Nhiều nơi đang vi phạm, bắt giáo viên phải học chứng chỉ tin học, ngoại ngữ
Năm 2015, việc xây dựng các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông là thực hiện triển khai Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, các Thông tư liên tịch nêu trên đã quy định danh mục các chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh nghề nghiệp, đồng thời hướng dẫn việc bổ nhiệm vào hạng và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông.
Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được phân thành 4 hạng theo cấp độ từ thấp đến cao, gồm: viên chức hạng IV, viên chức hạng III, viên chức hạng II, viên chức hạng I.
Trên cơ sở nghiên cứu chung toàn ngành về nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực tế, khả năng thăng tiến nghề nghiệp và định hướng phát triển đội ngũ nhà giáo trong tương lai, Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Nội vụ xếp đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông vào 3 hạng với mã số và tên gọi cụ thể như sau:
– Giáo viên Mầm non hạng II: mã số V.07.02.04
– Giáo viên Mầm non hạng III: mã số V.07.02.05
– Giáo viên Mầm non hạng IV: mã số V.07.02.06
– Giáo viên Tiểu học hạng II: mã số V.07.03.07
– Giáo viên Tiểu học hạng III: mã số V.07.03.08
– Giáo viên Tiểu học hạng IV: mã số V.07.03.09
– Giáo viên THCS hạng I: mã số V.07.04.10
– Giáo viên THCS hạng II: mã số V.07.04.11
– Giáo viên THCS hạng III: mã số V.07.04.12
– Giáo viên THPT hạng I: mã số V.07.05.13
– Giáo viên THPT hạng II: mã số V.07.05.14
– Giáo viên THPT hạng III: mã số V.07.05.15
Sau khi các Thông tư liên tịch nêu trên có hiệu lực, tất cả giáo viên hiện đang ở các ngạch giáo viên mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng và được hưởng chế độ lương (hệ số lương và thời điểm tăng lương) như cũ mà không yêu cầu thêm bất cứ điều kiện nào khác.
Các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông nêu trên đã quy định rõ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, bồi dưỡng và về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.
Chỉ có 10 cơ sở giáo dục dưới đây đủ thẩm quyền cấp chứng chỉ ngoại ngữ A2
(GDVN) – Các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên ra đời đã và đang tạo ra tâm lý lo lắng cho những giáo viên chưa đạt chuẩn.
Trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, ngoài tiêu chuẩn về trình độ chuyên ngành đào tạo phù hợp với chuyên ngành giảng dạy còn có các tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học theo các quy định mới nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các thông tư liên tịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông này, ở nhiều địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông yêu cầu giáo viên phải hoàn thiện đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ, nhất là chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học nhằm mục đích chuẩn hóa trình độ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nên đã xảy ra tình trạng ép buộc giáo viên phải đi học.
Thậm chí, việc tổ chức dạy học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có nơi còn để xảy ra tiêu cực và vi phạm. Điều này được thể hiện rõ trong loạt bài “giáo viên gấp rút học chứng chỉ tiếng Anh A2” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua.
Và tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 khối sở giáo dục và đào tạo vào ngày 14/1, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) Hoàng Đức Minh thừa nhận:
“Việc chuyển từ ngạch sang hạng không yêu cầu các chứng chỉ bồi dưỡng theo hạng, cũng không yêu cầu các chứng chỉ bồi dưỡng tin học ngay tuy nhiên quá trình chuyển một số tỉnh lại đẩy giáo viên vào tình trạng phải học chứng chỉ tin học, ngoại ngữ một cách bất cập”.
Ông Minh cho biết thêm, tại thời điểm này, chỉ những giáo viên có nhu cầu thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì mới cần phải bảo đảm có đủ trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định.
Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông không được bắt buộc tất cả các giáo viên khi chuyển từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp phải có trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ngay theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
“Do đó, các cơ sở cần tổ chức, bồi dưỡng giáo viên học và thi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có lộ trình, có kế hoạch trên tinh thần giáo viên nào đủ thời gian công tác 6 năm hay 3 năm có nhu cầu xét thăng hạng thì mới yêu cầu chứ có giáo viên bồi dưỡng sớm quá cũng không để làm gì.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần bồi dưỡng cho giáo viên đúng, đủ, không gây sức ép và việc học tập, bồi dưỡng để đạt trình độ ngoại ngữ, tin học phải do giáo viên chủ động, bố trí sắp xếp lịch học, thời gian học để không ảnh hưởng đến các hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà trường”, ông Minh nhấn mạnh.
Thùy Linh