Nhiều người pha nước vối tươi mất xanh, mất ngon vì bỏ qua 3 bước này
Các cụ xưa nay nói “hãm nước vối”, “hãm trà vối” và có những bộ đồ trà, bình tích chuyên dùng để hãm. Hương vị dân dã thân quen này hầu như mọi người ở vùng quê Bắc bộ đều biết.
Trà vối là nước giải khát nấu từ nụ vối, lá vối ủ khô, lá vối tươi. Ngày xưa ở quê nhà có máu mặt, sang trọng mới xài trà Tàu, còn dân dã thì uống nước vối – nên món nước giải khát bao đời nay gắn liền với hầu hết nhà nông Bắc Bộ. Nhà nào nghèo cũng có một vài cây vối trồng bên bờ rào, ven bờ ao vừa tạo bóng mát nơi cầu ao, lọc nắng trưa hè, vừa cung cấp nguyên liệu làm nước vối quanh năm.
Ngày nay nước vối ngày càng phổ biến trở lại ở các vùng đô thị, và nhà giàu, nhà nghèo ở đô thị đều có thể nấu nước vối dân dã để tiếp khách hoặc uống hàng ngày.
Nước vối là nước giải khát gắn liền với hầu hết nhà nông Bắc Bộ.
Vối có 2 loại là vối tẻ và vối nếp. Vối tẻ lá xanh sẫm to hơn bàn tay, nhưng đun nước không ngon bằng cây vối nếp có lá vàng xanh, nhỏ hơn chút xíu. Lá vối nếp cho nước ngon và thơm hơn nhiều so với vối tẻ.
Cứ cuối xuân là cây vối lại trổ chi chít nụ. Sau đó nụ vối nở rộ thành những chùm hoa lung linh trong tiết trời xuân sang hè. Nhưng ít nhà để phí cho hoa nở, mà chờ khi nụ vối lớn bằng hạt đậu xanh đã hái xuống để phơi khô. Thứ nụ vối này từ dân quê hay người phố đều thích uống, trong siêu thị hay chợ tạm đều có, nhưng nếu ướp sen, ướp nhài thì sẽ mất đi hương thơm đặc trưng của nụ vối.
Sau nụ vối thì lá vối được thu hoạch quanh năm gấp nhiều lần nụ, ngay cả khi đông về lá vối ngả già chực rụng thì người trồng vối cũng không vứt lá đó đi, mà hái về ủ và phơi khô để dùng dần. Nguời ta thường rửa sạch nhựa của lá, nụ, nhặt kỹ lá sâu, lá vàng, cọng lớn bỏ đi, rồi cho vào thúng, bồ cót quây, phủ rơm rạ cho đến đen đều là đã chín, rửa lại để phơi thật khô mới cất.
Bí quyết để ủ ra thứ nụ, lá ngon đặc biệt là dùng chum, vại ủ mới giữ được nhiệt và độ ấm tốt hơn. Nhưng phải bỏ lá, nụ gần đầy chum thì lấy chuối khô, rơm chèn kín miệng rồi úp sấp xuống đất nơi thoáng mát mà ủ. Chỗ cất đúng kiểu nhất chính là nơi gác bếp luôn khô ráo, có bồ hóng nên vi khuẩn hạn chế phát triển, tránh ẩm mốc, xuống chất lá, nụ đã phơi khô.
Lá vối đun uống tươi cũng được, ủ chín phơi khô rồi dùng quanh năm cũng xong. Dù tươi hay khô thì lá vối qua ủ chất ngái do nhựa và diệp lục của lá sẽ bị phá huỷ, nước vẫn thơm ngon. Các cụ xưa đã biết dùng nước vối để thanh nhiệt giải độc, cho thứ nước nâu lượn tí ánh đỏ ấy còn là thuốc tiên chữa một số bệnh đường ruột, đầy bụng, tăng nhu động ruột, chống được chứng hạ huyết áp khi bị tiêu chảy.
Chất đắng trong vối còn kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột. Đặc biệt lá vối tươi hãm nước đặc cho người đang đau đại tràng quằn quại uống, chỉ sau 1 giờ cơn đau biến mất, cầm cả đi ngoài.
Lá vối tươi, hay khô sắc đặc còn làm nước tắm sát khuẩn, chữa bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt đều rất hiệu nghiệm. Để tiện hơn người ta còn nấu cao lá vối. Nấu mười phần lá vối tươi lấy một phần cao. Khi dùng pha loãng nước chín, cứ một phần cao thì thêm một phần nước.
Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Còn ngày thường sau bữa cơm, làm bát nước vối giúp cơ thể nhuận gan, nhanh tiêu.
Lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nụ vối cũng được đun trong nước đến khi sôi hoặc hãm trong nước sôi như cách hãm trà xanh. Nước vối từ lá khô có màu đỏ nâu nhạt, còn hãm từ lá tươi có màu xanh như nước trà xanh. Khi uống nước vối có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, hương thơm ngai ngái. Nên uống khoảng 1 ấm nước lá vối/ 1 ngày hoặc một ly nước lá vối/ 1 ngày là được. Không nên uống nhiều quá, sẽ không tốt cho hệ bài tiết.
Nước vối hãm ấm tích sẽ ngấu và ngon hơn. Ảnh minh họa.
Bí quyết pha nước vối tươi ngon
Dùng 20-30g lá vối tươi rửa sạch, vẩy ráo để chuẩn bị hãm nước vối theo kiểu hãm trà.
Sai lầm của nhiều người khiến nước lá vối tươi mất ngon là bỏ qua bước: Súc ấm tích rồi đổ chút nước sôi tráng qua cho nóng ấm (nên dùng ấm tích vì giữ nhiệt, giúp lá vối ngấu hơn.
Sai lầm hay gặp nữa là khi cho lá vối vào ấm tích là ủ luôn nên nước vối đỏ và vị không ngon. Cách làm đúng là rót nước sôi từ từ vào, lắc vài lần rồi bỏ nước đó đi – gọi là giai đoạn đánh thức lá vối, rất quan trọng để có ấm nước lá vối ngon.
Đổ nước sôi ngập lá vối, đậy nắp kín để ủ sau 10-20 phút là uống được.
Bí quyết để có ấm lá vối ngon là phải đun nước sôi thật già, làm đúng các bước trên thì lá vối mới ngấu, ngon, thơm.
Nấu nước lá vối tươi
Nguyên liệu
30g lá vối tươi
10g cam thảo
1 nồi nấu nước, 1 ấm tích và bao ủ.
Nụ vối khô đun nước vối uống quanh năm.
Cách làm
Rửa sạch lá vối tươi và cam thảo.
Cho lá vối vào đun với 1 lít nước tới sôi thì nhỏ lửa cho cam thảo vào đun sôi tiếp thêm 15 phút với lửa nhỏ rồi tắt bếp.
Cho nước vào ấm tích, đậy nắp để giữ nhiệt và uống cả ngày. Uống không hết thì bảo quản ở tủ lạnh.
Pha nước lá vối khô
Lá vối khô ngoài làm trà uống nóng, có thể kết hợp với Hoắc Hương, Bạch Đàn thành bài thuốc dân gian hỗ trợ tiêu hoá, chữa bệnh kiết lỵ, phong thấp, mụn nhọt, viêm đại tràng…
Để làm trà uống thì dùng:
– 1 nắm lá vối khô, hãm với nước sôi (như trên) uống như trà hàng ngày.
– Hoặc 15-20g lá vối khô, đun với 800ml nước, sắc cạn còn 1 bát uống sau bữa ăn 30 phút là tốt nhất.
Những người gặp thời điểm này dù thèm mấy cũng không nên uống nước vối
Lưu ý:
Lưu ý:
Lá vối tươi rất tốt cho cơ thể, nhưng uống vừa phải vì lạm dụng thay nước lọc sẽ không tốt cho hệ bài tiết, cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng.
– Nên pha loãng nước vối trước khi uống, mỗi ngày uống 1 cốc, hoặc 1 ấm là vừa.
– Nên uống lá vối tươi vào lúc cơ thể nóng nực, hoặc trời ấm.
– Không nên uống lạnh, hay uống nước vối để qua đêm ngoài môi trường bình thường để có hiệu quả tốt cho cơ thể.
Vũ Thuyết Hùng
(Ninh Bình)
Sắc màu đẹp lạ với bí kíp ngâm hành tím vào nước đá khiến bún, phở… ăn một lần nhớ mãi