Những cách hiệu quả để giảm đau khi trẻ mọc răng

Mọc răng là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ nhỏ. Giai đoạn này, trẻ thường có biểu hiện sốt, tiêu chảy, biếng ăn… một vài trẻ mọc răng chậm khiến ba mẹ vô cùng lo lắng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ có chia sẻ xoay quanh vấn đề này và gợi ý cho ba mẹ những biện pháp hiệu quả để giảm sốt khi trẻ mọc răng.

1Trẻ bao nhiêu tháng tuổi thì mọc răng?

Thứ tự răng mọc có thể không giống nhay ở mỗi trẻ

Thứ tự răng mọc có thể không giống nhay ở mỗi trẻ

Khoảng thời gian mọc răng của từng trẻ không giống nhau. Rất ít trẻ mọc răng trước 4 tháng hoặc từ 4 – 6 tháng tuổi, còn lại đa số trẻ mọc răng sau khi đủ 6 tháng. Bác sĩ Khanh cho biết trường hợp trẻ mọc răng quá sớm hoặc quá muộn so với những trẻ cùng độ tuổi, ba mẹ không nên quá lo lắng, có thể nguyên nhân là do di truyền từ gia đình.

Ngoài ra, thứ tự răng mọc lên cũng không phải là một vấn đề đáng lo. Thông thường, trẻ sẽ mọc 2 răng cửa dưới trước, sau đó đến 2 răng cửa trên và lần lượt đến những cây răng khác. Những trẻ mọc răng nếu không theo thứ tự trên cũng vẫn bình thường.

Trường hợp trẻ sau 12 tháng tuổi vẫn chưa mọc răng, nếu lo lắng ba mẹ có thể cho trẻ đi khám. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh chia sẻ có thể do di truyền hoặc vấn đề dinh dưỡng khiến việc mọc răng chậm hơn, rất hiếm trường hợp trẻ không có mầm răng.

Bài viết liên quan: Chăm sóc răng miệng cho trẻ theo giai đoạn như thế nào?

2Dấu hiệu trẻ bắt đầu mọc răng

Khi chuẩn bị mọc răng, trẻ thường có những biểu hiện như thích cắn, đưa mọi thứ lên miệng, chảy nước dãi nhiều… một số trẻ có biểu hiện sốt, tiêu chảy.

Ba mẹ khi muốn theo dõi việc mọc răng chỉ đơn giản là quan sát bằng mắt thường, không dùng tay sờ trực tiếp vào nướu của trẻ.

3Nguyên nhân gây sốt khi trẻ mọc răng

Trẻ nhỏ bị sốt khi bắt đầu mọc răng. Ảnh: freepik

Trẻ nhỏ bị sốt khi bắt đầu mọc răng. Ảnh: freepik

Bác sĩ Khanh cho biết những nghiên cứu không thể lý giải được nguyên do vì sao khi trẻ mọc răng lại dẫn đến sốt. Tuy nhiên, có thể do một vài nguyên nhân như:

  • Nướu bị nứt khi răng dần mọc lên, dẫn đến viêm nhiễm gây sốt có kèm tiêu chảy.
  • Khi mọc răng, trẻ có cảm giác ngứa nên thường ngậm nhiều đồ vật, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể dẫn đến nhiễm trùng.
  • Ngoài ra, cũng còn nguyên nhân khác là do cơ địa mỗi trẻ không giống nhau, bởi vì có những trẻ nhỏ khi mọc răng không hề có biểu hiện sốt, tiêu chảy,… trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.

Bài viết liên quan: Trẻ bị sốt – những kiến thức mà mẹ cần phải biết

4Biện pháp giảm sốt khi trẻ mọc răng

Khi trẻ bị sốt, mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày. Ảnh: freepik

Khi trẻ bị sốt, mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày. Ảnh: freepik

Sốt do mọc răng thường khá nhẹ, sẽ hết sau khoảng 1-2 ngày. Bác sĩ Khanh cho biết trẻ sốt do mọc răng ba mẹ vẫn xử lý hạ sốt như sốt thông thường. Biện pháp giảm sốt bao gồm:

  • Mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày. Trường hợp trẻ không chịu bú, mẹ có thể đợi đến khi trẻ buồn ngủ hãy cho bú sẽ dễ dàng hơn.
  • Nếu trẻ uống sữa công thức thì ba mẹ cần làm cho sữa mát hơn bình thường, sẽ giúp bé dễ chịu.
  • Mặc quần áo thoải mái, lau mát cho trẻ.
  • Uống thuốc hạ sốt, giảm đau là cách hiệu quả và nhanh chóng. Khi cho trẻ dùng thuốc, ba mẹ cần chú ý liều lượng nên dựa theo cân nặng (liều lượng thuốc dựa theo độ tuổi không chính xác), hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể thực hiện một số biện pháp sau nếu không muốn cho trẻ dùng thuốc:

  • Cho da cơ thể trẻ áp vào vùng da của người lớn, đó là cách hiệu quả để hút hết nhiệt độ cao, giúp trẻ dễ chịu.
  • Ba mẹ có thể sử dụng thuốc Zytee để chấm vào chỗ mọc răng để giảm đau, lưu ý phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Khanh cho biết:

Những biện pháp dân gian như chườm đá, đắp lá hẹ… để giảm đau cho trẻ hoàn toàn không có tác dụng. Ba mẹ nên xử lý như khi trẻ sốt thông thường.

Nếu cơn sốt vượt quá 48 tiếng có thể là dấu hiệu của một vấn đề khác không phải do mọc răng, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay.

5Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến việc mọc răng của trẻ?

Khi mang thai, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Ảnh: freepik

Khi mang thai, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Ảnh: freepik

Nhiều ba mẹ nghĩ rằng nên bổ sung những thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, trứng… sẽ giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe. Tuy nhiên bác sĩ Khanh cho biết mầm răng đã có sẵn khi trẻ còn trong bụng mẹ, vì vậy khi mang thai mẹ cần bổ sung đủ những chất dinh dưỡng cần thiết đặc biệt là canxi và sắt.

Ngoài ra, vitamin D cũng rất cần thiết, ba mẹ bổ sung vitamin D qua đường uống cho trẻ nhỏ.

6Những biện pháp giúp trẻ có hàm răng khỏe mạnh

Việc chăm sóc răng sữa rất quan trọng, vì có ảnh hưởng đến hàm của trẻ. Răng tốt, mọc đúng vị trí giúp hàm không bị lệch. Bên cạnh đó, hàm răng tốt giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn.

Khi mọc răng trẻ có những biểu hiện xấu như nhai, cắn, mút tay… có thể làm lệch, hư răng hoặc gây đầy hơi. Ba mẹ có thể đánh lạc hướng trẻ bằng những món đồ chơi lớn.

Quan niệm không cần chăm sóc răng sữa, đợi đến khi răng vĩnh viễn của trẻ mọc thì mới chăm sóc là hoàn toàn sai lầm. Nếu răng sữa bị sâu vẫn phải chữa giống như răng vĩnh viễn. Muốn răng trẻ đẹp khi lớn lên, ba mẹ phải chăm sóc răng cho trẻ từ khi còn là răng sữa. Những biện pháp chăm sóc răng sữa bao gồm:

  • Hạn chế cho trẻ bú đêm
  • Uống đủ nước
  • Vệ sinh răng (chà răng bằng gạc có nhúng nước muối sinh lý, nếu trẻ đã biết nhổ nước ra, ba mẹ nên tập cho trẻ đánh răng bằng kem đánh răng). Ba mẹ nên tập cho trẻ thói quen này từ khi còn nhỏ.
  • Không được cho trẻ ăn kẹo

Trẻ mọc răng là một giai đoạn quan trọng, ba mẹ thường rất vui mừng khi nhìn thấy chiếc răng đầu tiên của con. Bên cạnh việc xử lý những vấn đề trẻ gặp phải khi mọc răng lần đầu thì chăm sóc răng miệng cho trẻ cũng khá quan trọng vì sẽ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sau này của trẻ. Hy vọng những thông tin mà AVAKids cung cấp sẽ giúp ba mẹ giải đáp được những băn khoăn trong quá trình mọc răng của trẻ.

Ngọc Hà tổng hợp từ Youtube Alobacsi

1. AloBacsi: https://www.youtube.com/watch?v=NcXIxIUWsXQ