Nhận thức khái niệm tăng trưởng, phát triển kinh tế và chính sách tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam

TÓM TẮT:

Các khái niệm tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công chưa được các nhà khoa học xã hội ở Việt Nam làm rõ về mặt học thuật. Đây được coi là rào cản trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường giai đoạn hiện nay. Bài viết tập trung nghiên cứu, nhận thức các khái niệm kinh tế, tăng trưởng và phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường; đồng thời phân tích thực trạng yếu kém về nhận thức các khái niệm này và khuyến nghị một số giải pháp khắc phục ở Việt Nam.

Từ khóa: Khái niệm, tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách, tái cơ cấu đầu tư công.

1. Mở đầu

Tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường là các khái niệm được nhiều nhà khoa học ở Việt Nam nghiên cứu theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, nội hàm của các khái niệm này, như tính chất (hình thức, mục tiêu), bản chất (nội dung, phương pháp), thực chất (nguyên lý, nguyên tắc) và mối liên hệ giữa chúng còn chưa được các nhà khoa học đi sâu phân tích, làm rõ về mặt “học thuật” (tri thức khoa học do học tập, nghiên cứu mà có)1.

Mối liên hệ giữa tính chất, bản chất, thực chất của các khái niệm nêu trên được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: “bản chất sự thật – thực chất thật – tính chất thật sự”2. Mô hình cấu trúc thực chất thật có thể được coi là cơ sở hình thành nên các khái niệm khoa học, trong đó có khái niệm kinh tế, tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công. Mô hình cấu trúc thực chất thật về khái niệm khoa học nói chung, các khái niệm này nói riêng là vấn đề mới, chưa được các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam phân tích làm rõ về học thuật. Từ cách tiếp cận theo mô hình cấu trúc của sự thật, thật, thật sự, tác giả bài viết chủ yếu phân tích, góp phần làm rõ hơn thực chất khái niệm kinh tế, tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

2. Thực chất, mối liên hệ giữa các khái niệm tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách, tái cơ cấu đầu tư công

2.1. Thực chất của khái niệm, tăng trưởng, phát triển, kinh tế, chính sách, tái cơ cấu đầu tư công

Khái niệm được các nhà khoa học nhìn nhận là “Ý nghĩ phản ánh ở dạng khái quát các sự vật,  hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng”3. Tức khái niệm gồm có các mặt tính chất (sự vật: bên ngoài, tính từ), bản chất (hiện tượng: bên trong, động từ) và thực chất (hiện thực: toàn diện, danh từ) tồn tại ở giữa bên ngoài và bên trong. Mối liên hệ giữa tính chất, bản chất, thực chất của khái niệm được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: bản chất (động từ, nội dung, bên trong) – thực chất (danh từ, toàn diện, ở giữa) – tính chất (tính từ, hình thức, bên ngoài). Điều đó có nghĩa, đã là khái niệm thì đều phải có các từ, thuật ngữ và mối liên hệ cấu trúc giữa chúng theo quy luật động từ đứng trước danh từ, tính từ như sau: động từ – danh từ – tính từ; hoặc động từ – danh từ; động từ – tính từ; danh từ – tính từ. Khi một khái niệm được sử dụng không tuân theo các quy luật khách quan này tức là khái niệm chưa hoặc không khoa học, hay khái niệm chưa hoặc “không liêm chính học thuật” (khái niệm không thật). Nói cách khác, khái niệm hoàn chỉnh là bao gồm động từ (bản chất) ở bên trái (đối lập), tính từ (tính chất) ở bên phải (độc lập), và danh từ (thực chất) ở giữa (trung lập) động từ và tính từ.

Khái niệm tăng trưởng gồm có các từ “tăng” và “trưởng”. Từ tăng trong khái niệm tăng trưởng là nói tới “nhiều hơn lên, hoặc trở nên nhiều hơn về số lượng, mức độ; trái với giảm”4, tức nói về bản chất (nội dung) của tăng trưởng; từ trưởng là nói tới từ “ghép sau để cấu tạo danh từ”5, tức nói về tính chất (hình thức) của tăng trưởng. Giữa tăng và trưởng là tồn tại sự cân đối, cân bằng, hài hòa về số lượng, mức độ tăng, giảm, tức nói về thực chất (nguyên lý) sự thực hay sự thật của tăng trưởng. Trong Từ điển tiếng Việt, tăng trưởng được các nhà khoa học xã hội nhìn nhận là “lớn lên, tăng thêm về trọng lượng, kích thước”6. Tức tăng trưởng có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa bản chất, tính chất, thực chất cân đối (tăng), cân bằng (giảm), hài hòa (tăng, giảm) của lượng và chất. Mô hình cấu trúc của tăng trưởng có thể được biểu thị như sau: bản chất cân đối về chất – thực chất hài hòa về chất lượng – tính chất cân bằng về lượng.

Phát triển là khái niệm bao gồm các từ “phát” và “triển”. Phát trong khái niệm phát triển là muốn nói tới phương pháp của các cá nhân, nhóm, cộng đồng (bản chất, chủ thể) thực hiện các mục tiêu phát triển (tính chất, khách thể); còn triển là muốn nói tới mục tiêu có triển vọng đạt được bởi phương pháp thực hiện. Giữa phát và triển tồn tại nguyên tắc (thực thể) hay thực chất của phát triển. Theo đó, khái niệm phát triển biểu hiện ở các mặt: tính chất, bản chất, thực chất. Phát triển xét về tính chất là muốn nói đến phát triển cái gì, ở đâu? Chẳng hạn, phát triển việc làm trong lĩnh vực xã hội; phát triển giáo dục, y tế, thể thao, du lịch trong lĩnh vực văn hóa; phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực kinh tế. Phát triển xét về bản chất, thực chất  là muốn nói đến phát triển theo xu hướng nào, cân bằng ra sao, ở đâu?

Chẳng hạn, phát triển bảo đảm sự cân đối, cân bằng, hài hòa về môi trường sống tồn tại, sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi, giá trị, tinh thần giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong thế giới tự nhiên và xã hội. Phát triển có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất hệ thống tri thức học thuật về “mối tương quan hướng tới sự cân đối, cân bằng, công bằng, bình đẳng giữa các mặt của sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Đối lập với phát triển là phản phát triển, tức là không có sự cân đối, cân bằng trong tự nhiên, sự công bằng, bình đẳng trong xã hội”7. Điều đó cho thấy, phát triển là khái niệm biểu hiện sự tiến bộ của xã hội loài người.

Khái niệm kinh tế được các nhà khoa học nhìn nhận là: “Tổng thể những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất”, hay “có tác dụng mang lại hiệu quả tương đối lớn so với sức người, sức của và thời gian tương đối ít bỏ ra”8. Theo đó, kinh tế có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp (kinh tế vật thể), kinh doanh thương mại (kinh tế phi vật thể), dịch vụ tiêu dùng (kinh tế thị trường), tức kinh tế trong sử dụng nhân lực (sức lao động), tài lực (tiền vốn), vật lực (tài nguyên), bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, thỏa mãn nhu cầu vật chất của cộng đồng. Mô hình cấu trúc của kinh tế có thể được biểu thị như sau: kinh tế thương mại (kinh doanh: giá trị) – kinh tế thị trường (dịch vụ: tiêu dùng) – kinh tế công nghiệp, nông nghiệp (sản xuất: hàng hóa).

Khái niệm chính sách được nhìn nhận là “sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế mà đề ra”9. Tức chính sách gắn với việc đề ra phương pháp để thực hiện, xác định nguyên tắc để bảo đảm đạt được mục tiêu, chính sách đặt ra. Nói cách khác, chính sách có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất hệ thống tri thức học thuật về đội ngũ công chức, viên chức, đại biểu dân cử trong chính quyền (Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp) đề ra phương pháp dân chủ để thực hiện, xác định nguyên tắc pháp quyền (pháp luật bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, nhóm, cộng đồng) để bảo đảm đạt được các mục tiêu phát triển.         

Khái niệm cơ cấu được nhìn nhận là “cách tổ chức các thành phần nhằm thực hiện chức năng của chỉnh thể”10. Tức cơ cấu là gắn với thực chất (chức năng) hay nguyên tắc tổ chức (tính chất), hoạt động (bản chất) của chỉnh thể. Theo đó, cơ cấu có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện tri thức học thuật về cách thức tổ chức, hoạt động theo chức năng nhất định của một chỉnh thể thống nhất. Tái cơ cấu là nói về cơ cấu lại nguyên tắc (thực chất), tổ chức (tính chất), hoạt động (bản chất) của chỉnh thể.

Khái niệm đầu tư được các nhà khoa học nhìn nhận là cách thức “bỏ nhân lực, vật lực, tài lực vào công việc gì, trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội”, hay cách thức “bỏ sức lực, thời gian,.v.v… vào công việc gì để có thể thu kết quả tốt”11. Tức đầu tư có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện tri thức học thuật về cách thức cân đối, cân bằng, hài hòa giữa việc sử dụng tài lực (bản chất: tiền vốn), vật lực (tính chất: tài nguyên), nhân lực (thực chất: sức lao động) của sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhằm thu được hiệu quả đầu tư cao, hay đạt được hiệu quả kinh tế.

Khái niệm công được các nhà khoa học nhìn nhận là cái “chung cho mọi người, phân biệt với tư”12. Tức công là danh từ chung gắn với các khái niệm, như: “công ích” (doanh nghiệp hoạt động công ích); “công cộng” (cộng đồng xã hội – quốc gia); “công thương” (sản xuất công nghiệp, trao đổi thương mại). Theo đó, chính sách tái cơ cấu đầu tư công có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất hệ thống tri thức học thuật về đội ngũ công chức, viên chức, đại biểu dân cử trong chính quyền đề ra phương pháp dân chủ để thực hiện, xác định nguyên tắc pháp quyền trong cơ cấu lại đầu tư để bảo đảm cân đối, cân bằng, hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân, cổ phần nhằm đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội.

2.2. Mối liên hệ giữa tăng trưởng, phát triển, kinh tế và chính sách tái cơ cấu đầu tư công

Tăng trưởng, phát triển là gắn với kinh tế, hình thành nên khái niệm tăng trưởng, phát triển kinh tế. Tăng trưởng và phát triển kinh tế là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Mối liên hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế có thể được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: bản chất tăng trưởng kinh tế (cân đối trong kinh doanh) – thực chất phát triển kinh tế (hài hòa trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân, cổ phần) – tính chất tăng trưởng kinh tế (cân bằng trong sản xuất). Từ mô hình cấu trúc này cho thấy, kinh tế trong quốc gia có thể tăng trưởng nhưng chậm hoặc không phát triển, tức quốc gia vẫn thuộc nước chậm hoặc không phát triển.      

Chính sách tái cơ cấu đầu tư công hay tái cơ cấu đầu tư của cộng đồng xã hội (quốc gia) là khái niệm biểu hiện thực chất hệ thống tri thức học thuật về xây dựng, thực hiện chính sách tái cân đối, cân bằng, hài hòa về sử dụng các vật lực, tài lực, nhân lực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân, cổ phần trong nền kinh tế quốc dân. Chính sách này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, thu được hiệu quả kinh tế cao, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Tăng trưởng, phát triển kinh tế và chính sách tái cơ cấu đầu tư công là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong mối liên hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế và chính sách tái cơ cấu đầu tư công, thì phát triển kinh tế có thể được coi là mục tiêu (tính chất); tăng trưởng kinh tế là phương pháp (bản chất) thực hiện mục tiêu; còn chính sách tái cơ cấu đầu tư công là nguyên tắc (thực chất) bảo đảm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế. Mối liên hệ này có thể được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: tăng trưởng kinh tế (bản chất: phương pháp) – chính sách tái cơ cấu đầu tư công (thực chất: nguyên tắc) – phát triển kinh tế (tính chất: mục tiêu). Theo đó, tăng trưởng và phát triển kinh tế phụ thuộc vào chính sách tái cơ cấu đầu tư công có hiệu quả, tức phụ thuộc vào sự cân đối, cân bằng, hài hòa về sử dụng các vật lực, tài lực, nhân lực vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân, cổ phần trong nền kinh tế quốc dân. Không thực hiện, đáp ứng được các yêu cầu này thì đội ngũ cán bộ (công chức, viên chức, đại biểu dân cử) trong chính quyền sẽ khó thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển con người, xã hội, quốc gia.

3. Nhận thức khái niệm tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng yếu kém và khuyến nghị một số giải pháp khắc phục

3.1. Thực trạng yếu kém về nhận thức khái niệm tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công

Ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ cán bộ trong chính quyền, kể cả các nhà khoa học xã hội vẫn chưa nhận thức rõ ràng về khái niệm khoa học theo mô hình cấu trúc thực chất như sau: khái niệm chưa khoa học (bản chất) – khái niệm khoa học (thực chất) – khái niệm không khoa học (tính chất). Chẳng hạn, còn nhiều cán bộ, nhà khoa học chưa nhận thức rõ thực chất khái niệm tăng trưởng, phát triển, kinh tế thị trường là gì; chưa nhận thức rõ việc xây dựng, thực hiện chính sách tái cơ cấu đầu tư công cần phải bảo đảm trên cơ sở của quy trình, mô hình nào. Những khiếm khuyết này đã được Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu ra: “nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ”13; “Chưa nhận thức đầy đủ vai trò của phát triển xã hội hài hòa,… Nhiều lĩnh vực của phát triển bền vững chưa được nghiên cứu đầy đủ”14; “hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng không cao, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế”15; “nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng… nợ công tăng nhanh. Tình trạng đầu tư công dàn trải, thất thoát, lãng phí chậm được khắc phục”16. Những khiếm khuyết về nhận thức khái niệm chưa khoa học có thể được coi là rào cản tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng, phát triển kinh tế nói riêng, phát triển đất nước bền vững nói chung. Chẳng hạn, nhìn về tính chất (hình thức), kinh tế Việt Nam mặc dù có tăng trưởng khá cao nhiều năm liền vào thời kỳ đổi mới, nhưng nhìn về thực chất thì vẫn kém phát triển. Việt Nam còn là một nước có kinh tế phát triển thấp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới; thậm chí, đang đứng trước nhiều thách thức để có thể thoát khỏi bẫy “thu nhập trung bình thấp”17 theo tiêu chí của quốc gia phát triển.

Thực tế cho thấy, hiệu quả xây dựng, thực hiện chính sách đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam còn đang tồn tại nhiều yếu kém. Sau 30 năm đổi mới, các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước mặc dù có tỷ trọng vốn lớn trong GDP nhưng lại hoạt động kém hiệu quả; diễn ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong chi tiêu, đầu tư, sử dụng công sản quá lớn. Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2018 của Việt Nam bị tụt hạng so với năm trước đó. Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân trong nước phần lớn là thuộc loại nhỏ, siêu nhỏ, và chỉ đóng góp có 8% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội).        

3.2. Khuyến nghị một số giải pháp khắc phục

Từ phân tích trên cho thấy, để bảo đảm hiệu quả chính sách “cơ cấu lại” (tái cấu trúc) đầu tư công, như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ đã xác định, cần thực hiện một số giải pháp đổi mới cách nhận thức về khái niệm kinh tế, tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công như sau:

Một là, đổi mới cách nhận thức về khái niệm kinh tế.

Nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ nói chung, nhà khoa học nói riêng chủ yếu chỉ chú trọng đến bản chất (bên trong, nội dung), tính chất (bên ngoài, hình thức), chứ ít chú trọng đến thực chất (toàn diện, nguyên lý) của khái niệm kinh tế. Sinh thời, Hồ Chí Minh từng nói rằng: “Khái niệm không phải là hiện tượng lẻ tẻ, là quan hệ bên ngoài nữa, khái niệm là đã nắm được cái bản chất, cái toàn diện, và quan hệ bên trong của mọi việc”18. Tức về thực chất, khái niệm kinh tế có thể được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: bản chất kinh tế (kinh doanh trao đổi hàng hóa trên thị trường) – thực chất kinh tế thị trường (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trao đổi hàng hóa trên thị trường) – tính chất kinh tế (sản xuất hàng hóa). Từ mô hình cấu trúc này cho thấy, kinh tế là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ giữa sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trao đổi hàng hóa trên thị trường. Chính vì không nhận thức được mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của kinh tế nêu trên nên đã làm cho đội ngũ cán bộ, nhà khoa học không nhận thức rõ mối liên hệ giữa sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trao đổi hàng hóa, tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, đổi mới cách nhận thức khái niệm kinh tế tức là cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học cách nhận thức thực chất về nền kinh tế thị trường trong quốc gia.

Hai là, đổi mới cách nhận thức về khái niệm tăng trưởng kinh tế.

Nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ nói chung, nhà khoa học nói riêng chủ yếu chỉ chú trọng đến bản chất (nội dung: tăng trưởng theo chiều sâu), tính chất (hình thức: tăng trưởng theo chiều rộng), chứ ít chú trọng đến thực chất (nguyên lý: tăng trưởng thật sự) của khái niệm tăng trưởng kinh tế. Về thực chất, khái niệm tăng trưởng kinh tế có thể được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: bản chất (tăng về chất: giá trị hàng hóa) – thực chất (tăng trưởng về chất lượng: tăng năng suất lao động) – tính chất (giảm về lượng: giá cả hàng hóa). Từ mô hình cấu trúc này cho thấy, tăng trưởng kinh tế là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ giữa bản chất (tăng về giá trị), tính chất (giảm về giá cả) và thực chất (tăng năng suất lao động) của tăng trưởng. Chính vì không nhận thức được mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của tăng trưởng kinh tế nêu trên nên đã làm cho đội ngũ cán bộ, nhà khoa học không nhận thức rõ các khái niệm giá trị gia tăng (cân đối bên trong), giá cả suy giảm (cân bằng bên ngoài), tăng năng suất lao động (hài hòa ở giữa) của tăng trưởng kinh tế. Tức tăng trưởng kinh tế về chất lượng là phải gắn với tăng năng suất lao động xã hội. Do vậy, đổi mới cách nhận thức khái niệm tăng trưởng kinh tế tức là cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học cách nhận thức thực chất về tăng năng suất lao động xã hội của tăng trưởng kinh tế trong quốc gia.

Ba là, đổi mới cách nhận thức về khái niệm phát triển kinh tế.

Nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ nói chung, nhà khoa học nói riêng chủ yếu chỉ chú trọng đến bản chất (phát triển bền vững), tính chất (phát triển nhanh), chứ ít chú trọng đến thực chất (phát triển thật sự) của khái niệm phát triển kinh tế. Về thực chất, khái niệm phát triển kinh tế có thể được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: bản chất (trao đổi hàng hóa: phát triển thị trường) – thực chất (sản xuất trao đổi hàng hóa: phát triển kinh tế thị trường) – tính chất (sản xuất hàng hóa: phát triển kinh tế). Từ mô hình cấu trúc này cho thấy, phát triển kinh tế là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ cân đối, cân bằng, hài hòa giữa phát triển, kinh tế và thị trường trong nền kinh tế thị trường. Chính vì không nhận thức rõ mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của phát triển kinh tế nêu trên nên đã làm cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học không nhận thức rõ các khái niệm phát triển, phát triển kinh tế, phát triển kinh tế thị trường. Do vậy, đổi mới cách nhận thức khái niệm phát triển kinh tế tức là cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học cách nhận thức thực chất về khái niệm phát triển kinh tế thị trường trong quốc gia.

Bốn là, đổi mới cách nhận thức về khái niệm chính sách công.

 Nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ nói chung, các nhà khoa học nói riêng chủ yếu chỉ chú trọng tới hình thức (mục tiêu) và nội dung (phương pháp thực hiện mục tiêu), chứ ít chú trọng tới nguyên lý (nguyên tắc bảo đảm đạt được mục tiêu) của chính sách công (chính sách cộng đồng xã hội: chính sách quốc gia) – khái niệm tồn tại ở giữa các “cá nhân” (cá thể) và “nhóm” (tập thể) trong quốc gia. Mô hình cấu trúc về mối liên hệ giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong xây dựng, thực hiện chính sách được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: nhóm (bản chất chính sách xã hội: phương pháp thực hiện mục tiêu, chính sách phát triển xã hội) – cộng đồng (thực chất chính sách cộng đồng xã hội: nguyên tắc xây dựng, thực hiện bảo đảm đạt được mục tiêu, chính sách phát triển quốc gia) – cá nhân (tính chất chính sách con người: xây dựng mục tiêu, chính sách phát triển con người). Theo đó, chính sách công có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ giữa việc xây dựng các mục tiêu, chính sách phát triển và đề ra phương pháp dân chủ để thực hiện, xác định nguyên tắc pháp quyền để bảo đảm đạt được các mục tiêu, chính sách phát triển.

Do vậy, đổi mới cách nhận thức khái niệm chính sách công tức là cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học cách nhận thức thực chất khái niệm chính sách quốc gia. Mô hình cấu trúc thực chất của chính sách quốc gia hay chính sách công có thể được biểu thị như sau: bản chất (phương pháp thực hiện mục tiêu, chính sách quốc gia) – thực chất (nguyên tắc bảo đảm đạt được mục tiêu, chính sách quốc gia) – tính chất (mục tiêu chính sách quốc gia). Xây dựng, thực hiện mục tiêu, chính sách quốc gia hay chính sách công là bao gồm Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao, các tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tôn giáo, dân tộc trong quốc gia. Đổi mới cách nhận thức khái niệm chính sách công như vậy là cơ sở để đội ngũ cán bộ, nhà khoa học ở Việt Nam nhận thức đúng đắn chính sách quốc gia hay chính sách tái cơ cấu đầu tư công; biết phân biệt rõ mối liên hệ giữa chính sách (mục tiêu), thực hiện chính sách (phương pháp) và đánh giá hiệu quả chính sách (nguyên tắc) của đội ngũ công chức, viên chức, đại biểu dân cử trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Kết luận

Tăng trưởng, phát triển kinh tế, chính sách tái cơ cấu đầu tư công là các khái niệm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau theo mô hình cấu trúc tính chất (thật sự), bản chất (sự thật) và thực chất (thật). Trong mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế, thì tăng trưởng được nhìn nhận là tính chất (cân bằng) về sản xuất, bản chất (cân đối) về kinh doanh; phát triển được nhìn nhận là thực chất (hài hòa) về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tăng trưởng, phát triển kinh tế là phụ thuộc vào việc xây dựng, thực hiện chính sách tái cơ cấu đầu tư công. Do vậy, để tăng trưởng, phát triển kinh tế nói riêng, phát triển đất nước nói chung, trước hết, đội ngũ cán bộ trong chính quyền, các nhà khoa học cần phải thực hiện một số giải pháp đổi mới cách nhận thức hay đổi mới tư duy về khái niệm kinh tế, tăng trưởng, phát triển kinh tế và chính sách tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, 11, 12. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (2005), NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, tr. 454, 491, 895, 1058, 895, 530, 163, 214, 301, 206.

2.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2651-doi-moi-tu-duy-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay.html

7.cnn.vn/news/detail/39680/Xay_dung_chinh_sach_quoc_gia_kien_tao_

phat_trien_ben_vung_o_Viet_Namall.html

13, 14, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H., 2016, tr. 101, 133-134, 98-99, 84-85.

17. https://news.zing.vn/5-thach-thuc-de-viet-nam-thoat-bay-thu-nhap-trung-binh-thap-post897490.html.

18. CD-ROM Hồ Chí Minh, Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, t. 7, tr. 123.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.vneconomy.vn/sua-luat-dau-tu-cong-khong-can-than-con-roi-hon-20180920105223316.htm

2.https://vtc.vn/su-hoang-tan-ben-trong-du-an-8100-ti-dong-cua-cong-ty-gang-thep-thai-nguyen-d458496.html

3. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chi-so-cam-nhan-tham-nhung-cpi-2018-viet-nam-tut-hang-20190130103921099.htm

4.https://www.tin247.com/ts_tran_dinh_thien_can_xac_dinh_dung_vi_tri_cua_doanh_nghiep_tre-3-25316096.html

5. tcnn.vn/news/detail/41686/Tuan-thu-quy-luat-khach-quan-trong-xay-dung-co-che-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc -o-Viet-Nam.html

6. tuyengiao.vn/nghien-cuu/xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-phat-trien-o-viet-nam-1230297. tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Da-den-luc-phai-doi-moi-trong-nghien-cuu-KHXHNV-10389, truy cập ngày 24 tháng 01.

 

AWARENESS OF ECONOMIC GROWTH

AND DEVELOPMENT AND PUBLIC INVESTMENT

RESTRUCTURING CONCEPTS IN VIETNAM

 

Assoc.Prof. Ph.D NGUYEN HUU DONG

Ho Chi Minh National Academy of Politics

Master. NGUYEN THANH TRUNG

Central Inspection Committee of the Communist Party of Vietnam

ABSTRACT:

The concept of growth, economic development, and public investment restructuring policies has not been scientifically clarified by social scientists in Vietnam. This is considered a barrier in the process of innovation, development, deep integration into the market economy of Vietnam in the current period. This paper researches awareness of economic growth and development, and public investment restructuring concepts in the market economy and analyzes poor awareness of these concepts in Vietnam, thereby proposing some solutions to overcome this challenge.

Keywords: Concept, growth, economic development, policy, public investment restructuring.