Những điều cần biết khi chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi
–
Thứ bảy, 16/10/2021 14:00 (GMT+7)
Người cao tuổi cần phải chấp nhận những thay đổi bình thường có tính quy luật đang xảy ra đối với bản thân, vui hưởng cảnh hoạt động, sinh hoạt và nghỉ ngơi phù hợp…
Vận động có kiểm soát là cách giúp người cao tuổi duy trì được sức khoẻ. Ảnh: Hồng Nhung
Người cao tuổi, theo quan niệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là người từ đủ 60 trở lên và khái niệm này có sự khác nhau ở các quốc gia.
Cơ thể con người, bất cứ độ tuổi nào cũng đang già đi hàng ngày, hàng giờ, đó là quy luật tự nhiên, không ai có thể cưỡng lại được. Do đó, người cao tuổi cần phải chấp nhận những thay đổi bình thường có tính quy luật đang xảy ra đối với bản thân, vui hưởng cảnh hoạt động, sinh hoạt và nghỉ ngơi phù hợp vừa sức.
Dưới đây là những hướng dẫn có tính gợi ý về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của bác sĩ Lê Thân ở Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam trong sách “Chữa bệnh cho mẹ”:
Theo dõi sức khoẻ hàng ngày
Ở người cao tuổi sức khỏe dự trữ giảm đi bởi sự suy giảm, lão hóa của tất cả các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là quả tim và huyết áp.
Nên cần phải kiểm tra tim mạch khi có biểu hiện khác thường, đo huyết áp để phòng ngừa những bất trắc xảy ra. Mỗi người cần biết sức khỏe và một phần sức khỏe dự trữ của mình cho cách sống và luyện tập.
Vận động
Phải lượng sức mình và vận động, luyện tập theo nguyên tắc từ nhẹ đến nặng, từ thấp đến cao. Như đi bộ bình thường từ 71 – 90 bước/phút, đi bộ nhanh hơn từ 91 – 110 lần/ phút, nếu đủ sức thì chạy chậm.
Tự kiềm chế, tránh sang chấn về tinh thần
Người cao tuổi có hai “cơn bão” về tinh thần có thể gây sang chấn mạnh nhất là mất đi người thân và việc nghỉ hưu. Chấn thương tinh thần làm sa sút và gây rối loạn thương tổn đến cơ thể, đặc biệt hệ thống thần kinh và tim mạch phải gánh chịu nhiều nhất.
Phòng ngã và tai nạn giao thông
Gây ngã do 2 nguyên nhân di chứng các bệnh thần kinh làm khó khăn vận đông và do đường đi khó khăn, vật cản, bất cẩn, mắt kém… Khi bị ngã rất dễ bị gãy xương, nhất là xương đòn và cổ xương đùi…
Đảm bảo giấc ngủ hợp lý
Người già rối loạn giấc ngủ thường xuyên xảy ra. Để đảm bảo ngủ tốt cần ngủ và dậy vào những giờ nhất định; tránh xem truyện, ti vi quá khuya.
Chuẩn bị tốt chỗ ngủ thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; giường, chăn, gối sạch sẽ… Tránh suy nghĩ căng thẳng khi ngủ, mỗi buổi trưa cần ngủ từ 1 – 1,5 giờ.
Hít thở sâu 10 phút trước khi ngủ để giúp giấc ngủ sâu hơn.
Dinh dưỡng và ăn uống
Do chức năng hấp thu và thải trừ ở người cao tuổi đã bị những rối loạn nên rất cần đến chế độ ăn uống hợp lý để vừa đầy đủ chất cho cơ thể vừa phòng ngừa, điều trị một số bệnh mạn tính ở người già tùy theo tình trạng bệnh lý.
Rượu và thuốc lá là hai thứ nguy hiểm với người già vì vậy không nên dùng.
Dùng thuốc
Do chức năng gan, thận và các bộ phận khác đã suy giảm, lão hóa nên việc dùng thuốc ở người cao tuổi phải rất thận trọng. Phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Liều thuốc cho người già chỉ bằng nửa liều thuốc cho trẻ em; càng ít dùng thuốc càng tốt, trừ trường hợp cần thiết; nên dùng thuốc đường uống và có thể lựa chọn thuốc Đông y để dùng.
Phòng tránh tai biến mạch máu não
Bệnh cảnh này hậu quả là dễ tử vong; nếu sống thường để lại di chứng kéo dài gây khó khăn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mọi người cần biết huyết áp bình thường của mình, thường xuyên kiểm tra huyết áp, nếu tăng huyết áp điều trị đúng chỉ dẫn của bác sĩ và duy trì ở mức 140/90mmHg là lý tưởng.
Người cao tuổi cần sống điều độ, ăn uống, nghỉ ngơi và tránh những sang chấn tinh thần. Tránh các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp như xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, uống rượu bia…