Những chuyện hài hước chỉ có trong lớp học online!

Sau khoảng 20 ngày dạy học trực tuyến, nhiều giáo viên Hà Nội đã gặp những tình huống ‘dở khóc, dở cười’ liên quan tới việc quản lý học sinh từ xa.

Những chuyện hài hước chỉ có trong lớp học online!Ảnh minh họa

Cô giáo H. – một giáo viên trên địa bàn huyện Hoài Đức cho biết, ngày nào khi điểm danh đầu giờ cô cũng thấy các học sinh lớp mình tham gia đầy đủ. Điều đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn từ học sinh và phụ huynh.

Do cô dạy môn Tự nhiên xã hội cho học sinh lớp 4 (không phải những môn chính như Toán,Tiếng Việt) nên khi học sinh vào lớp đủ, chăm chú lắng nghe thì bản thân cô rất vui, cảm thấy được động viên hơn.

“Dù là dạy trực tuyến nhưng tôi biết nếu không có tương tác với giáo viên, giáo viên không tổ chức các hoạt động trong lớp mà chỉ thao thao bất tuyệt nói thì các em sẽ không nghe, thậm chí là làm việc riêng”, cô H. nói.

Vì thế, trong khi giảng, cô H. luôn mời học sinh trả lời các câu hỏi mà cô giáo đưa ra để tiết học sinh động, hấp dẫn hơn.

Tuy vậy, cá biệt có học sinh trong lớp của cô H. không chịu bật camera khi học. Khi cô giáo thắc mắc thì em trả lời rằng laptop hỏng camera nên phải dùng máy cây trong khi mẹ em chưa kịp mua camera.

Những chuyện hài hước chỉ có trong lớp học online!Vừa học trực tuyến vừa chơi.

“Có những tiết học tôi gọi học sinh trả lời nhưng mãi không thấy học sinh hồi âm, lúc sau mới thấy tiếng mẹ học sinh này quát “Có dậy trả lời câu hỏi của cô không?”.

 

Có những học sinh thì bật máy và điểm danh đầu giờ còn lại cả tiết học gọi cũng không thấy đâu, cuối cùng học sinh giải thích mic bị hỏng nên cô gọi mà không trả lời được.

Có hôm tôi yêu cầu nam sinh phải bật camera khi trả lời câu hỏi, mãi sau mới thấy em này bật camera, hóa ra nam sinh không ở nhà mà đang chơi ở nhà bóng dưới sảnh chung cư”, cô H. nói.

Một giáo viên khác tại huyện Thanh Trì cũng vô cùng “đau đầu” khi khó kiểm soát 40 học sinh trong lớp học. Nhiều lần giáo viên này phải tạm dừng giờ học vài phút để kiểm tra xem các em có mặt đầy đủ trong giờ học trực tuyến hay không.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh, nhiều trẻ không tự giác khi học trực tuyến nên bố mẹ cần kèm cặp trực tiếp khi con đang học, nhất là với những học sinh tiểu học.

“Ở một số trường tư tôi thấy họ dạy trực tuyến bằng cách tách đôi lớp học thành ca sáng hoặc chiều, ngoài cô giáo chủ nhiệm còn có cả một cô quản lý lớp. Việc sĩ số ít và có thêm giáo viên là lợi thế rất lớn của trường tư khi triển khai dạy học trực tuyến”, cô Phương Anh nói.

Với đặc thù của trường công là sĩ số lớp đông, số lượng giáo viên có hạn nên để việc học trực tuyến hiệu quả thì bố mẹ tham gia học cùng con với vai trò hỗ trợ chứ không học thay, làm thay cho con.

Ngoài ra, bố mẹ còn có thể kiểm soát sự tập trung của con, không để con tự ý làm việc riêng, mất trật tự, ăn uống trong tiết học để con ý thức được việc học là nghiêm túc chứ không vừa học vừa ăn, vừa học vừa chơi. Bố mẹ có thể nhắc nhở thêm về tư thế ngồi học, trang phục, cách xưng hô với giáo viên và thường xuyên nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm về tình hình của con.

Hoàng Thanh