Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đây là những đúc kết rất quan trọng, có thể làm nền tảng cho những chỉ đạo, định hướng về công tác này trong thời gian tới ở nước ta.
Có thể tóm lược lại thành 6 bài học chủ yếu, gồm:
Thứ nhất, biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế
Theo Tổng Bí thư, trong công tác PCTN, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực). Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN”.
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh Đặng Phước)
Tham nhũng liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có quyết tâm chính trị rất cao, phải kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn.
Thứ hai, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng
Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.
Trong đấu tranh PCTN, không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng”, không “nghỉ”, thiếu quyết liệt; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, vừa phải luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTN để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý
Theo Tổng Bí thư, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Trong phát hiện, xử lý phải quán triệt nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự.
Từ năm 2012 đến 2022, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội…
Thứ tư, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh PCTN
Để PCTN có hiệu quả, cần phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ và các tổ chức thành viên, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân… Phải “lấy dân làm gốc”, dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng, nhưng không chạy theo dư luận. Triển khai có hiệu quả hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN.
Từ năm 2013 đến 2022, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác này.
Qua đó, đã xử lý nhiều vụ việc nổi cộm như vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, vụ án Vũ Việt Hùng và đồng phạm, vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm, vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm, vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, vụ án Trần Phương Bình, vụ án Phan Văn Anh Vũ, vụ án Đinh Ngọc Hệ, vụ án Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, vụ án Hứa Thị Phấn, vụ án tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, vụ án tại Công ty Hải Thành,…, và mới đây là vụ Công ty Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh.
Thứ năm, tăng cường kiểm soát quyền lực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến vấn đề kiểm soát được việc thực hiện quyền lực nhà nước, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng PCTN. Ban chỉ đạo các cấp phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng PCTN thực thi nhiệm vụ được giao. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.
Trong đó, đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh, phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước trong công tác này. Nhờ đó, trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 ủy viên Bộ Chính trị, 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…).
Thứ sáu, các giải pháp PCTN, tiêu cực phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở Việt Nam
Các giải pháp PCTN phải phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, phải xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Trong từng giai đoạn khác nhau phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Điều này góp phần đánh tan các luận điệu xuyên tạc cho rằng Việt Nam đang thực hiện công tác PCTN rập khuôn của nước khác. Trên thực tế, chúng ta luôn nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tiếp thu các cách làm hay của tất cả các nước và vận dụng phù hợp với tình hình của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhất là khoảng 10 năm trở lại đây, công tác đấu tranh PCTN được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thực tiễn đó thực sự có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước và tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển theo các mục tiêu đã được xác định tại Đại hội XIII của Đảng.
Vân Tâm
(Thành ủy TP. Hồ Chí Minh)