Những Vấn Đề Về Triết Lý Giáo Dục Việt Nam Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại

Một cách khái quát và đơn giản, triết lý có thể hiểu là tinh thần chủ đạo, là tư tưởng cốt lõi của hoạt động mà chủ thể hoạt động ấy đề ra .

Như vậy, triết lý giáo dục sẽ là tinh thần chủ đạo của giáo dục, là định hướng vận hành của toàn bộ hoạt động giáo dục .

Ở các ngôn ngữ phương Tây không có khái niệm “triết lý” thể hiện bằng một từ riêng, họ chỉ có một từ “philosophy” với hai nghĩa là “triết học” (số ít) và “triết lý” (số nhiều: philosophies) .

Song một khi đã là cụm từ “philosophy of education” thì người ta thường chỉ dùng với nghĩa “triết học giáo dục”.

Bách khoa thư Britannica giải thích rất rõ: “Philosophy of education là sự phản ánh mang tính triết học về bản chất, mục tiêu và các vấn đề của giáo dục.

Triết học giáo dục, giống như thần Janus, phải đối mặt với cả hai phía – ở phía trong thì nhìn từ gốc là ngành triết học và ở phía ngoài thì nhìn từ thực tiễn giáo dục”.

Trong các tài liệu học thuật bằng tiếng Hoa, tiếng Hàn hiện nay cũng chỉ sử dụng khái niệm “triết học giáo dục” mà không dùng khái niệm triết lý giáo dục.

Trong tiếng Nhật có cụm từ “lý niệm giáo dục” thường được dịch thành “triết lý giáo dục” nhưng nghĩa của từ “lý niệm” thật ra không tương đương với “triết lý” của tiếng Việt.

Cụm từ “lý niệm giáo dục” được chính người Nhật dịch sang tiếng Anh là “nguyên lý giáo dục” (principles of education).

Trong khi đối với người Việt Nam, “triết lý” nói chung và “triết lý giáo dục” nói riêng là những khái niệm rất quen thuộc và có nội hàm khá rõ ràng.

Nếu so sánh “triết lý giáo dục” với “triết học giáo dục” thì ta thấy cả hai khái niệm đều là những tư tưởng giáo dục, nhưng giữa chúng có sự khác biệt về hình thức, nội dung, phạm vi và hiệu quả.

Về hình thức, triết lý giáo dục phải được trình bày dưới dạng cô đúc, ngắn gọn; trong khi triết học giáo dục được triển khai, diễn giải với độ dài không giới hạn.

Về nội dung, điều quan trọng là triết lý giáo dục phải chỉ ra được những yêu cầu cơ bản của sản phẩm mà nền giáo dục hướng tới, tức là phải trả lời câu hỏi hoạt động dạy – học nhằm mục đích gì, nền giáo dục muốn đào tạo ra con người như thế nào.

Trong khi đó, triết học giáo dục bàn về tất cả các khía cạnh khái quát của giáo dục.

Về phạm vi, triết lý giáo dục luôn gắn với một bối cảnh chủ thể – không gian – thời gian cụ thể; trong khi triết học giáo dục có phạm vi không giới hạn.

Như vậy, triết lý giáo dục có thể hiểu là tư tưởng giáo dục được trình bày cô đúc, ngắn gọn về những yêu cầu cơ bản của sản phẩm mà nền giáo dục hướng tới, nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong một bối cảnh chủ thể – không gian – thời gian nhất định, có tác dụng định hướng cho hoạt động.

Triết lý giáo dục không đồng nhất với mục đích, song mục đích giáo dục là nội dung quan trọng nhất; mọi thành phần khác như đối tượng, nội dung, phương pháp giáo dục,… đều từ đó mà ra.

Xét theo các mối quan hệ cơ bản, triết lý giáo dục là TƯ TƯỞNG giáo dục xuất phát từ nhu cầu THỰC TIỄN, tồn tại trên nền tảng của VĂN HÓA, chịu sự chi phối của Ý THỨC HỆ, hướng đến LÝ TƯỞNG, là cơ sở xác lập và chỉ đạo CÁC NGUYÊN LÝ THỰC HÀNH.

Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, tư tưởng chủ đạo mà nền giáo dục xây dựng trên nền tảng văn hóa Nho giáo hướng tới là “dạy/học để làm quan”, nó có thể xem là triết lý giáo dục đại diện. Tư tưởng này thể hiện được cả hai mục tiêu nghề nghiệp và danh lợi; là tư tưởng giáo dục chung cho cả người dạy lẫn người học. 

Triết lý này chi phối tất cả các tư tưởng giáo dục còn lại: Để được làm quan thì phải thi cử; việc làm quan và thi cử cần kiến thức gì thì người xưa chỉ tập trung dạy và học đúng những kiến thức đó.

“Từ chương”, “khoa cử” là những khái niệm thể hiện các biện pháp giáo dục hướng đến thi cử này. Làm quan trong một xã hội cần ổn định, tôn ti thì việc học “lễ nghĩa” quan trọng hơn là tri thức – “Tiên học lễ, hậu học văn” phản ánh thứ tự ưu tiên này.

Với mục tiêu thuộc bài để thi đỗ làm quan (chứ không phải là sáng tạo để đưa xã hội tiến lên) thì phương pháp giáo dục phải lấy thầy làm trung tâm: “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Trong xã hội Việt Nam thời thực dân, triết lý giáo dục của chính quyền cai trị được thay đổi từ “học để làm quan” sang “học để làm công chức” phục vụ chính quyền thuộc địa, nghĩa là về bản chất không thay đổi.

Còn nếu nhìn từ lực lượng trí thức yêu nước và đại bộ phận dân chúng thì tư tưởng “giáo dục yêu nước” thể hiện mục tiêu giành độc lập dân tộc với phương châm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” có thể xem là triết lý giáo dục chủ đạo, nhưng đây là triết lý giáo dục bộ phận của một giai đoạn ngắn. Khi giành được độc lập, triết lý giáo dục bộ phận này đã bị vượt qua.

Giai đoạn từ khi hình thành nước Việt Nam mới đến trước thời đổi mới có thể xem là giai đoạn trung gian chuyển tiếp. Chính vì tính chất trung gian nên trong giai đoạn chuyển tiếp này có nhiều tư tưởng giáo dục được nhắc đến. 

Ngay sau khi đất nước vừa giành được độc lập, tư tưởng giáo dục phổ biến lúc bấy giờ là “Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” – tư tưởng này hướng đến việc tạo lập một thế đứng chứ không nêu ra mục đích của giáo dục.

Để khắc phục những hạn chế của nền văn hóa – giáo dục thời thực dân mà cố Tổng bí thư Trường Chinh sinh thời đã khái quát thành ba nhược điểm là “phản dân tộc, phản khoa học và phản đại chúng”, trong điều 1 của Sắc lệnh số 46 về những nguyên tắc cơ bản cho nền giáo dục Việt Nam mới do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng ký ngày 10-8-1946 đã nêu rõ:

“Nền giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… đặt trên ba nguyên tắc căn bản: đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa, và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng Quốc gia và dân chủ”.

Ở miền Nam, trong điều 11 Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (sửa đổi) do Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng hòa thông qua trong phiên họp ngày 18/3/1967 có viết: “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản”.

Đây là ba nguyên tắc định hướng căn bản đã được Đại hội Giáo dục Quốc gia lần II thông qua vào năm 1964 để thay thế cho ba nguyên tắc “nhân bản, dân tộc, khai phóng” do Đại hội Giáo dục Quốc gia lần I thông qua vào năm 1958.

Tư tưởng “Thực học thực nghiệp” nêu ra từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục được tái hiện dưới nhiều biến thể: “Kết hợp lý luận với thực tế”; “Học đi đôi với hành”; “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất” là một nguyên lý giáo dục vừa thể hiện mục tiêu (học để làm) vừa thể hiện cách thức (học và hành phải đi đôi với nhau: học thật làm thật, học mà không làm thì chỉ là lý luận suông; vừa học vừa làm thì mới kịp thời sửa chữa khuyết điểm, mau tiến bộ).

Tư tưởng “kết hợp nhà trường với gia đình, xã hội” là một nguyên lý giáo dục khác có mục tiêu huy động và khai thác tối đa sức mạnh của sự phối hợp, phát huy tinh thần trách nhiệm của các bên liên đới, giúp khắc phục bệnh cục bộ, thiếu tinh thần hợp tác, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau… 

Hai căn bệnh “lý luận suông” và “thiếu tinh thần hợp tác” mà Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở đến nay vẫn còn đó, chúng do tính cộng đồng trong văn hóa truyền thống của người Việt sinh ra, do vậy những nguyên lý giáo dục thể hiện hai mục tiêu bộ phận này cần phải tiếp tục duy trì.

Bên cạnh một số tư tưởng thể hiện những mục tiêu bộ phận, thì có một số tư tưởng khác thể hiện những mục tiêu tổng quát.

Các tư tưởng “Vừa hồng vừa chuyên”, “Giáo dục toàn diện đức, trí, văn, thể, mỹ” của giáo dục miền Bắc trước đây và Việt Nam hiện nay thể hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, hiện nay chúng có xu hướng được gom lại trong hai yêu cầu về năng lực và phẩm chất.

Các tư tưởng “Học mãi để tiến bộ mãi”, “Học suốt đời”, “Xây dựng xã hội học tập” là phương châm, chiến lược giáo dục (liên tục trong thời gian và không gian).

Trong không gian, về cơ bản chúng đúng không chỉ cho Việt Nam, mà cả thế giới; trong thời gian, chúng đúng cho không chỉ cho bây giờ, mà cả mai sau.

Tư tưởng “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tồn tại” của UNESCO thể hiện mục tiêu giáo dục trong một thế giới hội nhập với cuộc sống luôn biến đổi. Tư tưởng thể hiện hai mục tiêu giáo dục tổng quát này hiển nhiên là cần tiếp tục duy trì.

Trong dân chúng, mục tiêu giáo dục toàn diện về năng lực và phẩm chất thường được cụ thể hóa thành hai yêu cầu là “ngoan/ hiền” và “giỏi/ khôn”.

“Ngoan/ hiền” là yêu cầu về phẩm chất, “giỏi/ khôn” là yêu cầu về năng lực. Trong cuộc sống, “ngoan” thường đi liền với “khôn”: “Gái ngoan lấy được chồng khôn/ Như lọ vàng cốm để chôn đầu giường”.

Trong giáo dục thì “ngoan” thường đi liền với “giỏi”: “Con ngoan trò giỏi” là mục tiêu về phẩm chất đạo đức (đạo làm con) và năng lực của mỗi cá nhân.

Bổ sung thêm phẩm chất chăm chỉ, yêu cầu này có dạng: “Chăm ngoan học giỏi”. Yêu cầu phẩm chất “chăm ngoan” giúp đào tạo những con người chịu thương chịu khó, biết tuân thủ, duy trì tính đồng nhất của cộng đồng. Yêu cầu năng lực “học giỏi” giúp tạo nên những con người có khả năng tiếp thu, vận dụng tốt.

Trong suốt lịch sử cho đến trước thời đổi mới, giá trị chủ đạo của xã hội Việt Nam là hướng đến ổn định, cho nên hai mục tiêu về năng lực và phẩm chất “chăm ngoan học giỏi” đã có đóng góp quan trọng vào thành công của Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước; đến nay hai mục tiêu này vẫn được dân chúng duy trì.

Một nghiên cứu về lựa chọn giá trị gia đình ở nông thôn ngoại thành Hà Nội do chúng tôi hướng dẫn thực hiện năm 2016 cho thấy yêu cầu “Con cái chăm ngoan học giỏi” được xem là giá trị đứng đầu trong tất cả mọi giá trị (chiếm 96,1%). 

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà giá trị nền tảng của xã hội đã thay đổi từ ưa ổn định sang cần phát triển, thì bên cạnh hai mục tiêu về năng lực và phẩm chất “chăm ngoan học giỏi”, cần nhấn mạnh yêu cầu đào tạo những con người có bản lĩnh, chủ động và sáng tạo để có thể hòa nhập và thích ứng được trong một thế giới luôn biến đổi.