Những đề xuất thay đổi chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có nhiều thay đổi để mở rộng người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bổ sung tầng hưu trí, tính toán lại mức đóng – hưởng.

Sau 28 năm thực hiện chính sách BHXH, cả nước thu hút được hơn 17 triệu người tham gia hệ thống, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 bao phủ 60% lực lượng lao động theo Nghị quyết 28 của Trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật Bảo hiểm xã hội) đã đưa ra hàng loạt đề xuất.

Giảm năm đóng BHXH, hạn chế người rút một lần

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm. Vì 20 năm quá dài khiến nhiều lao động chọn rút BHXH một lần thay vì chờ hưu trí.

Đề xuất này thực ra không mới. Qua 17 năm với ba lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu 45% đã được nâng từ 15 lên 20 năm (Luật sửa đổi năm 2014) rồi lại hạ xuống 15 năm để cân bằng Quỹ hưu trí.

Cùng với giảm năm tham gia BHXH, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh điều kiện rút BHXH một lần, giải quyết 50% tổng số năm đóng, một nửa thời gian còn lại bảo lưu cho đến khi lao động đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ.

Thách thức đặt ra cho các nhà làm luật là chính sách dự kiến thay đổi trong bối cảnh tuổi nghỉ hưu đang tăng dần theo lộ trình, cho đến khi đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Điều này tạo ra “khoảng trống” từ khi lao động hết tuổi nghề, nghỉ làm cho đến khi nhận hưu trí.

Tuổi nghề và tuổi hưu của lao động đang có khoảng cách lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Công nhân nữ tuổi 40 bị thu hẹp việc làm hoặc phải chuyển nghề. Khi tuổi nghề hết, tuổi hưu chưa tới thì lao động thà rút BHXH một lần rồi tính tiếp chứ không chờ đến lúc lĩnh lương hưu.

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu

Giảm năm đóng BHXH, cơ quan soạn thảo dự luật Bảo hiểm xã hội cũng đề xuất điều chỉnh mức hưởng lương hưu. Lao động nữ đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu tối thiểu 45%, cứ mỗi năm tham gia sau đó được cộng thêm 2% và muốn hưởng tối đa 75% phải đủ 30 năm.

Lao động nam đóng BHXH từ 15 đến dưới 19 năm thì mỗi năm tham gia được tính 2,25% tiền lương bình quân tháng đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu với nhóm này dao động 33,75-42,75%. Lao động nam đóng đủ 20 năm BHXH hưởng lương hưu tối thiểu 45% và muốn hưởng tối đa 75% phải đóng đủ 35 năm.

Chuyên gia phân tích, số năm đóng ngắn thì mức hưởng thấp, người lao động phải chấp nhận vì không có phương án đảm bảo hài lòng tất cả. Lao động vì thế cần tính toán tham gia lâu dài hơn để tỷ lệ hưởng lương hưu cao dần lên. Các chính sách về việc làm như trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề cũng cần đồng bộ với thay đổi về hưu trí để làm giá đỡ an sinh cho người lao động.

Bổ sung một tầng hưu trí

Hưu trí ở Việt Nam hiện chia hai tầng, gồm lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội dành cho người tham gia hệ thống (điều kiện hưởng là đến tuổi nghỉ hưu, đóng đủ năm BHXH) và trợ cấp xã hội dành cho người già trên 80 tuổi.

Sau bảy năm thực thi Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê mỗi năm có thêm khoảng 120.000 người được hưởng lương hưu hàng tháng. Tới cuối năm 2020 mới có khoảng 3,2 triệu người có lương hưu và trợ cấp, bao phủ 35% tổng số người sau tuổi nghỉ hưu. Cả nước có khoảng 9 triệu người già 60-80 tuổi không có lương hưu và cũng chưa đến tuổi nhận trợ cấp.

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một tầng trợ cấp hưu trí xã hội dành cho lao động 60-80 tuổi, không có lương hưu, đóng chưa đủ 15 năm BHXH nhằm vá lỗ hổng này. Mức trợ cấp 500.000 đồng mỗi người và được Chính phủ điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Chính sách được ban soạn thảo kỳ vọng tạo nên các tầng hưu trí liên kết làm “giá đỡ” cho lao động về già. Như vậy, người rút BHXH một lần khi quay lại hệ thống mà chưa đóng đủ 20 năm BHXH để hưởng lương hưu có thể nhận trợ cấp hưu trí.

Những thay đổi dự kiến về hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần - 1

Người già đi nhận đồ tại Siêu thị 0 đồng ở Hà Nội, tháng 4/2020. Ảnh: Đinh Tùng

Mở rộng diện bao phủ BHXH

Dự luật Bảo hiểm xã hội đề xuất bổ sung người làm công việc phát sinh quan hệ lao động (không nhất thiết ký hợp đồng), lao động làm việc không trọn thời gian, chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã không hưởng lương vào nhóm đóng BHXH bắt buộc.

Thống kê cả nước có khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể và 6 triệu thành viên tham gia hợp tác xã chưa bắt buộc đóng BHXH, trong khi đây là nhóm có khả năng và nhu cầu tham gia hệ thống, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Mức đóng đề xuất vào Quỹ Bảo hiểm xã hội cho chủ hộ kinh doanh, người điều hành, quản lý hợp tác xã là 25%, trong đó 22% cho Quỹ hưu trí, tử tuất và 3% vào Quỹ ốm đau, thai sản. Cơ quan soạn thảo tính toán, tiền đóng BHXH mỗi tháng của nhóm này thấp nhất 500.000 đồng và cao nhất 9 triệu đồng, tương đương 6-108 triệu đồng mỗi năm. Người đóng có thể tự lựa chọn dựa trên khả năng tài chính.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo dự luật tính toán nâng mức tiền lương đóng BHXH, mở rộng diện bao phủ bằng cách thêm quyền lợi thai sản cho lao động khu vực BHXH tự nguyện, mức trợ cấp 2 triệu đồng khi sinh con. Sau 15 năm thi hành chính sách BHXH tự nguyện, số tham gia chỉ đạt 1,45 triệu người. Độ bao phủ chậm do lao động tham gia chủ yếu thuộc khu vực phi chính thức, mức đóng thấp và chế độ không hấp dẫn khi chỉ có hưu trí, tử tuất.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Hồng Chiêu