Nhân giống hoa lay ơn
Thứ Hai 21/01/2008 , 12:49 (GMT+7)
Viện Nghiên cứu Rau quả giới thiệu một số giống hoa lay ơn có nhiều triển vọng và các phương pháp nhân giống.
Giống:
– Đỏ cẩm và Chi non (Hà Lan): Thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn, từ 80-85 ngày, thân mập, thẳng, cứng, lá dày xanh bóng. Mỗi cành có tới 11-12 hoa tự dàI 110-115cm, đường kính hoa 0,9-1cm, màu đỏ cẩm rất đẹp, độ bền từ 7-8 ngày. Vùng trồng thích hợp: Các tỉnh phía Bắc và Đà Lạt-Lâm Đồng. Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh ở mức trung bình.
– ĐL1 và ĐL2: Đây là 2 giống lai mới do Viện Nghiên cứu Rau quả lai tạo. TGST ngắn, từ 75-80 ngày, thân mập, cứng, lá dày xanh đậm. Mỗi cành có tới 11-13 hoa tự dài 110-120cm, đường kính hoa 0,95-1,05cm, màu tím hoa cà, độ bền 7-9 ngày. Vùng trồng thích hợp: Các tỉnh phía Bắc. Khả năng chống chịu tốt với bệnh khô đầu lá.
– Đô đỏ (Đà Lạt): TGST ngắn, từ 75-80 ngày, thân mập , cứng, lá dày màu xanh. Mỗi cành có tới 10-12 hoa tự dài 110-120cm, đường kính hoa 1-1,05cm, màu đỏ thẫm, độ bền 8-9 ngày. Vùng trồng thích hợp: Hải Phòng, Đà Lạt, Lào Cai. Cây có khả năng chống sâu bệnh ở mức trung bình (trồng ở Hà Nội thường bị bệnh khô đầu lá).
Ngoài ra còn có khá nhiều giống đã được nhập nội và thuần hóa từ lâu, tên được gọi theo màu sắc hoa hoặc gắn với tên địa phương như: lay ơn đỏ, lay ơn trắng, đỏ đô, tím đậm, cá vàng, tím nhạt, hồng phấn, gạch, phấn hống lùn, san hô v.v…
Yêu cầu ngoại cảnh: Lay ơn ưa khí hậu mát mẻ, không chịu được nắng nóng. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng từ 5-250C, trước khi phân hóa mầm hoa (3 lá) và lúc cây có 5-6 lá cần nhiệt độ mát mẻ (15-220C). Lay ơn là cây ưa sáng, mỗi ngày cần 12-16 giờ chiếu sáng với cường độ ánh sáng 6.000 lux là phù hợp nhất. Nếu trồng vụ đông cần chiếu sáng bổ sung để tăng chất lượng hoa. Lay ơn có thể trồng trên 2 loại đất: đất pha cát, đất thịt và đất sét, nhưng thích hợp nhất là đất thịt có tỷ lệ cát và sét cân đối, độ pH từ 6-6,5.
Nhân giống:
Có 2 phương pháp nhân giống: Hữu tính (gieo bằng hạt) và vô tính (trồng bằng củ hoặc cây con từ nuôi cấy mô). Gieo bằng hạt thường mất 3-4 thế hệ mới có hóa và rất dễ biến dị, thoái hóa, do đó người ta chỉ sử dụng phương pháp này để lai tạo giống mới và phục tráng giống.
– Nhân giống bằng củ: Trồng lay ơn chủ yếu bằng củ lớn (có đường kính từ 3,5-4,5cm) mới cho hoa to và đẹp, các củ bé khó ra hoa và chỉ dùng làm nhân giống lấy củ cho các vụ sau. Sau khi thu hoa cần chừa lại mỗi cây 2-3 lá, tiếp tục chăm sóc (tưới nước, làm cỏ, bón thúc), sau 65-70 ngày khi lá chuyển màu vàng thì thu hoạch củ để làm giống. Ngừng tưới nước trước khi thu củ 10-15 ngày, thu vào những ngày nắng ráo. Mỗi cây thu 1 củ lớn, 4-5 củ nhỡ, 10-30 củ nhỏ. Thu xong phân loại theo kích cỡ, để nơi khô ráo, thoáng mát. Củ được bảo quản trên những giàn tre (giống như giàn bảo quản khoai tây giống), trong các khay gỗ hoặc sàng loại to. Một số giống cần được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 3-40C,độ ẩm không khí 75-80% trong vòng 2 tháng. Đối với các củ nhỡ phải trồng qua 1 vụ, củ nhỏ 2 vụ để phát triển thành củ lớn mới trồng lấy hoa thương phẩm được.
– Nhân giống bằng cách cắt củ (tách chồi): Khi thiếu củ giống hoặc là với những giống quí hiếm cần tăng nhanh hệ số nhân ta có thể dùng cách tách mầm củ. Trên một củ có nhiều mắt mầm có thể phát triển thành cây con mới do đó có thể dùng cách cắt tách thành từng mầm riêng như sau: bóc vỏ củ cho lộ các mầm mắt ra rồi căn cứ vào độ lớn của củ, số lượng mắt mầm và sự sắp xếp của các mắt mầm để cắt thành các miếng có ít nhất 1-2 mầm mắt và một số mầm rễ. Cắt xong ngâm các miếng cắt vào dung dịch KMnO4 nồng độ 0,5% trong 20 phút hoặc chấm vào tro bếp để tránh nhiễm khuẩn gây thối rồi đem trồng.