Nhận thức về an ninh mạng ngày càng nâng cao
Trước sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, không gian mạng đã trở nên không thể thiếu đối với đa phần người dân, có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, còn có những nguy cơ tiềm ẩn, yêu cầu mỗi người dân phải chủ động nâng cao nhận thức về an ninh mạng, để tự bảo vệ trước các loại tội phạm mạng, không để thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật.
Đại diện cán bộ, giáo viên và HSSV Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh ký cam kết thực hiện mô hình “Sử dụng mạng xã hội an toàn cho HSSV”, tháng 9/2022.
Trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện, các hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng… được kết nối, chia sẻ trên không gian mạng, khiến việc đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, an ninh dữ liệu đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Điều này đặt ra yêu cầu cho các lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua Công an tỉnh, Sở TT&TT đã tích cực tham mưu cho tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để triển khai các kế hoạch, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin. Trong đó bao gồm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho các tầng lớp nhân dân, gắn liền với thực hiện đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020, cũng như bám sát quy định của Luật An ninh mạng và chiến lược về chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) điều tra tội phạm trên không gian mạng. Ảnh: Lê Nam
Nổi bật trong năm 2022, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phù hợp. Trong đó bao gồm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật, kỹ năng an toàn thông tin trên không gian mạng cho học sinh, thanh thiếu niên, CBCC với nhiều hình thức phù hợp. Điển hình như cuối tháng 12/2022, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Liêu đã phối hợp với Công an huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức về sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Các tuyên truyền viên đã đi sâu vào hướng dẫn việc nhận diện và cách phòng ngừa với các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội, Internet; quy định của pháp luật về những hành vi vi phạm phổ biến trên môi trường mạng và hình thức xử lý của Nhà nước… Đồng thời khuyến cáo học sinh cần nâng cao nhận thức, tránh việc vô tình lan tỏa thông tin xấu, độc do thiếu hiểu biết; hạn chế chia sẻ công khai thông tin cá nhân; có kỹ năng xác minh thông tin chặt chẽ trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến…
Hay như trước đó, tháng 11/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã tiến hành khảo sát, tập huấn công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng cho CBCC tại huyện Cô Tô. Qua đó, giúp phổ biến những kiến thức cơ bản về việc nhận diện các phương thức thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng; kỹ năng phòng ngừa lây, nhiễm mã độc, virus; bảo vệ dữ liệu cá nhân của CBCC. Đặc biệt là cập nhật những kiến thức về đấu tranh, ngăn chặn thông tin sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước; lan tỏa sâu rộng Luật An ninh mạng trong đông đảo đảng viên, nhân dân, tạo “lá chắn” từ cơ sở để chủ động cảnh giác với tội phạm trên không gian mạng…
Một số cách làm khác có thể kể đến như: Công an tỉnh và Sở GD&ĐT phối hợp xây dựng thí điểm mô hình “Mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên” tại Trường TH-THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long); Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Trung tâm GDNN-GDTX TP Hạ Long. Công an các địa phương tăng cường tổ chức các chương trình, hội nghị tuyên truyền về Luật An ninh mạng tại trường học, khu dân cư… Đồng thời, trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh và các địa phương, các phương tiện truyền thông đều thường xuyên đăng tải, phát sóng các tin, bài cảnh báo người dân về thủ đoạn của đối tượng xấu trên không gian mạng.
Khi nhận thức về an ninh mạng ngày càng được nâng cao, người dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo sự bình yên sự phát triển của xã hội.
Năm 2022, mô hình thí điểm “Sử dụng mạng xã hội an toàn cho HSSV tỉnh Quảng Ninh” được triển khai tại 4 nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hạ Long, bao gồm: Trường CĐ Y tế Quảng Ninh; Trường THPT Hòn Gai; Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên TP Hạ Long. Thời gian thực hiện thí điểm mô hình từ tháng 5/2022 đến 5/2023.
Triển khai mô hình, các nhà trường, cơ sở giáo dục đã có nhiều hoạt động sáng tạo, phù hợp với học sinh, sinh viên để giáo dục, tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh. Cụ thể như: Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tổ chức 3 cuộc thi về tìm hiểu kỹ năng sử dụng mạng xã hội, ứng dụng các trang mạng xã hội để triển khai các cuộc thi trực tuyến; Trường CĐ Y tế Quảng Ninh đã tăng cường giới thiệu các tấm gương “người tốt, việc tốt” tuyên truyền trên trang fanpage của mô hình nhằm tạo sự lan tỏa, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; Trường THPT Hòn Gai và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và thường xuyên TP Hạ Long đã chia sẻ đến tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh về cách thức sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh tại các tiết chào cờ hoặc giờ sinh hoạt;…
Từ đó giúp các em học sinh, sinh viên trau dồi, tích lũy thêm kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng sống cần thiết để học tập và làm việc trong thời đại 4.0.