Những “gương mặt vàng” của Thể thao Việt Nam

(NB&CL) SEA Games 31 khép lại với thành công rực rỡ của Đoàn thể thao Việt Nam với 205 tấm HCV. Để làm nên kỳ tích đó, không thể không nhắc tới những gương mặt vàng, những người đã nỗ lực hết mình, chiến đấu vì tinh thần thể thao cao thượng, màu cờ sắc áo, niềm tự hào và vinh quang Việt Nam.

(NB&CL) SEA Games 31 khép lại với thành công rực rỡ của Đoàn thể thao Việt Nam với 205 tấm HCV. Để làm nên kỳ tích đó, không thể không nhắc tới những gương mặt vàng, những người đã nỗ lực hết mình, chiến đấu vì tinh thần thể thao cao thượng, màu cờ sắc áo, niềm tự hào và vinh quang Việt Nam.

U23 Việt Nam lập kỳ tích bảo vệ thành công HCV SEA Games

Xin được nhắc đến U23 Việt Nam đầu tiên, bởi bóng đá là một trong những môn thi đấu được người hâm mộ (NHM) Việt Nam chờ đợi và khát khao nhất. Hành trình của thầy trò HLV Park Hang Seo đến trận tranh HCV mang quá nhiều cảm xúc đan xen và chỉ bùng nổ ở những phút cuối cùng, tạo ra niềm vui tột bậc, khép lại một kỳ đại hội có nhiều dấu ấn của nước chủ nhà Việt Nam.

Quả thật, vé “chợ đen” của trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 có thời điểm được đẩy lên tới hơn 20 triệu đồng một cặp cho thấy sức hút và độ nóng của cuộc đại chiến giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan khủng khiếp đến mức nào. Ngày diễn ra trận chung kết, trời Hà Nội mưa tầm tã nhưng không ngăn được dòng người nườm nượp đổ về sân Mỹ Đình để cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang Seo.

nhung guong mat vang cua the thao viet nam hinh 1

U23 Việt Nam xuất sắc giành HCV SEA Games 31. Ảnh: Đình Trung

Tại chảo lửa Mỹ Đình, hơn 4 vạn khán giả nhuộm đỏ các khán đài. Còn trên khắp đất nước Việt Nam, hàng triệu ánh mắt dõi theo màn hình tivi để theo dõi từng bước chạy của các cầu thủ áo đỏ. Thấp thỏm, lo lâu là có thật, khi U23 Thái Lan tỏ ra là đối thủ xứng tầm nhất với U23 Việt Nam, gây ra nhiều khó khăn cho các học trò của HLV Park Hang Seo. Nhưng phút 83, Phan Tuấn Tài có pha treo bóng như đặt để Nhâm Mạnh Dũng bật cao đánh đầu vào “góc chết” không cho thủ thành Kawin có cơ hội cản phá, ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Sân Mỹ Đình như muốn nổ tung sau cú đánh đầu đẳng cấp mà Nhâm Mạnh Dũng nói rằng “đó là bàn thắng quý giá nhất trong sự nghiệp”.

Chiến thắng 1-0 giúp Việt Nam lần đầu tiên thắng Thái Lan trong một trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games, sau 4 lần thất bại trước đó, trong đó có cả trận thua ngay tại Mỹ Đình năm 2003. U23 Việt Nam bước lên đỉnh vinh quang, bảo vệ tấm HCV SEA Games mà không để lọt lưới bàn nào – một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Với HLV Park Hang Seo, ông trở thành nhà cầm quân đầu tiên giúp bóng đá nam Việt Nam giành 2 HCV SEA Games liên tiếp. Càng đặc biệt hơn nữa, tấm HCV của thầy trò ông Park đã khép lại một kỳ SEA Games 31 thành công rực rỡ của đoàn thể thao Việt Nam với vị trí nhất toàn đoàn cùng kỷ lục 205 HCV.

Bóng đá nữ Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp giành HCV SEA Games

Một ngày trước khi U23 Việt Nam vượt qua U23 Thái Lan để giành HCV bóng đá nam SEA Games 31, trên sân Cẩm Phả (Quảng Ninh), các cô gái đá bóng của Việt Nam đã làm nên một kỳ tích mà có lẽ sẽ phải rất lâu nữa mới có đội bóng ở sân chơi khu vực làm được. Đó là giành 3 tấm HCV SEA Games liên tiếp.

Trong trận chung kết với nữ Thái Lan, các học trò của HLV Mai Đức Chung đã thể hiện bản lĩnh, đẳng cấp của nhà vô địch Đông Nam Á dù gặp không ít khó khăn. Bàn thắng duy nhất của đội trưởng Huỳnh Như ở phút 59 giúp ĐT nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan để giành HCV SEA Games 31, lần thứ 3 liên tiếp vô địch bóng đá nữ (2017, 2019, 2022), đồng thời lập kỷ lục ấn tượng ở đấu trường khu vực: 7 lần giành HCV SEA Games và 2 cú hat-trick HCV liên tiếp.

nhung guong mat vang cua the thao viet nam hinh 2

Đội tuyển nữ Việt Nam đi vào lịch sử khi 2 lần giành hat-trick HCV SEA Games và giành 7 HCV SEA Games trong lịch sử. Ảnh: Thiên An

Chiến thắng tại sân Cẩm Phả có thể xem là màn tri ân tuyệt vời với hàng chục nghìn khán giả đã thức trắng đêm để xếp hàng chờ nhận vé vào sân cổ vũ cho các cô gái vàng Việt Nam. Chiến thắng này cũng là lời cảm ơn vô cùng đáng giá của chính các tuyển thủ nữ với HLV Mai Đức Chung và là lời chia tay ngọt ngào của chiến lược gia thành công nhất lịch sử bóng đá nữ Đông Nam Á – người đã có 25 năm gắn bó và mang lại vinh quang cho bóng đá nữ Việt Nam.

Sau tấm HCV lần thứ ba liên tiếp này, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có lần đầu tiên chinh chiến ở giải đấu hấp dẫn và đáng xem nhất – World Cup 2023 vào tháng 6 năm 2023.

Nguyễn Huy Hoàng giành 5 HCV SEA Games 31, xô đổ 4 kỷ lục

Ánh Viên không đăng ký tham dự SEA Games 31 người ta lo lắng về khả năng giành HCV của đội tuyển Bơi Việt Nam. Tuy nhiên, đội tuyển Bơi Việt Nam vẫn cán đích SEA Games 31 với 11 HCV, xếp hạng 2 bộ môn sau Singapore (21 HCV), trong đó xuất sắc nhất là “cỗ máy săn huy chương” Nguyễn Huy Hoàng.

Huy Hoàng giành tổng cộng 5 HCV, trở thành nam VĐV có thành tích tốt nhất bơi SEA Games 2022. Kình ngư 21 tuổi người Quảng Bình còn tạo ra 4 kỷ lục, trong đó xô đổ 3 cột mốc tại SEA Games và 1 kỷ lục quốc gia. “Rái cá sông Gianh” tạo ra 3 kỷ lục SEA Games mới gồm: 400m bơi tự do với thời gian 3 phút 48 giây 06 (phá luôn kỷ lục quốc gia), 800m tự do (7 phút 50 giây 20) và bơi tiếp sức đồng đội 4x200m tự do (7 phút 16 giây 31).

nhung guong mat vang cua the thao viet nam hinh 3

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng nhận phần thưởng từ tay Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng – Ảnh: TTXVN

Ấn tượng hơn nữa, Huy Hoàng có lần đầu tiên vượt qua đối thủ lớn Joseph Schooling ở một kỳ SEA Games. Huyền thoại bơi người Singapore chỉ giành được 2 HCV (100m bơi bướm nội dung dành cho nam, 4x100m bơi bướm nội dung dành cho nam) và không tạo ra được kỷ lục nào.

Lần đầu tiên trong lịch sử bơi lội có 1 kình ngư nam giành 5 HCV ở một kỳ SEA Games và giành luôn ngôi đầu bơi nam, Huy Hoàng không chỉ là một trong hai VĐV của Việt Nam góp mặt trong danh sách 4 VĐV tiêu biểu của SEA Games 31, mà anh còn hứa hẹn sẽ còn thống trị đường đua xanh ở những kỳ đại hội thể thao khu vực sắp tới.

Nguyễn Thị Oanh bảo vệ thành công 3 HCV điền kinh

Kết thúc SEA Games 31, điền kinh Việt Nam tiếp tục giữ được ngôi vị số 1 với thành tích 22 HCV, 15 HCB và 8 HCĐ, bỏ xa thành tích 12 HCV của đoàn xếp tiếp theo là Thái Lan. Trong thành công của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 không thể không nhắc tới Nguyễn Thị Oanh. Cô gái nhỏ bé sinh năm 1995 quê Bắc Giang thi đấu ấn tượng, để bảo vệ thành công 3 tấm HCV ở cự ly 1.500m, 5.000m và nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.

nhung guong mat vang cua the thao viet nam hinh 4

Nguyễn Thị Oanh bảo vệ thành công 3 HCV điền kinh. Ảnh: Lam Oanh

Ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, với thành tích 9 phút 52 giây 46, Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục do chính mình thiết lập ở SEA Games 30 (10 phút 00 giây 02).

Nguyễn Thị Oanh thú thật, cô đã rất lo lắng, thậm chí mất ngủ vì không biết mình có đủ đảm bảo sức khỏe để hoàn thành hết các nội dung đăng ký hay không. Sáng hôm trước Oanh thi 1.500m, đến chiều thi 5.000m và đến hôm sau thi 3.000m vượt chướng ngại vật. Sau mỗi nội dung, cô còn phải đi kiểm tra doping, nên gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Trước khi trở thành chân chạy đỉnh cao của điền kinh Việt Nam, Oanh từng trải qua muôn vàn khó khăn với căn bệnh quái ác viêm cầu thận, có nguy cơ giã từ sự nghiệp. Với nghị lực và ý chí không từ bỏ, Nguyễn Thị Oanh vượt qua được căn bệnh này để bùng nổ trở lại.

Oanh đã thống trị các cự ly 1.500m, 5.000m rồi 3.000m vượt chướng ngại vật ở đấu trường Đông Nam Á từ năm 2017 đến nay.

Trần Nguyên Hưng phá hai kỷ lục SEA Games liên tiếp

Ở đội tuyển bơi Việt Nam, Trần Hưng Nguyên là “cậu em út”. Tuy nhỏ tuổi nhưng chàng trai sinh năm 2003 tại Quảng Bình lại mang trong mình sức mạnh khổng lồ, với khát khao chiến thắng vô tận. Dường như mảnh đất Quảng Bình khó khăn đã nhào nặn nên một Hưng Nguyên bản lĩnh, nghị lực phi thường trong một con người dị thường.

nhung guong mat vang cua the thao viet nam hinh 5

Kình ngư Trần Hưng Nguyên lần thứ hai liên tiếp phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m hỗn hợp. Ảnh: Khả Hòa

Tại SEA Games 31, kình ngư Trần Hưng Nguyên xuất sắc giành 3 HCV cá nhân ở các nội dung 200m hỗn hợp, 400m hỗn hợp, 200m bướm và 1 HCV tiếp sức 4x200m tự do. Đáng nói, anh một lần nữa khiến tất cả phải ngả mũ khi phá kỷ lục 400m hỗn hợp cá nhân nam trong hai kỳ SEA Games liên tiếp.

Còn nhớ, tại SEA Games 30 ở Philippines ba năm trước, cái tên Trần Hưng Nguyên khiến làng bơi Đông Nam Á dậy sóng. Ngay cả Ban huấn luyện đội tuyển bơi và người hâm mộ Việt Nam cũng ngỡ ngàng, bởi mục tiêu ban đầu góp mặt tại sân chơi SEA Games của Hưng Nguyên chỉ là… cọ xát. Thế nhưng, chàng trai trẻ ấy bất ngờ giành cú đúp HCV ở nội dung 200m và 400m hỗn hợp. Thậm chí, ở nội dung 400m hỗn hợp, Trần Hưng Nguyên còn phá kỷ lục SEA Games với thành tích 4 phút 20 giây 65 khi mới 16 tuổi.

Ba năm sau kỳ tích ấy, Trần Hưng Nguyên trưởng thành và chín chắn hơn. Bước vào SEA Games 31 với sự tự tin và khát khao thể hiện, kình ngư Quảng Bình một lần nữa chứng tỏ được tài năng của mình và thêm một lần phá kỷ lục ở nội dung 400m hỗn hợp mà chính anh tạo ra trên đất Phillipines bằng thành tích 4 phút 18 giây 10. Thành tích này cũng giúp Hưng Nguyên trở thành kình ngư nam thứ hai của Việt Nam lập kỷ lục trong hai kỳ liên tiếp tính ở mọi nội dung, sau đồng hương Nguyễn Huy Hoàng. Tại SEA Games 2017 và 2019, Huy Hoàng từng hai lần liền lập kỷ lục 1.500m tự do.

Dù được xem là “thần đồng mới” của làng bơi Việt Nam, nhưng bên ngoài Hưng Nguyên bẽn lẽn và ít nói. Theo chia sẻ của chị Luyển (mẹ kình ngư người Quảng Bình), Nguyên đằm tính là thế, song mỗi khi “xuống nước” cậu bé có thể bùng nổ phi thường.

Đinh Phương Thành đánh bại nhà vô địch thế giới

Trước khi SEA Games 31 khởi tranh, đội tuyển nam Thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành 3 HCV. Tuy nhiên, thầy trò HLV Trương Minh Sang đã vượt chỉ tiêu với 4 HCV, trong đó VĐV Đinh Phương Thành thi đấu xuất sắc, đóng góp 3 HCV (2 HCV cá nhân, 1 HCV đồng đội).

nhung guong mat vang cua the thao viet nam hinh 6

VĐV Đinh Phương Thành thi đấu xuất sắc, đóng góp 3 HCV (2 HCV cá nhân, 1 HCV đồng đội). Ảnh: Đình Trung

Càng ấn tượng hơn nữa khi nội dung cá nhân, Đinh Phương Thành phải đối mặt tranh tài với nhà vô địch thế giới Carlo Yulo (Philippines), người đặt mục tiêu giành cả 7 HCV nội dung cá nhân trước SEA Games 31. Song tham vọng của nhà vô địch thế giới đã bị cản trở bởi sự xuất sắc của Đinh Phương Thành.

Ở nội dung xà đơn, Carlos Yulo và Phương Thành có màn so tài vô cùng quyết liệt. Các trọng tài không thể chấm ai điểm cao hơn khi cùng cho 13,767 điểm và đồng nghĩa với việc Phương Thành và Carlos Yulo cùng nhận HCV. Còn tại nội dung sở trường xà kép, Phương Thành có bài thi hoàn hảo để giành HCV với số điểm thuyết phục 15,133, trong khi Carlos Yulo chỉ giành 14,900 điểm.

Đinh Phương Thành sinh năm 1995 tại Hà Nội, bén duyên với TDDC từ năm 7 tuổi, sau đó có 8 năm đi tập huấn nước ngoài. Trở về Việt Nam, Phương Thành lập tức trở thành trụ cột của đội tuyển TDDC Hà Nội và đội tuyển quốc gia. Sau 20 năm gắn bó với TDDC, Phương Thành sở hữu nhiều danh hiệu khu vực và quốc tế, từng được dự Olympic năm 2020.

Hoàng Nguyên Thanh giành HCV lịch sử cho marathon Việt Nam

Mặc dù chỉ giành 1 tấm HCV SEA Games 31, nhưng cái tên Hoàng Nguyên Thanh xứng đáng được nhắc đến khi mang về tấm HCV lịch sử cho marathon Việt Nam tại đấu trường khu vực. Trước đây, Việt Nam mới chỉ có tấm HCV marathon nữ của Phạm Thị Bình lập tại SEA Games 2013. Trong khi đó, thành tích tốt nhất của marathon nam Việt Nam là chiếc HCB của Nguyễn Chí Đông tại SEA Games 2003. Lịch sử đã sang trang và người làm nên kỳ tích là chân chạy Hoàng Nguyên Thanh.

nhung guong mat vang cua the thao viet nam hinh 7

Hoàng Nguyên Thanh giành HCV lịch sử cho marathon Việt Nam – Ảnh: Hoàng Triều

Sau hơn hai tiếng vắt kiệt sức trên đường đua với tổng chiều dài 42,195km, Hoàng Nguyên Thanh bỏ xa các đối thủ để về đích đầu tiên với thành tích 2 giờ 25 phút 07 giây 84. Quán quân SEA Games 30 Agus Prayogo (Indonesia) về nhì, Tony Ah-Thit Payne, VĐV nhập tịch Thái Lan cán đích ở vị trí thứ 3. Cú bứt tốc cán đích của Nguyên Thanh sau đó được phát đi phát lại trên các phương tiện truyền thông thực sự gây ấn tượng mạnh.

Hoàng Nguyên Thanh sinh năm 1995 tại Bình Phước, bộc lộ tố chất thể thao từ nhỏ, đạt nhiều thành tích cao khi được cử đi thi Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, cấp tỉnh. Nguyên Thanh có 6 lần liên tiếp đăng quang giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” trên sân nhà Bình Phước kể từ năm 2014.

Năm 2017, Nguyên Thanh gặp phải một chấn thương nặng, tưởng như phải bỏ nghiệp. Tuy nhiên, chàng trai quê Bình Phước đã trở lại đầy ngoạn mục khi giành 3 chức vô địch liên tiếp tại giải marathon Tiền Phong. Tấm HCV lịch sử ở SEA Games 31 chính là trái ngọt, thành quả xứng đáng sau những năm tháng đánh đổi, hy sinh của Nguyên Thanh.

Nguyễn Đức Tuân giành HCV bóng bàn đơn nam SEA Games 31

Trước SEA Games 31, ít ai nghĩ rằng bóng bàn Việt Nam có thể giành được HCV. Singapore – quốc gia vốn nhập tịch nhiều tay vợt Trung Quốc, gần như vô đối ở bộ môn này. Trong khi đó, Thái Lan cũng sở hữu nhiều tay vợt có thứ hạng khá cao trên bảng xếp hạng thế giới.

nhung guong mat vang cua the thao viet nam hinh 8

Nguyễn Đức Tuân giành HCV bóng bàn đơn nam SEA Games 31. Ảnh: Huy Đăng

Tuy nhiên, Nguyễn Đức Tuân – tay vợt sinh năm 1997 quê Hải Dương, cái nôi từng sản sinh ra rất nhiều tay vợt nổi tiếng của Việt Nam như Vũ Mạnh Cường, Đoàn Bá Tuấn Anh, đã lập nên kỳ tích sau khi đánh bại đối thủ Phakpoom Sanguansin người Thái Lan trong trận chung kết với tỉ số 4-1 (11-7, 11-9, 8-11, 11-7, 13-11).

Lần gần nhất bóng bàn Việt Nam giành được HCV đơn nam là ở SEA Games 2003, khi Đại hội thể thao Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam. 19 năm trước, Trần Tuấn Quỳnh mang về HCV bóng bàn đơn nam sau trận chung kết với Phakpoom Sanguansin. 19 năm sau, trong lần trở lại Việt Nam, Phakpoom Sanguansin một lần nữa hứng chịu thất bại.

Trên hành trình chinh phục SEA Games 31 còn có rất nhiều gương mặt đã xuất sắc đóng góp vào vị trí số 1 của đoàn thể thao Việt Nam như VĐV Dương Thúy Vi (2 HCV Wushu), Nguyễn Văn Lai (2 HCV ở nội dung điền kinh 5.000m và 10.000m), Trần Hoàng Duy Thuận (thể hình), VĐV của các đội tuyển môn rowing, canoeing, kurash, judo, karate, dancesports, vật, thể hình, xe đạp…

Song Tử