Nhà làm phim trẻ Josh Levy: ‘Tôi không hạnh phúc ở Mỹ nên đã đến Việt Nam’
Nhà làm phim trẻ Josh Levy: ‘Tôi không hạnh phúc ở Mỹ nên đã đến Việt Nam’
- Thùy Linh
- BBC Tiếng Việt
6 tháng 1 2019
Nguồn hình ảnh, Josh Levy
Chụp lại hình ảnh,
Nhà sản xuất phim Josh Levy
Josh Levy đến Việt Nam vào mùa thu 2012 với một mong mỏi duy nhất là “đi tìm hạnh phúc cho chính mình”.
Chuyến đi dự định 6 tháng đã kéo dài đến 5 năm, và giờ Levy cảm thấy Việt Nam như “ngôi nhà” thứ hai của anh, nơi anh tiếp tục theo đuổi đam mê làm phim và truyền cảm hứng và hiểu biết của mình cho thế hệ nhà làm phim Việt và khán giả Việt trẻ.
Thùy Linh của BBC vừa có một buổi trò chuyện ngắn với nhà sản xuất Josh Levy nhân đầu năm 2019.
BBC: Anh có thể kể lại tại sao anh lại quyết định đến Việt Nam không?
Tôi lớn lên ở miền Bắc California và xuống Nam Cali để theo học ngành phim ảnh. Tôi từng làm việc cho FOX Sports Network và điều phối sản xuất cho Disney. Tuy nhiên khi đó công việc của tôi vô cùng căng thẳng. Rồi ông tôi mất và tôi vừa kết thúc một mối quan hệ tình cảm lâu năm.
Tôi quyết định nắm lấy cơ hội đi theo một người bạn thời đại học của mình đến Việt Nam.
Tôi chưa từng đến châu Á bao giờ nên mọi thứ khá hỗn loạn với tôi. Thú thật, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quen với phố xá Hà Nội.
Nhiều người Việt cũng hay hỏi tôi là ‘Tại sao anh lại đến Việt Nam? Anh đang làm ở Hollywood cơ mà’, họ nghĩ nó là một bước lùi.
Tôi đã không hạnh phúc khi ở Mỹ nhưng tôi đến Việt Nam không phải vì việc làm, không phải vì tôi muốn tìm hiểu Việt Nam mà đơn giản là muốn tìm thấy chính mình.
Tôi chỉ định ở đây 6 tháng, nhưng sau 6 tháng, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều, và tôi muốn dành thêm nhiều thời gian ở Việt Nam.
Nguồn hình ảnh, Ever rolling films
Chụp lại hình ảnh,
Một cảnh trong phim ROOMMATE
BBC: ever rolling films ra đời trong hoàn cảnh nào? Mục đích của ever rolling films là gì?
Sau khi quyết định ở lại Việt Nam thì tôi bắt đầu tìm kiếm việc làm. Tôi vẫn muốn làm phim và tôi may mắn đã tìm được một số bạn trẻ cũng đam mê làm phim và chúng tôi thành lập công ty của mình – công ty sản xuất phim ever rolling films.
Mục đích của chúng tôi là tạo ra những bộ phim hay từ những nhà làm phim Việt và theo đó là đồng thời quảng bá Việt Nam đến với khán giả quốc tế.
Quả thực, nhiều người chỉ biết đến Việt Nam qua một số món ăn, hay qua cuộc chiến Việt Nam. Nhưng tôi nhận ra rằng Việt Nam còn nhiều hơn thế, và có rất nhiều tài năng trẻ, cộng với kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ của tôi, tôi có một cơ hội lớn ở đất nước đang phát triển này.
Tôi cũng nhận ra số lượng phim cũng như chất lượng phim đang được sản xuất ở Việt Nam khá là hạn hẹp, nhưng lại có rất nhiều bạn trẻ tài năng và với sự ảnh hưởng của Internet, tôi cảm thấy mọi thứ đang thay đổi rất nhanh ở Việt Nam.
Và tôi thấy kinh nghiệm của tôi ở Việt Nam sẽ có giá trị hơn là ở Mỹ.
Nguồn hình ảnh, Ever rolling films
Chụp lại hình ảnh,
Một cảnh trong phim ngắn LAM
BBC: Anh nhận thấy làm phim độc lập ở Việt Nam thì có những thách thức gì?
Ôi, làm phim ở Việt Nam thì có vô vàn thách thức.
Thứ nhất, tìm nguồn tài trợ là một trong những vấn đề lớn nhất đối với giới làm phim độc lập. Phim truyện (feature film) thường rất tốn kinh phí sản xuất và cần nhiều nguồn tài trợ.
Thứ hai là sự thiếu thốn về nguồn lực và đào tạo các nhà làm phim.
Có rất nhiều nhà quay phim cho các chương trình truyền hình, sự kiện, TV show, nhưng lại có rất ít các vị trí khác. Như tôi cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm các nhà sản xuất phim. Chính tôi thật ra đang đào tạo một số nhà sản xuất phim trẻ.
Theo tôi, có ba yếu tố làm nên một bộ phim hay: một kịch bản hay, một nhà sản xuất giàu nguồn lực và sự diễn xuất tốt. Tôi thấy cả ba yếu tố này đều thiếu ở Việt Nam và cần được bổ sung và đào tạo nhiều hơn.
Nguồn hình ảnh, Ever rolling films
Chụp lại hình ảnh,
Một cảnh trong ROOMMATE
BBC: Làm phim ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào?
Hầu hết phim ngắn đều là tự người làm phim bỏ túi ra, hoặc gia đình bạn bè hỗ trợ. Và đoàn làm phim thường là những người tình nguyện.
Ở Mỹ, thì khi một người được nhờ giúp đỡ với một dự án phim ngắn, thường họ sẽ cân nhắc xem nó có lợi cho cả đôi bên (win/win) hay không. Họ thường tham gia giúp bạn làm phim vì họ muốn sau này bạn có thể sẽ giúp lại họ làm bộ phim của họ hoặc họ thấy bộ phim có nhiều triển vọng và muốn tham gia để sau này đưa nó vào lý lịch xin việc. Thường thì họ cân nhắc rất kỹ họ được và mất gì cho nỗ lực đóng góp của mình.
Còn ở Việt Nam, tôi cảm thấy có nhiều sự thích thú hơn, bởi vì nó có vẻ là một cơ hội mới, trải nghiệm mới cho nhiều người.
Nếu một người muốn làm phim ngắn thì họ chỉ cần gọi cho bạn bè, gia đình của họ và nhiều người sẽ đến, và thường là để giúp một người đạt được niềm đam mê của mình hơn là ‘tôi sẽ được lợi như thế nào’. Tôi cũng chưa nghe một đạo diễn trẻ nào nói về vấn đề tiền bạc.
Tuy nhiên điều này cũng vừa tốt và vừa xấu. Vì ở Việt Nam người ta thiếu một mạch làm việc cụ thể, một sự tôn trọng và thấu hiểu đối với những vai trò quan trọng như đạo diễn, sản xuất, biên kịch.
Nguồn hình ảnh, Ever rolling films
Chụp lại hình ảnh,
Một cảnh trong phim ngắn LAM
BBC:ROOMMATE bộ phim ngắn đầu tiên của ever rolling films đoạt giải thưởng Đạo diễn hay nhất cho phim ngắn tại giải thưởng Hanoi International Film Festival (HANIFF 2018) và nó cũng là bộ phim ngắn đầu tiên gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) thành công. Anh có thể chia sẻ bí quyết được không?
Rất nhiều người ở Việt Nam không quen với với việc kêu gọi vốn cộng đồng. Họ chỉ nghĩ đơn giản là “tôi có ý tưởng, tôi sẽ đi xin tiền và họ sẽ đưa tôi tiền và tôi sẽ làm một bộ phim”.
Chúng tôi thì nhìn nhận việc kêu gọi vốn như thế này, ‘Đây là bộ phim chúng tôi muốn làm, đây là kinh phí tối thiểu’ và có nhiều nguồn tài trợ khác mà chúng tôi đang kêu gọi. Nếu nguồn này thất bại thì chúng tôi vẫn có kế hoạch khác với những nguồn tài trợ khác, và như thế này thì một ý tưởng hay sẽ không phải chết.
Với ROOMMATE, chúng tôi quay trong hai giai đoạn và không kêu gọi góp vốn cộng đồng cho tới khi giai đoạn một hoàn thành. Mục đích là để chúng tôi dựng một trailer cho những người góp vốn có thể thấy ý tưởng của bộ phim, và biết rằng bộ phim có thể hoàn thành, số tiền họ đóng góp sẽ được sử dụng hiệu quả.
BBC: Phim ngắn Lam, tập trung vào những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của một người phụ nữ trong thế giới hiện đại. Đây cũng là bộ phim mà đoàn làm phim hầu hết là nữ, anh có thể chia sẻ thêm về bộ phim này được không?
Đây là phim ngắn về những khó khăn mà một người phụ nữ Việt hay gặp phải. Đôi khi nó chỉ là những hành động rất nhỏ, mà chúng ta thường không để ý đến, từ những người thân đến những người lạ, tạo ra những áp lực, bức xúc từ bên trong.
Việc chúng tôi có đoàn làm phim toàn nữ thì thật ra cũng không phải là một lựa chọn có chủ đích, mà chúng tôi chỉ tìm kiếm những người có khả năng và phù hợp nhất với các vị trí. Điều này cũng có lợi khi bộ phim có nhiều cảnh quay nóng nên diễn viên nữ chính cũng cảm thấy thoải mái hơn.
BBC: Ngoài các dự án phim ra, ever rolling films cũng quản lý trang FacebookChuyện Bỏng Ngô, một trang phân tích phim cho giới trẻ. Xem ra là anh không chỉ đang giúp đào tạo một thế hệ các nhà làm phim trẻ mà anh cũng đang giúp khán giả Việt Nam có thêm kiến thức thường thứcphim?
Chúng tôi có nhìn nhận lại những bộ phim chúng tôi làm, và những bộ phim chúng tôi dự định làm trong tương lai, và nhận ra rằng chúng tôi không có nhiều khán giả về thể loại nội dung này.
Vì vậy chúng tôi muốn tạo ra một kênh phân tích phim và dạy cho người Việt về nghệ thuật phim ảnh và góc nhìn của các nhà làm phim chúng tôi.
Chúng tôi không hứng thú với các bộ phim Hollywood áp đảo phòng vé, mà thiên về những bộ phim truyền cảm hứng cho chúng tôi, những bộ phim nghệ thuật và phim độc lập (giống của chúng tôi).
BBC: Anh có ý định ở lại Việt Nam lâu dài không?
Có. Đây là kế hoạch duy nhất của tôi. Tôi đã xăm logo của công ty lên tay tôi rồi (cười). Tôi chỉ định ở đây 6 tháng nhưng giờ tôi đã ở đây 5 năm rồi.
Và tôi cảm thấy mình được truyền cảm hứng ở đây. Tôi đã được dạy là hãy cho đi những gì bạn đã được nhận lại và Việt Nam đã cho tôi thấy điều đó.
Nếu có những nhân vật, những câu chuyện nổi bật về giới trẻ, về cộng động người nước ngoài tại Việt Nam,xin hãy chia sẻ với tác giả, email: [email protected].
Xem thêm về điện ảnh: