Những bí ẩn ít người biết về đập Tam Hiệp
Thứ Tư 01/07/2020 , 10:15 (GMT+7)
Siêu dự án thủy điện đầy tham vọng của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi bất tận bởi nó còn chứa đựng quá nhiều bí ẩn và bất an.
Đợt mưa lũ tại miền nam Trung Quốc hơn một tháng liên tục đã khiến nhà điều hành đập Tam Hiệp phải mở cửa xả lũ vào ngày 29/6 giữa vô số quan ngại và đồn đoán về nguy cơ nứt vỡ công trình thủy điện lớn nhất hành tinh. Ảnh: THX
Trang web chuyên ngành về xây dựng Interestingengineering đã công bố thêm những thông tin thú vị, có thể nhiều người chưa biết về công trình thủy điện lớn nhất hành tinh trên sông Dương Tử.
Theo đó, xét trên phạm vi thế giới đến nay chưa từng có con đập nào lại thu hút được nhiều sự chú ý như đập Tam Hiệp bởi quy mô xây dựng của nó lớn đến mức làm chậm quá trình quay của Trái đất.
Nhiều chuyên gia địa chất thậm chí còn ví von, chừng nào bạn còn nghe được những câu chuyện theo kiểu “góc khuất” phía sau của đập Tam Hiệp thì đó chính là … may mắn của bạn. Trên thực tế, sau hàng chục năm đi vào vận hành siêu công trình nhân tạo này vẫn luôn được ca ngợi về tính hiệu quả nhưng đồng thời nó cũng bị coi là một “con quái vật” bởi nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Đập Tam Hiệp được kết cấu bằng thép và bê tông, dài 2.355m (7.661 feet), cao 185 m (gần 600 feet) trên mực nước biển. Đội ngũ kỹ sư đã dùng tới 510.000 tấn thép để xây dựng, tương đương với lượng thép có thể xây dựng 63 chiếc tháp Eiffel ở Pháp.
Siêu dự án thủy điện này có 34 máy phát điện khổng lồ tạo ra nguồn năng lượng ngang với nhà máy điện than công suất 50 triệu tấn hoặc 25 triệu tấn dầu dầu thô.
Ngay từ khi manh nha dự án chặn dòng sông Dương Tử để xây dựng, đập Tam Hiệp đã gặp vô vàn chỉ trích của giới chuyên gia cả trong nước và quốc tế về hệ lụy lâu dài mà nó sẽ gây ra cho môi trường.
Hình ảnh mưa lũ gây ngập lụt tại nhiều tỉnh, thành miền nam Trung Quốc. Ảnh: Weibo
Ước tính sẽ có tới 70% lượng nước ngọt của Trung Quốc bị ô nhiễm và con đập có thể sẽ khiến cho tình hình ngày một tệ hơn khi nó nằm ở phía thượng nguồn. Chưa kể là mỗi năm có khoảng 265 triệu gallon nước thải thô sẽ bị lắng đọng ở sông Dương Tử, con sông dài thứ ba thế giới, với 6.357 km, nơi hàng triệu hộ dân ở hạ lưu cũng như các thành phố lớn sinh sống như Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải.
Kể từ khi dự án được xây dựng, đã có khoảng 1,3 triệu người đã buộc phải di dời nhà cửa và tái định cư để lấy chỗ làm lòng hồ chứa và quá trình di dân ra khỏi khu vực nguy cơ rủi ro dự kiến sẽ vẫn tiếp tục trong những năm tới.
Người dân và chính phủ Trung Quốc vẫn tự hào về thành công của con đập cho đến nay và coi nó là một kiệt tác của kỹ thuật của quốc gia hay “ngọn hải đăng” của năng lượng tái tạo.
Hồ chứa Tam Hiệp được tạo ra bởi con đập khổng lồ này có tổng dung tích 38 tỷ m3, dung tích phòng lũ 22,38 tỷ m3 và diện tích mặt hồ là 13.000 km2.
Theo các điều tra về mức độ đa dạng sinh học khu vực xung quanh đập Tam Hiệp, đây là nơi cư ngụ của 6.400 loài thực vật, 3.400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn. Chính vì vậy quá trình hoạt động sẽ có thể gây xói lở, thậm chí đe dọa cả nghề cá lớn nhất thế giới bởi quy mô quá lớn của con đập đã tạo ra một tiểu khí hậu đe dọa hệ sinh thái của khu vực.
Khi tích nước ở mức tối đa, hồ chứa 38 tỷ m3 nước này ảnh hưởng đến Trái đất, làm tăng độ dài của một ngày thêm 0,06 micro giây.