Nhớ lời Bác Hồ kêu gọi tập thể dục thể thao

Chia sẻ

Nhớ lời Bác Hồ kêu gọi tập thể dục thể thao

TTH – Trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chỉ gần 5 tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, trong thế nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, với bộn bề công việc cấp bách phải giải quyết, Bác Hồ vẫn hết sức quan tâm sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) với việc ký Sắc lệnh số 14-SL ngày 30/1/1946, thành lập Nha Thể dục Trung ương (thuộc Bộ Thanh niên lúc đó) – bộ máy đầu tiên của ngành TDTT cách mạng nước ta. Sau đó ít ngày, trường thể dục ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội).

Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện sức khỏe bằng tập tạ hàng ngày. Ảnh: Internet

 

Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, 2 tháng sau, vào ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên – Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục, là cơ quan tham mưu của Chính phủ về TDTT, điều chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám. Cùng ngày, Báo Cứu quốc đăng bài “Sức khỏe và thể dục” của Người. Bài báo là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Từ đó, Người chính thức khai sinh ngành TDTT cách mạng nước nhà. Và vào năm 1991, Chính phủ quyết định lấy ngày 27/3 hằng năm là Ngày Thể thao Việt Nam.

Lời kêu gọi của Bác ngắn gọn, chỉ 170 từ, văn phong bình dị, nhưng đó là những định hướng cho ngành TDTT và cho toàn dân ta dưới chế độ mới. Bác khẳng định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công” và “mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. Theo Bác: “Dân cường thì quốc thịnh”. Bởi, có sức khỏe là có tất cả, chỉ có sức khỏe mới đem lại cho con người có cuộc sống hạnh phúc, có sức lao động, công tác, chiến đấu và học tập tốt.

Am hiểu sâu sắc và có lòng tin mãnh liệt vào phương pháp bảo vệ sức khoẻ bằng tập luyện TDTT, Bác khuyên mỗi người dân: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe…” . Điều Bác nói cách chúng ta hơn nửa thế kỷ này lại rất gần với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới ngày nay “Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế”.

Lời của Bác đầy thuyết phục: “Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được”. Vì thế đã cổ vũ, động viên toàn dân, toàn quân ta khắp mọi miền đất nước, dấy lên phong trào TDTT sâu rộng ngay từ những ngày đầu chính quyền cách mạng cho đến những năm dài kháng chiến, hòa bình xây dựng đất nước, góp phần tích cực thúc đẩy cuộc kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Và ngày nay đã trở thành cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đang được hiện thực hóa trên mọi miền đất nước ta.

Trong lời kết thúc bài kêu gọi toàn dân tập thể dục, Bác nêu: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập” là minh chứng về một tấm gương luôn xem việc rèn luyện là lẽ sống, là điều hiển nhiên. Tự rèn luyện và kêu gọi thanh niên, học sinh và mọi người dân luyện tập thể thao dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, là thầy giáo, hay là lúc bôn ba khắp năm châu bốn biển, lúc ở hang sâu và lán nứa…Vì vậy, Bác chúng ta vượt qua khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, khi lâm bệnh hiểm nghèo để viết nên những tư tưởng lớn, cùng Đảng ta lãnh đạo toàn dân viết nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

 Nguyên Anh

ĐÁNH GIÁ

Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!