Những bước tiến vững chắc trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ

Thực hiện quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020 và Kế hoạch số 6716/KH-UBND ngày 09/12/2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh về Kế hoạch thực hiện Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Bình Liêu đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020. Theo đó, kết quả điều tra năm 2013 người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi từ 15-60 toàn huyện còn 2306/19871 người chiếm tỉ lệ 11,6% (mù chữ còn 1303/19871 người; tái mù chữ còn 1003/19871 người), trong đó, độ tuổi từ 15-35 tuổi chưa biết chữ chiếm 5,96%. Kết quả điều tra trên cho thấy, Bình Liêu là một trong những đơn vị có tỉ lệ người mù chữ và tái mù chữ cao so với các địa phương khác trong tỉnh.

Xác định, công tác Phổ cập giáo dục – Xóa mù chữ (PCGD-XMC) là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững trật tự an ninh, quốc phòng của địa phương. Do vây, duy trì và nâng cao chất lượng PCGD-XMC chính là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, giúp nhân dân có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại trong lao động, sản xuất và đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh và của Sở GD&ĐT Quảng Ninh, hằng năm huyện đã chỉ đạo Ban chỉ đạo PCGD-XMC các cấp triển khai công tác tuyên truyền tới các thôn bản, khu dân cư và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện một cách hiệu quả, nhằm giúp nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Huyện cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn (Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Tài Chính – Kế hoạch) lập kế hoạch dự trù kinh phí cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, công tác điều tra phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp xã; riêng kinh phí chi cho công tác điều tra mở các lớp xóa mù chữ (4 khóa) là hơn 1,6 tỉ đồng; công tác điều tra phổ cập trong 5 năm gần đây hơn 900 triệu đồng.

Ngoài ra huyện đã chỉ đạo Ngành Giáo dục thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển quy mô trường, lớp; đảm bảo duy trì và phát triển số lượng học sinh trong độ tuổi ra lớp. Cùng với đó, để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Ngành Giáo dục đã tập trung thực hiện tốt các biện pháp đổi mới ph­­ương pháp dạy học, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đổi mới nội dung sinh hoạt tổ khối chuyên môn, đổi mới công tác quản lý; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể nhằm tăng cường nề nếp kỷ c­­ương trường học, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh và các đoàn thể, địa phương, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục…Từ công tác chỉ đạo sát sao, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, việc nâng cao chất l­­ượng giáo dục được cải thiện rõ ràng, công tác tổ chức, vận động, quản lý thực hiện hiệu quả đã góp phần duy trì sĩ số học sinh đạt hiệu quả cao ở các cấp học, giảm thiểu tối đa số học sinh bỏ học đây là điều kiện có tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và kết quả phổ cập – xóa mù chữ nói riêng.

Có thể thấy, với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với địa phương, công tác phổ cập của huyện đã có những bước tiến vững chắc, khẳng định vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Đến nay, đã có 100% các xã đạt tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 4,31% và suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 3,81%. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, hiện nay tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 601/608 (98,8%); tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 505/530 (95,3%) tăng 3,28% so với năm 2012; tỷ lệ trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 2.001/2.033 (98,42%) tăng 1,27 so với năm 2012; huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (trong đó 02 xã, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3). Đối với công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở cũng đã từng bước đi vào ổn định và có tính vững chắc, như: tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THCS đạt 1909/2186 (87,33%), tăng 4,03% so với năm 2012; tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-18 vào học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt 1036/1435 (72,2%), tăng 4,3% so với năm 2012. Từ kết quả trên, năm 2015 huyện Bình Liêu được công nhận đạt chuẩn Phổ cập GDMNCTE5T; đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập GDTHCS mức độ 1.

Đặc biệt, với công tác xóa mù chữ, những năm trước đây Bình Liêu được biết đến là đơn vị có tỉ lệ người mù chữ cao nhất tỉnh. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ huyện tới cơ sở, đến nay Bình Liêu được ghi nhận là đơn vị có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, tạo bước chuyển đột phá trong công tác xóa mù chữ. Đến năm 2015, huyện Bình Liêu đã mở được 51 lớp học xóa mù chữ  (Khóa 1 mở 13 lớp; khóa 2 mở 26 lớp; khóa 3 mở 12) với 975 học viên trong độ tuổi từ 15 – 60 tham gia học tập. Kết thúc 3 khóa, toàn huyện đã công nhận biết chữ cho 765 học viên. Như vậy, cho đến nay tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 mù chữ còn 1541/20239 người  (7.6%), giảm so với năm 2013 là 4%,  trong đó tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 35 còn 374/12478 người mù chữ (3%) giảm 2.96% so với năm 2013, huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Năm 2016, Bình Liêu tiếp tục mở 14 lớp với 336 học viên, trong đó có một lớp với 30 học viên tại thôn Loòng Vài bắt đầu học giai đoạn 2 (học chương trình lớp 4,5).

Khẳng định hiệu quả của công tác PCGD-XMC trong những năm qua,  đồng thời để tiếp tục duy trì và giữ vững thành quả đạt được, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, Mặt trận tổ quốc, các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn, phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân… đảm bảo mọi người dân đều được đi học để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, đồng thời huyện đặt ra chỉ tiểu cụ thể cho giai đoạn 2016 – 2020: (1). Duy trì huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi với 100% các xã, thị trấn đạt. (2). Phấn đấu xây dựng thêm 02 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 với 4/8 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (50%) tạo tiền đề để huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 trong những năm tới. (3). Phấn đấu huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 trong đó, có 2/8 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. (4). Phấn đấu huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 với 8/8 xã, thị trấn đều đạt.

Trên cơ sở chỉ tiêu cụ thể, huyện đã đưa ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trên, như: Đưa các chỉ tiêu về Phổ cập giáo dục và xóa mù chữ vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện và các xã, thị trấn. Phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong triển khai, tổ chức, thực hiện công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ dưới nhiều hình thức.Tích cực tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường, quan tâm hơn đến các điểm lẻ của các trường, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên dưới nhiều hình thức. Tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn trên chuẩn. Tiếp tục có các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy, học và giáo dục theo mục tiêu của từng cấp học và chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.