Những điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính về các biện pháp xử lý hành chính

Năm 2020, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bài viết này Luật Minh Khuê trình bày những điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính về các biện pháp xử lý hành chính.

Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hành chính của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hành chính, gọi:  1900 6162

1. Cơ sở pháp lý: 

– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020)

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được ban hành trước Hiến pháp năm 2013, nhiều nội dung của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người cần được thể chế trong Luật. Trước yêu cầu đó, năm 2020 Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật sửa đổi, bổ sung) trong đó có sửa đổi, bổ sung về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

2. Sửa đổi, bổ sung về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Sửa đổi Điều 90 về đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Có ba nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Điều 90 như sau:

Thứ nhất, Luật sửa đổi bổ sung đã cụ thể hóa độ tuổi người vi phạm nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của những người dưới 18 tuổi theo định hướng cải cách tư pháp của Đảng đã đề ra trong Chiến lược cải cách tư pháp. Theo đó, khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính được chia thành hai khoản, một khoản áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và một khoản áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, mỗi khoản quy định số hành vi vi phạm khác nhau. 

Thứ hai, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể hành vi vi phạm để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những người ở từng lứa tuổi khác nhau. Cụ thể:

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép (hành vi đua xe trái phép mới được bổ sung).

– Người từ đủ 14 tuổi trở lên vi phạm về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.

– Người từ đủ 18 tuổi trở lên vi phạm về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.

Thứ ba, tăng thêm khoản trong điều luật. Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính có 6 khoản, Luật sửa đổi, bổ sung đã bố cục lại thành 7 khoản. Việc sửa đổi này nhằm cụ thể hơn các đối tượng áp dụng, tạo thuận lợi cho việc thực hiện Luật và áp dụng Luật.

3. Sửa đổi Điều 92 về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Có ba nội dung mới được sửa đổi tại Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau:

– Sửa đổi khoản 2 Điều 92 theo hướng mở rộng thêm đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Khoản 2 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.

Theo quy định này thì chỉ những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự, mới thuộc đối tượng được áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Những người này nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự, thì không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Nay Luật sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định “do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự ”, như vậy những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, đều thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

– Sửa đổi khoản 3 Điều 92 mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Khoản 3 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi khoản 3 như sau: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 của Luật này và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo quy định này thì Luật sửa đổi, bổ sung đã mở rộng hơn đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Đó là những đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 90 là những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép. Như vậy, những người này chỉ cần có các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép dù là tội phạm ít nghiêm trọng cũng thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

4. Sửa đổi Điều 94 về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Theo quy định tại khoản 1 Điều 94, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Với quy định này thì đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc không có sự phân biệt giữa người dưới 18 tuổi và người trên 18 tuổi. Quy định này không bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi khoản 1 Điều 94 theo hướng đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc không bao gồm những người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, khoản 1 cũng được chia thành điểm a và điểm b để quy định cụ thể đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

5. Sửa đổi Điều 96 về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Theo pháp luật hiện hành thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định trong hai luật: Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy. Quy định này dẫn đến những khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền thi hành luật khi phải dẫn chiếu quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy. Để khắc phục hạn chế, bất cập này, Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo hướng không quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà dẫn chiếu sang quy định của Luật Phòng chống ma túy về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

6. Sửa đổi về thủ tục lập hồ sơ và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính

Sửa đổi Điều 97 về thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Khoản 4 Điều 97 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ, cơ quan đã lập hồ sơ phải gửi thông báo cho người bị áp dụng. Đối với người chưa thành niên thì còn được thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ về việc lập hồ sơ (gọi chung là người bị áp dụng). Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Trong thực tiễn thi hành quy định này, có hai vấn đề cần sửa đổi: (1) Thời gian để người bị áp dụng đọc hồ sơ không cần thiết đến 5 ngày; (2) Luật quy định người bị áp dụng có 5 ngày để đọc hồ sơ, nhưng không quy định trong trường hợp trùng với những ngày nghỉ theo quy định của luật lao động thì giải quyết thế nào. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, khoản 4 Điều 94 Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi thời gian đọc hồ sơ của người bị đề nghị từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, đồng thời quy định cụ thể 3 ngày làm việc.

Sửa đổi khoản 3 Điều 99 và khoản 3 Điều 101 về thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được quy định tại khoản 3 Điều 99 và khoản 3 Điều 101 Luật Xử lý vi phạm hành chính, về cơ bản hai khoản này có nội dung giống nhau, do vậy, nội dung sửa đổi hai khoản này giống nhau. Cụ thể:

– Sửa đổi thời gian đọc hồ sơ của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ 05 ngày xuống còn 03 ngày đồng thời quy định cụ thể 03 ngày làm việc (cơ sở sửa đổi như đã phân tích về thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn).

– Bỏ quy định “Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và chuyển trưởng công an cùng cấp”. Thực tiễn thi hành Luật cho thấy quy định trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và chuyển trưởng công an cùng cấp là không phù hợp. Quy định này có thể dẫn đến tình trạng cơ quan lập hồ sơ thiếu trách nhiệm trong việc lập hồ sơ vì không phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ. Mặt khác, quy định này cũng không rõ ràng, trong trường hợp trưởng phòng tư pháp cấp huyện kiểm tra thấy tính pháp lý của hồ sơ không đúng hoặc không đầy đủ thì không có quy định về thủ tục xử lý tiếp theo. Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định trưởng phòng tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và quy định cơ quan lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị.

Sửa đổi khoản 1 Điều 103 về thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

– Khoản 1 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về lập hồ sơ đối với người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật. Vướng mắc mà các địa phương thường gặp phải đó là, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 103, những người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật, hồ sơ đề nghị gồm có “tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy”. Một người nghiện ma túy đã không xác định được nơi cư trú của người đó, vậy mà hồ sơ đề nghị lại yêu cầu phải có tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy là không thể thực hiện được. Để khắc phục bất cập này, Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 103 như sau: “Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Theo quy định này, Luật sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định chủ tịch ủy ban nhân dân xã phải xác minh nơi cư trú của người nghiện ma túy và bỏ quy định về thủ tục lập hồ sơ đề nghị quy định ở điểm b khoản 1 Điều 103. 

7. Sửa đổi, bổ sung về quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Sửa đổi Điều 98 quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Khoản 1 Điều 98 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã giao công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra hồ sơ và tổ chức cuộc họp tư vấn. Thực tiễn thi hành luật cho thấy, quy định chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã giao cho cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã kiểm tra hồ sơ và tổ chức cuộc họp tư vấn là không hợp lý và vượt quá khả năng của cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã. Mặt khác, thời gian 15 ngày để cán bộ tư pháp cấp xã kiểm tra và tổ chức cuộc họp tư vấn là quá dài trong khi yêu cầu xử lý hành chính phải bảo đảm kịp thời, nhanh chóng. Để giải quyết những bất cập này, Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi như sau: bỏ quy định giao cho công chức tư pháp xã kiểm tra hồ sơ và tổ chức cuộc họp tư vấn; quy định trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và chủ trì cuộc họp tư vấn. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên phải được mời tham gia cuộc họp và phát biểu ý kiến của mình về việc áp dụng biện pháp.

Sửa đổi khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 102, khoản 1 Điều 104 về xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Thực tiễn thi hành khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 102, khoản 1 Điều 104 Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều vướng mắc, bất cập như: Thời gian 07 ngày để trưởng công an huyện, trưởng phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện xem xét chuyển hồ sơ cho tòa án nhân dân cấp huyện là quá dài; không có thủ tục để yêu cầu cơ quan lập hồ sơ bổ sung hồ sơ; công an cấp tỉnh trong một số trường hợp cũng chuyển hồ sơ cho trưởng phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện, tòa án nhân dân cấp huyện để tòa án quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, nhưng lại không được quy định trong Luật. Để khắc phục những vướng mắc, bất cập này, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung những nội dung mới như sau:

– Sửa đổi khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 102: (1) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc gửi hồ sơ cho trưởng công an cấp huyện; (2) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, trưởng công an cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;(3) Trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trưởng công an cấp huyện chuyển lại cơ quan đã lập hồ sơ để bổ sung hồ sơ, thời hạn bổ sung là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận lại hồ sơ; (4) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc hồ sơ, trưởng công an cấp huyện, giám đốc công an cấp tỉnh quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân cấp huyện quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

– Sửa đổi khoản 1 Điều 104: (1) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc hồ sơ, công an cấp tỉnh, công an cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ cho trưởng phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện nơi người bị đề nghị áp dụng biện pháp có hành vi vi phạm; (2) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, trưởng phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; (3) Trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trưởng phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện chuyển lại cơ quan đã lập hồ sơ để bổ sung hồ sơ, thời hạn bổ sung là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận lại hồ sơ; (4) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, trưởng phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê – Sưu tầm & biên tập