Những câu chuyện dở khóc, dở cười khi dạy học trực tuyến

GDVN- Có lẽ chuyện học sinh đang học online, bỏ đi mua đồ ăn, bị cô vô tình bắt gặp ở ngoài đường (vì nhà hai cô trò gần nhau) quả là hi hữu.

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục nhiều tỉnh thành trên cả nước phải triển khai dạy học trực tuyến vì đại dịch Covid-19 hoành hành. Nhớ lại những tháng ngày dạy học online, giáo viên kể những câu chuyện dở khóc, dở cười chỉ có trong mùa dịch.

Cô “out” (rời khỏi lớp) giúp con được không?

Cô K. A., giáo viên tiểu học ở Bình Thuận kể, buổi đầu tiên gặp mặt lớp chủ nhiệm, cô chủ yếu làm công việc điểm danh học sinh, rồi trao đổi với các em về nội quy học tập để chuẩn bị cho buổi học sau được tốt.

Phải triển khai nhiều nội dung, cô giáo rất mệt nên dừng lại nghỉ một lát rồi nói tiếp. Bỗng nhiên, một học sinh không cần bấm nút “giơ tay” đã vội bật mic nói rõ to: “Cô ơi, cô nói xong chưa? Nãy giờ con nghe cô nói quá trời”.

Tưởng học sinh muốn hỏi điều gì, cô giáo cho phép em phát biểu. Cô giáo “đứng hình” khi nghe học sinh nói: “Nếu cô nói xong rồi thì cô “out” (rời) giúp con được không ạ? Chúng con còn nhiều chuyện muốn nói với nhau lắm”.

Thì ra, học sinh lớp 3 sau một thời gian dài nghỉ hè, chưa được gặp mặt bạn bè nên buổi tập trung online là cơ hội cho các em “tám” chuyện. Học sinh rất thơ ngây, các em chỉ biết quan tâm nhau mà quên mất sự có mặt của cô giáo chủ nhiệm mới. “Nhớ lại chuyện cũ, tôi chỉ biết cười thầm với các cô, các cậu 8 tuổi”, cô giáo vui vẻ nói.

Những câu chuyện dở khóc, dở cười khi dạy học trực tuyến ảnh 1

Phụ huynh giảng bài thay cô giáo

Cô Hồng Hạnh, giáo viên môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là năm thứ 2 dạy học online nên cô trò cũng đã quen dần với hình thức này.

Học sinh cấp 2 hầu hết các em sử dụng thành thạo các thiết bị học tập như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính nên việc học online diễn ra khá suôn sẻ.

“Đến buổi dạy thứ 2 thì tôi gặp chuyện này – ngoài dự kiến các tình huống sư phạm có thể xảy ra. Tôi dạy một đoạn trích trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố và đặt câu hỏi: Vì sao các nhân vật trong truyện có tên Dậu, Hợi, Dần, Tý? Thời gian trôi qua nhưng nhiều học sinh lớp 8 vẫn loay hoay, chưa nghĩ ra câu trả lời.

Cuối cùng, cô giáo phải trả lời thay học sinh, sở dĩ cha mẹ ở quê thường đặt tên con là Tý, Dần… bởi đây là những tên gọi giản dị, mộc mạc, gần gũi. Bỗng, cô nghe tiếng một người đứng tuổi, nói oang oang qua microphone: “Thưa cô, trẻ sinh ra nhằm năm âm lịch như Giáp Tý, Mậu Dần… nên các bậc cha mẹ ngày xưa đặt tên theo cách này cho dễ nhớ. Cám ơn cô giáo, tôi xin hết”.

Lời phát biểu vừa dứt, cô giáo cũng kịp định thần nhìn vào camera thì hỡi ôi, ba của một em học sinh vừa giành quyền phát biểu thay con. Cô chỉ biết nhanh chóng nói lời cảm ơn vị phụ huynh kia và tiếp tục tiết dạy.

“Thì ra, phụ huynh cùng con đang lắng nghe tôi giảng bài. Tôi chưa nói hết ý nhưng có lẽ do nôn nóng nên vị phụ huynh mới hành động như vậy. Lẽ ra, phụ huynh gợi ý giúp con trả lời là hay nhất”, cô giáo chia sẻ.

Không ngại mách thói hư tật xấu của con

Cô Thúy Hà, giáo viên môn Ngữ văn ở Sài Gòn cười vang khi nhớ lại tiết dạy online hài hước quá mức tưởng tượng xảy ra ở tuần học thứ nhất.

Tiết đầu tiên vừa gặp lớp, cô nghe được giọng nói đầy khí thế của một phụ huynh vừa hù dọa, vừa kể đủ mọi thói hư tật xấu của cô con gái lớp 11 sau thời gian dài nghỉ hè phòng dịch. Cũng vì học sinh vô ý quên tắt mic nên cô nghe hết đầu đuôi câu chuyện này.

“A! Bây giờ thì tao đã gặp được cô giáo mày rồi! Mày là đứa con gái vừa ở dơ, vừa lười. Ăn xong thì chẳng biết làm gì, chỉ có ngủ, giờ người mày béo quá rồi”, cô nhớ lại.

Cô giáo cho biết thêm, nữ sinh kia là con một, gia đình cũng khá giả nên phụ huynh cưng chiều lắm. Được cái, học sinh lên lớp rất ngoan, hòa đồng, học khá và tính tình vô tư nên chắc cũng không buồn lòng khi bị ba mình “kể tội”.

Cô gặp trò học online… ngoài đường

Cô giáo N.T.T. ở Hà Nội kể lại câu chuyện dở khóc dở cười mình gặp phải. Buổi sáng nọ cô đang dạy, đột nhiên đưa mắt ra ngoài và nhìn thấy học sinh mình đội nón đi mua đồ ăn. Cô nhìn vào lớp học (online) vẫn thấy tên em ấy hiển thị trên màn hình.

Cô T. cho biết thêm, học sinh học online nhưng tắt camera để làm việc riêng, nằm ngủ… thì nhiều lắm nếu như giáo viên thiếu kiểm soát. Nhưng có lẽ chuyện em học sinh đang học online, bỏ đi mua đồ ăn, bị cô vô tình bắt gặp ở ngoài đường (vì nhà hai cô trò gần nhau) quả là hi hữu.

“Cho dù giáo viên có nhiệt tình đến đâu, học sinh được trang bị thiết bị học tập tốt bao nhiêu chăng nữa, nhưng nếu các em thiếu ý thức học tập thì thầy cô cũng “chào thua”, cô T. chia sẻ.

Phan Thế Hoài