Nhận diện kiến trúc mặt đứng nhà cao tầng trên thế giới (phần 1) – Tạp chí Kiến Trúc
Giới thiệu chung
Trong quá trình phát triển các tòa nhà cao tầng đã cho thấy: Không gì hấp dẫn và thu hút hơn khát vọng của con người trong việc tạo ra những công trình kiến trúc ngày càng cao. Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng giá trị đất ở các khu vực đô thị và mật độ dân số ngày càng cao đã dẫn đến sự gia tăng lớn về số lượng nhà cao tầng trên toàn thế giới. Những gì từng được coi là hiện tượng đô thị của Mỹ giờ đây có thể được nhìn thấy ở Châu Âu (nơi đã từng từ chối các tòa nhà cao tầng ở trung tâm TP lịch sử) và những nền kinh tế mới nổi đặc biệt ở Châu Á. Đường chân trời của các TP trên thế giới liên tục bị “xuyên thủng” bởi những tòa nhà cao tầng thực sự thu hút, ấn tượng như các dãy núi sừng sững và mạnh mẽ tiếp tục vươn lên như là thách thức, khát vọng và mục tiêu chinh phục.
Như vậy, khái niệm về nhà cao tầng là gì? Hiểu một cách đơn giản đó là một tòa nhà gồm nhiều tầng với chiều cao ảnh hưởng đến quy hoạch TP, được sử dụng làm nhà ở, cao ốc văn phòng hoặc các chức năng khác, bao gồm: Khách sạn, cửa hàng bán lẻ hoặc kết hợp với nhiều mục đích. Hay nói cách khác, nó có thể là một tổ hợp gồm nhiều các chức năng.
Tại hội thảo tại Hồng Kông năm 1990, nhà cao tầng được phân thành 4 loại sau:
Hiện nay nhà cao >60 tầng được gọi là nhà siêu cao tầng – Super Skycraper
Còn với Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị (CTBUH) tại Mỹ nhà cao tầng được phân thành 3 loại sau:
Thiết kế nhà cao tầng đã thực sự khả thi nhờ vào sự phát minh ra hệ thống phanh hãm trong thang máy vào năm 1852 của kỹ sư Elisha Otis, cho phép vận chuyển người và hàng hóa theo phương thẳng đứng trong các tòa nhà nhiều tầng. Phát minh này đã loại bỏ những hạn chế phổ biến về chiều cao của các tòa nhà, thay đổi đáng kể cách thức quy hoạch và xây dựng các TP hiện đại và cuộc đua về độ cao đã bắt đầu. Khi chiều cao thay đổi cùng với công nghệ, vật liệu xây dựng và các yếu tố tác động khác thì hình thức kiến trúc của các tòa nhà cao tầng cũng thay đổi theo trong từng giai đoạn phát triển.
Sự biến đổi các hình thức kiến trúc mặt đứng nhà cao tầng
Từ lúc hình thành đến nay các tòa nhà cao tầng được chia làm 5 thế hệ và mỗi thế hệ hình thức kiến trúc có sự biến đổi với những đặc điểm nhận dạng riêng biệt. Trong phần 1 của bài báo sẽ đề cập đến 3 thế hệ còn 2 thế hệ sau sẽ được trình bày trong phần 2.
1. Thế hệ đầu tiên – Học phái Chicago
Học phái Chicago là thế hệ nhà cao tầng đầu tiên xuất hiện vào nửa sau thế kỷ 19, có chiều cao trung bình từ 9 đến 15 tầng, tập trung xây dựng ở Mỹ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Mỹ. Đặc điểm kiến trúc theo học phái Chicago có những tiến bộ rõ rệt do chú ý đến công năng kiến trúc và loại bỏ các trang trí dư thừa đối với nhà cao tầng. Sử dụng kết cấu thép chịu lực thay vì bằng gạch đá trước đây, sử dụng tường ngăn linh hoạt, những mảng kính lớn và bọc bên ngoài công trình bằng gạch truyền thống. Hệ thống khung kết cấu được nhận diện ngay trên mặt đứng, những hệ cột theo chiều dọc và hệ dầm phân vị tầng theo chiều ngang đã tạo mặt đứng dạng lưới những ô cửa sổ đều tăm tắp như những ô cờ nổi tiếng mang tên “Chicago Grid”.
Năm 1885, kỹ sư người Mỹ – William Jenny đã trở thành người tạo ra tòa nhà chọc trời hiện đại đầu tiên khi ông nhận ra rằng một tòa nhà văn phòng có thể được xây dựng bằng các vật liệu hoàn toàn khác. Ông đã chọn kết cấu thép và tạo hệ thống khung thép mang tính cách mạng nhằm biến những tòa tháp văn phòng cao vút trở thành biểu tượng của đô thị hiện đại.
Tòa Home Insurance – KTS William Jenny (Chicago, 1885)
Là tòa nhà đầu tiên được xây dựng theo hệ thống kết cấu thép gồm 10 tầng và cao 55m. Thay vì dựa vào những bức tường xây nặng nề rất dầy thì các bức tường của Home Insurance lại rất mỏng nhờ khung thép chống đỡ. Điều này khiến nó trở nên nhẹ hơn, cao hơn trong khi trọng lượng chỉ bằng một phần ba so với các công trình đương thời. Sự xuất hiện của công trình Home Insurance không chỉ xóa tan sự nghi ngờ tính vững chãi của nó mà còn là điểm nhấn đặc biệt của học phái Chicago – Mở ra khái niệm hoàn toàn mới về việc sử dụng hệ thống khung thép làm cấu trúc chính cho công trình cao tầng. Chưa đầy 10 năm sau, TP có thêm nhiều nhà cao tầng nổi bật theo học phái Chicago, trong đó có sự đóng góp của Louis Sullivan – người chuyên thiết kế nhà cao tầng hiện đại với phong cách trang trí Beaux- Arts. Bên cạnh những đặc điểm của học phái Chicago thì những công trình của Sullivan thường phân thành 3 phần gồm phần đế, phần thân, phần mái như một thức cột cổ điển và được trang trí một cách tiết chế trên phần mái, phần đế công trình theo cấu trúc của thực vật trong thiên nhiên.
Tòa Wainwright Building – KTS Sullivan (St Louis, 1890-1891)
Đây là tòa nhà văn phòng gồm 10 tầng và cao 41m được làm hoàn toàn bằng gạch nung. Tòa nhà thể hiện một cách thẩm mỹ các lý thuyết về tòa nhà cao tầng của Sullivan theo học phái Chicago, gồm 3 phần: Phần đế, phần thân và phần mái, dựa trên cấu trúc của cột cổ điển. Các cửa sổ ở mặt tiền của tòa nhà đều được đặt hơi sâu vào phía sau các cột và trụ xung quanh, giúp gờ và trụ không chỉ có tính chất trang trí mà tạo bóng đổ, tăng thêm sự cảm nhận thị giác của mặt đứng công trình. Trang trí và chạm khắc hữu cơ là đặc trưng của Sullivan, nổi bật nhất là bức phù điêu tán lá trang trí công phu được chạm khắc trên các tấm đất nung phần diềm xung quanh mái, bề mặt xung quanh cửa của lối vào chính và các nan giữa các cửa sổ trên các các tầng.
Tòa Reliance Building – KTS Sullivan và Atwood (Chicago, 1894-1895)
Tòa nhà cao 15 tầng, thể hiện sự “tinh khiết” của thế hệ nhà cao tầng đầu tiên. Với mặt tiền gồm nhiều ô cửa sổ bằng kính và cảm giác gần như tối giản. Tòa nhà Reliance đã như dự báo trước hình thức của kiến trúc hiện đại. Những khung cửa sổ rộng lớn đua ra tăng thêm tính nhịp điệu trên mặt đứng công trình của tòa nhà, chỉ bị gián đoạn bởi những dải đất nung tối thiểu, đã mang lại cho nó một vẻ ngoài nhẹ nhàng, không trọng lượng khiến nó khác biệt. Cửa sổ kính lớn cho phép lượng ánh sáng ban ngày dồi dào chiếu vào các không gian văn phòng. Kết cấu thép với tất cả sự thanh nhã về đường nét và tỷ lệ hiện diện trên toàn bộ hai mặt phố tại ngã tư. Sự phối hợp thép – kính đem lại một sự khác biệt trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc và nhanh chóng chấp nhận trong một xã hội “mở” của Mỹ. Cái đẹp trong thời đại công nghiệp tồn tại trong sự tiện dụng về công năng và đơn giản về hình thức.
2. Thế hệ thứ 2: Chủ nghĩa Chiết trung
Chủ nghĩa Chiết trung là một phong cách kiến trúc phát triển mạnh vào thế kỷ 19 và 20. Nó xuất hiện đầu tiên tại Pháp sau đó đã phát triển mạnh tại Mỹ trong thiết kế nhà cao tầng và được coi là thế hệ thứ 2 của nhà cao tầng. Đặc điểm của Chủ nghĩa Chiết trung là hình thức kiến trúc được trang trí cầu kỳ, có các yếu tố họa tiết, trang trí được biết đến từ nhiều nền văn hóa hoặc thời kỳ kiến trúc khác nhau. Công năng và hình thức không gò bó bởi các nguyên tắc luật lệ cứng nhắc trong kiến trúc giai đoạn trước đó, được pha trộn giữa cái cũ và cái mới trong ngôn ngữ kiến trúc.
Các nhà thiết kế áp dụng Chủ nghĩa Chiết trung thường chọn tập trung vào một phong cách cụ thể hơn là một sự kết hợp và về mặt lịch sử, điều này đã làm nảy sinh một số phong trào phục hưng như: phục hưng cổ điển, phục hưng Gothic hay Gothic mới, phục hưng của Ý…Tuy nhiên, động lực chính đằng sau chủ nghĩa Chiết trung là việc khai thác các phong cách lịch sử để tạo ra một cái gì đó độc đáo và mới mẻ, thay vì chỉ đơn giản là để hồi sinh các phong cách cũ hơn. Trong kiến trúc nhà cao tầng thì chỉ đề cập đến phong trào Gothic mới bởi nó được áp dụng vào nhà cao tầng nhiều nhất ở Mỹ trong thời gian đó.
- Phong cách Gothic mới
Là một phong trào kiến trúc bắt đầu vào cuối những năm 1740 ở Anh. Sự thu hút và quan tâm đến phong cách này đã tăng lên vào đầu thế kỷ 19, khi những người ngưỡng mộ phong cách Gothic mới ngày càng nghiêm túc và uyên bác tìm cách hồi sinh kiến trúc Gothic thời trung cổ. Gothic mới lấy các nét đặc trưng từ phong cách Gothic truyền thống, bao gồm các hoa văn trang trí, các tấm chắn, cửa sổ hình mũi mác và tháp nhọn. Đến giữa thế kỷ 19, nó được xác lập là phong cách kiến trúc ưu việt ở thế giới phương Tây và đầu thế kỷ 20 người ta chứng kiến việc xây dựng số lượng rất lớn các công trình kiến trúc Gothic mới trên toàn thế giới, trong đó có kiến trúc nhà cao tầng. Sự nhấn mạnh theo chiều dọc của phong cách này đã sớm được coi là một biểu hiện thích hợp cho chiều cao của các kết cấu nhiều tầng.
Tòa Woolworth tại trung tâm Manhattan do KTS Cass Gilbert thiết kế năm 1913 với chiều cao 241m gồm 60 tầng đã mang lại sự hùng vĩ uy quyền với các hệ cột dọc mỏng chạy lên đỉnh mái làm nổi bật độ thẳng đứng của tòa nhà. Lớp phủ bên ngoài bằng gạch đất nung màu kem được trang trí công phu với các điểm nhấn tráng men màu xanh và vàng. Đỉnh tháp bằng đồng phủ lớp chống gỉ màu xanh lá cây được trang trí bởi các đầu thú và cây trắc bách diệp. Sảnh đợi được trang trí công phu với nhiều tác phẩm điêu khắc, khảm và chạm kiến trúc khác nhau. Bởi là tòa nhà cao nhất thế giới vào thời điểm đó, Woolworth đã thu hút được sự chú ý điều này hoàn toàn có thể hiểu được và trong suốt thập kỷ sau khi hoàn thành, những tòa nhà chọc trời kiểu Gothic mới đã được xây dựng trên khắp cả nước.
Tháp Tribune là một tòa nhà chọc trời theo phong cách Gothic mới tại Chicago. Được xây dựng từ năm 1923 đến năm 1925, cuộc thi thiết kế kiến trúc quốc tế cho tòa tháp đã trở thành một sự kiện lịch sử trong kiến trúc thế kỷ 20. Phương án chiến thắng giải là một thiết kế theo phong cách Gothic mới của các KTS Howells và Raymond Hood. Tháp Tribune được hoàn thành vào năm 1925 và đạt độ cao 141 m. Mặt đứng có hệ cột nổi kéo dài lên tận đỉnh mái tạo thành những đường gân nổi bật bên cạnh những đường gân nhỏ hơn tạo nên nhịp điệu phát triển theo chiều dọc đúng phong cách của Gothic. Trên đỉnh tháp được trang trí cầu kì với hệ cột kết cấu nhô cao vươn lên ôm lấy đỉnh tháp nó giống như những chiếc cuốn bay được thiết kế trong các nhà thờ thời theo phong cách Gothic truyền thống. Phong cách Gothic mới có thể được áp dụng cho các tòa nhà cao tầng với sự nhạy cảm và khéo léo.
Vài năm sau, khi các công trình theo phong cách Gothic mới xuất hiện có một báo động về những con đường tối đến mức New York đưa ra “luật phân vùng” buộc các tòa nhà mới phải giật cấp theo kiểu ziggurat để mang lại ánh sáng ban ngày xuống phố.
Điều này có nghĩa là trong khi phần đế vẫn lấp đầy khu đất, phần còn lại của tòa tháp giật cấp dần và nó buộc lõi dịch vụ vào trung tâm của tòa nhà, dẫn đến việc mất giếng lấy sáng và buộc phải dùng thông gió và chiếu sáng nhân tạo cần thiết cho những người sử dụng trong tòa tháp. Đây là một sự thay đổi căn bản về hình dạng của các tòa nhà cao tầng thế hệ thứ hai của các tòa nhà chọc trời.
3. Thế hệ thứ 3 – Kiến trúc hiện đại
Kiến trúc Hiện đại (Modernism) là một khái niệm rất rộng được sử dụng để miêu tả các công trình có sự đơn giản trong bố cục hình khối không gian, tổ chức mặt bằng tự do phi đối xứng, mặt đứng loại bỏ việc sử dụng các họa tiết trang trí của trường phái cổ điển cũng như việc sử dụng vật liệu mới như kính, thép, bê tông. Kiến trúc hiện đại là một sự đoạn tuyệt mạnh mẽ với kiến trúc cổ điển, thể hiện một lối tư duy mới của sự phát triển bùng nổ của các xã hội Châu âu cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 đã nhanh chóng phổ biến và trở thành một trường phái chủ đạo trên toàn thế giới đến thập niên 1970.
Kiến trúc hiện đại gồm rất nhiều phong trào, chủ nghĩa, trào lưu, học phái… Nhưng trong phạm vi nghiên cứu về hình thức kiến trúc nhà cao tầng thì chỉ nghiên cứu tới trào lưu kiến trúc Art Deco, phong trào quốc tế bởi nó ảnh hưởng nhiều hơn so với phần còn lại.
- Trào lưu kiến trúc Art Deco
Xuất hiện từ sau triển lãm quốc tế về nghệ thuật trang trí và công nghiệp hiện đại ở Paris năm 1925. Art Deco chịu ảnh hưởng của các trào lưu lập thể, trừu tượng chủ nghĩa biểu hiện và phái phân ly. Art Deco là một phong cách hiện đại nó tập trung vào những nét độc đáo của thế kỷ XX kết hợp với các vật liệu hiện đại như thép và kính cùng các yếu tố kiến trúc truyền thống từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, khía cạnh trang trí nghệ thuật là sự tinh tế nổi bật nhất.
Đặc điểm của kiến trúc Art Deco là sử dụng các hình học cơ bản theo kiến trúc hiện đại nhưng mang thêm nhiều trang trí kiểu phù điêu, điêu khắc, cách điệu theo hình học dạng đồ họa, hình phẳng hay các trang trí bằng sắt, kim loại, có hiệu ứng tỏa nắng, hình zig zag và dùng nhiều màu sắc. Việc kết hợp giữa đặc tính hiện đại và những đặc trưng của nền văn minh cổ đại, Art Deco tôn vinh văn hóa bản địa và thành tựu đời sống xã hội lên công trình qua nhiều cách trang trí điều đó làm cho kiến trúc Art Deco có biểu hiện rất phong phú và đa dạng.
Tòa Chryler Building – KTS William Van Alen (NewYork 1930)
Văn phòng Chrysler do KTS Alen thiết kế được coi là hình ảnh biểu tượng của tòa nhà chọc trời mang phong cách kiến trúc Art Deco. Được xây dựng từ năm 1928 đến 1930 Chrysler là tòa nhà cao nhất thế giới thời điểm đó với độ cao 318,8m. Tòa nhà mang tên nhà tỷ phú ô tô Walter Percy Chrysler, được dựng lên như một tượng đài dựa vào ba yếu tố: sự thịnh vượng của công nghiệp xe hơi, sự rẻ đi của vật liệu công nghiệp xây dựng và sự khởi sắc của nghệ thuật Art Deco. Art Deco là phong cách thời thượng lúc bấy giờ và là nghệ thuật của thời đại cơ khí với sự phát triển của vật liệu crom, kính và nhôm. Mặt đứng được phát triển theo kiểu ziggurat giật bậc dần lên phía đỉnh tháp. Đỉnh của tòa nhà được làm bằng thép không gỉ với hình tượng mặt trời tỏa sáng đã làm cho công trình gần một thiên niên kỷ như là cột mốc, một trong những đặc điểm nổi bật nhất của đường chân trời Manhattan, một biểu tượng của New York.
Tòa Empire State – KTS Shreve, Lamp an Harmon (New York, 1931)
Empire State là tòa nhà 102 tầng cao 380m do nhóm KTS Shreve, Lamp and Harmon thiết kế. Được hoàn thành vào năm 1931, là tòa nhà cao nhất thế giới đến năm 1972 cho tới khi tòa nhà World Trade Center (WTC) hoàn thành. Empire State được xem là một biểu tượng văn hóa của Mỹ. Nó được thiết kế theo phong cách Art Deco và được mệnh danh là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại. Phần thân của tòa nhà sử dụng khung thép đầy tham vọng nhất vào thời điểm đó, một minh chứng hiện đại về sức mạnh của công nghệ công nghiệp, phần đỉnh tháp được thiết kế theo kiến trúc kiểu giật cấp dạng ziggurat, một đặc trưng của phong cách Art Deco đã tạo cho tòa nhà một dáng vẻ cao vút khỏe khoắn. Bên ngoài được bao phủ bằng đá vôi và đá granit, được tạo điểm nhấn bằng nhôm để tăng thêm độ sáng bóng. Sự kết hợp vật liệu này rất phổ biến trong Art Deco, thúc đẩy thẩm mỹ công nghiệp và hiện đại nhưng vẫn rất tinh tế.
Tuy nhiên, sự cung cấp quá mức của các tòa nhà văn phòng, sự suy thoái của những năm 1930 và Thế chiến II đã kết thúc sự bùng nổ của Art Deco. Không còn những tòa nhà chọc trời cho đến những năm 1950, khi thời hậu chiến hình thành phong cách Quốc tế.
- Phong cách quốc tế
Phong cách quốc tế được đưa ra vào năm 1932 bởi Johnson và Hitchcock tại triển lãm quốc tế về Kiến trúc hiện đại dựa trên các công trình đã được thiết kế ở Châu âu của các KTS như Le Corbusier, Walter Gropius, Mies van der Rohe và trở thành xu hướng thống trị trong kiến trúc Mỹ trong suốt những thập kỷ giữa của thế kỷ XX. Được đặc trưng bởi tính hình học đơn giản, các bề mặt phẳng, nhẹ, căng đã được loại bỏ hoàn toàn lớp trang trí. Phong cách quốc tế thể hiện ở những tòa chọc trời nguyên khối với hệ thống kết cấu khung thép, mái bằng, toàn bộ công trình được bao bọc bằng kính với dạng hình hộp. Phong cách Quốc tế được hình thành theo quy định rằng hình thức và diện mạo của các tòa nhà phải phát triển một cách tự nhiên và thể hiện tiềm năng của vật liệu và kỹ thuật kết cấu của chúng. Do đó, một sự hài hòa giữa biểu hiện nghệ thuật, chức năng và công nghệ sẽ được thiết lập trong một kiến trúc mới, “khắc khổ và kỷ luật”.
Tòa Lake Shore Drive Apartments – KTS Mie Van de Rohe (Chicago, 1951)
Đây là một cặp tòa tháp đôi bằng kính và thép thể hiện một giai điệu hiện đại với độ thẳng đứng của chúng, như hai chiếc hộp chữ nhật vươn lên bầu trời hoàn thành năm 1951 được KTS Mies van der Rohe thiết kế. Tòa tháp gồm 26 tầng, cao 282 m được được mệnh danh là căn hộ “Nhà kính”. Tòa nhà khi mới được xây dựng cũng không hoàn toàn được ủng hộ nhưng sau đó chúng đã trở thành nguyên mẫu cho các tòa nhà chọc trời bằng thép và kính trên toàn thế giới. Được thiết kế theo chủ nghĩa công năng rất rõ rệt khi từ chối các liên kết lịch sử để ủng hộ các hình học đơn giản và các mô-đun lặp đi lặp lại của các thành phần được sản xuất hàng loạt, hoàn toàn không có trang trí với mặt kính phẳng lì. Vì Mies là một bậc thầy về bố cục tối giản, nên nguyên tắc của ông là “less is more”-“ít hơn là nhiều” như nó được thể hiện trong kiến trúc “bằng da và bằng xương” tự xưng của ông.
Trụ sở Liên hợp quốc – KTS Oscar Niemeyer (New York, 1952)
Kể từ khi hoàn thành vào năm 1952, tòa Trụ sở Liên hợp quốc mảnh mai của Niemeyer đã trở thành biểu tượng của Liên Hợp Quốc. Mặc dù có cấu trúc đúng với phong cách Quốc tế được cho là “vĩnh cửu” từ bê tông, cốt thép, kính và các kim loại khác tạo thành một hình hộp chữ nhật vươn lên thẳng đứng không một chút trang trí nhưng nó vẫn xuất hiện như một thực thể luôn thay đổi liên tục thích ứng với các điều kiện khí hậu và bối cảnh xung quanh. Được thiết kế theo phong cách Quốc tế là một quyết định có chủ đích của Niemeyer và phần còn lại của các KTS hợp tác như một cách để tượng trưng cho sự thay đổi thể hiện cảm giác “mới mẻ” làm sáng tỏ tương lai lạc quan của các quốc gia trên thế giới cùng hợp tác phát triển.
Vào giữa những năm 1960, một sự phản ứng mạnh mẽ đối với phong cách Quốc tế nhằm nhấn mạnh sự tự do hơn trong thiết kế so với sự “khắc khổ và kỷ luật” của nó. Nói một cách hình tượng, khái niệm về “hộp thủy tinh” đã bắt đầu tan vỡ. Ngành công nghiệp xây dựng đã chứng kiến sự ra đời của các dạng cấu trúc mới và các vật liệu khác cho phép phạm vi sáng tạo và thể hiện thẩm mỹ lớn hơn.
Các tập đoàn của Mỹ đã xây dựng một thế hệ mới các tòa trụ sở rực rỡ đang làm thay đổi đường chân trời của đô thị và mang lại sức sống mới cho các TP. Đặc điểm kiến trúc khác biệt của thế hệ tòa nhà mới này là các hình khối điêu khắc ở đỉnh và các chi tiết phức tạp ở phần đế. Các tòa nhà thường có cấu trúc hiện đại với sự hồi tưởng lãng mạn của phong cách lịch sử. Đó chính là thế hệ tiếp theo của nhà cao tầng.
Như vậy, phần 1 của bài viết dừng lại ở 3 thế hệ nhà cao tầng đầu tiên. Từ thế hệ thứ nhất tới thế hệ thứ 3, kiến trúc mặt đứng nhà cao tầng đã có những thay đổi khá rõ rệt từ hình thức trang trí đến kết cấu, vật liệu sử dụng… Mỗi thế hệ ra đời là sự tìm tòi nỗ lực không mệt mỏi của các KTS cùng với các kỹ sư kết hợp với những vật liệu và công nghệ mới đã giúp bức tranh nhà cao tầng trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Hoàng Hải Long – ĐH Giao thông vận tải
Lương Thị Hiền – ĐH Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)
Tài liệu tham khảo trong nước:
1. Đặng Thái Hoàng, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Trọng Chung, Trương Ngọc Lân, Nguyễn Quang Minh. Giáo trình Lịch sử Kiến trúc. Hà nội : Nhà xuất bản Xây dựng, 2006. Vol. 2.
2. Nguyễn Đình Thi. Kiến trúc nhà siêu cao tầng. Hà nội : Nhà xuất bản Xây dựng, 2018.
3. Tôn Thất Đại. Những vấn đề về kiến trúc đương đại Việt Nam. Hà Nội : Nhà xuất bản Xây dựng, 2021