Nhận diện lợi thế so sánh để đẩy mạnh phát triển du lịch ATK Định Hóa

Nhận diện lợi thế so sánh để đẩy mạnh phát triển du lịch ATK Định Hóa

(Tạp chí Du lịch) – “Thủ đô gió ngàn” ATK Định Hóa, nơi ghi dấu quá trình đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp của quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến, là một trong những di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) điển hình ở nước ta. Để ATK Định Hóa thu hút nhiều hơn nữa du khách, trở thành điểm đến trọng điểm của du lịch Thái Nguyên và toàn vùng Việt Bắc, cần xác định rõ những lợi thế so sánh nhằm xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp, thể hiện được đặc trưng của “thủ đô gió ngàn”.

Lợi thế phát triển du lịch của ATK Định Hóa

Thái Nguyên là cửa ngõ đi các tỉnh Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang với 3 đường quốc lộ: quốc lộ 3, quốc lộ 37, quốc lộ 1B. Với ưu thế về vị trí như vậy, ATK Định Hóa có cơ sở thu hút đa dạng nguồn khách, liên kết giữa các điểm du lịch trong nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Hơn nữa, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và quốc lộ 3 đã hoàn thiện đi vào hoạt động, giao thông từ Hà Nội lên Thái Nguyên rất thuận lợi, khách du lịch chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ có thể đến được chiến khu xưa.

ATK Định Hóa là một điểm di tích quan trọng, có nhiều giá trị, được đánh giá là một quần thể di tích quan trọng. Tháng 5/2012, khu Di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt với 108 điểm DTLSCM, thuộc địa phận các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây còn là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, có sự cộng cư của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Sán Chí… Ngoài truyền thống cách mạng vốn có, nhân dân các dân tộc trong huyện Định Hóa còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, đa dạng như: hát ví, then, lượn, sli…; văn hóa nhà sàn (bản Quyên); các nghề thủ công truyền thống (đan lát, đồ trang sức bằng bạc…); lễ hội (Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội chùa Hang, Lễ hội Kỳ Yên, Lễ Cấp Sắc;…); rối cạn Tày ở Thẩm Rộc (xã Bình Yên), múa rối Tày (múa Tắc Kè) của xã Đồng Thịnh; văn hóa ẩm thực phong phú: xôi ngũ sắc, xôi trám đen, bánh lẳng, bánh trứng kiến…

Trên địa bàn huyện Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó đã xếp hạng 14 di tích cấp quốc gia, 6 di tích lịch sử – danh thắng cấp tỉnh. Huyện đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát thống kê lại và lập hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng 83/109 điểm di tích lịch sử – danh thắng. Một số di tích và danh thắng đã được đầu tư tôn tạo như lán Tỉn Keo, thác Khuôn Tát, đình làng Quặng, chùa Hang… phát huy tốt giá trị văn hóa, đồng thời là điểm đến của các tầng lớp cán bộ, nhân dân và du khách. Với tài nguyên du lịch đan xen đặc trưng, phong phú như vậy, ATK Định Hóa có cơ sở để xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng nhằm thu hút du khách nếu được kết hợp khai thác phù hợp.

ATK Định Hóa thu hút đa dạng nguồn khách

Trong những năm qua, ATK Định Hóa là điểm du lịch được quan tâm đầu tư. Từ tháng 2/2018, Thái Nguyên đã lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên đến năm 2030. Năm 2021, UBND tỉnh Thái Nguyên công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 với tổng số vốn trên 754 tỷ đồng. Quy hoạch đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch tín ngưỡng tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm văn hóa chè; đồng thời xây dựng nhiều chương trình du lịch trong khu di tích, tại các điểm di tích, tạo thành sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu ATK Định Hóa. Ngoài ra, còn có các đề án, dự án của huyện và tỉnh đã, đang được thực hiện nhằm bảo tồn, phát huy DTLSCM ATK Định Hóa. Đây là những tiền đề để ATK Định Hóa bảo vệ, tái tạo và xây dựng toàn diện khu di tích một cách có hệ thống, đáp ứng cơ sở hạ tầng – vật chất kỹ thuật để phát triển du lịch nói riêng và kinh tế, cảnh quan vùng Định Hóa nói chung.

Thái Nguyên có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyện nghiệp với số lượng sinh viên rất lớn. Ngoài ra, Thái Nguyên còn là một địa phương có nguồn lao động lớn làm việc tại các dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đây chính là những nguồn khách tiềm năng đến ATK Định Hóa học tập, tìm hiểu về lịch sử, tham quan cảnh sắc, khám phá văn hóa của địa phương. Tuy phân khúc thị trường khách có mức chi tiêu không cao, nhưng với số lượng lớn sẽ đóng góp nguồn thu không nhỏ cho ATK Định Hóa.

Phát triển du lịch tại ATK Định Hóa – Những việc cần làm

Định vị thị trường mục tiêu

Hiện nay, ATK Định Hóa chưa có sản phẩm du lịch đặc thù hướng tới từng thị trường cụ thể, đặc biệt là các thị trường mục tiêu. Đối với mỗi phân đoạn thị trường mục tiêu, ATK Định Hóa cần có kế hoạch chi tiết, trong đó, phải nắm bắt nhu cầu, tâm lý du lịch của đối tượng khách, xây dựng các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng từng đối tượng. Trong đó, ATK Định Hóa cần chú trọng đến đối tượng học sinh – sinh viên, các đối tượng có nhu cầu về hội nghị, hội thảo… để có chiến lược khai thác cụ thể.

Ngoài ra, có kế hoạch xúc tiến, quảng bá để thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khách. Ví dụ với sinh viên – học sinh là những chương trình tìm hiểu về nguồn dựa trên các hoạt động thực tế, chương trình tri ân, giao lưu – kể chuyện,…; chủ động xây dựng các chương trình báo công, dâng hương… phù hợp với từng đối tượng khách, đưa chương trình đến tận từng phân đoạn thị trường để quảng bá sản phẩm du lịch của mình.

Định hình các sản phẩm/dịch vụ du lịch đặc thù

Các tour ở ATK Định Hóa hiện nay chưa có sự đột phá về chất và lượng, nội dung chưa có chiều sâu, chưa thể hiện được rõ bản sắc của điểm đến. Hình thức du lịch hoài niệm thăm chiến khu xưa chưa phong phú, thậm chí nội dung có phần đơn điệu. Các tour chỉ chú trọng tham quan di tích lịch sử, chưa có sự kết hợp với các di sản khác để đa dạng hóa sản phẩm.

Mặc dù là một khu di tích lịch sử rộng lớn, nhưng ATK Định Hóa có ít dịch vụ bổ sung (vui chơi giải trí, tắm lá thuốc, câu cá, thể thao…) nên không giữ được khách lưu trú. ATK Định Hóa cần phát triển thêm nhiều loại hình du lịch đặc trưng địa phương, tạo thành những tour liên kết các điểm, các vùng với nhiều sắc thái khác nhau, tạo ra sự mới lạ và thích thú cho du khách quay lại. Đồng thời, ATK Định Hóa cần nghiên cứu sở thích, khả năng chi tiêu của từng đối tượng khách để xây dựng các tour thích hợp, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách, tăng nguồn thu cho hoạt động dịch vụ du lịch nhưng vẫn thể hiện nét đặc trưng riêng.

ATK Định Hóa là một điểm di tích quan trọng, có nhiều giá trị

Phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Tuy các điểm di tích trong khu di tích mang giá trị lớn, nhưng vị trí không gần nhau. ATK Định Hóa cần có biện pháp kết nối bằng các tuyến xe điện, sắp xếp hướng dẫn viên tại điểm phù hợp, bố trí các quầy hàng sản phẩm, sản vật địa phương tại một số điểm dừng chân… để rút ngắn khoảng cách, nối liền giá trị di tích thành một mạch, tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh cho ATK Định Hóa.

Hiện nay, hệ thống di tích ATK Định Hóa chưa được đưa vào khai thác hoặc khai thác chưa hết giá trị. Mặt khác, các di tích chưa được đưa vào khai thác đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có một số điểm di tích chỉ cắm biển, thậm chí biển bị mất chữ… Do đó cần rà soát, đánh giá mức độ xuống cấp, mức độ khai thác của từng điểm di tích, không để các di tích đi vào lãng quên.

Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích phải đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa nơi di tích tọa lạc. ATK nằm trong không gian quần cư của đồng bào Tày, Nùng giữa núi rừng Việt Bắc, vì vậy cần bảo tồn di tích song song với các giá trị văn hóa cộng đồng nơi đây thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn để người dân thấy được họ vừa là người bảo vệ, vừa là người được hưởng lợi từ di tích cũng như văn hóa truyền thống của địa phương.

Liên kết phát triển du lịch

Với vị trí thuận lợi, ATK Định Hóa cần chủ động liên kết với các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến trong và ngoài tỉnh trong công tác quảng bá sản phẩm, hoàn thiện chương trình tour hoặc nối kết tour… nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Cụ thể như các chương trình phối hợp phát triển du lịch với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn… ; xây dựng nhiều tour liên kết giữa ATK Định Hóa với điểm đến của các tỉnh: ATK Định Hóa – động Tam Thanh, Nhị Thanh, cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn); ATK Định Hóa – hồ Ba Bể (Bắc Kạn) – Pác Bó, thác Bản Giốc (Cao Bằng); ATK Định Hóa – Thiền viện Trúc Lâm – chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc); ATK Định Hóa – Khu di tích lịch sử Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) – Đồng Văn, Lũng Cú (Hà Giang)…

Phan Thị Hồng Giang

(Tạp chí Du lịch tháng 6/2022)