Những chuyển biến tích cực ở Nam Định

Chủ động phối hợp với cơ quan thường trực Đề án 06
(Bộ Công an) để đăng ký triển khai các nhiệm vụ liên quan, với nhiều nỗ lực đạt được, hiện tỉnh Nam Định đã được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về triển khai thực hiện Đề án 06. Đầu năm 2023, Nam Định vươn lên xếp thứ 2 toàn quốc về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng 6 bậc so với năm 2022 với 5 tiêu chí cụ thể gồm: Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến đạt 78,9%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 67,82%; chỉ số công khai, minh bạch đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 80,17%; chỉ số tiến độ giải quyết đúng hạn đạt 95,02%.

Số hóa tới từng địa bàn phường, xã…

Mấy tháng nay, người dân sử dụng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh đã dần quen với những tin nhắn thông báo từ các nhà mạng VNPT, Viettel và Mobifone của Nam Định nhắn tin tuyên truyền về nộp phạt vi phạm trực tuyến qua Cổng dịch vụ công, phân cấp đăng ký xe trên địa bàn tỉnh và thông báo công khai các điểm đăng ký xe ô-tô, mô-tô. Hào hứng trước những sự thay đổi, người dân đã tích cực sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để giải quyết các nhu cầu của mình thay vì đến tận cơ quan công quyền như trước. Anh Trịnh Quốc Dũng, số nhà 9C, phố Hàng Cau, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định rất vui khi các thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân và gia đình anh được giải quyết rất nhanh trong thời gian chưa đầy 1 giờ đồng hồ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. Theo anh, nếu các thủ tục này thực hiện theo phương pháp cũ, anh phải đi lại nhiều lần đến các cơ quan công quyền, rất mất thời gian…

Đã có 1.716 thủ tục hành chính được niêm yết công khai trên Cổng, 100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được các cơ quan Nhà nước 3 cấp của tỉnh tiếp nhận, giải quyết công khai: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn lên tới 99,98%. Chỉ trong thời gian ngắn, 6,4 triệu lượt truy cập đã tương tác với Cổng, những con số bước đầu tạo nên sự khích lệ lớn.

Cổng dịch vụ công trực tuyến Nam Định được tích hợp với hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, triển khai đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện cung cấp một số dịch vụ công liên quan đến cư trú đạt được những kết quả vượt bậc so với trước khi triển khai Đề án 06. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành tiếp tục được quan tâm đúng tiến độ, qua đó ngoài việc “làm giàu” dữ liệu dân cư đã góp phần “làm sạch” dữ liệu chuyên ngành, xác thực thông tin công dân chính xác, phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương… Công an tỉnh đã triển khai 11/11 dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Bộ Công an, tiếp nhận và giải quyết 136.498 hồ sơ qua Cổng dịch vụ công, thường xuyên chỉ đạo Công an cấp huyện, xã duy trì, khắc phục những hạn chế, bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD gắn chíp điện tử, với 1,7 triệu thẻ đã được cấp (chiếm 99%)…

Sau khi Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã nhanh chóng ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong triển khai thực hiện Đề án. Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết: Từ hai năm nay, Tỉnh ủy chỉ đạo tất cả các kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều không dùng văn bản giấy; các văn bản, nội dung được gửi qua trục liên thông để đại biểu nghiên cứu trước, không trình bày tại hội nghị nhằm nâng cao chất lượng các kỳ họp…

UBND tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án cũng có ngay 16 văn bản chỉ đạo các đơn vị khẩn trương bắt tay vào việc bằng những hành động thiết thực nhất: UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho ra đời Nghị quyết số 12/NQ-HĐND quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh Nam Định; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với đoàn kiểm tra của các Cục nghiệp vụ (Bộ Công an) về an ninh an toàn mạng hệ thống thông tin phục vụ kết nối, chia sẻ cũng như các sở, ngành, địa phương thực hiện số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết… tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh từ ngày 1/6/2022. Bộ phận một cửa cấp huyện số hóa từ 1/12/2022 và cấp xã từ ngày 1/7/2023. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện số hóa từ ngày 1/7/2022. Với trách nhiệm của cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã ban hành 79 văn bản triển khai thực hiện các mặt công tác; tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện Đề án trong lực lượng Công an… đồng thời chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, lồng ghép vào các buổi họp của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị, tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm và tuyên truyền lưu động trên xe của Công an xã. Dữ liệu dân cư đã hoàn tất quá trình làm sạch, hồ sơ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cùng được thu nhận với hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử của nhóm công dân làm mới và cấp đổi CCCD. Các sở, ngành, UBND các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tập trung rà soát, bố trí nguồn nhân lực phục vụ triển khai các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp.