Nhà nước tư sản là gì? Bản chất, chức năng, hình thức, bộ máy – LyTuong.net
(Last Updated On: 13/08/2022)
Nhà nước tư sản là gì? Nguồn gốc hình thành nhà nước tư sản? Bản chất, chức năng, hình thức, bộ máy của nhà nước tư sản.
1. Sự ra đời của nhà nước tư sản
Từ thế kỷ XV – XVII, ở phương Tây, chế độ phong kiến lâm vào thời kỳ khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa hình thành và phát triển. Giai cấp tư sản ra đời, là giai cấp tiến bộ, đại diện cho lực lượng sản xuất mới. Giai cấp tư sản lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động, tiến hành cách mạng tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nhà nước tư sản.
Cuối thế kỷ XVI, cách mạng tư sản nổ ra đầu tiên ở Nê đéc lan (gồm Hà Lan, Bỉ, Lúc-xăm-bua). Mặc dù cuộc cách mạng thành công nhưng ảnh hưởng không sâu rộng.
Đến giữa thế kỷ XVII, cách mạng tư sản ở Anh bùng nổ và giành thắng lợi. Cách mạng tư sản Anh có ảnh hưởng lớn đến tiến trình của lịch sử thế giới.
Tiếp đó, trong thế kỷ XVIII – XIX, cách mạng tư sản thắng lợi ở Pháp, Mĩ, Nhật và nhiều nước Châu Âu. Sự thành công của các cuộc cách mạng tư sản dẫn đến sự xuất hiện của nhà nước tư sản. Tuy vậy, sự ra đời của nhà nước tư sản diễn ra dưới những hình thức khác nhau phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế và mức độ đấu tranh giai cấp ở các nước cũng khác nhau.
Nhà nước tư sản ra đời thông qua ba hình thức sau:
– Nhà nước tư sản ra đời thông qua các cuộc cách mạng tư sản được tiến hành dưới hình thức khởi nghĩa vũ trang, lãnh đạo các cuộc cách mạng tư sản là giai cấp tư sản nhưng lực lượng chủ yếu của cách mạng tư sản là giai cấp công nhân, nông dân và người lao động khác trong xã hội. Bằng con đường bạo lực, cách mạng tư sản xóa bỏ khá triệt để chế độ và trật tự phong kiến, thiết lập nền dân chủ tư sản, điển hình có Hà Lan, Anh, đặc biệt là cuộc cách mạng tư sản Pháp.
– Thông qua các cuộc cải cách xã hội, nhà nước tư sản từng bước hình thành, trên cơ sở sự thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản đang lên và tầng lớp quý tộc phong kiến già nua, nhưng chưa hoàn toàn từ bỏ vị trí của mình trên trường chính trị. Nhưng do áp lực của phong trào quần chúng cách mạng, giai cấp tư sản từng bước thâu tóm quyền lực. Những nhà nước tư sản ra đời bằng con đường này là Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản,…
– Sự hình thành các nhà nước tư sản ở những vùng đất mới như Hoa Kỳ, Canada, Ôxtrâylia diễn ra vào thế kỷ XVIII – XIX. Ở những miền đất này, giai cấp tư sản hình thành từ những người châu Âu di cư, đã dùng vũ lực, cơ chế nhà nước tư sản tiêu diệt và lấn áp các thổ dân với chế độ thị tộc của họ và thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa.
Thông qua con đường hình thành nên nhà nước tư sản, có thể khái quát 4 giai đoạn phát triển của nhà nước tư sản:
Giai đoạn từ thế kỷ XVI – XVIII
– Được coi là giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh. Điển hình là cuộc cách mạng tư sản Anh, chiến tranh Pháp – Thổ và công xã Paris.
– Ở giai đoạn này, nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh tế, nó chỉ đóng vai trò là “người lính gác đêm” của chế độ sở hữu tư nhân, là công cụ bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường.
Giai đoạn từ 1871 đến 1917
– Đây là giai đoạn chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền. Trong giai đoạn này do tập trung sản xuất cao độ đã hình thành nên các tập đoàn tư bản độc quyền. Nguyên nhân hình thành chủ nghĩa tư bản độc quyền là:
- Sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn đến quy mô của nền kinh tế ngày càng lớn, tính chất xã hội của nền kinh tế ngày càng cao đòi hỏi sự điều tiết của xã hội đối với sản xuất và phân phối. Do đó đòi hỏi có một hình thức mới của quan hệ sản xuất để lực lượng sản xuất có thể tiếp tục phát triển trong điều kiện còn sự thống trị của chủ nghĩa tư bản;
- Sự phát triển của phân công lao động xã hội đã làm xuất hiện một số ngành mà các tổ chức độc quyền tư bản tư nhân không thể kinh doanh vì đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm và ít lợi nhuận, do vậy nhà nước tư bản trong khi đảm nhiệm kinh doanh những ngành đó đã tạo điều kiện cho các tổ chức độc quyền tư nhân kinh doanh các ngành khác có lợi hơn;
- Sự mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và vô sản, nhân dân lao động, mâu thuẫn giữa các tổ chức độc quyền với nhau ngày càng sâu sắc.
Như vậy, chủ nghĩa tư bản độc quyền là có sự can thiệp, điều tiết của nhà nước về kinh tế, là sự kết hợp sức mạnh của tư bản độc quyền với sức mạnh của nhà nước về kinh tế.
Giai đoạn từ 1917 – 1945
Đây được coi là giai đoạn tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Với sự xuất hiện của Liên Xô, chủ nghĩa tư bản với tư cách là hình thái kinh tế – xã hội không còn chiếm địa vị độc tôn nữa.
Các mâu thuẫn trong lòng xã hội trở nên không thể điều hòa được, biểu hiện bằng sự bùng nổ của hai cuộc đại chiến thế giới. Các nước thuộc địa cũng đứng lên đấu tranh giành độc lập, góp phần làm tan rã từng bộ phận của chủ nghĩa tư bản.
Nhà nước tư sản ngày càng can thiệp sâu vào đời sống kinh tế vì lợi ích của các tập đoàn tư bản độc quyền lớn. Ở khắp các nước tư bản phát triển, chủ nghĩa tư bản đã trở thành tư bản độc quyền nhà nước. Đây là một thể chế chính trị kết hợp sức mạnh kinh tế tư bản độc quyền với quyền lực nhà nước thành cơ chế thống nhất nhằm làm giàu thêm cho tư sản, đàn áp mạnh mẽ bằng nhiều biện pháp đối với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc đứng lên đòi độc lập, gây chiến tranh xâm lược nhằm chia lại thị trường thế giới, cứu nguy cho chủ nghĩa tư bản khỏi sụp đổ.
Giai đoạn từ 1945 đến nay
- Giai đoạn từ sau đại chiến thế giới thứ II, sự xuất hiện của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã làm cho cán cân quốc tế nghiêng về phía các lực lượng dân chủ tiến bộ. Các phong trào đòi tự do, dân chủ của nhân dân thế giới diễn ra một cách mạnh mẽ buộc các nước tư sản phải điều chỉnh lại chính sách đối nội và đối ngoại nhằm thích ứng với điều kiện mới, duy trì và phát triển chủ nghĩa tư bản.
- Nhà nước tư bản chú trọng hơn về các vấn đề dân sinh, quan tâm tới các nhu cầu văn hóa xã hội trong chính sách đối nội. Đặc biệt, nhà nước tư bản đã mở rộng quyền tự do của công dân và các quyền này được pháp luật bảo vệ.
- Trong chính sách đối ngoại, nhà nước tư bản sử dụng các biện pháp linh hoạt và mềm dẻo như phát triển các công ty xuyên quốc gia, toàn cầu hóa quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; thúc đẩy tự do hóa thương mại nhằm tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế.
- Có thể nhận thấy rằng, từ sau đại chiến thế giới II đến nay, do tương quan lực lượng trên thế giới có sự thay đổi, nhà nước tư sản đã có những cải biến nhất định nhằm thích ứng với điều kiện mới. Sự thích ứng đó cũng không ngoài mục đích duy trì và củng cố vị trí thống trị của giai cấp tư bản trong xã hội.
Tóm lại, qua các giai đoạn phát triển phức tạp, bản chất của nhà nước tư sản vẫn không thay đổi, vẫn là công cụ thực hiện chuyên chính tư sản. Tuy nhiên, đánh giá bản chất của nhà nước tư sản cần phải xem xét nó trong tiến trình lịch sử cụ thể, khách quan của từng giai đoạn phát triển.
2. Bản chất của nhà nước tư sản
Thắng lợi của cuộc cách mạng tư sản và sự ra đời của nhà nước tư sản đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ và tiến bộ, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử nhân loại. Mặc dù vậy, nhà nước tư sản vẫn không vượt khỏi bản chất là nhà nước bóc lột. Bản chất của nhà nước tư sản do chính các điều kiện nội tại của xã hội tư sản quyết định, đó là cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội và cơ sở tư tưởng.
– Cơ sở kinh tế
- Cơ sở kinh tế của nhà nước tư sản là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thiết lập dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư.
- Đặc trưng của phương thức này là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, nền kinh tế hàng hóa – thị trường, sản xuất bằng máy móc – công nghệ tạo ra năng suất lao động cao hơn rất nhiều các phương thức sản xuất trước đây.
– Cơ sở xã hội
Chính phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa làm thay đổi cơ bản kết cấu xã hội.
Nếu như phương thức sản xuất phong kiến, nông nghiệp chiếm ưu thế trong xã hội nên hai giai cấp cơ bản là địa chủ và nông dân, trong phương thức tư bản chủ nghĩa, với sự phát triển của thương mại, khoa học – kĩ thuật, công nghiệp, xã hội tư bản hình thành nên giai cấp tư sản, giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp thương nhân cùng với các nhà khoa học, kĩ thuật và các nhà doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
- Giai cấp giữ vị trí thống trị là giai cấp tư sản, mặc dù chỉ chiếm thiểu số trong xã hội nhưng lại là giai cấp nắm hầu hết tư liệu sản xuất của xã hội, chiếm đoạt những nguồn tài sản lớn của xã hội.
- Giai cấp vô sản là bộ phận đông đảo trong xã hội, là lực lượng lao động chính trong xã hội. Về phương diện pháp lý họ được tự do, nhưng do không có tư liệu sản xuất nên họ chỉ là người bán sức lao động cho giai cấp tư sản, là đội quân làm thuê cho giai cấp tư sản.
- Ngoài hai giai cấp chính nêu trên, trong xã hội tư sản còn có nhiều tầng lớp xã hội khác như: nông dân, tiểu tư sản, trí thức…
Tóm lại, tính giai cấp của nhà nước tư sản thể hiện thông qua giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp thương nhân cùng với các nhà khoa học, kĩ thuật và các nhà doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực và mức kinh doanh khác nhau.
– Cơ sở tư tưởng
Về mặt tư tưởng giai cấp tư sản luôn tuyên truyền về tư tưởng dân chủ – đa nguyên, nhưng trên thực tế lại tìm mọi cách đảm bảo địa vị độc tôn của ý thức hệ tư sản, ngăn cản mọi sự phát triển và tuyên truyền tư tưởng cách mạng, tiến bộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Như vậy, nhà nước tư sản thực hiện chuyên chính tư sản, như Lênin đã chỉ rõ: “những hình thức của nhà nước tư sản thì hết sức khác nhau nhưng thực chất chỉ là một: chung quy thì tất cả những nhà nước ấy, vô luận thế nào tất nhiên phải là nền chuyên chính tư sản”.
3. Chức năng của nhà nước tư sản
Bản chất của nhà nước tư sản thể hiện thông qua các chức năng đối nội và đối ngoại của nó. Chức năng của nhà nước tư sản chính là những phương diện hoạt động cơ bản của nhà nước nhằm thực hiện quyền lực nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
a. Chức năng đối nội
* Chức năng chính trị
- Trong suốt thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân liên tục đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột và thống trị của giai cấp tư sản. Chính vì vậy, nhà nước tư sản luôn thẳng tay đàn áp cuộc đấu tranh đó bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Nhà nước tư sản đã dùng bạo lực đàn áp sự phản kháng của giai cấp công nhân hoặc hạn chế quyền chính trị chính đáng của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.
- Chức năng chính trị càng được thể hiện rõ nét nhất khi nhà nước tư sản chuyển từ chế độ dân chủ tư sản sang chế độ phát xít. Điển hình là chế độ phát xít Đức. Chế độ phát xít đã không từ một thủ đoạn nào nhằm loại bỏ các lực lượng chính trị đối lập, kể cả việc dùng các biện pháp dã man và cực kỳ tàn bạo.
* Chức năng kinh tế
- Trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tự do chức năng này chưa được chú trọng.
- Chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền, nhà nước tư sản từng bước can thiệp vào lĩnh vực kinh tế.
- Và khi chủ nghĩa tư bản độc quyền chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước thì sự can thiệp này được tăng cường và làm nảy sinh chức năng mới – chức năng kinh tế.
- Mục đích của chức năng này nhằm tạo ra các điều kiện, các đảm bảo vật chất, kỹ thật, pháp lý và chính trị cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn tư bản, đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế tư sản, ngăn ngừa và khắc phục những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế.
- Để thực hiện chức năng này, nhà nước tư sản sử dụng hàng loạt các hình thức và phương pháp như: sử dụng hệ thống đòn bẩy kinh tế, các kích thích kinh tế thể hiện trong các tác động mang tính hành chính – kinh tế lên hệ thống các quan hệ kinh tế.
* Chức năng xã hội
- Nhà nước tư sản thực hiện chức năng xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội như: việc làm, thất nghiệp, dân số, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, vấn đề bảo trợ xã hội cho người già, giải quyết các tệ nạn xã hội…
- Chính sách xã hội và việc thực hiện chức năng xã hội của nhà nước tư sản tuỳ thuộc vào tương quan các lực lượng chính trị trong nhà nước tư sản ở các giai đoạn phát triển và trong từng quốc gia cụ thể.
* Chức năng trấn áp về tư tưởng
- Đây là một trong những chức năng quan trọng nhằm trấn áp của nhà nước tư sản.
- Trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản đang phát triển và chủ nghĩa xã hội chưa xuất hiện, nhà nước tư sản lợi dụng nhà thờ và tín điều tôn giáo phục vụ gián tiếp cho lợi ích giai cấp.
- Chức năng này được chú trọng hơn trong giai đoạn phát triển của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội xuất hiện. Bởi sự xuất hiện sự khủng hoảng về kinh tế – chính trị và sự xuất hiện của chủ nghĩa Mác-Lênin đã ảnh hưởng sâu đậm trong lòng nhân dân. Vì vậy, nhà nước tư sản đã đẩy mạnh hơn hoạt động về tư tưởng, coi đó là một trong những chức năng cơ bản của mình. Để tăng cường hoạt động tư tưởng, nhà nước tư sản đã sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, quan hệ chặt chẽ với nhà thờ và tôn giáo khác nhằm ngăn chặn sự phản kháng của nhân dân lao động, xuyên tạc học thuyết Mác-Lênin về nhà nước và pháp luật,….
b. Chức năng đối ngoại
* Chức năng tiến hành chiến tranh xâm lược và chống phá các phong trào cách mạng thế giới
- Chức năng tiến hành chiến tranh xâm lược để mở rộng thuộc địa là chức năng đối ngoại chủ yếu của nhà nước tư sản thời kỳ chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tự do. Các nhà nước tư sản tìm mọi cách xâm lược các vùng đất mới hoặc gây chiến tranh với nhà nước tư sản khác để chia lại thế giới, xác định quyền thống trị hay mở rộng vùng ảnh hưởng của mình.
- Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa được thiết lập, chức năng đối ngoại chủ yếu của các nhà nước tư sản là tiến hành chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, đe doạ, chia rẽ phong trào giải phóng dân tộc.
– Chức năng phòng thủ
Đây là một trong những chức năng được nhà nước tư sản rất coi trọng. Nó được thể hiện bằng việc nhà nước tư sản đã xây dựng các lực lượng vũ trang tinh nhuệ nhằm phòng ngừa sự xâm lược của các quốc gia khác hoặc tham gia liên minh quân sự để thực hiện phòng thủ chung giữa các quốc gia liên minh.
– Thiết lập và phát triển các quan hệ ngoại giao
Trong giai đoạn hiện nay bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi vì thế nhiều nhà nước tư sản có sự thay đổi tích cực trong quan hệ đối ngoại. Giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua đối thoại với những chính sách đối ngoại mềm dẻo. Bên cạnh đó, các nhà nước tư sản tăng cường mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực phát triển xã hội như: kinh tế, văn hoá – xã hội, môi trường, khoa học – kỹ thuật, các vấn đề nhân đạo… với các nước có chế độ chính trị khác nhau.
4. Bộ máy nhà nước tư sản
Trong điều kiện đấu tranh gay gắt, sự thống trị về kinh tế sẽ không đứng vững nếu không có sự thống trị về chính trị của giai cấp tư sản. Chính vì thế, bộ máy nhà nước với lực lượng cưỡng chế khổng lồ ra đời, nhằm duy trì sự thống trị của giai cấp tư bản đối với toàn xã hội, bảo vệ trật tự xã hội tư sản. Vì vậy, bộ máy nhà nước tư sản có những đặc trưng sau:
Bộ máy nhà nước tư sản được tổ chức theo nguyên tắc phân chia quyền lực
Nguyên tắc này căn cứ theo học thuyết của Locker và Montesquieu – những người sáng lập ra thuyết phân quyền cho rằng cần hạn chế sự chuyên quyền, độc đoán bằng việc phân chia quyền lực nhà nước cho những cơ quan khác nhau, chứ không tập trung quá nhiều vào một cơ quan nhất định.
- Theo họ, quyền lực nhà nước cần được phân thành ba quyền theo chiều ngang: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lập pháp giao cho Nghị viện do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Quyền hành pháp thuộc về Chính phủ và quyền tư pháp giao cho Tòa án.
- Theo chiều dọc, quyền lực nhà nước được phân chia thành chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Bộ máy nhà nước tư sản được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, đa nguyên chính trị và đa đảng
- Đây là một trong những nguyên tắc phổ biến của nền dân chủ tư sản.
- Nguyên tắc đa nguyên chính trị cho phép công dân có quyền tự do chính kiến, công dân có quyền chỉ trích đường lối chính trị của chính phủ và công khai thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không bị coi là phạm pháp.
- Nguyên tắc đa nguyên chính trị còn cho phép sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị. Các đảng phái chính trị tự do tranh cử trong các cuộc bầu cử nghị viện và tổng thống.
- Như vậy, việc tồn tại chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng mà các nước tư sản thừa nhận có đảng cầm quyền và đảng đối lập.
Từ những đặc trưng trên có thể nhận thấy cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước tư sản gồm:
a. Nguyên thủ quốc gia
Trong hệ thống cơ quan nhà nước tối cao của các nước tư bản, về mặt pháp lý, nguyên thủ quốc gia đứng đầu nhà nước, chịu trách nhiệm lãnh đạo bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, việc trở thành và thôi chức nguyên thủ quốc gia ở các nước tư bản là khác nhau.
Đối với các nước có chính thể quân chủ như Anh, người đứng đầu là vua được thiết lập trên cơ sở kế truyền.
Còn trong các nước có chính thể cộng hòa, nguyên thủ quốc gia là tổng thống và được thiết lập trên cơ sở bầu cử. Chức vụ này có thể được bầu lên do phổ thông đầu phiếu trực tiếp (Pháp), có thể do đại cử tri (Mỹ), hoặc do Nghị viện bầu ra (Hy Lạp) hay do Đại hội của Quốc hội với đại diện các tỉnh bầu ra (Ý, Đức).
Nguyên thủ quốc gia có quyền hạn lớn nhất là ở trong chính thể cộng hòa tổng thống, điển hình là Mỹ, nơi mà tổng thống vừa là người đứng đầu Nhà nước vừa là người đứng đầu Chính phủ.
Còn ở các nước quân chủ đại nghị, nguyên thủ quốc gia phần lớn mang tính chất đại diện, hình thức (Anh, Nhật Bản). Nhiệm kỳ của nguyên thủ quốc gia ở các nước quy định cũng không giống nhau, có thể là 4 năm, 5 năm hoặc 7 năm. Có nước Nguyên thủ quốc gia không thể được bầu quá hai nhiệm kỳ (Mỹ, Phần Lan).
b. Nghị Viện
Nghị viện có vị trí đặc biệt trong hệ thống cơ quan trung ương của nhà nước tư sản. Như Yves Meny – học giả người Pháp đã viết: “nếu tồn tại một biểu tưởng của chế độ đại diện thì đó chính là nghị viện”. Nghị viện tư sản phát triển qua các giai đoạn tương ứng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Giai đoạn đầu, nghị viện là cơ quan nhà nước có vai trò rất lớn. Nước Anh là quê hương của nghị viện tư sản. Thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh là thời hoàng kim của nghị viện. Lúc bấy giờ, người Anh có câu ngạn ngữ “nghị viện có quyền được làm tất cả, chỉ trừ việc biến đàn ông thành đàn bà”. Nghị viện có quyền hạn rất lớn, gồm quyền lập pháp; quyền quyết định ngân sách và thuế; quyền giám sát hoạt động của nội các, bầu hoặc bãi nhiệm các thành viên của nội các. Nhưng khi chủ nghĩa đế quốc xuất hiện thì chế độ nghị viện bước vào giai đoạn khủng hoảng. Ngày nay, quyền hạn của nghị viện bị giảm trong lĩnh vực làm luật, trong các quyết định về ngân sách cũng như trong kiểm tra hoạt động của chính phủ.
Về cách thức tổ chức, nghị viện được phân thành một viện hoặc hai viện. Một số nước, nghị viện được tổ chức theo chế độ một viện là Đan Mạch, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha, Phần Lan,… Đại đa số các nước tư bản phát triển đều tổ chức thành hai viện là hạ nghị viện và Thượng nghị viện, đó là Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Ý,… Hạ nghị viện đại diện cho tầng lớp dân cư trong xã hội và bầu theo tỷ lệ dân số. Thượng nghị viện đại diện cho quyền lợi của các bang, các chủ thể liên bang (trong nhà nước liên bang); đại diện cho các đơn vị hành chính lãnh thổ cao nhất hoặc đại diện cho tầng lớp quý tộc (trong nhà nước đơn nhất).
c. Chính phủ
Chính phủ ở các nước tư bản là cơ quan hành pháp cao nhất, chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan nhà nước ở trung ương. Trên thực tế, quyền hạn của chính phủ trong lĩnh vực hành pháp là rất rộng. Nó quyết định phần lớn các chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước. Cách thức bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên của chính phủ ở các nước cũng có điểm khác nhau.
Ở các nước theo chính thể quân chủ lập hiến, cộng hòa nghị viện và cộng hòa lưỡng tính, đứng đầu chính phủ là thủ tướng. Cơ cấu của chính phủ gồm thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ trưởng. Việc thành lập ra chính phủ được tiến hành theo nguyên tắc chung là đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện như Anh, Pháp, Đức. Như vậy, việc thành lập chính phủ phụ thuộc vào kết quả bầu cử nghị viện. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ có thể do Tổng thống bổ nhiệm (Ý, Pháp), có thể do nghị viện bầu (Nhật Bản), hoặc có thể có sự kết hợp giữa Nghị viện và Tổng thống (Đức).
Ở các nước theo chính thể cộng hòa tổng thống, đứng đầu chính phủ là tổng thống. Thành phần Chính phủ ở các nước tư bản này gồm tổng thống, phó tổng thống và các bộ trưởng. Điển hình nhà nước tư bản theo chính thể cộng hòa tổng thống là Mỹ. Tổng thống ở nước này vừa là người đứng đầu nhà nước vừa là người đứng đầu chính phủ. Các thành viên của chính phủ do tổng thống bổ nhiệm với sự đồng thuận của thượng nghị viện.
d. Tòa án
Trong bộ máy nhà nước tư sản, về mặt hình thức, tòa án là cơ quan có vị trí độc lập với các cơ quan nhà nước khác. Về loại hình, thông thường tòa án được xây dựng thành ba hệ thống: tòa án truyền thống, tòa án hiến pháp và tòa án hành chính.
- Tòa án truyền thống (hay còn gọi là tòa án tư pháp) – nơi xử các công dân vi phạm pháp luật hoặc giải quyết tranh chấp giữa các công dân với nhau, ở một số nước tư bản còn lập ra tòa án hiến pháp (Pháp, Đức).
- Tòa án hiến pháp (hay còn gọi là tòa án bảo hiến) có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản pháp luật, kiểm tra hoạt động của quốc hội, chính phủ.
- Tòa án hành chính là xét xử các quyết định hoặc hành vi hành chính của các công chức nhà nước và các cơ quan nhà nước trên cơ sở các khiếu kiện của công dân.
Hoạt động xét xử của tòa án thưởng được tổ chức theo hai cấp xét xử: Hệ thống tố tụng tranh tụng và hệ thống tố tụng thẩm vấn
Hệ thống tố tụng tranh tụng, vai trò của thẩm phán được đề cao. Thẩm phán trực tiếp xét hỏi, thẩm vấn các vấn đề cần làm rõ trong vụ án. Trong hệ thống này, điều tra và truy tố trước khi diễn ra phiên tòa được chú trọng.
Trong hệ thống tố tụng thẩm vấn, vai trò của thẩm phán thì ngược lại. Ở đây, thẩm phán chỉ có vai trò như một trọng tài, lắng nghe lập luận của các bên và tự mình phán xét. Còn thẩm vấn tại phiên tòa nhằm làm rõ các tình tiết của vụ án thuộc về luật sư của các bên trong vụ án dân sự hoặc thuộc về ủy viên công tố và luật sư bào chữa trong vụ án hình sự.
e. Hệ thống quân đội, cảnh sát
Nhà nước tư sản đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng lực lượng này, đặc biệt trong điều kiện khi mâu thuẫn xã hội gay gắt hoặc khi cuộc chiến tranh trở nên quyết liệt.
Hệ thống quân đội và cảnh sát luôn được nhà nước tư sản chú trọng đầu tư, chi một khoản không nhỏ trong ngân sách nhà nước nhằm tăng cường và hiện đại hóa quân đội và cảnh sát; luôn được ưu tiên đầu tư những thiết khoa học kỹ thuật hiện đại nhất.
Trong quan hệ đối ngoại, khi xảy ra xung đột hoặc tranh chấp, quân đội được nhà nước tư sản dùng làm công cụ thực hiện chính sách răn đe.
Còn trong quan hệ đối nội, cùng với quân đội, cảnh sát là lực lượng đàn áp các thế lực đối lập, bảo vệ trật tự xã hội và trật tự công cộng trong xã hội tư sản.
5. Hình thức nhà nước tư sản
Nhà nước tư sản cũng được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng nói chung, chỉ có hai hình thức cơ bản nhất là hình thức cộng hoà và hình thức quân chủ lập hiến.
Hình thức cộng hoà lại được tổ chức dưới những hình thức khác nhau như Cộng hoà Đại nghị, Cộng hoà Tổng thống, Cộng hòa hỗn hợp (hay cộng hòa lưỡng tính) trong đó hình thức cộng hoà Đại nghị là hình thức điển hình và phổ biến nhất. Trong thực tế, nhằm thích ứng với điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, các hình thức cụ thể của nhà nước tư sản hiện đại lại có sự khác nhau khá lớn, về chế độ bầu cử, chế độ tổ chức một viện hay hai viện, về nhiệm kỳ tổng thống, về sự phân chia quyền lực giữa tổng thống và nội các.
Hình thức của nhà nước tư sản là rất phong phú nhưng không làm thay đổi bản chất của nó – đó là công cụ của giai cấp tư sản dùng để áp bức thống trị giai cấp vô sản và quần chúng lao động để bảo vệ lợi ích và quyền thống trị của giai cấp tư sản. V.I.Lênin đã phát biểu rằng: “Những hình thức của nhà nước tư sản thì hết sức khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một: chung quy lại thì tất cả những nhà nước ấy, vô luận thế nào, cũng tất nhiên phải là nền chuyên chính tư sản”.
a. Hình thức chính thể
– Chính thể quân chủ lập hiến
- Hình thức chính thể quân chủ lập hiến là hình thức quá độ khi giai cấp tư sản chưa giành được thắng lợi hoàn toàn và đây chính là hình thức thỏa thuận giữa giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc phong kiến.
- Đặc điểm cơ bản của chính thể quân chủ lập hiến là quyền lực nhà nước của nguyên thủ (vua, quốc vương) được truyền lại cho người kế vị nhưng bị hạn chế. Vua hoặc quốc vương là đại diện cho sự thống nhất ý chí và đoàn kết dân tộc. Còn quyền lực chính trị thuộc về thủ tướng chính phủ của đảng chiếm ưu thế trong nghị viện, là người quyết định đường lối chính trị của chính phủ.
- Ngày nay, hình thức chính thể quân chủ lập hiến vẫn tồn tại và trở thành một trong những hình thức chính thể phổ biến. Điển hình là Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha,…
– Chính thể cộng hòa tổng thống
- Trong hình thức này, tổng thống là người nắm quyền lực chính trị. Tổng thống do nhân dân trực tiếp bầu hoặc do đại hội cử tri bầu ra theo nhiệm kỳ. Khi thực hiện quyền lực nhà nước, tổng thống độc lập với nghị viện và có quyền ngang bằng với nghị viện.
- Tổng thống có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn các thành viên của chính phủ và nghị viện không được quyền bác bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ.
- Tổng thống cũng có quyền phủ quyết các dự án luật đã được nghị viện thông qua. Nhưng tổng thống không được quyền giải tán nghị viện trước thời hạn, và nghị viện cũng không được quyền giải tán chính phủ. Ở đây, sự phân định quyền lực giữa tổng thống và nghị viện, chính phủ khá rõ ràng. Hình thức này hiện vẫn tồn tại tại Hoa Kỳ.
– Chính thể cộng hòa đại nghị
- Chính thể cộng hòa đại nghị hay còn gọi là chính thể cộng hòa nghị viện. Đặc điểm của mô hình này là thủ tướng là người nắm quyền lực chính trị và là người quyết định và chịu trách nhiệm về đường lối chính trị của chính phủ. Thủ tướng luôn là thủ lĩnh của đảng chiếm ưu thế trong nghị viện, vì vậy, quyền hạn của thủ tướng là rất lớn.
- Đây là hình thức chính thể mà chính phủ được thành lập trên cơ sở đảng chiếm đa số nghế trong nghị viện và chịu trách nhiệm trước nghị viện, nghị viện có quyền kiểm tra và giám sát hoạt động của chính phủ.
- Tổng thống do nghị viện bầu ra. Tổng thống có quyền chọn thành viên chính phủ nhưng phải là những đại biểu từ Đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện. Trong hình thức chính thể cộng hòa đại nghị, vai trò của tổng thống tương đối mờ nhạt trước thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Các văn bản do tổng thống ban hành đều phải có chữ ký của thủ tướng hoặc bộ trưởng tương ứng – những người chịu trách nhiệm về các văn bản đó.
- Hình thức này tồn tại ở Đức, Áo, Ý.
Ngoài chính thể cộng hòa tổng thống và cộng hòa đại nghị, còn tồn tại hình thức chỉnh thể cộng hòa hỗn hợp (hay cộng hòa lưỡng tính).
- Điển hình là Pháp, chế độ cộng hòa đại nghị vẫn được duy trì nhưng quyền lực của tổng thống được tăng cường, tổng thống được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Tổng thống bổ nhiệm chính phủ, chỉ có quyền điều hành chính phủ nhưng không được đứng đầu chính phủ. Trong trường hợp cần thiết, tổng thống có quyền giải tán cả nghị viện.
- Điểm đặc trưng của chính thể cộng hòa hỗn hợp là xây dựng chính quyền hành pháp mạnh nhưng có các cơ chế kiểm tra và giám sát thích hợp để hạn chế đến mức tối đa sự lạm dụng quyền lực.
b. Hình thức cấu trúc
– Nhà nước đơn nhất
- Hình thức cấu trúc đơn nhất là hình thức phổ biến nhất của nhà nước tư sản. Hình thức đơn nhất tồn tại ở Pháp, Thụy Điển, Nga, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Phần Lan,…
- Đặc điểm cơ bản của nhà nước đơn nhất là chỉ có một chính phủ, một hiến pháp, một quốc tịch, một hệ thống pháp luật thống nhất, một hệ thống cơ quan nhà nước ở trung ương thống nhất (gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp), các cơ quan chính quyền địa phương được tổ chức và hoạt động theo quy định chung của chính quyền trung ương.
– Nhà nước liên bang
- Hình thức cấu trúc liên bang được áp dụng ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Thụy Sỹ,… Trong các nhà nước liên bang có nhiều nước thành viên (bang). Ở mỗi bang có hiến pháp và các đạo luật riêng của bang do cơ quan lập pháp của bang ban hành. Trong cơ cấu tổ chức, các bang đều có các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
- Tuy nhiên, các bang không có chủ quyền riêng và không có quyền tách khỏi liên bang. Nhà nước liên bang có hiến pháp và hệ thống pháp luật của mình. Hiến pháp và các đạo luật của nhà nước liên bang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ và có hiệu lực cao nhất, là cơ sở của toàn bộ hệ thống pháp luật liên
– Nhà nước liên minh
- Nhà nước liên minh là sự liên kết giữa các quốc gia độc lập vì những nhiệm vụ chính trị, quân sự hoặc kinh tế bằng hiệp ước do các thành viên liên minh thỏa thuận, như liên minh ở Mỹ từ 1776 – 1787, Đức 1876, Liên minh Thụy Sỹ 1848, hiện nay có liên minh Châu Âu.
- Xét về góc độ pháp lý, chính quyền liên minh có cơ cấu tổ chức không chặt chẽ và chỉ gây được ảnh hưởng mang tính quyền lực đối với các nước thành viên trong một số lĩnh vực nhất định.
c. Chế độ chính trị
– Chế độ dân chủ tư sản.
Trong các chế độ chính trị do nhà nước tư sản thực hiện, chế độ dân chủ tư sản là cơ chế chính trị tốt nhất. Nó được biểu hiện bởi các dấu hiệu:
- Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
- Bộ máy nhà nước được thiết lập theo nguyên tắc phân chia quyền lực.
- Có sự thừa nhận sự bình đẳng của công dân trước pháp luật và người dân được sử dụng rộng rãi các quyền tự do dân chủ như quyền sống, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, quyền bất khả xâm phạm về thân thể,….
- Có sự tồn tại công khai của đảng cầm quyền, các đảng phái độc lập và có tổ chức xã hội tiến bộ
- Nguyên tắc pháp chế tư sản được thực hiện như có thiết chế giám sát hiến pháp bằng hệ thống tòa án tư pháp
– Chế độ quân phiệt
- Là cơ chế sử dụng bạo lực của các nhóm tư sản phản động lũng đoạn. Đặc trưng của chế độ này là mọi quyền tự do, dân chủ bị hạn chế tới mức tối đa; các đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội độc lập bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị đàn áp dã man, các thể chế dân chủ bị vô hiệu.
- Biến dạng của chủ nghĩa quân phiệt là chế độ phát xít. Chế độ phát xít xóa bỏ hoàn toàn các thể chế dân chủ tư sản, cấm mọi tổ chức, đảng phái đối lập hoạt động, thực hiện đàn áp dã man, khốc liệt đối với những người tiến bộ trong nước và thực hiện khủng bố tàn bạo với các dân tộc bị chúng xâm chiếm. Ví dụ như chế độ phát xít ở Ý năm 1922, phát xít Đức năm 1933,…
Nguồn tham khảo: topica.edu.vn
5/5 – (1 bình chọn)