Nhận định về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

(Nguyễn Văn Huấn, Phó GĐ Sở GDĐT)-Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công bố nhìn chung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo đó, mục tiêu tổng quát của giáo dục và đào tạo là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả; cơ bản đáp ứng được mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định là kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Để xác định các phẩm chất cần hình thành và phát triển ở học sinh, Ban Phát triển Chương trình GDPT đã nghiên cứu các văn kiện của Đảng và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời cân nhắc để phản ánh được các giá trị phổ quát của thời đại, dự thảo Chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Về năng lực, Ban Phát triển Chương trình GDPT tham khảo các tài liệu của các nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời chắt lọc cho phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo Chương trình nêu lên 10 năng lực cốt lõi bao gồm những năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; những năng lực chuyên môn: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Những phẩm chất và năng lực cần hình thành cho học sinh như trong dự thảo Chương trình cơ bản đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29-NQ/TW, tiếp cận với các yêu cầu về năng lực cốt lõi cần có trong yêu cầu hội nhập quốc tế, là công dân toàn cầu; yêu cầu về phẩm chất bao quát giá trị phổ quát quốc tế, thời đại và cũng phù hợp với yêu cầu của nước ta, tiếp nối truyền thống xây dựng con người toàn diện có đức có tài, vừa hồng vừa chuyên của Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là liệu 6 phẩm chất và 10 năng lực nêu trên đã đủ cho hình mẫu của thế hệ trẻ Việt Nam tương lai, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới chưa?

Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công bố nêu khá rõ kế hoạch giáo dục của giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông bao gồm các môn học và các hoạt động giáo dục bắt buộc, bắt buộc có phân hóa, tự chọn. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới vừa khắc phục được những hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là học sinh phải học nhiều môn, gây quá tải và không có điều kiện tập trung vào những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể cũng xác định rõ các yêu cầu về đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới đánh giá giáo dục và các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và những điều kiện khác để thực hiện Chương trình mới. Các yêu cầu trên là những điểm mới so với hiện nay, là cần thiết để đảm bảo thực hiện đổi mới đồng bộ, góp phần thực hiện tốt Chương trình mới. Theo đó, các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh; học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học. Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể đã nêu ra ba hình thức đánh giá: Đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp; đánh giá định kỳ, do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện, học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp THPT; đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là những điểm mới phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, Ban Phát triển Chương trình GDPT cần lắng nghe thêm ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các nhà khoa học, các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, nhất là ở cơ sở về dự thảo Chương trình GDPT mới để có những điều chỉnh cho phù hợp, khả thi. Ở góc độ quản lý giáo dục ở địa phương, tôi thấy cần góp ý ở các điểm sau đây:

1. Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.  Theo tôi, giáo dục dự hướng nghề nghiệp nên thực hiện từ lớp 8 và 9 THCS (qua môn Công nghệ, Hướng nghiệp và các hoạt động giáo dục khác), thay vì thực hiện từ lớp 10 THPT như dự thảo Chương trình quy định, qua đó để thực hiện phân luồng sau THCS, vì sau THCS sẽ có một số học sinh theo học chương trình giáo dục nghề nghiệp (Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu tỉ lệ học sinh sau THCS theo học giáo dục nghề nghiệp là 30% đến năm 2020). Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng sẽ thực hiện từ lớp 10 thay vì từ lớp 11 và 12. Năm lớp 10 cũng sẽ là năm đầu của giai đoạn Giáo dục định hướng nghề nghiệp, nên các môn học bắt buộc, tự chọn, bắt buộc có phân hóa cũng nên thực hiện như năm học lớp 11 và 12. Ở nhiều nước, Giáo dục dự hướng nghề nghiệp được thực hiện từ cấp THCS, nên nếu Giáo dục dự hướng nghề nghiệp thực hiện từ lớp 10, chỉ trong 1 năm là trễ và sẽ không thuận lợi để triển khai phân luồng sau THCS.

2. Theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, mục tiêu chung của giáo dục là phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Do vậy, cần xây dựng kế hoạch giáo dục gồm các môn học và hoạt động giáo dục sao cho thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện và thực hiện định hướng nghề nghiệp cho học sinh; cần giảm nhẹ số môn học bắt buộc, tạo điều kiện để học sinh lựa chọn các môn học theo định hướng nghề nghiệp, nhất là ở cấp THPT. Tuy vậy, theo dự thảo Chương trình GDPT tổng thể, số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp THPT, nhất là ở lớp 10 vẫn còn nhiều. Chương trình tổng thể nhìn chung là có khá nhiều môn học, hoạt động giáo dục, trong khi ở cấp THCS, THPT, việc dạy học chủ yếu thực hiện 1 buổi/ngày nên có thể sẽ tiếp tục quá tải như Chương trình hiện hành.

3. Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể đưa ra nhiều môn học mới như Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ (ở cấp TH); Khoa học tự nhiên ở cấp THCS (môn tích hợp); Giáo dục kinh tế và pháp luật, Thiết kế và Công nghệ, Hoạt động nghệ thuật (ở lớp 10 THPT); Khoa học máy tính, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc (lớp 11 và 12 THPT); Ngoại ngữ 2 và Tiếng dân tộc thiểu số (ở cấp THCS và THPT),… Việc này đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên được đào tạo hoặc được tấp huấn, bồi dưỡng để dạy các môn này. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hoặc thiếu giáo viên để tổ chức dạy học các môn này; việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy các môn học mới đòi hỏi phải có thời gian, nên sẽ gặp nhiều khó khăn để triển khai theo yêu cầu Chương trình mới.