Những “góc khuất” ở kỳ thi giáo viên giỏi trong năm học này!
GDVN- Nếu để kết quả xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên như cuối năm học 2019-2020 thì rất hiếm giáo viên đủ điều kiện tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
Kỳ thi giáo viên dạy giỏi cho năm học này có những bất ngờ khiến nhiều trường học, giáo viên không lường trước được. Bởi vì, đây là năm học đầu tiên các địa phương, các trường học tổ chức kỳ thi giáo viên dạy giỏi theo Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều tréo ngoe là ở chỗ Thông tư 22/2019/TT-BGDĐ quy định giáo viên muốn tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi phải đạt được mức “tốt” ở các tiêu chí trong tiêu chuẩn 2 (phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Trong khi, những điều này trước đây chưa có nên đa số giáo viên tự xếp loại và các trường xếp chuẩn giáo viên ở mức “khá” ở năm học trước mà thôi.
Vì thế, đến khi ban hành kế hoạch hội thi, phát động giáo viên đăng ký tham gia thi và làm hồ sơ thì mới phát hiện ra việc đa số giáo viên đăng ký dự thi không đạt mức “tốt” đối với các tiêu chí này.
Thế là một số trường học đã âm thầm sửa lại các tiêu chí trong Chuẩn nghề nghiệp giáo viên của năm học trước để giáo viên đủ điều kiện tham dự hội thi.
Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐ hướng dẫn tiêu chí tham gia hội thi giáo viên giỏi như thế nào?
Tại các điều 6, 7 của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT quy định Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông đã hướng dẫn tiêu chuẩn cho giáo viên tham gia hội thi giáo viên giỏi như sau:
Đối với giáo viên mầm non: “Giáo viên tham dự Hội thi cấp trường phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi.
Trong đó có các tiêu chí 1, 3, 4, 5, 6, 8 và 9 được quy định tại Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đạt mức tốt”.
Đối với giáo viên phổ thông: “Giáo viên tham dự Hội thi cấp trường phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi.
Trong đó, các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức tốt”.
Chẳng hạn, đối với giáo viên phổ thông tham gia thi giáo viên giỏi phải đáp ứng được yêu cầu là năm học trước phải được xếp loại chung của chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên. Trong đó, các tiêu chí từ 3 đến 7 ở tiêu chuẩn 2 phải đạt mức “tốt”.
Trong khi, các tiêu chí từ 3-7 của tiêu chuẩn 2 phải xếp loại tốt được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐTngày 22 tháng 8 năm 2018 như sau:
Tiêu chí 3, mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuyên môn của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tiêu chí 4, mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục.
Tiêu chí 5, mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp về kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm vận dụng những phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Tiêu chí 6, mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp kinh nghiệm triển khai hiệu quả việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh.
Tiêu chí 7, mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp kinh nghiệm triển khai hiệu quả hoạt động tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục.
Chính vì quy định xếp loại tiêu chuẩn 2, Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ khó như vậy nên đa phần giáo viên chỉ tự xếp và được tổ chuyên môn, nhà trường xếp ở mức “khá”.
Trong khi, Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐ hướng dẫn tiêu chí tham gia hội thi giáo viên giỏi yêu cầu các tiêu chí này phải xếp ở mức “tốt” thì mới đủ điều kiện tham gia hội thi giáo viên giỏi từ cấp trường trở lên thành ra bị “hớ”.
Vì thế, nếu để kết quả xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên như cuối năm học 2019-2020 đã xếp thì rất hiếm giáo viên đủ điều kiện tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện.
Nhưng, nếu hội thi mà không có người tham gia thì làm sao mà lãnh đạo nhà trường và Phòng Giáo dục tổ chức được?
Có nhà trường âm thầm sửa chuẩn nghề nghiệp giáo viên
Trong phiếu đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được Bộ thiết kế các ô tương ứng với các mức: chưa đạt (CĐ); đạt (Đ); khá (K); tốt (T) và khi giáo viên tự xếp loại hay tổ chuyên môn và nhà trường xếp loại thì đánh dấu (x) vào các ô tương ứng.
Vì vậy, khi Ban giám hiệu nhà trường chủ trương sửa lại một số tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 chỉ cần bỏ dấu (x) ở ô “K” và đánh dấu (x) ở ô “T” là xong. Các chữ nhận xét và xếp loại chung của chuẩn nghề nghiệp sẽ không ảnh hưởng gì hết.
Hoặc, Ban giám hiệu gặp gỡ riêng với giáo viên yêu cầu họ về in lại bảng tự xếp loại ở năm trước và hướng dẫn sửa các tiêu chí từ 3-7 là xong, mọi chuyện diễn ra rất nhẹ nhàng vì hồ sơ giáo viên thì nhà trường lưu trữ.
Ngay cả bảng tổng hợp xếp loại toàn trường thì cũng chỉ dừng lại ở mức chung cho từng giáo viên là “tốt”; “khá” ; “đạt” hoặc “chưa đạt” chứ không đi vào chi tiết từng tiêu chuẩn hay các tiêu chí cụ thể.
Vậy nên, việc sửa chữa hay thay bản đánh giá, xếp loại khác cho giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi rất giản đơn mà nếu cấp trên về kiểm tra cũng khó phát hiện ra.
Có lẽ, từ “sự cố” này sẽ giúp cho giáo viên và nhà trường sẽ chủ động “rút ra kinh nghiệm” cho các năm học sau vì năm nay là năm đầu tiên các địa phương, nhà trường tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐ.
Chao ôi, để tổ chức một hội thi giáo viên giỏi mà ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ cho giáo viên dự thi đã thể hiện sự gian dối- nhưng biết trách ai bây giờ!
LÊ VĂN MINH