Nhìn nhận đúng đắn về bán hàng đa cấp
Bán hàng đa cấp được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam
Bán hàng đa cấp (BHĐC) là một ngành được thế giới công nhận gần 100 năm nay và được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật Việt Nam, cụ thể là Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp và các văn bản liên quan. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân khi nghe “đa cấp” đều có cái nhìn rất sai lệch, phiến diện về ngành và cho rằng đa cấp là lừa đảo. Chính những nhận định này đã ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp đa cấp chân chính.
Đại diện Công ty Amway Việt Nam cho biết, về cơ bản BHĐC là một trong những phương thức bán lẻ hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng; trong đó, một phần thu nhập từ việc bán hàng được chi trả cho việc tiếp thị trực tiếp đến khách hàng. Những công ty, nhà phân phối BHĐC có quan hệ là các đối tác kinh doanh, phải cùng ký kết hợp đồng tham gia BHĐC, ký cam kết tuân thủ các quy tắc hoạt động và chương trình trả thưởng của mỗi công ty. Các hợp đồng, quy tắc hoạt động và chương trình trả thưởng này đều phải được Bộ Công Thương thẩm tra và phê duyệt.
Mọi nhà phân phối ngay sau khi ký hợp đồng BHĐC phải trải qua “Chương trình đào tạo cơ bản có thời lượng ít nhất 8 tiếng” theo quy định ở Nghị định 40 thì mới được thực hiện kinh doanh. Việc này bảo đảm nhà phân phối phải được hiểu rõ về mô hình BHĐC, hiểu rõ các quy định pháp luật, chế độ trả thưởng. Việc ký kết hợp đồng BHĐC và tham gia vào công ty là tự nguyện và không phải trả bất cứ một chi phí nào để tham gia. Nhà phân phối chỉ có thu nhập (hoa hồng) phụ thuộc trực tiếp vào việc bán được sản phẩm thực tế đến tay người tiêu dùng. Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa có thể được hoàn trả lại công ty và lấy lại số tiền đã mua sản phẩm trong thời hạn mà công ty đã được Bộ Công Thương phê duyệt (thường từ 30-45 ngày sau ngày xuất hóa đơn VAT) hoặc được yêu cầu đổi một loại hàng hóa khác tương đương.
Tất cả các nhà phân phối đang hoạt động đều được công ty báo cáo định kỳ hằng tháng về tên tuổi, định danh cá nhân, địa chỉ thường trú/tạm trú… đến tất cả các Sở Công Thương trên toàn quốc. Cứ 6 tháng 1 lần, công ty phải báo cáo hoạt động chi tiết của các nhà phân phối đến Bộ Công Thương và tất cả các Sở Công Thương mà công ty đăng ký hoạt động.
Dấu hiện nhận biết đa cấp bất chính và các chế tài
Pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ ràng, những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận BHĐC không được yêu cầu người tham gia mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng; thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; duy trì nhiều hơn 1 mã số đối với 1 người tham gia; từ chối quyền lợi của người tham gia; mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia; tổ chức các trung gian thương mại phục vụ cho việc duy trì, mở rộng, phát triển mạng lưới.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng-Bộ Công Thương, đa cấp bất chính có 4 biểu hiện chính: Không có giấy chứng nhận kinh doanh BHĐC; sử dụng mô hình BHĐC để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
Chính vì vậy, những doanh nghiệp làm ăn bất chính, kinh doanh đa cấp trá hình vi phạm phát luật sẽ bị xử lý nghiêm. Về mặt xử lý hành chính BHĐC sẽ dựa theo các quy định của Nghị định 141/2018/NĐ-CP. Hai là, xử lý hình sự theo Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (thu lợi bất chính từ 200 triệu, gây thiệt hại từ 500 triệu, hoặc mạng lưới từ 100 người trở lên) hay “Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ Công Thương đóng vai trò cấp giấy chứng nhận hoạt động BHĐC; tuyên truyền phổ biến chính sách và pháp luật; phối hợp cơ quan công an xử lý các hành vi vi phạm theo quy định và thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền… Riêng về UBND các cấp có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp các lực lượng tại địa phương (công an, công thương, quản lý thị trường, thuế….); cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động BHĐC tại địa phương, xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động BHĐC tại địa phương; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; kiểm soát các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo.
Bên cạnh đó, cần đề cập tới trách nhiệm quản lý của Bộ Công an trong việc thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; khởi tố, điều tra tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Về phía cơ quan, đơn vị giáo dục và truyền thông cần tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo cho giới trẻ về biết về những hành vi lừa đảo. Gia đình, nhà trường cần có những phương án quản lý, giáo dục chặt chẽ hơn nhằm phát huy kỹ năng phân tích, xử lý vấn đề của giới trẻ khi gặp những tình huống tương tự.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng cần lập ra một kênh truyền thông đặc thù và tạo các đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh khi phát hiện ra các cá nhân, tổ chức lừa đảo theo hình thức núp bóng đa cấp. Các cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính, lợi dụng đa cấp nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép… trên phạm vi địa phương mình quản lý.
Hiệp hội BHĐC Việt Nam, với vai trò là đại diện tiếng nói của những doanh nghiệp BHĐC chân chính, trong thời gian tới, sẽ tích cực phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Sở Công Thương các tỉnh thành và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, cảnh báo và báo cáo xử lý các những đối tượng đa cấp bất chính.
D.A