Những điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng
(Xây dựng) – Theo quy định mới của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có thay đổi về mức xử phạt. Đáng chú ý, hành vi xây dựng sai phép, không phép, không đúng quy hoạch bị tăng mức xử phạt gần 3 lần.
Đoàn Thanh tra của Sở Xây dựng Hòa Bình kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tại một dự án tại huyện Lương Sơn.
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng được ban hành ngày 28/1/2022 và có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành. Về cơ bản, Nghị định 16 kế thừa toàn bộ nội dung Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, với một số nội dung điều chỉnh được quy định rất chi tiết và cụ thể, bước đầu, Nghị định 16 được đánh giá là dễ dàng áp dụng vào thực tiễn tại cơ sở. Dưới đây mà một số ý kiến mà phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận được từ một số Sở Xây dựng.
Ông Nguyễn Thành Công – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hải Dương:
Quy định mới của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP tăng mức phạt đối với hành vi xây dựng không có Giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có Giấy phép xây dựng so với hành vi xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp; không áp dụng cùng một mức như Nghị định 139/2017/NĐ-CP trước đây.
Về quy định xử phạt đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính: Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã đề cập chi tiết hơn, rõ ràng hơn, mức phạt cao hơn trước đây, đó là: hành vi được tiếp tục thực hiện xác định trước thời điểm cấp thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà đã được người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm trước đó. Về mức phạt tiền đối với nhà ở riêng lẻ từ 35 triệu đến 40 triệu tăng lên từ 100 triệu đến 120 triệu; còn đối với công trình thuộc diện lập dự án đầu tư từ 300 triệu đến 350 triệu tăng lên từ 400 triệu đến 500 triệu đồng (bằng 1/2 mức xử phạt đối với hành vi tái phạm quy định tại điểm c, khoản 13 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Mức răn đe đối với hành vi vi phạm trên là rất tốt, tăng hiệu lực của biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu dừng thi công; nhưng đối với nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 2 tầng, diện tích xây dựng nhỏ, kết cấu đơn giản, kinh phí xây dựng ít nếu hộ gia đình, cá nhân không được chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, lực lượng chức năng khi kiểm tra không hướng dẫn, nhắc nhở cụ thể, đối tượng vi phạm không nắm được quy định mà để xảy ra vụ việc phải bị xử phạt thì rất là đáng tiếc, khó khăn cho việc thực hiện nộp tiền.
Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 69 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì Người được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng, có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuộc UBND các cấp là “Công chức, viên chức”; nhưng đến Nghị định 16/NĐ-CP thì chỉ là “Công chức” được giao nhiệm vụ trên mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. So với Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì Nghị định 16/2022/NĐ-CP cho phép Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thêm thẩm quyền “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”. Tăng thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện (phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với tổ chức so với quy định của Nghị định 139/2017/NĐ-CP là 100 triệu đồng). Quy định này làm tăng tính chủ động, đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt cho chính quyền địa phương.
Ông Mai Văn Tuấn – Chánh thanh tra Sở Xây dựng Thanh Hóa:
Theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định, mức phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng, nhất là đối với hành vi vi phạm về trật tự xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn và thành thị là khá cao. Đối với các địa phương hầu hết còn thuần nông, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, điều kiện về kinh tế không thuận lợi như các thành phố lớn, thì việc yêu cầu người dân chấp hành nộp phạt với số tiền lớn như thế sẽ khó khăn cho người xử lý vi phạm. Còn đối với các công trình phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, mức phạt như vậy là đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm, tái phạm. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, những quy định mới này hoàn toàn khả thi và đã bổ sung nhiều điều, khoản mà trước đây Nghị định 139 chưa có.
Một điểm mới đáng chú ý của Nghị định 16 là hành vi xây dựng trên đất không đúng mục đích sẽ chỉ xử phạt theo Luật Đất đai và Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai (khoản 11, Điều 16). Quy định này rất rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, bởi vì thực chất người vi phạm chỉ có 01 hành vi vi phạm; khắc phục việc quy định không cụ thể của Nghị định 139/2017/NĐ-CP khi xây dựng công trình trên đất không đúng mục đích thì bị xử phạt như thế nào, gây khó khăn cho việc xác định hành vi vi phạm, dẫn tới có trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp bị xử phạt cả 02 hành vi, đó là xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và xử phạt hành vi xây dựng không phép theo Nghị định 139.
Ông Đoàn Tiến Lập – Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng Hòa Bình:
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP có những điểm mới như: Bổ sung một số nội dung ở Nghị định số 139/2017/NĐ-CP khi giải thích về công trình khác, bổ sung công trình không thuộc trường hợp lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, quy định rõ nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP thì công trình khác quy định tại Nghị định này là công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và không phải là nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.
Bổ sung quy định xử phạt hành vi không công khai Giấy phép xây dựng; Xử phạt không điều chỉnh Giấy phép xây dựng; Tăng mức phạt đối với hành vi sai giấy phép xây dựng; Không phân biệt nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn… Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu tạm dừng, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã kế thừa quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về việc xử phạt hành vi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân tiếp tục vi phạm, tuy nhiên đã bổ sung quy định việc tiếp tục vi phạm trước khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời tăng mức phạt tối thiểu từ 5 triệu lên 100 triệu và tối đa 350 triệu lên 500 triệu…
Như vậy Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã quy định rõ và bổ sung về đối tượng chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương như: công trình khác, công trình không thuộc trường hợp lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, quy định rõ nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân. Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt hành chính tùy theo hành vi và mức độ vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng và thẩm quyền được lập biên bản vi phạm hành chính để tránh tình trạng người lập biên bản lạm dụng và không am hiểu về pháp luật xây dựng dẫn đến cán bộ lại vi phạm về hành chính.