Những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi) – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng

Những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi)

Thứ sáu – 12/06/2015 02:53

Ngày 20/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi)), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 (một số điểm có hiệu lực từ 1/1/2018), thay thế Luật BHXH 2006. Luật BHXH 2014 có nhiều điểm mới, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là một bước tiến về việc đảm bảo quyền con người, chăm lo cho người lao động có cuộc sống ổn định lâu dài.

Luật BHXH 2014  chăm lo nhiều hơn cho người lao động

Luật BHXH 2014 chăm lo nhiều hơn cho người lao động

 Những điểm mới căn bản của Luật BHXH 2014:
            Thứ nhất, về kết cấu:
Luật BHXH 2014 (sửa đổi) có 9 chương và 125 điều, kế thừa của Luật hiện hành trên cơ sở bỏ một chương về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); gộp chương IX Khiếu nại, tố cáo về BHXH và Chương X Khen thưởng và xử lý vi phạm của Luật hiện hành thành một chương.
             Thứ haivề những quy định chung:
            Phạm vi áp dụng: Bỏ quy định áp dụng đối với BHTN (đã được quy định tại Luật Việc Làm); Bổ sung tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
            Đối tượng áp dụng:
Mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc: theo qui định tại Luật BHXH 2006, người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên. Theo đó, người làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng và lao động tự do không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Luật BHXH 2014 qui định thêm ba  nhóm đối tượng như sau:
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, áp dụng từ ngày 1/1/2018;
+ Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018;
+ Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn.
            Như vậy, theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã bao phủ gần như toàn bộ người lao động có quan hệ lao động.
Đối tượng áp dụng BHXH tự nguyện:
+ Bỏ qui định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện: đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo qui định tại Luật BHXH 2006 là công dân Việt Nam, trong độ tuổi lao động, như vậy người đã hết tuổi lao động không được tham gia BHXH tự nguyện, Luật BHXH 2014 đã bỏ qui định tuổi trần tham gia, chỉ qui định người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam, đủ 15 tuổi trở lên.
+ Giảm mức sàn thu nhập thấp nhất làm căn cứ đóng BHXH từ mức mluwowng tối thiểu chung xuống bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (khoản 1 Điều 87) để phù hợp với khả năng tham gia của người dân.
Quản lý nhà nước về BHXH:
Bổ sung thêm 3 điều (từ điều 10 đến điều 12) quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND các cấp về BHXH, trong đó bổ sung một số nội dung quan trọng:
+ Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động.
+ UBND các cấp có trách nhiệm xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm trình HĐND cùng cấp quyết định.
Về thanh tra BHXH (Điều 13):
+ Bổ sung quy định thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính BHXH để đảm bảo việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH một cách hiệu quả, đúng quy định.
+ Giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH.
Về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chính trị- xã hội (Điều 14):
+ Đối với tổ chức công đoàn: Bổ sung quyền khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; quyền tham gia thanh tra việc thi hành pháp luật về BHXH.
+ Bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.
Về các hành vi bị nghiêm cấm:
Điều 17 quy định chi tiết hơn về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bổ sung: Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; chậm đóng BHXH, BHTN; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHXH, BHTN.
            Thứ ba, về quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan BHXH:
            Về quyền của người lao động (Điều 18):
            + Được nhận lương hưu, trợ cấp BHXH theo các phương thức chi trả trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thông qua tổ chức dịch vụ hoặc qua tài khoản tiền gửi hoặc thông qua người sử dụng lao động.
            + Được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau trong trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày.
            + Người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, người bị tái phát thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thân nhân người lao động được chủ động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm căn cứ hưởng chế độ BHXH và được quỹ BHXH thanh toán phí giám định y khoa trong trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH.
            + Được người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng cung cấp thông tin về việc đóng BHXH, hàng năm được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH; được quản lý dổ BHXH của mình.
            Về trách nhiệm của người sử dụng lao động (Điều 21)
            + Bổ sung quy định người sử dụng lao động định kỳ 06 tháng niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động; bỏ quy định người sử dụng lao động quản lý sổ BHXH khi người lao động đang làm việc để phù hợp với quy định giao sổ BHXH cho người lao động quản lý.
            + Bổ sung trách nhiệm giới thiệu người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhiều lần ra Hội đồng giám định y khoa để giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động.
            Về quyền của cơ quan BHXH (Điều 22)
            Ngoài việc được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan BHXH còn được bổ sung một số quyền sau:
            + Được yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bẳng lương và thông tin, tài liệu khác có liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHYT.
            + Được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập.
            +  Định kỳ 6 tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn.
            + Được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của tổ chức, cá nhân, định kỳ hàng năm cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của doanh nghiệp hoặc tổ chức.
            Về trách nhiệm của cơ quan BHXH (Điều 23)
            Bổ sung trách nhiệm:
            + Hàng năm, xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động để sử dụng lao động niêm yết công khai.
            + Hàng năm, cơ quan BHXH tại địa phương báo cáo UBND cùng cấp về tình hình thực hiện BHXH, BHYT, BHTN.
            + Công khai trên phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN.
            + Quyết định chấm dứt hưởng BHXH trong trường hợp có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định.
            + Đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước và thay thế sổ BHXH bằng thẻ BHXH.
            Bỏ trách nhiệm giới thiệu người lao động, thân nhân người lao động ra Hội đồng Giám định y khoa.
            Thứ tư, về chế độ BHXH bắt buộc: Chương này gồm 48 điều (từ Điều 24 đến Điều 71)
            Về chế độ đau ốm (từ Điều 24 đến Điều 29):
          + Đối với bệnh cần chữa trị dài ngỳ (Khoản 2 Điều 26) không quy định thời gian hưởng lặp lại hàng năm như hiện nay mà quy định tối đa hưởng 180 ngày, sau đó nếu vẫn tiếp tục điều trị được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn và quy định thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
+ Thay đổi cách tính trợ cấp ốm đau một ngày (khoản 4 Điều 28) bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng chia cho 24 ngày (làm việc), trước là chia cho 26. Việc tính bình quân 24 ngày làm việc trong một tháng vừa phù hợp hơn, cả với người lao động làm việc 5 ngày/tuần, cả với người làm việc 6 ngày/tuần, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động; đối với trường hợp bị mắc bệnh cần chữa trị dài ngày đã hưởng hết thời gian 180 ngày, có thời gian đóng BHXH dưới 15 năm mà phải nghỉ việc điều trị tiếp thì mức hưởng theo tháng được nâng từ 45% lên bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (điểm c Khoản 2 Điều 28).
Về chế độ thai sản: (từ điều 30 đến điều 41):
           Luật BHXH 2014 đã bổ sung nhiều quyền lợi về chế độ tai sản mang tính nhân văn cao, cụ thể:
            + Nới lỏng điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với người khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền (Khoản 3 Điều 31). Với đối tượng này cần có đủ 12 tháng đóng BHXH, trong đó có đủ 3 tháng đóng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh thay vì trước đây phải có đủ 6 tháng đóng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Qui định này tạo điều kiện cho những người vì lí do bệnh lí phải nghỉ việc dưỡng thai vẫn có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con, vừa hạn chế được tình trạng trục lợi chế độ thai sản.
            + Qui định thêm trường hợp lao động nam đóng BHXH được nghỉ hưởng trợ cấp thai sản khi vợ sinh con, điều này phù hợp với nhu cầu của lao động nam (Điều 34).
            + Bổ sung qui định về thời gian nghỉ hưởng trợ cấp thai sản đối với người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người nhận nuôi con nuôi sơ sinh (Điều 35).
            + Thay đổi cách tính trợ cấp thai sản theo ngày đối với những trường hợp thời gian nghỉ tính theo ngày như khám thai, sảy thai, nạo thai, đặt vòng, triệt sản. Mức trợ cấp một ngày bằng mức trợ cấp một tháng chia cho 24 ngày giống như ở chế độ ốm đau.
            + Thay đổi mức nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau thời gian nghỉ ốm đau, thai sản (Điều 29 và 41), chỉ có một mức hưởng là 30% tiền lương cơ sở một ngày, thay vì có hai mức 25% tiền lương tối thiểu và 40% tiền lương tối thiểu một ngày tương ứng với nghỉ dưỡng sức tại nhà và nghỉ tại các cơ sở tập trung. Luật BHXH 2016 không qui định về việc nghỉ dưỡng sức tại các cơ sở tập trung bởi không phù hợp với điều kiện của những đối tượng này.
            Bỏ quy định phải có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động đối với trường hợp nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con.
Về chế độ hưu trí (từ Điều 53 đến điều 65):
+ Sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo hướng: tăng dẫn mỗi năm 1 tuổi từ 01/01/2016 đến khi  nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên (hiện nay, là 50 và 45); đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
+ Có thêm chế độ Bảo hiểm hưu trí bổ sung: là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, với hình thức này, quĩ được tạo lập từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, khuyến khích người lao động có thu nhập cao và người sử dụng đóng góp để người lao động có mức lương hưu cao hơn khi nghỉ hưu, đáp ứng nhu cầu của người lao động.
+ Sửa đổi về tỷ lệ % hưởng lương hưu:
           Qui định lại cách tính tỷ lệ lương hưu hàng tháng theo hướng giảm dần. Từ 1/1/2018, đối với lao động nam, số năm đóng BHXH để được hưởng tỷ lệ 45% đầu tiên tăng dần; đối với lao động nữ, 15 năm đầu đóng BHXH được hưởng 45%, sau đó thêm 1 năm đóng BHXH chỉ được tính thêm 2%, mức lương hưu tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được mức hưởng tối đa thì nam phải đóng BHXH 35 năm, nữ đóng BHXH 30 năm.  
Đối với người lao động nghỉ hưu ở mức thấp hơn do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2% (so với hiện tại là 1%).
          + Điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng được qui định chi tiết hơn với các nhóm đối tượng, đặc biệt là nâng dần tuổi nghỉ hưu để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức thấp hơn. Cụ thể với đối tượng nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có đủ từ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, từ 1/1/2016 được chia thành hai nhóm, nhóm thứ nhất nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu; nhóm thứ hai nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi là được hưởng lương hưu.
          + Điều chỉnh cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu, đối với người chỉ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước qui định, Luật quy định lộ trình áp dụng cách tính lương bình quân theo nhiều bước để tiến tới thực hiện tính bình quân chung của cả quá trình đóng BHXH, đảm bảo bình đẳng giữa khu vực trong và ngoài nhà nước.
            + Bổ sung quy định cụ thể về thời điểm hưởng lương hưu:
            Đối với người đang đóng BHXH bắt buộc, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.
            Đối với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.
            + Về BHXH một lần: Tăng mức trợ cấp BHXH một lần từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi; sửa đổi điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng hạn chế tối đa việc hưởng BHXH một lần, trừ một số trường hợp đặc biệt như: đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo.
            + Về điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH: Sửa đổi với người tham gia BHXH từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH vẫn thực hiện như quy định hiện hành. Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt khu vực nhà nước hay ngoài nước.
            + Về tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng: Bỏ quy định người đang chấp hành hình phạt tù giam bị tạm dừng hưởng lương hưu (trong thời gian bị tù giam vẫn được hưởng lương hưu và BHYT); bổ sung quy định về việc tiếp tục chi trả lương hưu khi người xuất cảnh trái phép trở về định cư hợp pháp; đồng thời quy định việc truy lĩnh lương hưu, trợ cấp trong trường hợp người bị Tòa án tuyên bố là mất tích được Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích;
            + Bổ sung quy định về giải quyết trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ra nước ngoài để định cư.
          Chế độ tử tuất:
+ Bổ sung điều kiện phải có đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên đối với người đang tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH mới được hưởng trợ cấp mai táng (trừ trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).
+ Theo Luật BHXH 2006, khi người lao động chết, nếu thân nhân đủ điều kiện được hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng thì được giải quyết hưởng hàng tháng mà không được giải quyết chế độ tiền tuất một lần, trong khi tiền tuất một lần có thể cao hơn nhiều so với tiền tuất hàng tháng. Theo qui định mới, thân nhân có thể chọn hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng hoặc tiền tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
+ Bỏ quy định ràng buộc điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng “còn đang đi học” đối với thân nhân là con đủ 15 tuổi đến đủ 18 tuổi để đảm bảo tính nhân văn.
+ Bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.
 Thứ năm, về chế độ BHXH tự nguyện:
Chương này gồm 10 điều (từ Điều 72 đến Điều 81). Nội dung sửa đổi nhằm thống nhất chế độ chính sách giữa BHXH bắt buộc với BHXH tự nguyện về chế độ hưu trí, tử tuất như: công thức tính lương hưu, thời điểm tính lương hưu, BHXH một lần, chế độ tử tuất,….
          Thứ sáu, về qũy BHXH: Chương này gồm 11 điều (từ Điều 82 đến Điều 92)
         + Phân chia qũy BHXH thành các quỹ thành phần: qũy BHXH được chia thành 3 quĩ thành phần: Qũy ốm đau và thai sản; Qũy tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Qũy hưu trí và tử tuất, như vậy Qũy hưu trí và tử tuất được sử dụng để chi trả chế độ cho cả đối tượng tham gia bắt buộc và tham gia tự nguyện (trước đây là hai quỹ tách biệt, Qũy hưu trí và tử tuất cho đối tượng tham gia bắt buộc và Qũy BHXH tự nguyện). Việc gộp hai qũy sẽ đảm bảo sự bình đẳng cho người lao động tham gia ở hai hình thức BHXH này.
         + Qui định cụ thể, chặt chẽ cơ cấu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH: đối với người đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm tiền lương và phụ cấp lương, từ 1/1/2018, tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Qui định này vừa đảm bảo sự phù hợp với pháp luật lao động, vừa đảm bảo mức tiền lương đóng BHXH tương xứng với mức thu nhập, giảm tình trạng khai thấp mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
          + Giảm mức qui định về thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện:  mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, mức cũ là 1 tháng tiền lương tối thiểu chung. Qui định này sẽ mở ra cơ hội tham gia được BHXH tự nguyện cho nhiều người lao động, hơn nữa Luật BHXH 2014 cũng đề cập tới vấn đề hỗ trợ của ngân sách nhà nước để đóng BHXH cho đối tượng này.
            + Bổ sung các nội dung chi của quỹ và bổ sung phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
          Thứ bảy, về trình tự, thủ tục thực hiện BHXH: Chương này gồm 22 điều (từ Điều 96 đến Điều 117)
            + Thay đổi quy trình giải quyết chế độ ốm đau, thai sản theo hướng cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ từ người sử dụng lao động, giải quyết và tổ chức tri trả cho người lao động trong các hình thức: Chi trả trực tiếp tại cơ quan BHXH; thông qua tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền; thông qua tài khoản tiền gửi ngân hàng thương mại hoặc thông đơn vị sử dụng lao động.
            + Bổ sung trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp nộp hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ BHXH chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
            Thứ tám, về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm BHXH: Chương này gồm 3 điều (từ Điều 123 đến Điều 125)
            + Sửa đổi quy định về mức phạt tiền lãi đối với số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng BHXH (hiện nay bằng lãi đầu tư của quỹ BHXH).
            + Bổ sung tẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt và áp dụng các biện pháp khặc phục hậu quả của cơ quan BHXH.
            Thứ chín, về điều khoản thi hành: Chương này gồm 3 điều (từ Điều 123 đến Điều 125), những sửa đổi tập trung vào những vấn đề: quy định chi tiết, cụ thể các nhóm đối tượng thuộc thực hiện chuyển tiếp từ Luật hiện hành sang Luật mới; đối với người giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH đối với  hợp đồng lao động giao kết đầu tiên; quy định cụ thể Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền chỉ quy định chi tiết những điều, khoản được giao trong Luật.
          Tóm lại, Luật BHXH 2014 đã qui định cụ thể hơn và chỉnh sửa những nội dung không còn phù hợp của Luật BHXH 2006, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và cân đối thu chi cho quỹ BHXH trong dài hạn.
NQ