Những cánh đồng rau cần làm giàu ở xóm Bắc
“Vụ rau cần thường bắt đầu từ khoảng tháng 9 âm lịch đến tháng 2 năm sau. Mỗi vụ rau cần cho thu hoạch 3 lứa. Với diện tích 1,5 sào, mỗi lứa rau nhà tôi thu hoạch được khoảng 1,5 tấn. Với giá bán từ 6.000-7.000 đồng/kg, một vụ rau cần thường cho thu nhập từ 25-30 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa mà lại đỡ tốn công chăm bón hơn lúa”. Ông Hoàng Văn Thủy, xóm Bắc, xã Hải Xuân (Hải Hậu) trao đổi với chúng tôi ngay bên ruộng rau cần mướt xanh chỉ 5-7 hôm nữa là cho thu hoạch.
Ruộng rau cần đang đợi ngày thu hoạch của hộ ông Hoàng Văn Thủy, xóm Bắc, xã Hải Xuân (Hải Hậu).
Ông Nguyễn Văn Đăng, người đã có thâm niên 25 năm trồng rau cần và là người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng trồng lúa sang trồng rau cần ở xóm Bắc thì cho biết: trước đây, đồng đất Hải Xuân chỉ trồng được 2 vụ lúa/năm nhưng vụ lúa mùa do hay bị mặn xâm nhập nên năng suất chẳng được là bao mà lại tốn công chăm bón. Vì thế, từ năm 1992, ông mạnh dạn để ra một khoảng ruộng nhỏ thử trồng rau cần, vừa là phục vụ nhu cầu của gia đình và bán lẻ quanh chợ Cồn, chợ Đập… để có thu nhập cải thiện kinh tế gia đình. Giống rau cần mà ông và nhiều hộ trong xóm trồng là rau cần ta (còn gọi là rau cần nước, cần cơm, cần ống), là giống rau dễ trồng, ít sâu bệnh và không cần chăm sóc nhiều, có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất là vào mùa đông. Nhận thấy những ưu điểm của cây rau cần, những vụ sau, khi đã tích lũy được kinh nghiệm, ông mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rau cần, rồi dần dần (khoảng chục năm trở lại đây), thay vì trồng lúa mùa, ông chuyển hết ruộng sang trồng rau cần. Sau khi thu hoạch vụ lúa xuân, để đất nghỉ một thời gian, ông tháo nước vào ruộng, thuê máy làm đất về cày thật kỹ rồi đánh luống, mặt luống gạt phẳng như gieo mạ, bón lót bằng phân chuồng hoặc các loại phân hữu cơ để tăng dưỡng chất cho đất rồi mới xuống giống rau. Rau cần trồng theo mật độ 10 cm/gốc, mỗi m2 trồng được khoảng 200 gốc. Một sào ruộng đánh thành 10-12 luống rau. Rau cần sinh trưởng và phát triển trong khoảng 45-50 ngày, nếu trời lạnh và có gió heo may thì rau đẻ nhánh tốt. Một gốc rau cần nếu thời tiết thuận lợi cho thể đẻ từ 15-20 nhánh. Để rau cần sinh trưởng và phát triển ổn định, ngoài các kỹ thuật như: trồng vào lúc chiều mát; cắm sâu nhánh cây giống xuống đất chỉ để lại 2-3 đốt trên mặt nước còn phải rất chú ý che phủ bằng ni-lông, bạt tạo bóng râm cho ruộng rau cần trong vòng 3-4 ngày đầu để cây bén rễ; mặc dù là loại cây ưa nước nhưng trồng ở trên ruộng thì trong vòng 2 tuần đầu khi mới trồng phải luôn giữ mực nước xăm xắp gốc, đủ độ ẩm để cây thích nghi, ngoài thời gian trên mới bơm nước ngập gốc (cách ngọn cây từ 3-5cm) để kích thích cây sinh trưởng, đẻ nhánh đều. Khi rau cần bắt đầu phát triển thì phải duy trì mực nước và bón phân vào các thời điểm: giai đoạn cây cao 15-20cm cho nước ngập sâu 5-7cm, bón thúc phân NPK hoặc DAP cho rau; giai đoạn cây cao 25-30cm, đưa nước ngập 15-20cm, bón thêm phân đạm và kali; giai đoạn cây cao 50-60cm đưa nước ngập cách ngọn cây 15-20cm và bón thêm phân đạm và kali. Theo ông Đăng, một sào rau cần chi phí hết khoảng 3-4 triệu đồng tiền giống và phân bón; chăm sóc rất đơn giản, chỉ cần chú trọng mực nước và đảm bảo kỹ thuật khi thu hoạch là thành công. Khi thu hoạch, rút nước xuống cách gốc 3-5cm; dùng dao cắt sát gốc cách mặt nước khoảng 2-3cm. Bình quân, mỗi sào rau cần thu hoạch trong 7-10 ngày là xong. Sau khi thu hoạch tùy kinh nghiệm thâm canh của từng hộ mà có thể để gốc cũ, bổ sung chất dinh dưỡng như phân chuồng, phân đạm, u-rê… để kích thích cho gốc phát triển ra nhánh mới và tiếp tục điều tiết nước, chăm bón để thu hoạch lứa sau hoặc xuống giống mới để bảo đảm năng suất. Với giá bán bình quân 1.000 đồng/bó, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi lứa rau cần cho thu nhập thực tế từ 7-8 triệu đồng/sào. Mỗi năm mùa rau cần cho thu hoạch 3 lứa. Như vậy mỗi sào rau cần người dân xóm Bắc bỏ túi 20-25 triệu đồng, cao gấp trên 20 lần so với trồng lúa. Chính vì thế, phong trào trồng rau cần trên ruộng phát triển nhanh chóng. Hiện tại ở xóm Bắc có gần 30 hộ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau cần. Hộ nhiều như nhà ông Đăng có trên 3 sào chuyên trồng rau cần, hộ ít như ông Thủy thì cũng có từ 1-2 sào. Ngoài chi phí về giống, phân bón; điểm tối quan trọng đối với cây rau cần là nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là không được nhiễm mặn. Vì thế, khoảng 7-8 năm trở lại đây, khi phong trào chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau cần phát triển mạnh ở xóm Bắc, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư khoan giếng UNICEF và máy bơm (chi phí khoảng 3-4 triệu đồng) tại ruộng để đảm bảo nguồn nước cho rau sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, xóm Bắc đã tự chủ được nguồn giống rau tại chỗ thay vì phải mua từ nơi khác như trước. Hiện tại, ở xóm Bắc ngoài hộ ông Đăng còn có hộ ông Nguyễn Văn Lợi chuyên cung cấp rau giống không chỉ cho ruộng nhà và các hộ trong xóm mà còn bán cho cả các hộ trồng rau cần ở các xã xung quanh như: Hải Đông, Hải Tây, Thị trấn Cồn…
Cây rau cần đang là loại cây giúp người dân xóm Bắc khai thác, sử dụng đất trồng hiệu quả, không chỉ thoát nghèo mà có thể vươn lên làm giàu ngay tại quê hương./.
Bài và ảnh: Thành Trung