: Tuyệt vời! Thầy không chỉ là người quản lí giỏi, chuyên môn rất vững (đều tất cả các môn, kể cả Tiếng Anh) mà còn rất chu đáo, dịu dàng với học sinh, không nề hà bất cứ công việc nào trong trường. Thầy làm từ việc chia cơm cho các em học sinh, cắt cỏ, phun khử khuẩn… đến cả lau mũi, cắt tóc, rửa mặt, cho các em học sinh, thầy cũng làm mà chúng tôi không chụp lại bởi vì đó trở thành việc hàng ngày của thầy” – cô Mai chia sẻ về người hiệu trưởng của mình.
Dưới đây là những hình ảnh nhận được rất nhiều sự yêu thích của giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Thầy Sáng khi trực bán trú
Khi lao động. Dù ngoài kế hoạch vẫn nhiệt tình làm.
Nhổ cỏ cùng giáo viên
Thầy hiệu trưởng làm thợ cắt cỏ, vì trường… toàn cô giáo.
Gói bánh từ thiện
Thầy Sáng còn làm cả thợ xây: xây bồn hoa từ những “viên gạch xanh”.
“Viên gạch xanh” là sáng kiến do chính thầy Phan Văn Sáng đề xuất
Thầy Sáng phun khử khuẩn chống dịch cho trường.
Thầy Sáng trực tiếp đo thân nhiệt cho học sinh khi các em tới trường
Trao đổi với VietNamNet, thầy Phan Văn Sáng cho biết sau khi tốt nghiệp sư phạm năm 1995, thầy đã trải qua một số nơi công tác. Từ năm 2014, thầy về làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Xuân B.
“Trường có 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì chỉ có 3 người là nam giới. Tôi có quan điểm việc của trường là việc của nhà, nên những việc tôi làm ở trường cũng như làm cho nhà mình thôi”.
Hiện nay, Trường Tiểu học Quỳnh Xuân B có 658 học sinh. Người dân trong vùng này chủ yếu đi làm ăn ở địa phương khác, nên rất đông học sinh trong trường sống với ông bà nội, ngoại.
“Học sinh trong trường là con cháu trong nhà, biết nhiều em thiếu thốn tình cảm do cha mẹ đi làm ăn xa, tôi và các thầy cô trong trường vẫn hỏi han, chia sẻ với các em, chăm được các em đến đâu thì chăm. Nên có cắt tóc, tắm rửa cho các em, cháu nào lỡ sứt đầu mẻ trán, mệt mỏi, nôn mửa tôi cũng “xử lý” hết, không ngại” – thầy Sáng bày tỏ.
Không muốn nói về bản thân, nhưng thầy Sáng rất hào hứng khi nói về công việc trong trường. Có một việc mà thầy rất tâm huyết là làm những “viên gạch xanh”. Thầy cho biết cách đây 2 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch thị xã Hoàng Mai về bảo vệ môi trường, thầy đã tìm hiểu và có sáng kiến nhét túi nilon bỏ đi vào các chai nhựa đã qua sử dụng, làm thành vật liệu để xây dựng.
“Tôi làm thử trước ở nhà, thấy rằng một chai nhựa có thể nhét tới hơn 200 túi nilon loại đựng khoảng 1kg. Sau đó thử thì thấy những chai nhựa này có thể chịu lực nén tới hơn 5kg. Từ đó, tôi phát động học sinh trong trường một mặt hạn chế sử dụng các bao bọc bằng nhựa, đồng thời thu gom những chai nhựa, túi nilon bỏ đi ở nhà, thậm chí cả vỏ kẹo nhựa… để ‘đóng gạch'”.
Thầy Phan Văn Sáng trong dịp kêu gọi học sinh nhà trường chung tay xử lý rác thải nhựa và túi nilon
Sau một thời gian phát động, học sinh trong trường đã làm được khoảng 1.000 “viên gạch xanh”. Số gạch này đã được thầy Sáng sử dụng để xây dựng 4 bồn trồng cây trong sân trường .
“Như vậy, các em đã thu dọn được khoảng hơn 200.000 nghìn bao nilon. Tôi vẫn còn vài trăm “viên gạch” nữa và vẫn tiếp tục vận động các em “đóng gạch” để tận dụng xây các công trình xanh cho nhà trường” – thầy Sáng chia sẻ.
Phương Chi – Ảnh: Thanh Mai
Thầy giáo giải phẫu lên lớp chỉ với… hộp phấn màu
Lên lớp chỉ với một hộp phấn màu mới được “nâng cấp”, không mang theo laptop chứa bài giảng điện tử, nhưng thầy Nguyễn Đức Nghĩa, Phó trưởng bộ môn Giải phẫu, ĐH Y Hà Nội vẫn có thể biến môn học khó nhằn trở nên trực quan, dễ nhớ.