Nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – Tin tức, đọc báo, sự kiện

04/03/2015 |4342

 Tọa đàm được tổ chức nhằm góp phần phục vụ trực tiếp việc tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 30 năm đổi mới và Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Các đồng chí: Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì tọa đàm.
Thực tiễn 30 năm đổi mới ở nước ta chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế nước ta liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, phát triển ổn định; tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, bền vững và ấn tượng, được cộng đồng thế giới công nhận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế -xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn.
Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Hầu hết các loại giá cả hàng hoá, được xác lập theo nguyên tắc thị trường.
Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế – xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã từng bước phù hợp với cơ chế thị trường; hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình này, chúng ta còn có nhiều hạn chế, yếu kém và gặp không ít trở ngại, khó khăn.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề xoay quanh nhận thức khái niệm tổng quát về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sau 30 năm đổi mới có giá trị định hướng lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ; nêu rõ những vấn đề cần cụ thể hóa nhận thức khái niệm tổng quát về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam và những biến đổi của tình hình quốc tế, khu vực trong 5 – 10 năm tới; đề xuất những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá, những điều kiện, cơ chế và chính sách thiết yếu cụ thể để thực hiện.
Trên cơ sở thống nhất nhận thức về nền thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII đã tiếp tục cụ thể hoá, nêu ra phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 5 – 10 năm tới. Đó là:
“Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính dự báo được trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội”.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến phân tích và làm rõ thực trạng nhận thức và thực tiễn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ đó đề xuất ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế – xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội./.

(Theo Tạp chí cộng sản)

Ảnh 1: Quang cảnh buổi tọa đàm