Nhiễm trùng bệnh viện
1. KHÁI NIỆM
Nhiễm trùng bệnh viện là bệnh mắc thêm sau khi vào viện 48 giờ hoặc là bệnh nhiễm trùng mắc phải do khám, chữa, chăm sóc người bệnh đang nằm điều trị tại bệnh viện.
Ví dụ người thầy thuốc khám và điều trị cho bệnh nhân SARS ( Severe Acute Respiratory Syndrome ) tại bệnh viện, và sau đó, bị mắc bệnh SARS; hoặc một bệnh nhân vào viện với một lý do gẫy xương đùi kín, sau khi vào viện được tiến hành phẩu thuật và bị nhiễm trùng, đó là nhiễm trùng mắc phải trong bệnh viện.
Khoa Hồi Sức Tích Cực – Chống Độc BVĐK Quảng Nam
Như vậy, lây nhiễm ở bệnh viện (nhiễm trùng bệnh viện) có nghĩa là loại trừ các bệnh đang có hoặc đang ủ bệnh khi vào viện và cũng bao hàm cả một số bệnh phát ra sau khi ra viện. Tuy vậy, có những bệnh phát ra sau khi ra viện hàng tháng vẫn được coi là nhiễm trùng bệnh viện, ví dụ một bệnh nhân bị viêm xương do sự tiến triển âm ỉ của việc đóng đinh nội tủy, sau khi ra viện một vài tháng mới biểu hiện viêm xương do nguyên nhân đóng đinh không vô khuẩn. Hoặc một bệnh nhân sau khi nằm điều trị ở bệnh viện với một bệnh khác, sau khi ra viện về nhà xuất hiện viêm gan, trường hợp này cũng được coi là nhiễm trùng bệnh viện. Bởi vì thời gian ủ bệnh của bệnh viêm gan có thể từ 3 tuần đến 3 tháng.
Đồng thời tất cả những người thường xuyên hay có mặt trong chốc lát như y tá, hộ lý, nhân viên văn phòng của bệnh viện, ngay cả bác sỹ…đều có thể mang mầm bệnh từ nơi khác đến. Các bệnh dễ lây ở bệnh viện gồm các bệnh SARS, bệnh ngoài da, sốt phát ban, sốt sau đẻ, bệnh đường ruột, viêm họng, viêm xoang, viêm phổi, bệnh lao v.v…
Nhiễm trùng bệnh viện thường gặp là nhiễm trùng ngoại khoa, nhiễm trùng bỏng và các bệnh truyền nhiễm ( HIV, HBV ).
2. NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ NHIỄM TRÙNG BỆNH VIỆN
Những đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện là những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể bởi các lý do chính sau đây:
– Bị các bệnh của cơ quan miễn dịch.
– Dùng các thuốc giảm miễn dịch, ví dụ dùng các thuốc điều trị ung thư.
– Sau phẩu thuật hoặc sau mắc một bệnh nặng hoặc đang mắc một bệnh mãn tính.
– Người có tuổi nằm điều trị ở bệnh viện lâu ngày, hoặc trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, bệnh ỉa chảy kéo dài.
– Nhân viên bệnh viện thường xuyên tiếp xúc với vi sinh vật gây bệnh, trong khi cơ thể có sức đề kháng kém, tình trạng vệ sinh và bảo hộ lao động chưa được cải thiện.
3. MỘT SỐ VI SINH VẬT THƯỜNG GẶP TRONG NHIỄM TRÙNG BỆNH VIỆN
3.1. Vi khuẩn: mọi loài vi khuẩn đều có thể gây nhiễm trùng bệnh viện với tỷ lệ khác nhau và hay gặp nhất là các loài sau đây:
– Họ vi khuẩn đường ruột ( Enterobacteriaceae ) : họ vi khuẩn đường ruột đứng hàng đầu trong nhiễm trùng bệnh viện và hay gặp nhất là E.coli và nhóm KES ( Klebsiella-Enterobacter-Serratia).
– Họ cầu khuẩn: trong số các cầu khuẩn thì tụ cầu là thường hay gặp hơn cả trong các loại bệnh nhiễm trùng bệnh viện nhưng thường chiếm tỷ lệ cao nhất là tụ cầu vàng ( S.aureus ), rồi đến tụ cầu da ( S.epidermidis ) và tụ cầu hoại sinh ( S.saprophyticus ).
– Họ Pseudomonadaceae: trong họ Pseudomonadaceae thì loài Pseudomonas aeruginosa thường chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại bệnh nhiễm trùng bệnh viện.
– Ngoài ra có thể gặp nhiễm trùng bệnh viện do Acinetobacter ( điển hình là loài A.baumannii ), H.influenzae và Listeria ( Listeria có tỷ lệ cao nhất là L.monocytogenes ).
3.2. Virus
Virus cũng có thể gây nên NTBV, điển hình nhất là virus HIV, virus viêm gan ( A, B, C); virus cúm, virus sởi, virus thủy đậu…
3.3. Vi nấm
Vi nấm cũng có thể gặp trong NTBV , loài hay gặp nhất là Candida albicans. Ngoài nhiễm trùng bệnh viện do vi khuẩn, visus, vi nấm người ta còn gặp nhiễm ký sinh trùng bệnh viện. Thông thường có 2 dạng: bệnh nhân hoặc thầy thuốc hoặc người chăm sóc bệnh nhân là những đối tượng mang ký sinh trùng và bị mắc bệnh ký sinh trùng trong thời gian khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và nằm điều trị tại bệnh viện. Loại thứ hai là loại ký sinh trùng đường ruột. Loài hay gặp là Entamoeba histolytica gây bệnh kiết lỵ ( còn gọi là ly amip ). Amip vào người, ký sinh ở ruột dưới dạng bào nang, khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút chúng sẽ biến thành dạng hoạt động có thể xâm nhập vào tế bào để gây bệnh.
4. PHÂN LOẠI NHIỄM TRÙNG BỆNH VIỆN
Nguồn vi sinh vật để dẫn đến nhiễm trùng bệnh viện rất phong phú. Do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có người bị nhiễm trùng bệnh viện khi nằm viện hoặc khi khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân do các vi sinh vật từ bên ngoài cơ thể ( nhiễm trùng ngoại sinh ) hoặc bị nhiễm trùng do các vi sinh vật có ngay bên trong cơ thể ( nhiễm trùng nội sinh ) gây nên.
4.1. Nhiễm trùng bệnh viện nội sinh và ngoại sinh.
4.1.1. Nhiễm trùng ngoại sinh
Nhiễm trùng ngoại sinh là nhiễm trùng do các vi sinh vật xâm nhập vào bệnh nhân từ môi trường bên ngoài hoặc cả vi sinh vật do thầy thuốc đem lại.
4.1.2. Nhiễm trùng nội sinh.
Nhiễm trùng nội sinh là nhiễm trùng do các vi sinh vật đã kí sinh sẵn ở người bệnh gây ra. Chúng là những vi sinh vật gây bệnh cơ hội hoặc vi sinh vật có từ một vùng nhiễm trùng trên cơ thể bệnh nhân đã mắc từ trước.
4.2. Các dạng lâm sàng thường gặp trong nhiễm trùng bệnh viện.
– Nhiễm trùng ngoại khoa
– Nhiễm trùng bỏng
– Nhiễm trung các cơ quan: tiết niệu, hô hấp, tiêu hóa.
5. ĐƯỜNG XÂM NHẬP
Đường xâm nhập của vi sinh vật gây nên hiện tượng nhiễm trùng bệnh viện tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố có liên quan. Đối với nhiễm trùng nội sinh do các vi sinh vật sống trên da và niêm mạc của cơ thể. Chúng thường gây nhiễm cơ quan mà chúng ký sinh hoặc thường gây nhiễm trùng vết mổ. các vi khuẩn thường thấy là các cầu khuẩn Gram dương, trực khuẩn đường ruột, cầu khuẩn đường ruột, một số vi khuẩn yếm khí như Clostridium hoặc các cầu khuẩn yếm khí. Trong bệnh viện, nhất là những bệnh nhân giảm bạch cầu, suy giảm miễn dịch, nằm điều trị lâu ngày thì khả năng mắc các bệnh đường hô hấp dưới rất hay gặp. nguyên nhân là do hít phải các chất dịch nhầy ở vùng mũi, họng có nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây bệnh khi có điều kiện thuận lợi như Hemophilus influenzae, Streptoccus pneumoniae, klebsiella.
Đối với mhiễm trùng ngoại sinh các vi sinh vật có thể xâm nhập vào cơ thể theo tất cả các đường như các nhiễm trùng khác; nhưng đường tiêm, truyền, phẫu thuật và đường truyền trực tiếp qua không khí, bàn tay là rất quan trọng.
6. NGUYÊN TẮC PHÒNG NGỪA
Để phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện, nòi chung nên dựa vào mấy nguyên tắc chính sau đây:
6.1. Tiêu diệt các nguồn vi sinh vật có khả năng gây nhiễm trùng
Đây là một công việc rất khó khăn để phát hiện và diệt trừ chúng. Vì vậy, để hạn chế đến mức tối đa các vi sinh vật có thể xâm nhiễm vào cơ thể, người ta tìm mọi biện pháp, tùy từng công việc cụ thể. Ví dụ: để hạn chế nhiễm khuẩn đường tiết niệu do phẩu thuật đưa đến, nên dùng các biện pháp sau đây:
Cho kháng sinh dự phòng khi nọi soi, sinh thiết tiền liệt tuyến, thăm dò động học vùng tiết niệu, hoặc mổ xẻ trên những thương tổn do tắc, u, sỏi… chỉ thông niệu đạo khi thật cần thiết. không đặt ống thông quá thời hạn, cần đặt đúng kỹ thuật vô trùng bằng dụng cụ đã tiệt trùng. Cố định ống thông để tránh ống di động hay kéo trùng vào niệu đạo, hệ thống dẫn luư phải kín và vô trùng.
6.2. Nâng cao thể trạng cho đối tượng cảm thụ
Công việc này rất cần thiết của bệnh viện và gia đình. Đặt biệt đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch, cần có chế độ ăn uống và điều trị thích hợp để cơ thể có đủ khả năng chống lại bệnh nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc vận động và tập luyện cho bệnh nhân làm một số động tác để tăng thêm hiệu lực trong phòng bệnh như vận động và tập thở, ho sau khi mổ,… để đề phòng viêm phổi do nằm lâu.
6.3. Thực hiện nguyên tắc vô trùng
Tiệt trùng ở các phòng mổ, phòng hậu phẩu và mỗi khi tiến hành các kỹ thuật hỗ trợ, thăm dò cũng như trong các thao tác tiêm, truyền dịch.
6.4. Quản lý chặt chẽ hiện tượng nhiễm trùng bệnh viện .
Có qui chế theo dõi hằng tháng, hằng quý, hằng năm về tiến triển nhiễm trùng bệnh viện trong từng khoa, phòng và trong từng bệnh viện.
– Trích từ sách VI SINH VẬT Y HỌC do GS.TS. Lê Huy Chính chủ biên. Cử nhân Lê Văn Liêm sưu tầm.