Nhiều kiến nghị để giáo dục TP.HCM phát triển
Chiều 25-4, tại Hội trường Thành ủy, đoàn của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về các vấn đề giáo dục, đào tạo của TP.HCM. Tại đây, đại diện nhiều ban ngành đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn cho TP để phát triển phù hợp hơn.
Hơn 20 kiến nghị gửi đến Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành
Tại cuộc họp, theo báo cáo của ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thời gian qua, dù tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và gây tổn thất nặng nề về mọi mặt nhưng TP đã cố gắng hoàn thành mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch vừa hoàn thành kế hoạch năm học. Sử dụng mọi nguồn lực để đảm bảo duy trì dạy và học cho học sinh (HS), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học quản lý giáo dục.
Tuy nhiên, ông Đức cũng thẳng thắn nêu ra hơn 20 kiến nghị của TP gửi đến Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan.
Các nội dung kiến nghị xoay quanh việc cần điều chỉnh nhiều văn bản, quy định về xây dựng trường lớp, định mức vị trí việc làm, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (GV)… sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại TP.HCM.
Đáng chú ý là có nhiều kiến nghị liên quan đến cơ chế đặc thù đối với TP.HCM, trong đó có những kiến nghị nhằm tháo gỡ băn khoăn, khó khăn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Cụ thể, theo ông Đức, với các trường hợp có bằng cử nhân như cao đẳng, đại học chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (như tiếng Hàn, tiếng Nhật…) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng tại các cơ sở. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng, tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.
Thứ hai, đối với các GV môn tin học, môn nghệ thuật (như âm nhạc, mỹ thuật) có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc TP Thủ Đức và các quận, huyện quản lý có thể tham gia giảng dạy tại các trường THPT theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng, tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng tại các trường THPT.
Thứ ba, ông Đức kiến nghị bộ hướng dẫn xem xét cho phép Trường ĐH Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo GV đặc thù như môn tin học, môn nghệ thuật (như âm nhạc, mỹ thuật) để đào tạo các GV phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP. Đồng thời cho phép Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp đáp ứng cho chương trình 2 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TP cũng mong được bộ giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương. Đề thi do các sở GD&ĐT tự xây dựng theo quy định của quy chế thi và bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi do Bộ GD&ĐT ban hành.
Đồng thời giao UBND TP.HCM thẩm định nội dung và ban hành khung nội dung tài liệu giáo dục địa phương, việc biên soạn, in và phát hành tài liệu thực hiện xã hội hóa.
Giao quyền chủ động cho UBND TP.HCM về giao chỉ tiêu lớp thường trong trường chuyên giúp TP.HCM thực hiện các cơ chế đặc thù phát triển các ngoại ngữ và thực hiện các đề án của TP.
Góp ý thêm về những kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng nêu ý kiến rằng năm học tới sẽ áp dụng chương trình mới lớp 10, đáng chú ý trong đó là HS được tự chọn các môn học. Do đó, bộ cần có thông tin lộ trình cụ thể về đầu ra cho lớp 12 theo chương trình mới này để các trường có kế hoạch tổ chức dạy học cho HS. Phụ huynh, HS cũng yên tâm và theo học các môn lựa chọn theo hướng chuyên sâu.
Đại diện nhiều ban ngành của TP.HCM đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn cho TP để phát triển phù hợp hơn.
Mong điều chỉnh cơ cấu vị trí việc làm
Tại buổi làm việc, nhiều đại diện cơ quan, ban ngành tại TP.HCM cũng có các ý kiến bày tỏ về việc cần được điều chỉnh vị trí việc làm, bố trí thêm cán bộ, nhân sự cho các trường học hiện nay.
Theo như kiến nghị chung, TP kiến nghị cho phép TP.HCM được bổ sung mỗi cơ sở giáo dục công lập phải có bốn vị trí việc làm, gồm nhân viên văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế (đối với nhân viên y tế, cứ trên 1.000 HS thì có thêm một nhân viên) vì nhiều trường ở TP có quy mô lớn, HS đông, áp lực lên đội ngũ rất lớn.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết hằng năm TP chịu áp lực lớn về việc tăng số lượng HS, mỗi năm tăng thêm 40.000 HS, trường lớp quá tải, trong khi đó theo định hướng phải giảm biên chế cho các đơn vị công lập mỗi năm 10% là rất khó khăn. TP đang có lộ trình để các trường tự chủ theo hướng xã hội hóa, vì khi các trường tự chủ thì sẽ giảm lệ thuộc vào ngân sách TP cho việc chi trả thu nhập cho đội ngũ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khung cụ thể cho việc thu – chi học phí đối với trường tự chủ nên các trường thực hiện rất dè chừng, chưa đảm bảo nguồn thu.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cũng thiết tha kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu thay đổi, điều chỉnh cơ cấu vị trí việc làm ở các trường học, nhất là nhân viên y tế và GV tư vấn học đường. Đây là vấn đề mà TP kiến nghị từ rất lâu nhưng đến nay chưa được tháo gỡ.
“Đại dịch vừa qua càng thấy rõ áp lực đối với nhân viên y tế, GV tâm lý và những hạn chế khi thiếu lực lượng này. TP cũng đã nỗ lực tuyển dụng nhưng chưa đáp ứng được và biên chế cho những vị trí này cũng không có. Ngay cả đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin cũng cần được bổ sung cho các trường. Chúng ta đang hướng đến phát triển đô thị thông minh nhưng đòi hỏi không chỉ có phần mềm, trang thiết bị mà quan trọng nhất vẫn là con người. Cái gì cũng muốn tăng, cũng muốn thực hiện chuyển đổi số nhưng nếu không được bổ sung nguồn nhân lực thì rất khó để làm được” – ông Sơn trăn trở.•
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN:
Tận dụng lợi thế, đưa giáo dục TP.HCM vươn lên cấp quốc tế
Bộ GD&ĐT ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị của TP.HCM về các chính sách, quy định hiện hành. Tuy nhiên, để giải quyết thì cần có thời gian để bộ xem xét, nghiên cứu và có trình tự tháo gỡ. Quan điểm của bộ là những vấn đề vướng mắc, làm ảnh hưởng tốc độ phát triển của giáo dục sẽ hỗ trợ, ráo riết điều chỉnh.
Bộ cũng ghi nhận những nỗ lực của TP trong điều kiện dân số biến động tăng tự nhiên và không tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo quy mô trường lớp rộng lớn, đủ chỗ học cho con em. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng lãnh đạo TP sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư, có thêm nhiều quyết sách mạnh, tận dụng được lợi thế của một đô thị lớn với nguồn nhân lực trẻ để đưa giáo dục ngày càng phát triển bền vững, hàng đầu của cả nước và vươn lên cấp quốc tế.
TP cần tập trung giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng và lấy mục tiêu kéo giảm sĩ số HS làm đột phá trong những năm tới.
TP.HCM cũng cần tăng cường huy động các nguồn lực cho giáo dục, xã hội hóa, thực hiện bình đẳng công tư, tạo điều kiện phát triển hệ thống giáo dục tư như ưu tiên quỹ đất, thủ tục, ưu tiên tài chính… để đem lại nhiều hơn cơ hội học tập và lợi ích cho người học, giải quyết nhu cầu và lựa chọn cho người học…
Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN:
TP.HCM sẵn sàng thực hiện thí điểm về công tác GD-ĐT
khi cần thiết
TP sẽ tập trung rà soát hệ thống trường lớp để cân đối nhằm đảm bảo sĩ số HS trong lớp học trước áp lực dân số của TP trong thời gian tới. TP sẽ rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống trường lớp gắn với hạ tầng giao thông, đô thị, xã hội để phù hợp với tình hình mới.
Theo thẩm quyền của mình, TP sẽ ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa bằng chính sách, với các nội dung cụ thể, đẩy mạnh đào tạo nhân tài. Đồng thời tin tưởng và kỳ vọng những vướng mắc của TP sẽ sớm được giải quyết phù hợp. Và với những vấn đề mới, TP sẵn sàng tiến hành thí điểm, nếu cần.