Những điều cần biết về người sống hiến thận (Phần 1) – Bệnh viện Nhân Dân 115

Ai có thể trở thành người sống hiến thận? Những lợi ích của hiến thận khi còn sống so với hiến thận ở người đã chết là gì? Thận sau khi được ghép tồn tại trong bao lâu?…Bài viết sau đây sẽ giải đáp một số thắc mắc chính xoay quanh chủ đề hiến thận ở người sống.

1. Hiến tạng ở người sống là gì?

Hiến tạng ở người sống xảy ra khi một
người sống hiến một bộ phận (hoặc một phần của bộ phận cơ thể) để cấy ghép cho
người khác. Người hiến tạng còn sống có thể là một thành viên trong gia đình,
chẳng hạn như cha mẹ, con cái, anh chị em (liên quan đến hiến tạng còn sống).

Hiến tạng khi còn sống cũng có thể từ
một người có quan hệ tình cảm với người nhận, chẳng hạn như bạn bè hoặc vợ
chồng (hiến tạng không quan hệ huyết thống). Nhờ các loại thuốc ức chế miễn
dịch mới xuất hiện gần đây nên việc ghép
tạng giữa người cho
và người nhận có kết quả tốt.

Trong một số trường hợp, hiến tạng ở
người sống thậm chí có thể từ một người lạ, được gọi là hiến tạng ẩn danh hoặc
không trực tiếp.

2. Những cơ quan nào có thể lấy để ghép
từ người cho sống?

Cơ quan thường được người hiến tạng ở người cho sống là thận. Ngoài ra các bộ phận của các cơ quan khác cũng có thể hiến bao gồm phổi, gan, tuyến tụy…
hiện đang được cấy ghép từ những người cho sống.

Ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân 115

3. Ai có thể là người sống hiến thận?

Để hiến một quả thận, bạn phải có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt, theo
nguyên tắc chung, bạn phải từ 18 tuổi trở lên, chức năng thận bình thường.

Có một số vấn
đề y khoa có thể ngăn cản bạn trở thành người hiến thận còn sống. Chúng bao gồm huyết áp cao không kiểm soát, tiểu đường, ung thư, nhiễm
HIV, viêm gan cấp
chưa điều trị ổn định hoặc nhiễm trùng cấp tính. Có một
tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cần điều trị cũng có thể ngăn bạn trở
thành người hiến thận.

4. Những lợi ích của hiến thận khi còn sống so với hiến thận ở người đã chết
là gì?

Ghép thận được thực hiện từ những người hiến thận còn sống có thể có một số
lợi thế so với các ca cấy ghép được thực hiện từ những người hiến thận đã chết:

– Một số ca cấy ghép người hiến thận còn sống được thực hiện giữa các thành
viên trong gia đình có gen giống nhau. Sự phù hợp di truyền tốt hơn làm giảm
nguy cơ bị đào thải.

– Tỷ lệ sống của thận
ghép từ người hiến sống cao hơn từ người hiến đã chết.

– Thận của một người hiến thận còn sống thường hoạt động ngay lập tức, vì thận
được đưa ra khỏi cơ thể trong một thời gian rất ngắn. Một số quả thận của người
hiến thận đã chết không hoạt động ngay lập tức và do đó, bệnh nhân có thể phải
lọc máu cho đến khi thận bắt đầu hoạt động lại.

– Các người
hiến tiềm năng có thể được kiểm tra trước thời hạn để tìm ra người hiến tương thích nhất với người nhận. Việc cấy ghép có thể diễn ra vào thời điểm
thuận tiện cho cả người cho và người nhận, giảm nguy cơ biến chứng sau ghép.

5. Có nhiều hình thức hiến thận người cho sống khác nhau không?

Việc hiến thận phải hoàn toàn tự nguyện, có hai hình thức hiến thận
ở người cho sống:

Hiến thận trực tiếp

Đây là khi người hiến thận nêu tên một người cụ thể sẽ nhận quả thận của
mình hiến. Đây là hình thức hiến thận ở người cho sống phổ biến nhất. Hiến thận
trực tiếp thường là giữa những người có quan hệ huyết thống như cha mẹ, anh chị
em hoặc con cái. Hình thức này cũng có thể xảy ra giữa những người có quan hệ
cá nhân thân thiết. Các mối quan hệ chẳng hạn như vợ/chồng,
bạn bè hoặc đồng nghiệp.

Hiến thận gián tiếp

Đó là khi một người không nêu ra tên cụ thể người sẽ nhận thận. Trong trường
hợp này, người hiến thận được ghép với người có nhu cầu đã được đăng ký trước với Ủy ban điều phối
ghép tạng.

6. Các ca cấy ghép từ người hiến tạng có
luôn thành công hay không?

Mặc dù ngày
nay việc cấy ghép có khả năng thành công cao và tỷ lệ thành
công tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, đôi khi thận bị đào thải,
hoặc có biến chứng phẫu thuật hoặc do bệnh nền nặng khiến thận được ghép không thể hoạt động tốt.

7. Thận sau khi được ghép tồn tại trong
bao lâu?

Trung bình, một quả thận của một người hiến tạng ở người cho sống kéo dài
khoảng 15 đến 20 năm. Một số quả thận ghép sẽ tồn tại lâu hơn, một số khác có
thể tồn tại ngắn hơn,
phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tương hợp miễn dịch, thời gian thiếu máu của thận
ghép khi mổ, các bệnh lý đi kèm…

8. Bạn có thể tìm số liệu thống kê liên quan đến hiến thận ở người cho sống tại
đâu?

Bạn có thể tìm thấy một số thống kê trên trang web Vnhot.vn của Trung tâm điều phối
ghép tạng quốc gia.

Nguồn:https://www.kidney.org/transplantation/livingdonors/general-information-living-donation

ThS. BS. Nguyễn Phú Quốc

– Khoa Nội thận – Miễn dịch ghép, Bệnh viện
Nhân dân 115