Nhìn lại ba mươi năm Liên Xô tan rã
Chia sẻ
Nhìn lại ba mươi năm Liên Xô tan rã
TTH – Cách đây đúng 30 năm, ngày 26/12/1991, lá cờ đỏ búa liềm bị hạ khỏi đỉnh Điện Kremlin, thay vào đó là lá cờ của Liên bang Nga, chính thức chấm dứt 74 năm tồn lại của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên bang Xô viết vốn được xem là hùng mạnh bậc nhất thế giới. Vì sao có sự sụp đổ nhanh chóng đó?
Một người cầm lá cờ Xô Viết đứng trước tượng đài Lenin ở Minsk, Belarus. Ảnh: Reuters
1. Tổng thống Nga Putin đánh giá: “Liên xô sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20”. Sự kiện đó đã làm thay đổi sâu sắc về thời đại hiện nay và trở thành một đề tài lý luận lớn mà các thế lực phản động quốc tế đã lợi dụng khoét sâu phê phán chủ nghĩa Mác-Lê nin và chủ nghĩa xã hội.
Giới học giả chính trị quốc tế có nhiều nhận định, bình luận phân tích hàng loạt nguyên nhân, tập trung nhất là đường lối của Đảng cầm quyền. Một số lãnh đạo cấp cao bị chuyển hóa, từ bỏ nguyên tắc xây dựng đảng, xa rời lý tưởng, nội bộ bị lũng đoạn nghiêm trọng.
Tháng 4/1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) đã có bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên xô tan rã?”, phân tích 5 nguyên nhân chủ yếu, trong đó có 2 nguyên nhân hàng đầu là: Không xác lập sự lãnh đạo, buông lỏng công tác xây dựng Đảng và phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin (nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản cầm quyền).
Giai đoạn thập niên 1990, không chỉ ở các nước Đông Âu- Liên xô mà bắt đầu xuất hiện luồng tư tưởng nghi ngờ về sự tồn tại của Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Một loạt cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp cao xin ra khỏi Đảng, nhiều người quay sang phê phán sai lầm hệ tư tưởng và đường lối định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Một bộ phận đảng viên dao động, lo lắng, nhiều người còn nêu quan điểm: “Để tránh sai lầm là nên đi con đường khác, không dập khuôn theo mô hình Liên Xô”.
Cựu Đại tá Bùi Tín, lúc đó là Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân lợi dụng khi ra nước ngoài công tác đã trốn, xin tị nạn chính trị do lo sợ Đảng tan rã, chờ tìm cơ hội “quay về” với hy vọng có chức vụ cao. Cùng với những khó khăn sau nhiều năm chiến tranh, sự cấm vận kinh tế của Mỹ làm cho nền kinh tế kiệt quệ trở thành đề tài tuyên truyền chống Việt Nam của các hãng truyền thông nước ngoài, các tổ chức phản động trong nước, cho rằng, đây là “thời kỳ đen tối của Việt Nam”, “sụp đổ của Đảng là khó tránh khỏi”, “định hướng xã hội của Đảng là sai lầm”… “Các tổ chức chống cộng, bọn cơ hội chính trị hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới xuyên tạc, chống phá” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đánh giá là có cơ sở.
2. Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục có bài viết: “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (5/2021).
Bài viết tiếp tục khẳng định lại một lần nữa về kiên định lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước theo kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định: “Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Những sai lầm của Đảng Cộng sản Liên xô không phải do nguyên nhân lạc hậu của chủ nghĩa Mác-Lê nin hay vận dụng sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô viết. Gốc rễ chính là sai lầm về đường lối, lập trường của bộ phận lãnh đạo cao nhất trong Đảng, họ đã bị lung lạc về tư tưởng, ảo vọng về mô hình, bị lôi kéo, mua chuộc, đi ngược lại những nguyên lý cơ bản của đảng cầm quyền. Trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước cộng hòa bị phân hóa nghiêm trọng, xu hướng ly khai được bộc lộ, các nước cộng hòa chống lại lãnh đạo Liên bang. Cùng với đó là sự tấn công bằng “chiến tranh lạnh”, “chiến lược diễn biến hòa bình”, quyết tâm xóa bỏ chế độ xã hội vốn đối lập với Mỹ, các nước phương Tây, những yếu kém của nền kinh tế, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ.
Chúng ta đã trải qua những bước thăng trầm, những khó khăn thách thức trong hơn 30 năm đổi mới phát triển đất nước. Những khó khăn thời bao cấp kéo chậm nền kinh tế, những khoản viện trợ không còn như trong chiến tranh mà phải tự đứng trên đôi chân của mình. Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi trở ngại về xây dựng, bảo vệ đất nước bằng ý chí của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Điều đó khẳng định một lần nữa về kiên định lập trường chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Nhân dân ta đã lựa chọn. Từ Đại hội Đảng lần thứ 6, chúng ta đã đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, từng bước đổi mới chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đủ sức lãnh đạo đất nước. Từ Đại hội Đảng lần thứ 12, 13, Đảng ta tiếp tục xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm. Những giải pháp quyết liệt trong “đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến-tự chuyển hóa” trong nội bộ là nhằm củng cố, xây dụng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
NGUYỄN AN HÒA
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!