Nho Hạ Đen ở Sông Mã

Đến với huyện Sông Mã, bên cạnh những vườn nhãn trĩu quả, chúng tôi được trải nghiệm và thưởng thức nho Hạ Đen đầu vụ của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã. Mô hình đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Bước vào nhà lưới, chúng tôi mê mẩn bởi những giàn nho xanh tốt, những chùm nho trĩu quả căng mọng. Lựa chùm nho quả màu tím đậm đều, chủ nhà mời chúng tôi thưởng thức quả nho sạch trồng theo quy trình VietGAP. Nho mọng nước, ngọt thanh và hương thơm đặc trưng ai cũng tấm tắc khen ngon.

             

Vườn nho của Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã.                                                                         

Ảnh: PV

             

Ông Trần Ngọc Vượng, Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã chia sẻ: Năm 2020, tôi được huyện mời đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng nho của Công ty cổ phần Duy Khánh, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sông Mã phù hợp với loại cây trồng này. Công ty đã đầu tư 200 triệu đồng làm hệ thống nhà lưới rộng 5.000 m² tại xã Nà Nghịu và đưa cây nho Hạ Đen về trồng.

             

Toàn bộ cây giống được huyện Sông Mã hỗ trợ mua từ Công ty cổ phần Duy Khánh, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc. Sau khi đầu tư xây dựng nhà lưới, xử lý đất, làm đất theo đúng quy trình kỹ thuật, làm vòm mái che bằng nilon trong suốt, sử dụng dây thép không gỉ để căng các hàng dây cho nho leo. Công ty đã sử dụng bạt che lối đi ngăn cách giữa các hàng và áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tưới nước và bón phân, vừa tiết kiệm chi phí công lao động, vừa giữ ẩm cho đất.

             

Với kinh nghiệm sau 2 năm trồng nho Hạ Đen, ông Vượng cho biết: Nho Hạ Đen rất kị nước nên với những vùng đất trũng phải đào rãnh, thiết kế bạt phủ luống để giảm lượng nước ngấm xuống gốc cây. Công đoạn quan trọng quyết định chất lượng, hình dáng chùm nho sau này đó là phải cắt tỉa quả. Nho Hạ Đen kéo dài từ 15 – 20 năm, mỗi năm, cây cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 12. Vì vậy, dù vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng hiệu quả kinh tế lâu dài, càng về sau càng tiết kiệm chi phí.

             

Vườn nho Hạ Đen của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã.

             

Với 5.000 m² trồng nho, năm 2021, Công ty đã thu được 1,4 tấn nho, giá bán trung bình 150.000 – 180.000 đồng/kg, thu nhập gần 250 triệu đồng, ngay vụ đầu tiên đã hòa vốn đầu tư. Toàn bộ sản lượng nho được bán cho khách đến tham quan, trải nghiệm và hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các cửa hàng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, Công ty tiếp tục mở rộng trồng thêm 1.000 m², nâng tổng quy mô vườn nho lên 6.000 m².

             

Năm nay, Công ty áp dụng kỹ thuật tỉa quả, đầu tư lắp đặt camera tại gốc nho để giám sát chất lượng nước tưới tiêu và phân bón. Nhờ đó, chùm nho năm nay cho quả to gấp đôi so với năm ngoái. Dự kiến sản lượng đạt 2,4 tấn quả, cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương với tiền công 5-5,6 triệu đồng/tháng. Chị Lường Thị Mến, bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương, cho biết: Công việc hằng ngày của tôi là làm đất, làm cỏ, tưới nước, tỉa mầm, tỉa quả. Công việc rất vừa sức, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình.

             

Hiện nay, ngoài việc duy trì diện tích trồng nho thương phẩm, Công ty đã ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất và cung ứng cây giống. Hiện nay, trong vườn ươm của Công ty có khoảng 1.000 cây nho giống chuẩn bị xuất bán, với giá 30.000 đồng/cây, tính ra, tiền bán cây giống cũng thu thêm vài chục triệu đồng/năm.

             

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Nho Hạ Đen là mô hình cây trồng mới của huyện Sông Mã. Qua 2 năm đưa vào trồng, cây nho Hạ Đen hoàn toàn có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

             

Nho Hạ Đen của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã là một trong những sản phẩm được huyện Sông Mã lựa chọn và đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu tại chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La vào cuối tháng 5 này. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sẽ nâng cao thu nhập, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng biên Sông Mã.

             

Minh Thu, Duy Tùng