Nhà cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử có quyền và nghĩa vụ gì?

Cụ thể, theo dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ thì tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có những quyền sau: Được ký hợp đồng bằng văn bản với người mua về cung cấp và sử dụng dịch vụ về hóa đơn điện tử, trong đó phải quy định rõ về trách nhiệm của các bên liên quan đến nội dung của hóa đơn điện tử.

Được quyền từ chối cung cấp dịch vụ đối với cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện tham gia giao dịch, hoặc vi phạm hợp đồng.

Được thu tiền sử dụng dịch vụ từ người mua dịch vụ để đảm bảo duy trì hoạt động theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa hai bên.

quyennghiavu_hddt-01.png

Về nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử, nhà cung cấp phải công khai thông báo phương thức hoạt động, chất lượng dịch vụ trên website giới thiệu dịch vụ của tổ chức.

Khởi tạo, truyền, nhận, lưu trữ, xử lý dữ liệu hóa đơn điện tử, truyền nhận hóa đơn điện tử giữa người mua dịch vụ với cơ quan thuế (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật và theo thỏa thuận giữa hai bên; thực hiện việc gửi, nhận đúng hạn, toàn vẹn hóa đơn điện tử theo thỏa thuận giữa hai bên.

Lưu giữ kết quả các lần truyền, nhận hóa đơn điện tử; bảo đảm giữ bí mật về dữ liệu các thông tin về hóa đơn điện tử theo thỏa thuận giữa hai bên; thông báo cho người mua dịch vụ trước 30 ngày kể từ ngày tạm ngừng kinh doanh, ngừng cung cấp dịch vụ, dừng hệ thống để bảo trì và biện pháp để xử lý, đảm bảo quyền lợi của người mua dịch vụ.

Nguồn: Nhật Minh, thoibaotaichinhvietnam.vn, 15-9-2021