Nhà văn chơi blog

Tản văn

Mình chơi blog từ
năm 2007. Trước đó thì chẳng biết blog là cái gì. Vào mạng chủ yếu để check
mail, xem qua loa vài tờ báo, thế thôi. Một hôm nghe đứa học trò chat với mình,
nói, thầy không lập cái blog cho vui. Mình hỏi, blog là cái gì? Nó bảo, đó là
trang web cá nhân dùng để giao lưu với mọi người. Khi đó mình nghĩ chắc blog
cũng na ná trò chơi điện tử, người ta bày ra cho tụi trẻ chat chit giết thời
gian. Thế nên mới có câu: Mẹ ơi chớ đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau
mẹ nhờ/ Thôi đừng có đánh bài lờ/ Dẹp ngay bờ lóc tao nhờ, được
không?


Thời đó còn Yahoo
360, mình thấy có mấy ông nhà văn cũng lập blog, nghĩ bụng mấy ông này buồn cười,
khi không lại bờ lóc bờ leo, rõ là dở hơi chập mạch, hi hi. Thế mà bỗng dưng
mình nghiện blog từ khi nào không biết. Con gái học lớp 9 lập cho mình cái
blog, nói, ba viết đi. Nó giục năm lần bảy lượt, nể con quá mới viết đại một
entry ngắn. Viết xong post lên xong rồi cũng quên đi, không để ý. Ba bốn ngày
sau sực nhớ mới mở ra xem, có tới mấy chục cái còm (comments- phản hồi, nhận
xét) đổ xuống không biết tự lúc nào, thật quá ngạc nhiên. Đa số các còm đều
chào hỏi và bình luận, có những bình luận rất sâu sắc, chẳng khác gì một bài
phê bình ngắn gọn súc tích của giới phê bình chuyên nghiệp. Không ngờ văn học mạng
có tính tương tác hay đến vậy.

  Xưa có một
truyện ngắn đăng lên, giỏi lắm có vài cái thư bạn đọc, vài ba cú điện thoại bạn
bè động viên chia sẻ. Thường thì ít khi nhận được những bình luận từ bạn đọc,
tác phẩm đăng lên cứ như lọt thỏm vào hư vô, chẳng biết thiên hạ có đọc không,
người ta khen chê thế nào. Văn học mạng hoàn toàn khác, chỉ cần mình post bài
lên, vài phút sau đã thấy vài chục người, vài trăm người, thậm chí vài ngàn người
vào đọc. Chừng một giờ sau bắt đầu nhận được vài chục cái còm, nếu cái mình viết
có chút gì đó thú vị thì còm đổ xuống rào rào, một ngày có tới cả vài trăm
comments, đặc biệt có entry số còm đổ xuống cả ngàn, không thèm nói ngoa.

Mình nhớ khi viết
xong entry : “Kỹ niệm nhỏ với Võ đại tướng” đã một giờ sáng. Nghĩ bụng
giờ này chắc chẳng có ma nào đọc nhưng mình vẫn post bài lên. Đi nằm chừng một
tiếng, chợt nhớ ra có sai vài từ. Khó ngủ, mình dậy mở máy sửa lại. Chẳng ngờ
đã có hơn ba trăm cái còm đổ xuống với rất nhiều chiều ý kiến khác nhau.
Choáng. Vừa mừng vừa sợ, không thể tưởng tượng nổi thiên hạ quan tâm đến bài viết
này đến như thế.

Từ đó entry nào của
mình cũng có từ một đến vài trăm còm. Hạnh phúc của nhà văn là được bạn đọc đón
đợi và chia sẻ, hơn ba chục năm cầm bút chưa khi nào mình mới được tận hưởng hạnh
phúc của nhà văn như thời này. Đã quá trời. Nhất là hoản cảnh của mình, từ ngày
bị nạn suốt ngày ru rú ngồi nhà. Vợ đi làm con đi học, rất nhiều khi mình đơn độc
giữa bốn bức tường. May có blog, ngày ngày mình ngồi nghe tiếng lao xao của bạn
đọc xa gần qua các comments, vui đáo để. Nhờ thế mình viết nhiều hơn, hay dở
chưa bàn, nhưng 4 năm mình viết blog, số trang viết gấp đôi số trang viết 30
năm cầm bút của mình cộng lại. Thật tuyệt vời.

Bây giờ thì nghiện rồi, nghiện nặng. Lắm khi mệt mỏi quá cũng muốn bỏ nhưng không cách sao bỏ được. Nói ra dại mồm, bỏ vợ còn được chứ bỏ blog thì không thể. Đi đâu lâu lâu là nôn nao muốn về nhà để vào blog xem sao, xem được bao nhiêu còm, bao nhiêu pv (lượt người truy cập). Thấy nhiều người còm, pv tăng vù vù, sướng cái lỗ rốn kinh khủng. Xưa mới mở blog, những ngày đầu thấy pv một, hai trăm đã sướng củ tỉ. Một ngày có một, hai trăm lượt người vào đọc cái của mình đâu phải chuyện đùa. Đến khi pv lên đến một ngàn/ ngày thì tâm hồn treo ngược cành cây. Đến bây giờ pv mỗi ngày vài chục ngàn, hơn 10 triệu lượt người viếng thăm, thật còn hơn cả một giấc mơ.

Sau một thời gian ú ớ
mù mờ, coi mạng méo là thứ tào lao, văn học mạng là đồ vớ vẩn, đến bây giờ hầu
hết các nhà văn đều đã thành thạo vào mạng. Ai cũng có một ngày vài giờ lướt mạng.
Ngồi nhậu với nhau chỉ nói chuyện thông tin nhặt được trên mạng. Người nào
không biết mạng tự nhiên bị chõi ra, cứ quê quê thế nào ấy. Nói thực các nhà
văn xa rời mạng méo bị lạc hậu rất nhanh, nói chuyện gì cũng thấy quê quê cũ
cũ, viết lách lại càng cũ mèm. May thay số này không nhiều, có lẽ chỉ chiếm 1%
các nhà văn Việt đương thời.

Các nhà văn có blog
cũng nhiều lắm, chắc đến hơn một phần ba số hội viên Hội nhà văn. Một thời gian
dài các nhà văn không mặn mà với blog lắm. Cũng như mình ngày xưa, nhiều nhà
văn cho blog là trò vô bổ của mấy ông đồ gàn, mấy lão dở hơi. Thậm chí có người
cho là chỉ có bọn háo danh mới lập blog để khoe văn, nhà văn đàng hoàng không
bao giờ chơi blog. Xưa Thùy Linh thấy mình, thằng Tiến ( Phạm Ngọc Tiến), thằng
Nguyên ( Phạm Xuân Nguyên) chơi blog nó lườm nguýt bỉu môi, nói, mấy ông này dở
hơi, càng già càng hóa rồ. Ngồi nhậu đâu nghe tụi mình nói chuyện blog là nó vằn
mắt lên, nói, mấy ông hết chuyện để nói rồi à! Thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh)
cũng thế, thấy mình chơi blog nó nhắn tin, nói, để thời gian kiếm tiền nuôi vợ
con anh ơi.

Hi hi bây giờ cả hai
đều là những con sâu nghiện blog. Thùy Linh mới lập blog được hai tháng nay.
Lúc đầu thấy ít người vào cũng hơi buồn, đến entry “Sexy tất cả trừ lòng yêu
nước”
 pv tăng vù vù là mê luôn. Ngày ngày đọc cả núi bản thảo kịch bản,
thỉnh thoảng lại mò vào blog xem pv tăng bao nhiêu, có ai còm không. Rời công sở
về nhà chưa kịp cơm nước gì, mò vào blog re còm (reply- trả lời comments). Ăn
xong chưa kịp rửa bát, vội vàng thả mâm đó lại mò vào blog re còm. Nửa đêm “ru”
chồng ngủ xong là lẻn dậy viết bài. Trước đây cả năm Thùy Linh cũng chỉ viết một
hai bài, từ ngày có blog nó viết liên tù tì, tuần vừa rồi nó chơi bốn năm bài,
bài nào bài nấy rất công phu kĩ lưỡng.

Thằng Vinh thì khỏi
nói, cứ post xong bài là nó nhắn tin loạn cả lên, nói, vừa lên bài đấy, vào đọc
đi, nhớ còm nhé. Nó phục còm và pv từ sáng đến tối. Một hôm  mình đến chơi
nhà nó, thấy nó nửa đêm vẫn còn ngồi  thu lu phục còm. Mình cười, nói, giờ
này người ta ngủ hết rồi chẳng còn ai còm cho mày nữa đâu. Nó cười hì hì, nói,
không…, còn thằng Thuận Nghĩa ở bên Đức, nó thường còm cho em  giờ này. Thằng
này còm dài, đã lắm. Rồi nó ngâm nga: Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi
chờ còm còn khổ hơn trâu
. Hi hi nửa đêm nó gọi điện cho mình thì thào rất
nghiêm trọng, nói anh ơi hạnh phúc vô biên… năm ngàn năm ngàn. Mình tưởng nó kiếm
được năm ngàn đô, té ra blog cu cậu hôm đó pv đạt năm ngàn, chết cười.

 Cũng chẳng bằng
Phạm Ngọc Tiến. Đêm hôm rét mướt nó vẫn không chịu chui vào chăn ôm vợ cho ấm,
cứ ngồi nhìn trân trân lên màn hình. Vợ nó ngạc nhiên, hỏi, anh làm gì mà không
đi ngủ. Nó lầu bầu, nói, em ngủ trước đi, anh đang căng thẳng đây này. Vợ nó hỏi
sao. Nó nói còn mười phút nữa là 12 giờ đêm, pv anh thiếu 2 khách nữa đầy 500,
chờ mãi chẳng thấy ma nào vào, điên thế chứ. Vừa dứt lời thì có 4 khách vào, nó
nhảy cẩng lên, nói a ha mơ được ước thấy, bố mày vượt mức kế họach rồi. Vợ nó
ôm bụng cười rũ. Có đêm đến 3 giờ sáng nó gọi điện. Mình giật mình hoảng hốt tưởng
nhà nó có chuyện gì. Nó rầu rỉ nói, vợ ốm con đau tao chẳng thèm gọi cho mày
đâu, nhưng chuyện này thì tao phải gọi. Mình nói chuyện gì, nó bảo vừa đổ về chục
còm, sướng rêm nhưng tòan còm “phản động” mày ạ. Mình nói thế thì xóa đi. Nó thở
ra, nói xóa dễ thế thì tao chẳng hỏi mày. Chờ mãi mới kiếm được chục còm, xóa
cái còm nào tiếc đứt ruột cái đó, loại còm này bỏ thì thương vương thì tội, tức
thế chứ. Nó hạ giọng rầu rĩ, nói, người ta bảo cấm có sai: Bầm ra ruộng
cấy bầm run/ con chơi bờ lóc còn run hơn bầm
. Hi hi.

CA DAO BLOG

Ai bảo chăn trâu là
khổ

Tôi canh còm còn khổ
hơn trâu.

Qua cầu ngả nón
trông đình

Đình bao nhiêu ngói
bấy người rình bờ leo.

Bầm ra ruộng cấy bầm
run

Con làm bờ lóc còn
run hơn bầm.

Người còm mỗi lúc mỗi
đông

Thạch sanh thì ít,
Lý Thông thì nhiều.

Gió mùa thu anh ru
em ngủ.

Em ngủ rùi……anh vào
mạng buôn dưa

Bờ lóc có lắm gái tơ

Vừa buôn vừa đợi đến
giờ gặp nhau….

Sao em không chịu
lên giường

Hay là em vẫn vấn
vương re còm?

Bốc giơ (bloggers)
có mấy người hiền

Trai cu teo tóp gái
tiền mãn kinh.

Nich nêm ( nick
name) không mất tiền mua

Thay tên đổi họ để lừa
lọc nhau.

Tin tặc là tin tặc
ơi

Mau mau đi chỗ khác
chơi, anh nhờ

Không không em đứng
trên bờ

Khi naò có lệnh mới
rờ đến anh.

Rút từ Chuyện đời thường vớ vẩn