Những cách trị đỏ mắt hiệu quả an toàn thường được áp dụng hiện nay
Bệnh đỏ mắt tuy lành tính, không hoặc ít gây biến chứng nhưng lại khiến người bệnh khó chịu và gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, khi gặp tình trạng này, bạn có thể áp dụng những cách trị đỏ mắt hiệu quả ngay tại nhà mà chúng tôi chia sẻ dưới đây để cải thiện tình hình.
13/05/2021 | Góc giải đáp: Nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ bị lây bệnh hay không?
13/05/2021 | Người bị đau mắt đỏ cần kiêng gì để bệnh nhanh khỏi?
Mục Lục
1. Các nguyên nhân gây đỏ mắt
Đỏ mắt có thể do nhiễm khuẩn, virus hoặc dị ứng. Dù là nguyên nhân nào chăng nữa thì người bệnh cũng sẽ xuất hiện các biểu hiện và triệu chứng chung như mắt đỏ và sưng, cảm giác cộm xốn, chảy nước mắt,…
Đỏ mắt do vi khuẩn
Vi khuẩn gây đỏ mắt thường là staphylococcus, haemophilus Influenzae,… Nếu đỏ mắt do vi khuẩn thì ngoài triệu chứng mắt đỏ và cộm xốn, người bệnh còn bị đổ ghèn (màu xanh hoặc vàng) ở mí mắt vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy. Cùng với đó là cảm giác ngứa và rát ở mắt, vô cùng khó chịu. Nếu không được điều trị có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực.
Đỏ mắt do nhiều nguyên nhân, có thể là nhiễm khuẩn, dị ứng hoặc do virus
Đỏ mắt do virus
Đỏ mắt do virus sẽ có những triệu chứng tương tự như đỏ mắt do vi khuẩn, đó là mắt đỏ, cộm xốn, đổ ghèn và chảy nước mắt. Tuy nhiên, đi kèm với đó là cảm giác đau họng, sốt (tương tự như khi cơ thể bị cảm lạnh, cảm cúm – nhiễm trùng đường hô hấp). Đặc biệt, một số người có thể bị sưng hạch bạch huyết trước tai. Đỏ mắt do virus gây ra khá phổ biến. Nếu biết cách trị đỏ mắt hiệu quả tại nhà thì bệnh có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần.
Đỏ mắt do dị ứng
Với những người cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng thì khi tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng như khói bụi, nước hoa, lông thú,… sẽ xảy ra tình trạng đỏ mắt, kèm theo đó là viêm mũi dị ứng (hắt hơi, sổ mũi, ho). Đỏ mắt do dị ứng còn được gọi là viêm kết mạc mùa xuân, thường xuất hiện theo mùa. Tình trạng bệnh không quá nguy hiểm, chỉ cần ngưng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng là bệnh sẽ hết.
2. Những cách trị đỏ mắt hiệu quả
Nếu đau mắt đỏ do virus hay dị ứng thì bạn có thể thực hiện những cách trị đỏ mắt hiệu quả ngay tại nhà.
Đỏ mắt có thể đi kèm các triệu chứng sưng mắt, chảy nước mắt, đổ ghèn,…
Đắp khăn ấm cho mắt
Chuẩn bị một chiếc khăn mềm, sạch và một thau nước nóng. Ngâm khăn vào thau nước rồi vắt khô và đắp lên mắt khoảng 10 phút. Dưới tác động của nhiệt độ ấm từ chiếc khăn, lưu lượng máu chảy đến vùng mắt đắp khăn sẽ được gia tăng, đồng thời, lượng dầu tiết ra trên mí mắt cũng sẽ nhiều hơn, nhờ đó, mắt không bị khô và giảm được tình trạng ngứa, rát, sưng.
Lưu ý: Vùng da quanh mắt khá nhạy cảm nên cần điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp, không để nước nóng quá để tránh gây bỏng da, khiến tình trạng thêm tồi tệ. Cùng với đó, trong thời gian đắp khăn ấm lên mắt, có thể nằm nghỉ ngơi, thư giãn để mắt không bị mỏi, nhờ đó bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Dùng thuốc nhỏ mắt
Đây là cách trị đỏ mắt hiệu quả mà cực kỳ đơn giản và an toàn. Các loại thuốc nhỏ mắt hầu hết đều có tác dụng gia tăng độ ẩm cho mắt và giữ cho đôi mắt được sạch sẽ. Và khi bị đau mắt đỏ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để điều trị.
Theo đó, hãy rửa tay sạch sẽ trước khi dùng thuốc nhỏ mắt. Với thuốc nhỏ mắt là nước muối sinh lý, mỗi lần nên nhỏ 2 giọt (giọt thứ nhất cách giọt thứ hai khoảng 5 – 10 phút). Và cứ cách 2 giờ thì nhỏ một lần để vừa làm sạch ghèn trên mắt, vừa tăng độ ẩm để mắt không bị khô. Sau khi nhỏ thì đậy kín nắp chai để đảm bảo không bám bụi, vi khuẩn.
Với những loại thuốc nhỏ mắt được khuyên dùng ở nhiệt độ thấp thì trước và sau khi sử dụng, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách trị đỏ mắt hiệu quả mà an toàn là dùng thuốc nhỏ mắt
3. Đỏ mắt khi nào cần đi khám?
Như đã nói ở trên, đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra thường nguy hiểm hơn. Trường hợp đã áp dụng các cách trị đỏ mắt tại nhà mà không hiệu quả, ngược lại, còn xuất hiện các triệu chứng dưới đây thì cần đi khám để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dưới kết mạc, phù mắt,…
-
Đau mắt dữ dội, kèm theo đó là cảm giác ngứa rát, khó chịu.
-
Nhạy cảm với ánh sáng, liên tục chảy nước mắt khi tiếp xúc với ánh sáng.
-
Mắt mờ, khó hoặc không nhìn thấy sự vật.
-
Chảy nhiều mủ hoặc ghèn mắt.
-
Sốt cao, nổi mẩn đỏ.
-
Đã sử dụng kháng sinh mà tình trạng viêm kết mạc do vi khuẩn vẫn không thuyên giảm (sau 24 giờ).
4. Làm gì để phòng tránh đau mắt đỏ?
Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan, thậm chí có thể trở thành dịch. Vì thế, cần chủ động phòng bệnh và khi mắc bệnh, bên cạnh việc thực hiện các cách trị đỏ mắt hiệu quả như đã chia sẻ ở trên thì cần nghiêm túc thực hiện một số nguyên tắc để bệnh nhanh khỏi và hạn chế lây lan sang người khác.
Trường hợp bị đau mắt đỏ nặng, cần được bác sĩ thăm khám để điều trị tích cực
Biện pháp giúp bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi
-
Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ, cần nghỉ ngơi tại nhà, tránh tiếp xúc với mọi người.
-
Giữ gìn vệ sinh cá nhân – đặc biệt là đôi mắt – thật sạch sẽ. Tuyệt đối không dùng khăn lau mặt với người khác.
-
Không ăn thực phẩm có mùi tanh (cá, hải sản) để tránh tình trạng đổ ghèn.
-
Không ăn thực phẩm nóng, cay để tránh mắt bị sưng và đau.
-
Tuyệt đối không dùng chất kích thích.
-
Không đeo kính áp tròng hay trang điểm.
-
Không tự ý dùng thuốc nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng tránh đau mắt đỏ
-
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.
-
Không đưa tay chạm vào mắt.
-
Giặt khăn lau mặt thường xuyên và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
-
Chế độ ăn uống giàu omega- 3, vitamin A, E, B6, B9 và B12 (có trong cá hồi, cà rốt, cà chua, ớt chuông, rau xanh, cam,…) vì đây là những dưỡng chất cực kỳ có lợi cho mắt, giúp mắt luôn khỏe mạnh và tránh nguy cơ mắc các bệnh về mắt.
-
Môi trường sống sạch sẽ, không tiềm ẩn các nguy cơ gây dị ứng cho mắt. Nếu cẩn thận, có thể trang bị máy lọc không khí để không gian sống luôn sạch sẽ, trong lành và thoáng mát.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ có cách trị đỏ mắt hiệu quả cũng như hiểu hơn về những biện pháp phòng tránh để giữ cho mình một đôi mắt thật sáng và khỏe.