Nhiều gia đình ở Gia Lai chuyển sang nuôi chim yến

BNEWS

Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai từng được biết đến là thủ phủ hồ tiêu với diện tích, sản lượng lớn nhất nhì Tây Nguyên, nay đã chuyển sang nuôi chim yến với hy vọng vực dậy kinh tế và tìm hướng đi mới.

Yến sào Chư Sê (Gia Lai) đang ngày một khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: TTXVN phát

Một thời, hồ tiêu được ví như vàng đen vì mang lại lợi nhuận cao, hàng nghìn  người dân được đổi đời. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu khiến diện tích lớn hồ tiêu bị thiệt hại nặng và điều này khiến nhiều gia đình khánh kiệt vì không còn đủ khả năng để trang trải nợ nần.

 

Trước thực trạng trên, các hộ gia đình đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nhà nuôi chim yến với hy vọng vực dậy kinh tế và tìm hướng đi mới.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội yến sào Chư Sê – một trong những hộ dân tiên phong nuôi chim yến đầu tiên của huyện cho biết, trước đây, gia đình ông đầu tư hơn 8 ha tiêu, tương đương với 16.000 trụ. Năm 2014, vì dịch bệnh nên diện tích hồ tiêu bị chết hết.

Để vực dậy kinh tế gia đình, sau khi tìm hiểu trên mạng internet và thông tin từ bạn bè có kinh nghiệm, ông nhận thấy Chư Sê có rất nhiều tiềm năng trong việc nuôi chim yến như khí hậu và vùng thức ăn rất phù hợp nên quyết định bắt đầu thử sức với mô hình nuôi yến.
Theo ông Dũng, ban đầu, ông thực hiện xây dựng nhà nuôi chim yến tại nhà với diện tích 90m2. Trong những năm đầu, sản lượng yến còn thấp nhưng từ năm thứ 5 trở đi thì lượng tổ yến thu về ngày càng nhiều hơn, sản lượng ổn định. Đến nay, gia đình ông Dũng đã mở rộng ra được 5 căn nhà yến, cho thu về khoảng 26 kg yến thô/tháng. Sau khi qua khâu chế biến, yến thành phẩm được bán ra thị trường khoảng 3 triệu đồng/lạng.
Cũng chuyển đổi từ diện tích hồ tiêu bị chết sang mô hình nuôi chim yến, gia đình chị Trịnh Thị Mười, xã Ia Pal, huyện Chư Sê cũng đã có những nguồn thu nhập ổn định hơn trước đây, vực lại kinh tế gia đình sau khi điêu đứng vì tiêu nhiễm dịch chết hàng loạt. Từ diện tích trồng tiêu cũ, năm 2018 gia đình chị Mười đầu tư một số nhà yến, đến nay, sản lượng yến đã tăng theo hằng năm và cho thu nhập hiệu quả.
Theo thống kế, hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Sê đã có gần 230 nhà yến phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn; trong đó, tập trung nhiều nhất trên địa bàn thị trấn Chư Sê với khoảng 100 nhà yến.

Người dân tự cải tạo, cơi nới các công trình nhà ở hoặc đầu tư xây dựng mới các nhà nuôi yến, sử dụng các thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim yến về làm tổ, sinh sản.

Đến nay, hơn 2/3 số nhà yến trên địa bàn huyện đã cho thu tổ với sản lượng khoảng 50 kg tổ yến thô/tháng, trung bình mỗi hộ thu từ 1-3 kg tổ thô/tháng. Với giá thị trường từ 18-20 triệu đồng/kg, thu nhập của mỗi hộ từ nhà yến dao động từ 18-60 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, nhiều hộ còn phát triển các mặt hàng yến sạch, yến tinh chế, yến chưng với giá bán cao hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho hay, việc chuyển đổi từ trồng tiêu sang mô hình nuôi chim yến rất hiệu quả, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người sản xuất.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các hộ về mặt thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng nhà yến, thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch và những quy định về vùng nuôi chim yến đã được quy định.
Cùng đó, đẩy mạnh việc triển khai các việc liên quan đến cơ sở chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếng ồn và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động các hộ nuôi yến đầu tư các trang thiết bị vào chăn nuôi cũng như chế biến sản phẩm để đưa ra sản phẩm chất lượng nhất và tăng cường mẫu mã để có những mặt hàng mới.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn hội yến liên kết lại với nhau để tìm hướng đi phù hợp trong thời gian tới để có những sản phẩm chất lượng. Cùng đó, triển khai tới các hộ về việc đăng kí sản phẩm OCOP. Từng bước xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê tham gia vào các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm yến sào ra thị trường trong và ngoài nước./.